Đôi vợ chồng khiếm thị & mái ấm tình thương

GN - Khi sinh ra, họ đã không được như người thường, phải sống trong mù lòa, tăm tối... nhưng rồi cũng do hoàn cảnh run rủi hai người đã gặp nhau, quyết định đến với nhau, dẫu phải trải qua bao nhiêu cách trở. Đến hôm nay, từ hai bàn tay trắng, đôi vợ chồng khiếm thị đã có một mái ấm cho riêng mình và còn cưu mang 50 số phận không may như họ cùng chung sống, đùm bọc lẫn nhau…

Cuộc xe duyên tình cờ từ ông bán vé số

Câu chuyện tưởng như chỉ có trong cổ tích ấy đang diễn ra tại Mái ấm Mây Bốn Phương (số 36A, đường Nguyễn Thị Nê, ấp Phú Hòa, huyện Củ Chi, TP.HCM), do anh Nguyễn Văn Đến (46 tuổi, quê gốc Trà Vinh) và chị Bùi Thị Kim Loan (42 tuổi, quê gốc Khánh Hòa) làm chủ. Lý giải cho tên gọi Mái ấm Mây Bốn Phương, anh Đến cho biết, anh xem mỗi số phận con người có cuộc đời không may như những áng mây lẻ loi trên bầu trời.

Và, ước mơ của anh và chị là có thể tập trung tất cả những con người có số phận bất hạnh, không nơi nương tựa khắp bốn phương về một chỗ để cùng đùm bọc lẫn nhau.

ANH XH (2).JPG
Vợ chồng anh Đến, chị Loan

Khi được hỏi về chuyện tình của mình, cả hai cùng hướng về nhau nở nụ cười hạnh phúc, dẫu họ không bao giờ nhìn thấy mặt nhau. Chị Loan kể, lúc quen anh Đến khoảng đầu năm 1995, chị đang đi học văn hóa. Làm quen qua một người bán vé số, biết anh Đến mù lòa như mình lại đàn giỏi, hát hay nên chị Loan đồng cảm. Anh kể: “Lúc đó, tôi cũng chẳng dám nghĩ gì xa xôi cả. Mà trước đó, tôi cũng tôn thờ chủ nghĩa độc thân nữa. Nhưng rồi không hiểu sao, tự nhiên chúng tôi đến với nhau khi nào chẳng biết”.

Đến với nhau trong nghịch cảnh

Đầu năm 1995, hai người bắt đầu quen nhau thì đến cuối năm đó, cả hai quyết định tiến đến hôn nhân, mặc dù gặp không ít định kiến, ngăn cản từ phía gia đình nhà anh Đến. Theo lời kể của chị Loan, dù anh Đến là người mù, nhưng lại có nghị lực, biết xoay xở làm ăn nên có nhiều cô gái bình thường trong làng sẵn sàng muốn lấy anh làm chồng.

Vì thế, khi biết anh Đến quyết định lấy một người cùng mù như mình, gia đình đã hết sức ngăn cản. Nhớ lại thời gian đó, trên nét mặt chị Loan vẫn thoáng chút buồn: “Biết thế nhưng anh ấy nói với tôi, chỉ lấy người con gái nào đến với anh trong lúc khó khăn, hoạn nạn mà thôi”. Anh Đến tiếp câu chuyện: “Với lại, tôi cũng đã chứng kiến nhiều cảnh chồng mù phải nuôi vợ sáng. Trong lúc chồng lo làm lụng vất vả, thì vợ đi theo người khác... thôi thì, xem như duyên số...”.

Vậy là hai người quyết đến với nhau, dù không có sự đồng ý của nhà chồng. Đó là thời điểm khó khăn, cam go nhất mà đến bây giờ nghĩ lại, hai người vẫn không thể quên được. Cả hai gia đình đều nghèo, trong khi đó lại không được sự hỗ trợ gì của gia đình anh Đến. Chị Loan chia sẻ: “Sắp đến ngày cưới rồi mà chúng tôi vẫn chưa có tiền để sắm đồ. Xoay xở, vay mượn mãi, cuối cùng cũng sắm xong đồ trước ngày cưới một ngày”.

Ngày tổ chức lễ cưới là thời điểm bao nhiêu khó khăn chồng chất. Trước đó, vì bố mẹ anh Đến nhất quyết không tán thành cuộc hôn nhân của hai người nên quyết định sẽ không tham gia lễ cưới. Biết được tin đó, anh Đến đành phải nhờ ông chú ruột làm đại diện cho họ nhà trai phát biểu. Nhưng đến giờ, đợi mãi vẫn không thấy người chú ấy lên.

Chị Loan kể: “Nghe mọi người kể lại, đến giờ rồi mà chú rể và bạn bè thanh niên cứ thấp tha thấp thỏm ngoài ngõ không dám vào, vì không có người lớn”. Trong lúc đang không biết xử lý thế nào thì may mắn, mấy người bạn của anh Đến thấy một ông bác (họ hàng xa của anh Đến - PV) hơn 70 tuổi đang đạp xích-lô đi ngang qua, họ liền chạy ra nói với ông này, rồi dẫn ông vào nhà để làm lễ rước cô dâu.

Đến năm 1997, hai người sinh đứa con trai đầu lòng, nhưng ngay cả khi ấy, gia đình anh Đến vẫn không thèm ngó ngàng gì hai vợ chồng. “Phải đến khi sinh thằng thứ 2, một lần tôi về quê làm giấy khai sinh cho cháu, thấy tôi làm lụng, nấu ăn, quét nhà, làm mọi thứ như một người bình thường, từ từ mẹ chồng mới chấp nhận tôi, rồi thỉnh thoảng lên chơi, thăm cháu”. Đến nay, anh chị đã có 3 đứa con, hai trai một gái. Ba người con của hai anh chị đều khỏe mạnh bình thường.

Mở mái ấm, cưu mang người cùng cảnh ngộ

Anh Đến sinh ra trong một gia đình có 3 người con, thì tất cả đều bị khuyết tật, trong đó có hai người mù, một người bị tâm thần. Ý thức được hoàn cảnh khó khăn, éo le của gia đình, nên ngay từ khi mới hơn 10 tuổi đầu, anh đã sống tự lập. Nhớ lại cuộc đời đã qua của mình, anh Đến kể: “Lúc khoảng 7 tuổi, có một người thầy tên Đặng Ngọc Giàu cũng bị mù trên thành phố biết chơi đàn xuống quê tôi dạy miễn phí, khoảng 2, 3 tháng ông ấy xuống dạy một lần rồi lại về”.

Đến năm 13 tuổi, khi đã học xong, biết đàn biết hát thì anh theo bạn bè đi khắp các tỉnh lân cận, với ước mơ tạo dựng một sự nghiệp cho riêng mình. Nhưng rồi mãi vẫn không làm được gì, cuối cùng anh quyết định lên Sài Gòn. Lúc mới lên, vì không có giấy tờ tùy thân, lại mù lòa nên không ai cho anh thuê nhà.

“Tôi đành phải đi ngủ đình, ngủ miếu. Rồi có người thấy tội nghiệp nên người ta cho mướn. Dạo đó, tôi làm đủ nghề để kiếm sống, từ bán vé số, bán bánh mì...” - anh Đến kể.

ANH XH (1).JPG

Các em ở Mái ấm Mây Bốn Phương sinh hoạt cùng tình nguyện viên - Ảnh: CTV

Khoảng năm 1987, anh mua được một căn nhà trị giá lúc đó khoảng 1 chỉ vàng bên ven sông, bây giờ thuộc khu Rạch Cát (P.15, Q.8, TP.HCM). Thỉnh thoảng, sau giờ đi làm về, ngồi buồn một mình anh lại xách đàn ra vừa đàn vừa hát. Nghe tiếng đàn hay, những thanh niên mới lớn quanh khu đó liền tìm đến xem. Tất cả đều bất ngờ, khâm phục trước một người mù lòa tài năng. Mỗi khi nghe tiếng đàn, những thanh niên này lại tìm đến phòng anh, ngồi nghe anh đàn, hát.

Thế rồi, giữa anh và họ thân thiết nhau từ khi nào không biết. Anh Đến chia sẻ: “Có khi tụi nó chơi rồi ngủ lại. Khi tôi đi tìm hiểu từng người thì thấy ai cũng có hoàn cảnh đặc biệt, tất cả đều là thành phần bất hảo, hay gây rối trong khu phố. Khi tôi hỏi, tụi nó trả lời là do gia đình không chăm sóc được, rồi bỏ đi lang thang”.

Từ đó, anh quyết định dùng tiếng đàn của mình để cảm hóa họ, dần dần cũng khiến họ thay đổi, sống có trách nhiệm hơn với mình, gia đình, họ tự tin hòa nhập với cộng đồng. Anh chia sẻ, bây giờ những người đó đều đã trưởng thành, có vợ con hết rồi, cũng có người còn nhớ đến anh, thỉnh thoảng tới thăm Mái ấm Mây Bốn Phương.

Kể về quá trình thành lập Mái ấm Mây Bốn Phương, chị Loan cho biết, sau khi hai người cưới nhau, thấy anh Đến đi bán vé số vất vả quá nên chị bảo anh chuyển sang học đàn organ, không ngờ học một tuần thì anh biết đàn. Năm 2002, anh chị mở được quán cà-phê hát cho nhau nghe. Chị Loan nói: “Thỉnh thoảng có những người bán vé số đến quán anh chị, rồi chị cho ở lại, sau này thì xin học đàn. Anh Đến nhớ lại những người bạn cũ nay đã trưởng thành, cũng một phần nhờ tiếng đàn nên chúng tôi có ý tưởng thành lập Mái ấm Mây Bốn Phương”.

Đến nay, hai người không còn bán cà-phê nữa mà chuyển sang cho thuê âm thanh, loa đài phục vụ các đám cưới, ngày lễ. Anh Đến kiêm luôn các tiết mục văn nghệ, còn chị Loan thì làm mát-xa. Mái ấm Mây Bốn Phương hiện có diện tích hơn 1.000m2, có tất cả 13 phòng và không để trống một phòng nào, người nhỏ nhất gần 1 tuổi, người lớn nhất hơn 70 tuổi, tất cả đều có số phận không may.

Chị Trịnh Ngọc Lài (37 tuổi) chồng chết, gia đình nghèo, bị lao cột sống, thận... tưởng chết đi, may nhờ anh Đến chị Loan đưa đi bệnh viện chữa trị. Chị Lài về sống tại Mái ấm Mây Bốn Phương, chị bộc bạch: “Anh chị ấy là người tốt hiếm gặp trên đời. Nếu không có anh chị thì chắc tôi đã chết rồi. Hiện trong mái ấm, anh chị ấy nhận nuôi, dạy tất cả là 50 người tật nguyền, nhưng chính quyền chỉ cho ở hơn một nửa. Ước mơ của anh chị ấy là mở rộng cơ sở vật chất, để có thể cưu mang thêm những người cùng cảnh ngộ”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày