Người đã mất theo nghiệp mà thọ sanh, chớ có đâu ngồi chờ chúng ta đốt quần áo, nhà cửa, tiền bạc xuống mà xài…", thượng tọa Thích Trực Giáo đánh giá về thực trạng đốt vàng mã tràn lan tại TP.HCM.
Trái đạo lý, tốn tiền vô ích
Thượng tọa Thích Trực Giáo cho rằng việc đốt vàng mã không những trái đạo lý mà còn tốn tiền vô ích, người trí không bao giờ chấp nhận hành động mù quáng này. Theo thượng tọa, đạo Phật chủ trương giác ngộ, mang ánh sáng trí tuệ soi rọi cho thế gian. Đi ngược chủ trương của đạo Phật là đồng nghĩa với mê tín. Vì mê tín là lối tin mù quáng, làm cho con người mất hết trí thông minh.
Ông cảnh báo việc đốt vàng mã hiện không còn gói gọn trong phạm vi cúng giỗ trong gia đình, đền chùa, miếu mạo, mà đã lan sang các công ty, xí nghiệp, cơ quan hoặc trong các buổi lễ động thổ, khởi công các công trình lớn của Nhà nước.
Tiếng nói của thượng tọa Thích Trực Giáo cùng nhiều nhà tu hành, nhà nghiên cứu, quản lý văn hóa, có thể xem là một trong những nỗ lực đánh động nhận thức của người dân, nhằm thay đổi hành vi đốt vàng mã, một tục lệ có từ rất lâu đời.
Đây cũng là một phần việc trong cuộc vận động bỏ tục đốt vàng mã mà chính quyền TP.HCM đang ráo riết thực hiện. Tháng 3/2010, chính quyền thành phố đã chính thức xếp "đốt vàng mã" là một trong sáu hành vi gây mất mỹ quan đô thị, cần giải quyết triệt để.
Nhưng làm được việc này lại không hề dễ dàng. Đây là cổ tục du nhập từ Trung Hoa, có nguồn gốc từ tục chôn đồ vật, công cụ lao động theo người đã chết. Sau, nó "biến tấu" thành tục đốt đồ mã từ dinh thự, ngựa xe cho tới vàng bạc, hình nhân để các vong nhân có "đồ dùng".
Góp một góc nhìn khác, PGS.TS Nguyễn Minh Hòa - thành viên nhóm nghiên cứu, tư vấn cho UBND TP.HCM trong việc đề xuất các chính sách kinh tế - xã hội cho rằng, đốt vàng mã cũng có ý nghĩa tâm linh và giá trị an ủi người còn sống: "Đốt và rải vàng mã không phải là hành động xấu, chúng ta không nên cực đoan lên án. Chỉ có điều nó không phù hợp với một đô thị hiện đại - văn minh".
Cấm đốt vàng mã: tế nhị và nhạy cảm
Cổ tục đốt vàng mã in sâu vào văn hóa và được kế thừa bởi nhiều thế hệ, là yếu tố được được các nhà quản lý văn hóa địa phương nêu như là khó khăn là lớn nhất. Để dẹp được, những người làm công tác vận động cần kiên trì theo kiểu "mưa dầm thấm lâu".
Bà Nguyễn Thị Ngọc Anh, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin Quận 11, TP.HCM cho rằng: Vận động người dân không rải và đốt vàng mã là việc làm hết sức khó khăn, tế nhị và nhạy cảm bởi người Việt quan niệm nghĩa tử là nghĩa tận. Ngay cả người đến viếng tang chia buồn cũng có thói quen mang nhang đèn, vòng cườm và đồ vàng mã phúng điếu người đã khuất.
Nhưng theo PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, nhận thức này là không đúng trong thực tế. Ông Hòa nói các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore đều nằm trong ảnh hưởng của Hán hóa, Nho giáo nhưng không còn hiện tượng này.
Ngoài chuyện làm việc với các cơ sở mai táng để họ không cung cấp thêm dịch vụ rải, đốt vàng mã hay đưa nội dung vận động này xuống đến các cuộc họp cấp tổ dân phố, những người phụ trách cuộc vận động đã sáng tạo một số cách thức để thuyết phục người dân.
Bà Lê Thị Thu Hương, Chủ tịch phường 14, Quận Phú Nhuận, TP.HCM nói, cán bộ tư pháp ở phường của bà sẽ trao mẫu thư ngỏ lời chia buồn có kèm nội dung vận động không đốt vàng mã khi có hộ dân đến đăng ký khai tử.
Thượng tọa Thích Duy Trấn, một tu sĩ người Hoa hiện trụ trì chùa Liên Hoa, đường Thái Phiên, quận 11, TP.HCM, nghĩ ra cách treo trước cửa chùa bảng thông báo: "Không cần đốt giấy tiền vàng mã, mà chỉ cần lời kinh, tiếng kệ để hồi hướng. Vì người quá cố không thể thừa hưởng số giấy tiền vàng mã do con cháu đốt cho".
Lời kêu gọi được bà con phật tử gần xa ủng hộ, thay vì bỏ tiền mua vàng mã thì góp vào quỹ từ thiện mà chùa lập ra, không đốt vàng mã nữa.
Thượng tọa Thích Trực Giáo đề nghị: "Đạo Phật từng dạy cái này có thì cái kia có, cái này không thì cái kia không, tức có nhu cầu thì có người cung cấp, từ đó sanh ra tệ nạn. Vì vậy, giống như đốt pháo, dẹp bỏ các cơ sở làm vàng mã là việc làm đầu tiên".