Du Xuân 3 miền

Lên miền Tây Bắc: Vào thời gian từ mùng 6 tháng Giêng (19/2 Dương lịch) đến hết tháng Hai, tại các địa phương thuộc vùng Tây Bắc sẽ diễn ra nhiều lễ hội đặc sắc của bà con các dân tộc sinh sống ở đây. Đó là lễ hội Xuống đồng, lễ hội Hoa ban, hội Gấu tào, hội Xên bản, Xên mường, hội Đoọc Mong…

Miền Bắc

Lên miền Tây Bắc: Vào thời gian từ mùng 6 tháng Giêng (19/2 Dương lịch) đến hết tháng Hai, tại các địa phương thuộc vùng Tây Bắc sẽ diễn ra nhiều lễ hội đặc sắc của bà con các dân tộc sinh sống ở đây. Đó là lễ hội Xuống đồng, lễ hội Hoa ban, hội Gấu tào, hội Xên bản, Xên mường, hội Đoọc Mong… Không chỉ lễ hội, cảnh đẹp của vùng đất "trong mơ" này (cao nguyên Đồng Văn, cột cờ Lũng Cú, dòng Nho Quế xanh ngắt tại Mã Pì Lèng, Núi Đôi Quản Bạ, Mai Châu - Hòa Bình, Cao Bằng…) cũng sẽ làm xiêu lòng du khách. Từ Hà Nội và các tỉnh phía Bắc có thể đi Tây Bắc bằng đường sắt (từ ga Hà Nội) đến Lào Cai rồi đổi xe ô tô hoặc đường bộ (có xe khách đi từ bến xe Mỹ Đình) đến Hà Giang, từ đó tiếp tục đổi xe đi đến các địa danh khác hoặc thuê xe máy để đi.

Trẩy hội Kinh Bắc: Từ mùng 1 đến rằm tháng Giêng (14-28/2 Dương lịch), nơi đây có rất nhiều lễ hội đặc trưng của người Kinh ở miền Bắc. Khu vực Hà Nội có lễ hội Đống Đa (mùng 5 Tết ở đình Khương Thượng), hội Cổ Loa tại xã Cổ Loa, huyện Đông Anh (diễn ra từ 6-16 tháng Giêng để tưởng nhớ Thục phán An Dương Vương), hội Gióng Sóc Sơn (6-8 tháng Giêng) tại xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn… Bắc Ninh có rất nhiều lễ hội dân tộc nhưng nổi bật nhất là Hội Lim (huyện Tiên Du) diễn ra vào ngày 13 tháng Giêng (26/2 Dương lịch), đến đây, du khách sẽ thưởng thức những bài hát quan họ nổi tiếng được các liền anh liền chị biểu diễn trên đồi, trên thuyền, trước cửa đình…

Thăm núi Yên Tử: Lễ hội Yên Tử kéo dài từ 10 tháng Giêng (23/2 Dương lịch) đến hết tháng 3 Âm lịch. Khu di tích Yên Tử thuộc xã Thượng Yên Công, thị xã Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, cách thành phố Hạ Long khoảng hơn 40km, cách thị xã Uông Bí khoảng 14km, bao gồm một hệ thống chùa, am, tháp và rừng cây cổ thụ hòa quyện với cảnh vật thiên nhiên, nằm rải rác từ dốc Đỏ đến núi Yên Tử theo chiều cao dần, nơi cao nhất là chùa Đồng (cao 1.068m so với mực nước biển), đứng trên đây có thể nhìn ra khắp vùng Bắc Bộ rộng lớn. Từ xưa, núi rừng Yên Tử đã nổi tiếng là nơi ngoạn mục và được liệt vào Danh sơn đất Việt. Từ Hà Nội có thể đi đường Bắc Ninh (quốc lộ 1) - Phả Lại - Yên Tử hoặc đi thẳng quốc lộ 5 đến đoạn Phú Thái rẽ trái qua cầu Phú Thái rồi qua cầu tiếp sang Hoàng Thạch - Mạo Khê - Yên Tử. Từ bến xe Gia Lâm đi xe bus đi đến Uông Bí rồi chuyển xe bus của ban quản lý Yên Tử.

Du Xuân hồ Ba Bể: Thường bắt đầu từ ngày 10 tháng Giêng (23/1 Dương lịch). Hồ Ba Bể nằm ở trung du phía Bắc thuộc tỉnh Bắc Kạn, cách Hà Nội 240km, có 7 dân tộc thiểu số sinh sống ở đây (dân tộc Tày, Nùng, Dao và HMông..., trong đó người dân tộc Tày chiếm 61%). Phong tục và văn hóa truyền thống của các dân tộc này chính là nét thu hút du khách bên cạnh cảnh đẹp như cõi tiên. Hồ Ba Bể nằm ở độ cao 145m so với mặt nước biển và được bao bọc bởi những dãy núi đá vôi cao tới 1.754m. Người ta cho rằng nó được hình thành cách đây 200 triệu năm. Mang tên là Ba Bể là do 3 cái hồ thông với nhau với tổng chiều dài 8km và chiều rộng 3km, trong hồ có rất nhiều hòn đảo nhỏ, đặc biệt là Ao Tiên, tương truyền đây là nơi ngày xưa các nàng tiên trên trời thường xuống tắm và chơi cờ. Ba Bể có khu rừng nguyên sinh với hệ động thực vật phong phú và dòng sông.
Miền Trung

Khám phá Bàu Sen - Bạch Hồ: Bàu Sen thuộc xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình (Bình Thuận), cách thành phố Phan Thiết chừng 40km về hướng Đông Bắc. Bàu Sen còn có tên gọi dân dã khác là Bàu Bà, là một đầm nước mênh mông, xanh thẳm, trải dài tuyệt đẹp giữa một vùng cát trắng, bàu dài 3km, nơi rộng nhất 500m, độ sâu trung bình 5m, rộng 70ha, được bao bọc bởi những động cát. Động cát ở đây đẹp hơn ở Mũi Né, cát ở đây thuần khiết một màu trắng tinh anh, mịn màng. Ở đây còn có sen, hầu như nở cả bốn mùa.

Du Xuân 3 miền ảnh 5

Đi câu cá ở đảo Robinson: Được gọi là đảo Robinson do ốc đảo còn rất nguyên sơ, hòn Lao Câu (hay còn gọi hòn Rau Câu) nằm cách Phan Thiết 110km về phía đông - bắc. Hòn Lao Câu có chiều dài chừng 1,5km, rộng gần 1km. Toàn đảo chủ yếu là đá và cây bụi thấp, có một đền thờ thần Nam Hải. Dịp đầu năm thường có lễ hội cầu ngư. Ngoài các loài chim và hải sản quý, đảo còn có món ốc nhảy rất ngon. Đến đây có thể thuê tàu câu cá, thưởng thức ngay trên tàu, ngủ qua đêm trên tàu cũng là một trải nghiệm thú vị.

Du Xuân 3 miền ảnh 6

Thăm Đà Nẵng và các di tích lân cận: Từ Đà Nẵng có thể đến Mỹ Khê, Hội An, Non Nước, Ngũ Hành Sơn, Bà Nà để thăm cảnh đẹp thiên nhiên và nhân tạo, đồng thời thưởng thức các món đặc sản miền Trung. Nếu đi từ Hà Nội hay TP.HCM đến Đà Nẵng, thuận tiện nhất là sử dụng máy bay, rồi từ Đà Nẵng có thể đi xe bus hoặc taxi đến các vùng tham quan.

Lên Tây Nguyên mùa Xuân: Thường thì các lễ hội của bà con các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên diễn ra vào khoảng tháng 3 Âm lịch. Đó là lễ cũng đất làng của người Bana ở Kon Tum, lễ Rước hồn lúa của người M’nông, tục mừng lúa mới của người Bana, Hội đua voi Đak Lak…

Du Xuân 3 miền ảnh 7

Miền Nam

Hành hương núi Bà: Diễn ra từ chiều 30 Tết (13/1/ Dương lịch) đến hết tháng 2 Âm lịch. Núi Bà có tên đầy đủ là núi Bà Đen, năm ở huyện Tràng Bảng, tỉnh Tây Ninh, thờ Linh Sơn Thánh Mẫu. Từ chân núi, khách trẩy Hội phải đi bộ và leo núi. Ðến lưng chừng núi khách vào lễ đền Linh Sơn Thánh Mẫu rồi nghỉ ngơi hoặc tiếp tục đường mòn leo núi để lễ chùa. Có thể nghỉ lại chùa một hai ngày và ăn cơm chay. Lên cao chút nữa, gần đỉnh núi là Miếu Sơn Thần, tại đây không khí rất mát mẻ, có thể ngắm toàn ảnh hồ nước Dầu Tiếng. Bạn cũng có thể khám phá các vùng khác của Tây Ninh và thưởng thức đặc sản bánh tráng, bánh canh Trảng Bàng. Từ TP.HCM đi Núi Bà khá dễ dàng (khoảng 100 km), có thể đi về trong ngày bằng ô tô hoặc xe máy theo đường quốc lộ 22. Có thể đón xe buýt tại trung tâm điều hành xe Sài Gòn (đối diện chợ Bến Thành) để đến bến xe Củ Chi, từ đó đón tiếp xe buýt đi Gò Dầu, xe này sẽ chạy vào thẳng trung tâm thị xã Tây Ninh.

Thưởng Xuân trên sông Ray: Sông Ray bắt nguồn từ Xuân Lộc (Đồng Nai), chảy qua hai huyện Long Đất và Xuyên Mộc (thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), sau đó đổ ra biển bằng cửa Lộc An. Dòng sông Ray và cửa biển Lộc An vốn là đoạn cuối của đường mòn Hồ Chí Minh trên biển. Khu vực trung và thượng nguồn sông Ray còn có rừng cấm Phước Bửu - Xuyên Mộc với rừng nguyên sinh nhiệt đới ngập mặn bạt ngàn. Rừng có khoảng 200 loài thực vật thuộc 60 họ, nhiều loại thú như cá sấu, khỉ, chồn, trăn, rắn... Có thể thuê thuyền du lịch để du ngoạn, câu - nướng cá trên thuyền ở sông Ray. Từ TP.HCM có thể đi theo lộ trình QL1 - Long khánh - QL 56 hoặc lộ trình TP.HCM - ngã ba Vũng Tàu - QL 51 - Bà rịa - Long Hải - Hồ Cốc (sông Ray nằm giữa Long Hải và Hồ Cốc, đoạn vừa qua Lộc An một chút).

Du Xuân sông nước miền Tây: Ngồi thuyền máy xuôi sông Hậu thăm chợ nổi Cái Răng thưởng thức trái cây, đến Hà Tiên thơ mộng, thưởng ngoạn món đặc sản vùng sông nước, thăm thành phố Cần Thơ… là một trải nghiệm thú vị trong ngày Xuân khi không thiếu thời gian. Có thể thăm lần lượt các địa danh sau trong một tour dài 4-5 ngày: TP - Mỹ Tho - Bến Tre - Trà Vinh - Kế Sách - Sóc Trăng - Mỹ Xuyên - Cà Mau - Năm Căn - U Minh Hạ - U Minh Thượng - Cần Thơ - Long Xuyên - TP.HCM.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh minh họa

Người thân mất lúc nửa đêm giỗ vào ngày nào?

GNO - Ông cụ nhà tôi mất lúc 23 giờ 50 ngày 20-12-Quý Mão. Vì ông mất lúc 23 giờ 50 là giờ Tý, mà giờ Tý nối liền giữa hai ngày (từ 23 giờ ngày 20-12 đến 1 giờ ngày 21-12) nên một số người thân cho rằng ông mất vào ngày 21-12-Quý Mão. Cách tính ngày mất như vậy có chính xác không? 

Thông tin hàng ngày