Ông Lê Hoàng Quân chúc mừng nhà báo Trần Công Đức,
Phó Thư ký tòa soạn Báo Giác Ngộ đã hoàn thành nhiệm vụ trong khóa VI
Tại Đại hội nhiệm kỳ VII của Hội Nhà báo TP.Hồ Chí Minh (9 – 10-7-2015), ngoài phần trình bày về những thành tựu đã đạt được trong nhiệm kỳ VI, còn chỉ ra một số tồn tại, khuyết điểm mà trong đó, đáng chú ý nhất là về sự quản lý các trang mạng xã hội mà trong thời gian qua đã để lại những băn khoăn, lúng túng trong việc xử lý những lệch lạc từ những thông tin của các trang mạng xã hội này.
Báo chí thường thì bao gồm báo in, đài truyền hình, đài phát thanh, báo mạng. Giữa báo in và báo mạng thì báo in thường được săn sóc kỹ lưỡng về nội dung, hình thức vì đây là báo chí truyền thống. Từ đặt tiêu đề cho đến nội dung tin, bài, báo in trong thời đại ngày nay vô cùng cẩn trọng và cũng chính vì vậy mà nó vẫn chiếm vị trí quan trọng trong lòng độc giả dù có báo mạng song hành. Báo mạng có ưu thế là thông tin được phát đi cấp kỳ từng phút, từng giờ và sự lan tỏa của nó là vô cùng lớn. Bên cạnh báo mạng chính thống hiện nay, các trang mạng xã hội cũng có tác dụng nhất định trong việc thông tin từ nhiều phía, nhiều nguồn. Theo đánh giá của cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí thì trang mạng xã hội hiện nay vô cùng phức tạp và cách xử lý nói chung là vẫn chạy theo và có biện pháp ngăn chặn những lệch lạc về mặt thông tin.
Như chúng ta biết, hiện có 8 mạng xã hội phổ biến có sức lan tỏa lớn nhất hiện nay bao gồm: Facebook, Insfagram, Google Plus, Twitter, Youtube, Myspace, Tumber, Flickr và có thêm một mạng nữa là Linked In… Trong số này, có các trang gần gũi nhất với chúng ta là Facebook, Youtube, Google Plus.
Các trang mạng này là dịch vụ trực tuyến tập trung vào việc tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng các mạng xã hội, các mối quan hệ xã hội giữa con người với nhau. Dịch vụ mạng xã hội hiện nay tồn tại dựa trên website cung cấp phương tiện cho người dùng tương tác qua internet như email, tin nhắn nhanh. Các mạng xã hội này còn cho phép người dùng chia sẻ các ý tưởng, hoạt động, sự kiện và sở thích trong mạng lưới cá nhân (thư điện tử, blog…).
Theo các chuyên gia về tâm lý và an ninh mạng, Facebook, Twitter… là các mạng mà khi ta tham gia sẽ dễ khiến ta xa rời dần thế giới thực, xao lãng mục tiêu cuộc sống, là nơi người ta cạnh tranh nhau để được nhiều like, tăng cảm giác gây sự chú ý và dễ rời xa mục tiêu thực của cuộc sống.
Điều đáng chú ý là trong phần chia sẻ ý tưởng, hoạt động, sự kiện…, một số người xấu dễ dàng trà trộn để câu móc những thông tin từ báo mạng rồi trộn lẫn vào nhau để diễn bày tư kiến, dễ dàng cho các báo chí, thông tấn nước ngoài đưa tin, bình luận một chiều, thông tin ảo sai sự thật về bản chất của vụ việc.
Do đó, mạng xã hội là con dao hai lưỡi, vừa có mặt tích cực và tiêu cực. Đối với báo chí, nhất là báo mạng, truyền thông tin, bài cần phải cẩn trọng, cụ thể và tách bạch rõ ràng, không có vấn đề chung chung, lơ lửng. Bởi vì sai một li là đi một dặm. Và cũng bởi vì sự lan tỏa của mạng xã hội là đa dạng, phong phú, và nhanh hơn báo chí truyền thống, thậm chí báo điện tử.
>> Ông Mã Diệu Cương tiếp tục đảm nhiệm Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM