Đôi điều về hình tượng sư tử

Tranh sư tử, Thái Lan gọi là Nora singh. Miến Điện gọi là Munussiha
Tranh sư tử, Thái Lan gọi là Nora singh. Miến Điện gọi là Munussiha

NSGN - Gần đây trên phương tiện truyền thông có nhiều ý kiến về việc đặt tượng sư tử đá ở các di tích, đặc biệt là ở chùa Một Cột ở Hà Nội. Bài viết này nhằm cung cấp một số dữ liệu lịch sử - mỹ thuật liên quan đến sư tử nhằm đóng góp vào việc hiểu biết rõ thêm về linh vật này.

1. Trước hết cần phải lưu ý điều này: Trung Quốc (và cả Việt Nam ta) là xứ sở không có sư tử. Do đó, trong lịch sử xa xưa thì hổ/ cọp được tôn làm con vật thượng thủ của loài thú, thay vì sư tử như các xứ có sư tử. Theo nhiều công trình nghiên cứu, từ “sư tử” của Trung Quốc bắt nguồn từ “shiar” của người Ba Tư. Thông qua các nước Tây Á, người Trung Quốc mới có được con vật dũng mãnh này: các sứ giả đã cống sư tử cho vua Trung Quốc. Về sau, đến đời nhà Đường (618-906), khi quân Trung Quốc lấn sâu vào vùng Trung Á thì họ mới tận mắt thấy sư tử sống hoang dã thật sự.

3.JPG

Chinthe/Miến Điện

Trong thực tế, sư tử không xuất hiện trong danh mục đề tài mỹ thuật sơ kỳ của Trung Quốc. Hình tượng sư tử được du nhập theo sự truyền bá của Phật giáo. Theo đó, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni được tôn là Pháp vương, giống như sư tử là vua của loài thú: lời thuyết pháp của Phật được gọi là “sư tử hống” (tiếng rống của sư tử), biểu thị uy lực và diệu dụng của Phật pháp thu nhiếp được tất thảy chúng sinh. Cũng có dữ liệu cho rằng Phật là sư tử của dòng họ Sakya. Những điển tích đó giải thích việc khắc chạm một cặp sư tử trên tọa cụ của Phật Thích Ca xuất hiện ngay thời “vô tượng kỳ” - khoảng 500 năm sau khi Phật Thích Ca nhập Niết-bàn - là thời kỳ không được phép tạc tượng Phật theo hình dạng con người. Đây là nguồn cội của việc thể hiện vô số sư tử, cả điêu khắc lẫn hội họa trong mỹ thuật các quốc gia Viễn Đông chúng ta. Sư tử thường được coi là vật bảo hộ cho đền chùa hay các ảnh tượng (có khắc vẽ sư tử trên đó). Trong ngôn ngữ thông tục của giới sưu tập cổ vật phương Tây, sư tử thường được gọi là “Phúc khuyển” hay “Phật khuyển” là do ảnh tượng sư tử luôn gắn với ảnh tượng Phật giáo, với chùa chiền Phật giáo. Cách gọi này trong văn hóa phương Tây, có lẽ bắt nguồn từ cách người Nhật Bản gọi sư tử là “Cao Ly khuyển”, hoặc từ cách người Trung Quốc gọi một loài chó xù là “sư tử cẩu”. 

2. Tuy xuất hiện muộn, song cặp đôi sư tử, cạnh tranh với đồ án “lưỡng long”, là cặp đôi có chức năng “trấn giữ” đền chùa, điện, công thự, thậm chí cả lăng mộ ở Trung Quốc. Chúng thường được thể hiện ở tư thế “sẵn sàng chiến đấu” và hình tướng luôn có dáng vẻ đe dọa!

Loại sư tử trấn giữ này được xác định là có từ thế kỷ thứ III sau Tây lịch. Trong khi đó, múa sư tử, một hình thức biểu diễn đã trở thành truyền thống trong dịp lễ Nguyên tiêu (rằm tháng Giêng) hàng năm vốn gốc từ vùng Tây Á du nhập vào Trung Quốc vào đời nhà Đường. Bấy giờ vũ công múa sư tử đeo mặt nạ sư tử làm bằng gỗ với mắt màu vàng kim, răng bạc trắng và đuôi tết bằng những sợi dây. Đến đời nhà Tống, sư tử được coi là “chúa của muôn thú”, giống như quan niệm của phương Tây và rồi trong các tiểu thuyết chương hồi thế kỷ XVII, sư tử được miêu tả như một “linh thú”, sư tử thành vật cỡi đầy quyền năng của các nhân vật trong truyện Phong thần. Điều này có thể coi là “phiên bản” của ảnh tượng Bồ-tát Văn Thù cỡi sư tử thuộc quy phạm đồ tượng học truyền thống Phật giáo hay xa xưa hơn là biểu tượng Nara-simha (người sư tử), kẻ có sức mạnh và lòng dũng cảm diệt trừ cái ác và sự ngu muội/ vô minh(1).

Trong ngữ cảnh văn hóa Hán, sư tử là con vật thuần túy có tính biểu trưng, hình tướng cách điệu cao, thậm chí khó tìm thấy chi tiết nào giống như sư tử thật. Nó có công năng bảo hộ, chống lại các thế lực ác độc, tà mị và đồng thời cũng mang lại điều tốt lành, thịnh vượng. Điều đáng lưu ý là nguyên tắc cặp đôi sư tử đực-cái của Trung Quốc, biểu thị cho “Âm-dương điều hòa”, điều kiện chính yếu làm nền tảng cho điều cát tường “Mưa thuận gió hòa” tạo nên thành quả “Phong đăng hòa cốc”... Ở đây, dường như quy thức cặp đôi sư tử như vậy hàm chứa sự bảo thủ tín lý “cặp đôi lưỡng tính” của linh thú Kỳ-Lân cổ xưa. Cũng như Phượng-Hoàng, Uyên-Ương, Kỳ-Lân (Kỳ=đực, Lân=cái) biểu trưng cho cái Một lưỡng tính (androgyne), hàm chứa ý nghĩa vũ trụ, ý nghĩa khởi nguyên.

Về sau, khi thuyết âm dương thịnh hành, các cặp đôi lưỡng tính cũng được hiểu theo sự phân biệt giới tính đực/cái, trống/mái. Sư tử luôn được thể hiện cặp đôi, con đực “hý cầu” (đùa với quả tú cầu) và con cái lại có thêm một sư tử con - theo ý nghĩa “lân mẫu xuất lân nhi”. Lại nữa, sư tử cái biểu trưng cho việc bảo vệ bên trong và sư tử đực bảo vệ kiến trúc (nhà ở, đền, chùa, lăng mộ, cung cấm...). Mặt khác, lắm khi sư tử cái ngậm miệng và con đực lại há miệng rộng ra và được coi là biểu tượng hóa việc phát âm từ “Om” và từ “Hum”, từ mở đầu và từ kết thúc phổ biến trong các chơn ngôn, mật chú.

6.JPG

Rêachsei/Khmer

Ở châu Á, sư tử vốn tồn tại khắp nơi trong giới hạn lịch sử của vùng Tây Nam Á, Trung Á và rồi cũng được xác tín là con vật canh giữ/bảo vệ trong văn hóa Trung Quốc vào thời nhà Hán, thông qua việc trao đổi văn hóa nhờ sự phát triển thương mại của Con đường tơ lụa nối các quốc gia cổ vùng Trung Á của người Sgdiana, Samarkand và Nguyệt Thị với Trung Quốc. Sư tử được đưa đến Trung Quốc hoặc là loại da sống hay vật sống dùng để cống tiến, biếu tặng cùng với những tích truyện về sư tử được các Tăng sĩ Phật giáo và những nhà du hành kể lại. Việc biếu tặng sư tử từ Trung Á được ghi chép nhiều lần trong Hậu Hán thư (biên soạn từ năm 25 đến năm 220 sau TL) là chứng cứ lịch sử đáng lưu ý. Dị bản sư tử Phật giáo của Trung Quốc cũng xuất hiện từ đời nhà Hán: sư tử hộ pháp được thấy trong các tác phẩm nghệ thuật tôn giáo sớm nhất, có niên đại là năm 208 sau CN. Dần về sau, sư tử trở thành linh vật bảo vệ cung điện, đặt ở cổng thành của hoàng cung, cung nội. Từ đó, hình tướng của sư tử được sáng tạo đa dạng, với các chi tiết trang trí mỹ lệ và dáng vẻ dữ dằn. Chúng được định hình và chuẩn mực hóa vào thời Minh, Thanh. Hình tượng sư tử từ Trung Quốc truyền sang Cao Ly, rồi Nhật Bản, Việt Nam , Đông Nam Á... và tín niệm ở từng quốc gia đó cũng đổi khác.

1.jpg

Shisa/Nhật Bản

Ví dụ ở Nhật Bản, loại sư tử-chó Komainu thường đặt cặp đôi để bảo vệ các đền thờ Thần Đạo, được coi là có nguồn gốc từ tượng sư tử trấn giữ Trung Quốc. Đôi khi Komainu cũng được thấy đặt ở chùa Phật và các tư dinh của tầng lớp quý tộc Nhật Bản. Komainu là cặp đôi có công năng trấn giữ, trừ tà; song các tượng thời hiện đại thường là một con há miệng và một con ngậm miệng. Tín niệm này bắt nguồn từ loại tượng hộ pháp Phật giáo mà chúng ta thường gọi là “Hanh Cáp nhị tướng” (Hai tướng Hít Thở). Ở đây, có nhiều cách cắt nghĩa về hình tướng này. Có ý kiến xác định rằng Komainu đực hít vào, biểu thị cho sự sống; và con cái thở ra, biểu thị cho cái chết. Lại có ý kiến cho rằng, cái miệng há ra là nhằm phát âm mẫu tự “A” (Sanskrit) và cái miệng ngậm lại phát âm mẫu tự “Um”, biểu thị sự mở đầu và kết thúc của mọi sự vật. Aum là âm tiết thiêng của nhiều tôn giáo như Ấn giáo, Phật giáo, Kỳ Na giáo... Theo đó, có Komainu dạng A và Komainu dạng Um. Ngoài ra, trong từng tọa độ địa lý-lịch sử ở xứ Nhật Bản, có nhiều dị bản Komainu khác như Komainu có một sừng giữa trán (như kỳ lân), Komainu thuộc dạng Shisa (tổng hợp thể giữa sư tử và chó) phổ biến ở vùng Okinawa, và loại Komainu mang hình chồn (ngậm trong miệng một cuộn kinh, hay chiếc chìa khóa hoặc một món đồ trang sức) bảo vệ khoảng 30.000 đền thờ Inari trên khắp nước Nhật. 

5.jpg


Gajasimha/Madhya Pradesh, Ấn Độ

3. Trên đây là sơ lược những đặc điểm chính yếu về sự du nhập và biến hóa của tín niệm và hình tượng sư tử ở các cộng đồng chịu ảnh hưởng văn hóa Hán. Ở các quốc gia Ấn hóa, tình hình có phần đa tạp không kém.

Là con vật thượng thủ trong các loài thú, sư tử chính là hiện thân của quyền lực, của hiền minh và chân lý nên cũng khiến nó là biểu tượng của các bậc tôn quý. Sách Gita: Krishna là sư tử giữa các loài thú; Đức Phật là sư tử của dòng tộc Sakya; và kinh, luận Phật giáo thường lấy sư tử dụ cho đức vô úy và sự vĩ đại của Đức Phật; tòa ngồi của Đức Phật gọi là “tòa sư tử” (simha-sana); Phật thuyết pháp gọi là “sư tử hống” (simhanada)...(2).

Huy hiệu của Aśoka (232, tr. CN) (vị vua sùng tín Phật giáo đã lấy lại Ấn Độ từ tay người Hy Lạp và Ba Tư, thống nhất đất nước) mang hình ba con sư tử tựa lưng trên một cái bệ hình bánh xe, với tiêu ngữ: Chân lý sẽ thắng. Do lòng sùng đạo của Aśoka, ba con sư tử có thể biểu trưng cho Tripitaka (Tạm tạng kinh điển của Phật giáo) và cũng có thể biểu trưng cho Tam bảo Phật-Pháp-Tăng.

Với các nội dung biểu trưng nêu trên, sư tử từ Ấn Độ đã thâm nhập vào văn hóa của các cộng đồng, quốc gia Đông Nam Á. Một cách tổng quát, ở khu vực này, khá giống với Ấn Độ, đều tồn tại đồng thời hai loại sư tử: một là, sư tử tự nhiên (simha) với sức mạnh thù thắng của chính nó; và hai là, loại sư tử thiêng, kết hợp sư tử với một số bộ phận của các con vật khác để tạo thành những loại linh vật - giống sư tử có tính chất siêu nhiên.

Ở Ấn Độ, sư tử siêu nhiên phổ biến ở các đền thờ Ấn giáo là Yali (còn được gọi là Vyala, hay Sarabham, hoặc Vidala). Đây là môtip mỹ thuật Ấn Độ, đặc biệt phổ biến ở Nam Ấn. Những ghi chép về Yali trong thư tịch rất cổ xưa, nhưng trở nên chủ đạo trong điêu khắc Ấn Độ vào thế kỷ XVI. Yali có kết hợp sư tử và các con vật khác nên được coi là có sức mạnh hơn sư tử/ cọp hoặc voi...

Về hình tướng Yali có thân uyển chuyển giống mèo, nhưng đầu sư tử, có thêm ngà voi (gaja) và đuôi rắn. Loại sư tử kết hợp với voi được biết phổ biến và được định danh là gaja-simha (Sanskirt) hoặc gajasiha (Pali). Mặt khác, có loại Yali thân sư tử cách điệu và đầu là các con vật khác: phổ biến nhất là voi (gaja-vyala), kế đó là đầu sư tử (simha-vyala), ngựa (ashva-vyala), đầu người (nir-vyala) và đầu chó (shvana-vyala)(3).

Các công trình nghiên cứu về mỹ thuật Đông Nam Á đã chỉ ra sự hiện diện của loại hình tượng sư tử thuần túy (simha) và các loại sư tử kết hợp với các con vật khác.

Loại sư tử thuần túy ở Thái Lan gọi là Singh (hay Rachasi) có công năng canh giữ cổng đầu tháp xuất hiện từ thời Lanna. Về hình tướng Singh tương đồng với Chinthe (Miến Điện) và Rêachsei (Khmer): Bờm có 3 lớp, cánh mọc ở vai; đứng xổm trên bệ, miệng há rộng. Đến thế kỷ XIX-XX, Singh Thái tích hợp những đặc trưng tạo hình của sư tử Trung Quốc tạo những biến tấu ngoạn mục.

Loại sư tử kết hợp với voi (gajasimha) của Thái gọi là Kho-ta-chi (Kochasri). Loại này có thân và đầu sư tử, thêm vòi và ngà voi; đôi khi có cánh và có bờm. Lại có loại Pancharup: thân sư tử, đầu voi, chân và móng ngựa, cánh đại bàng và đuôi cá.

Đặc biệt loại hình tượng kết hợp sư tử và đầu người là loại Nora singh (Thái)/ Munussiha (Miến Điện), thường là các sản phẩm ba chiều đặt ở góc chùa, tháp: hai thân sư tử thẳng góc nhau và đầu-ngực người nối tại cổ của hai đoạn thân sư tử. Đây được coi là các thần (Deva), cả nam lẫn nữ, bảo hộ cho các công trình kiến trúc(4).

Trong mỹ thuật Khmer phổ biến có hai loại sư tử. Một là, sư tử tự nhiên, được gọi là “Tao”, có công năng canh gác cổng, bậc cấp các đền, tháp, chính điện thờ Phật; và hai là loại “Rêachsei”, được tạo hình cách điệu hệt như Singh (Thái) và Chinthe (Miến Điện). Loại thứ hai này, thảng hoặc cũng thấy đặt ở cổng, bậc cấp chùa tháp, song đặc biệt phổ biến là làm bệ đỡ cho chiếc ghế dành cho sư sãi thuyết pháp và Rêachsei được coi là chúa của các loài thú ở rừng thiêng Hêmapiên (Himalaya). Sự khu biệt giữa Tao và Rêachsei này, có phần tương đồng với sự phân biệt giữa sư tử và nghê của người Việt ta. 

4. Nghê là một linh vật được một số nhà nghiên cứu khẳng định là “linh vật thuần Việt Nam được sáng tạo để bảo vệ đời sống tâm linh của người Việt”, và rằng “hình tượng mang đầy đủ ý niệm và tâm linh của người Việt Nam ”. Họ xác định nghê là hình tướng cách điệu của chó đá trấn trạch, bảo hộ làng mạc... Sự thật, nghê là loại sư tử có trong danh sách linh vật của Trung Quốc.

Theo Hán-Việt từ điển của Thiều Chửu: “Toan nghê tức là sư tử(5). Cách hiểu này phổ biến lâu đời ở Trung Quốc, cả trong văn tự lẫn trong mỹ thuật, đặc biệt trong các đồ án khánh chúc cát tường. Ngoài toan nghê/ sư tử nói trên, chúng ta còn có một loại nghê khác, là một trong chín con của rồng, còn gọi là kim nghê: hình giống sư tử, thích khói lửa nên thường đặt trên đỉnh lư hương, lư trầm. Như vậy, theo truyền thống nghê là một dạng thức tạo hình nghệ thuật của sư tử và trong chừng mực nhất định linh thú này được “rồng hóa”, được xếp vào bộ “cửu long”, chín đứa con của rồng(6). Có lẽ chính điều này đã khiến cho hình tướng nghê khác sư tử. Riêng trong nhà Phật, thỉnh thoảng thấy cụm từ “nghê tòa” trong một số bài vị chư Tổ ở các chùa. Ví dụ bài vị ở chùa Bửu Lâm (tức chùa Tổ Cái Bèo, Cao Lãnh, Đồng Tháp): “Tế thượng chánh tông, tam thập tam thế, húy Tánh Nhân, thượng Thiện hạ Châu đường thượng giác linh. Tổ sư nghê tòa(7). Ở đây, chúng ta thấy “nghê tòa” hiểu là tòa sư tử Phật ngồi thuyết pháp, ít nhiều tương đồng với chiếc ghế dành riêng cho các sư Khmer ngồi thuyết pháp đặt trên lưng con sư tử thiêng Rêachsei đã nói ở trên. Nói cách khác, “nghê tòa” là “tòa sư tử”; chỉ ra “nghê” là sư tử được thiêng hóa, dưới cái nhìn tôn kính của nhà Phật.  

 Chú thích

(1) Theo Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, Nxb. Đà Nẵng, 1997, tr.835.

(2) Xem Từ điển Phật học Huệ Quang, Cảo bản, tập 7, tr.6068-6074.

(3) Theo Dictionary of Hindu lore and legend của Anna Dallapiccola.

(4) Xem: - Chinthe/Wikipedia.

- Myanmar mythical creatures/www.myanmars.net/myanmar_culture

- Ma Thanegi: Myanmar architecture/ Cities of gold. Marshall Cavendish Ed., Singapore , 2013.

- Carol Stratton: Buddhist sculture of northern Thailand , Silkworn Book, Thái Lan, 2004.

- Piriya Krairiksh: The roots of Thai art. River Book, Bangkok , 2012.

(5) Đào Duy Anh: Hán-Việt từ điển giản yếu. Trường Thi xb, 1957, tập hạ, tr.22: “Con sư tử gọi là toan nghê”.

(6) Xem Huỳnh Thanh Bình: Rồng cát tường, Tạp chí Kiến Trúc Nhà Đẹp, 1-2012, tr.156.

(7) Xem Nguyễn Hiền Đức, Lịch sử Phật giáo Đàng Trong, Nxb. TP.HCM, 1995, tập II, tr.358.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày