Nghỉ lại một đêm sau chuyến bay từ Bangkok đến New Delhi, chúng tôi tiếp tục chuyến bay nội địa đến Dharamshala. Đây là một vùng đất ở phía Tây bắc Ấn Độ, dưới chân dãy Hymalaya. Chính phủ Ấn Độ cấp cho người Tây tạng và Ngài Dalai Lama có thể ở đến bao lâu tùy thích. Tôi nghe người Tây Tạng nói rằng, Dalai Lama chọn nơi đây vì nhìn sang phía bên kia núi là Tây Tạng, quê hương Ngài. Sân bay Dharamshala nhỏ xíu, nhưng sạch sẽ ngăn nắp với khá nhiều xe lịch sự ở bãi đỗ. Giao dịch ở các sân bay, trong thành phố cũng như khách sạn dễ dàng hơn ở Trung Quốc nhiều, vì tất cả đều nói tiếng Anh và niêm yết bằng cả hai thứ tiếng Ấn và Anh.
Từ sân bay, chúng tôi đến thẳng một tu viên mới xây để xin đằng ký dự lễ khánh thành vào ngày hôm sau. Sau đó đến nhà khách đã được đặt trước nhưng vì quá bẩn, nên chúng tôi đành bỏ. Đến tối mịt mới tìm được nơi ở mới do các khách sạn đều không còn hay không đủ chỗ cho cả đoàn, hoặc chỉ cho thuê một hai đêm vì đã có khách đặt. Khách sạn càng tốt thì càng kín người ngoại quốc.
Sáng hôm sau trên đường đến buổi lễ khánh thành, tôi thấy mọi ngả đều đông nghịt người và xe. Đang đi bộ từ bãi đỗ xe đến tu viện, thấy tiếng reo hò, chúng tôi quay lại thì một đoàn xe vụt tới và Dalai Lama ngồi trong một chiếc xe đang giơ tay vẫy chào mọi người.
Tại lễ khánh thành, Ngài Dalai Lama, người từng được giải Nobel Hòa bình, nói: "Mong muốn hạnh phúc là bản chất tự nhiên của con người, nhưng sao con người vẫn đau khổ? Đó là vì vô minh. Tham, sân, si, mạn, đố là những nguyên nhân sâu xa gây nên đau khổ cho con người. Muốn khắc phục được nguyên nhân đó, con người cần biết chuyển hóa tâm của mình. Phật pháp là giải pháp giúp con người phát triển tâm thiện, làm nhiều điều thiện giảm dần điều ác.
Nói đến Phật pháp là nói đến tâm từ bi, tâm vị tha yêu thương. "Pháp" là sự chuyển hóa tâm thức chứ các chùa chiền không phải là "pháp". Không ai chuyển hóa cho ta được từ trong tâm chúng ta tự chuyển hóa. Người Tây Tạng chúng ta được thế giới công nhận qua vấn đề nhân văn là Phật pháp...". Ngài tiếp: "Đạo Phật không phải là một tôn giáo, mà là cách sống. Phải học, phải tranh luận cho ra lẽ để hiểu. Có hiểu rồi mới tin. Đừng vì thấy người khác tin mà mình tin theo...". Ngài đã nói một cách sâu, rộng. Hai đoàn Việt Nam gần trăm người được Ngài tiếp và chụp ảnh. Xong, Ngài nói phải lên đường ngay để tới một vùng khác giảng pháp và cũng sẽ gặp những đoàn Việt Nam ở đó. Chúng tôi vẫy theo Ngài cùng đoàn tùy tùng khá dài, người nào trông cũng thông minh, rắn rỏi.
Trong những người lên đọc lời chào mừng ở buổi lễ khánh thành, một vị sư người Mỹ đã tu được hai mươi bốn năm nói: "Đạo Phật ra đời từ Ấn Độ và nay lại trở về Ấn Độ". Người dân Ấn đang quay trở lại với đạo Phật và đã có những đợt quy y tập thể đến trên cả vạn người. Ở đây, tôi gặp nhiều vị sư là người Âu, Mỹ, còn các cư sĩ Phật tử tới từ châu Âu, châu Mỹ thì rất nhiều.
Ngoài các khách sạn, họ ở tập trung trong những khu căn hộ gần nơi giảng pháp. Có người ở ngay trong nhà khách tu viện; thời gian lưu lại khá dài, từ một vài tháng trở lên chứ không ngắn như ở Tây Tạng. Richard Gere, ngôi sao điện ảnh thế giới và là một trong hai mươi người đàn ông hấp dẫn nhất thế giới (được bình chọn bởi nhiều tạp chí và các cuộc trưng cầu) cũng đã từng đến Dharamshala tu học sáu tháng. Trở về, ông đã tích cực hoạt động để phát triển Phật pháp ở Hollywood và nước Mỹ. Giờ đây, tôi thấy có thể khẳng định cảm nhận từ lâu của mình: Có nhiều người Âu Mỹ tu học Phật pháp đã từ lâu và số người này đang tăng lên.
Người Tây Tạng ở đây mặt mày tươi tắn, hoạt bát và tự tin hơn là tôi gặp ở Tây Tạng, quần áo của họ cũng đa dạng và đẹp hơn. Nơi đây có khá nhiều tu viện, song vẫn đang được xây thêm. Các sư giới thiệu có tu viện lớn trên ngàn tu sinh. Chúng tôi cũng đến thăm một tu viện khá lớn: có nhiều tòa nhà và đền đài bề thế trên một khu đồi rộng và đẹp, có gần một nghìn tu sinh. Qua người phụ trách văn phòng tu viện, tôi thấy là việc đào tạo khá bài bản. Các môn học cho các sư trẻ em trong tám năm đầu tiên là: tiếng Anh, tiếng Ấn, tiếng Tạng, toán học và âm nhạc. Sau tám năm, sẽ bắt đầu học triết và các môn khác.
Địa điểm tham quan kế tiếp của chúng tôi là quê hương của Ngài Liên Hoa Sanh. Người Tây Tạng coi Ngài là Phật của mình, vì Ngài là người có công truyền bá đạo Phật vào Tây Tạng. Chúng tôi đã đi quanh công trường đang dựng tượng của Ngài trên núi. Bức tượng vô cùng đồ sộ, cách mấy triền núi đã có thể nhìn thấy.
Chúng tôi cũng đến thăm Vườn Lộc Uyển của Dalai Lama. Gọi là Vườn Lộc Uyển, nhưng thực ra đó là một tập hợp các xưởng vẽ, thêu, may quần áo và sản xuất nhiều đồ thủ công mỹ nghệ khác nhau; có cả phòng cho các cuộc hội thảo quốc tế và nhà khách cho các vị khách quốc tế khi đến dự hội thảo. Tôi ngạc nhiên thấy khu vực bán hàng khá to cùng với nhiều sản phẩm của người Tây Tạng khá chất lượng, đẹp và đa dạng. Thực chất, khu vực này được xây dựng nhằm bảo tồn văn hóa Tây Tạng và tạo công ăn việc làm, theo lời người giới thiệu và nhận được nhiều tài trợ, đặc biệt từ Nhật Bản.
Chúng tôi cũng gặp được vài vị tái sinh và Rinpoche. "Ra đường là gặp Rinpoche" chứ không hiếm như ở Tây Tạng. Khi có thêm may mắn được vị tái sinh Karmapa tiếp, đứng trước Ngài tôi chợt sững sờ như đứng trước Phật sống. Ở Ngài hiển lộ một hình tướng thật rực rỡ: làn môi cong đẹp hệt như ở Đức Phật toát lên một tình yêu bao là và nghị lực, khuôn mặt nở nang với cặp mắt nhìn sâu thẳm và sắc sảo. Người Tây Tạng nói chắc Ngài sẽ là người kế vị Dalai Lama. Chúng tôi cũng đã đến nghe được một buổi thuyết pháp (trong đợt giảng nhiều ngày) của Ngài trước khi lên đường.
Về chủ đề "Thành công", Ngài nói: "Thế nào là thành công? Đây là vấn đề còn nhiều tranh luận. Những người tích lũy được nhiều của cải được xem là thành công vì được một số người kính nể; một con chuột kiếm được nhiều khoai về ổ cũng là thành công; một con voi để chứng tỏ giỏi hơn đã quật gẫy lưng một con voi khác có được xem là thành công không?... Ngoài xã hội có nhiều tiêu chí để đánh giá thành công. Nhưng chúng ta là con người, một con người có cuộc sống tâm linh thì có thể làm hơn rất nhiều điều mà những con vật có thể làm được...
Chúng ta nên bắt đầu nghĩ đến việc quan tâm và mang lại hạnh phúc cho người khác; phải bắt đầu biết cách phát "bồ đề tâm". Điều này có thể làm được bằng cách trước hết đối xử tử tế với mọi người, bằng cách biết tri ân những sự tử tế mà cuộc đời mang lại cho chúng ta. Những người có cái "tôi" cao thường lầm nghĩ là họ có thể sống hoàn toàn độc lập trên thê giới. Chính hiểu biết sai lầm đó làm họ gặp khó khăn trong quan hệ và khó phát khởi tâm bồ đề.
Chúng ta tồn tại không độc lập mà lệ thuộc lẫn nhau. Có người thiếu điều may này nhưng lại có điều may mắn khác. Luôn luôn phải tìm thấy điều tốt trong cuộc sống và biết cảm ơn cuộc sống này". Ngài đưa ra nhiều dẫn dụ rất hay. Tuy rời mẹ và quê hương từ khi còn nhỏ, nhưng Ngài đã nói những lời cảm động về mẹ của mình. Ngài tiếp: "Tôi thấy lạ là ít có người hạnh phúc trên thế giới mặc dù hạnh phúc là một điều gì rất tự nhiên và đơn giản. Con người đã làm cho nó trở thành phức tạp giả tạo và chính điều đó làm họ cảm thấy không dễ tìm hạnh phúc trong cuộc đời.
Muốn có hạnh phúc thì phải có niềm vui tự trong tâm...". Không một mẩu giấy trong tay, suốt hơn hai tiếng đồng hồ, người thanh niên mới hai mươi lăm tuổi này đã tuôn trào những lời tự trong tâm. Cả hội trường (đến gần nửa là "Tây") chú ý lắng nghe với những đợt cười rộ bởi cách nói dí dỏm và phong cách rất hồn nhiên của Ngài. Bà tiến sĩ người Đức trong nhóm "Tây" ngồi gần tôi thường cười rất sảng khoái. Bà nói là cảm thấy rất hạnh phúc và kể rằng bà đi lại Dharamshala đã mười bẩy năm, mỗi lần đến thường ở lại khoảng nửa năm. Bà quan sát thấy vị tái sinh này trưởng thành từng năm một; có lúc Ngài rất hồn nhiên, nhưng có lúc lại thật nghiêm nghị.
Tôi nghĩ Tây Tạng đúng là một mảnh đất đặc biệt, đã liên tục sản sinh ra những con người không màng đến những hưởng thụ thấp kém, chỉ toàn tâm toàn ý lo toan cho hạnh phúc mọi người và đó chính là niềm hạnh phúc cao cả của họ. Trong lịch sử không xa, chúng ta cũng đã từng có vua Trần Nhân Tông và Bác Hồ. Hiện tại, ở tầm lãnh tụ, dân tộc Việt Nam chúng ta đang không có được những người con hơn cha!
Trở lại New Dehli để đến Bồ đề đạo tràng, chúng tôi nghỉ trong một khách sạn rẻ tiền ở khu người Tây Tng. Bước vào một quán ăn xoàng xĩnh ngoằn ngoèo rất sâu trong hẻm, tôi ngạc nhiên thấy "Tây" đã ngồi ở đó. Lần đầu tiên tôi được biết đến món chay rất ngon của người Tây Tạng. Chúng tôi cũng đã thấy quán ăn khá sang của người Tây Tạng ở trung tâm.
Bồ đề đạo tràng, nơi hoàng tử Tất Đạt Đa sau nhiều năm tháng tu hành đã chứng ngộ là địa điểm đến cuối cùng của chúng tôi. Ấn Độ là xứ sở của triết học và tâm linh nên quanh Bồ đề đạo tràng cũng có nhiều chùa chiền của các tôn giáo khác. Quanh gốc cây bồ đề đã mấy ngàn năm tuổi, từ sáng tinh mơ tới tận tối khuya, dòng người hành hương liên tục đến từ muôn phương. Các đoàn từ Thái Lan, nhất là Sri Lanka, Miến Điện thường cả trăm và mặc đồ trắng toát. Các vị sư kể là người Âu Mỹ sẽ tăng dần theo thời tiết mát lên. Đoàn sư Hàn Quốc khá gây ấn tượng: quần áo tu khá đẹp từ chất liệu vải, mầu sắc đến kiểu may.
Ở mọi nơi sau khi khấn lay, họ đều đứng thẳng đọc kinh Phật tập thể bằng tiếng Hàn với giọng thật trầm hùng. Tôi cũng đã đứng gần Thủ tướng Bhutan để quan sát khi ông ngồi niệm Phật dưới gốc cây bồ đề và không thể không dừng lại nhìn mấy thanh niên phương Tây ở khu vực quỳ lạy (đây là một pháp môn mà mỗi ngày có thể lạy đến cả nhiều trăm cái). Nhìn cảnh hành hương, tôi nghĩ đến sức mạnh của tư tưởng. Trong thư viện của Lev Tolstoy, người ta đã nhìn thấy nhiều sách Phật và những dòng ghi lại của ông về Phật. Nhà văn Nga vĩ đại đã tôn vinh Đức Thích Ca Mầu Ni là nhà tư tưởng vĩ đại nhất trong lịch sử loài người.
Bên ngoài hàng rào Bồ đề đạo tràng, hàng quán và người ăn xin dầy đặc. Chúng tôi được dặn không cho ai tiền, vì nếu cho một người, thì nhiều người sẽ vây lại và bạn sẽ gặp rắc rối. Môi trường nơi đây rất ô nhiễm hôi thối bởi có nhiều rác và phân. Trâu bò, lợn, dê, chó... thoải mái lững thững ngoài đường tự do kiếm sống (không ai bắt vì người Ấn Độ ăn chay). Dân sống rất khổ và bẩn, có lẽ còn kém hơn nơi khổ nhất ở Việt Nam mà tôi biết. Nhưng đi xa hơn ra các ngả đường, một quang cảnh mở ra khác lạ: những đường phố mới, những cửa hiệu mới sáng sủa và rất nhiều khách sạn.
Từ ngôi chùa Nhật Bản bước ra, tôi gặp một xe buýt du lịch cỡ lớn kiểu dáng lịch sự và mầu sơn rất đẹp đang trút xuống nhiều người Nhật Bản trước một khách sạn của Nhật. Rõ ràng là miền đất nghèo nhất Ấn Độ này đang đổi thay theo du lịch tâm linh.
Lúc rời Bồ đề đạo tràng, những ấn tượng đọng lại lúc rời Tây Tạng của tôi được tô đậm thêm. Vì ngay nơi linh thiêng nhất này cũng không hiếm những sự việc đáng tiếc. Cơ chế thị trường như thủy triều tràn vào bất cứ đâu mà nó có thể lách tới. Thêm chăng, chuyến đi Ấn Độ cho tôi hình dung rõ hơn về khái niệm Đông Tây thâm nhập lẫn nhau: trong khi phương Đông du nhập lối sống ích kỷ hưởng thụ của phương Tây thì nhiều người phương Tây cảm thấy vô nghĩa và đau khổ trong vật chất dư thừa và lối sống ích kỷ lại đang tìm đến với Phật pháp - triết lý sống vô cùng sâu sắc từ phương Đông để có thể giải thoát cho sự bế tắc về tinh thần của họ. Và Phật pháp đang đứng trước thách thức của suy vong và phát triển. Tôi nghĩ để học và thực sự hiểu được Phật pháp là điều không dễ chút nào, nhất là với những người nghèo. Người tu học cần có sự tỉnh táo để không rơi vào những hoạt động mê tín dị đoan cùng những tiêu cực khác.
Bản thân tôi chỉ mới biết tý chút về Phật pháp và còn nhiều câu hỏi (Phật pháp thâm sâu rất nhiệm mầu, Trăm ngàn muôn kiếp khó tìm cầu). Nhưng chỉ luôn nhớ đến mấy chữ "tham, sân, si, mạn, đố" - nguyên nhân cội nguồn mọi đau khổ, "luật nhân quả", "từ, bi, hỉ, xả" thôi, thì tôi đã cảm thấy có thể nhìn nhận mọi vấn đề trong xã hội một cách bình thản hơn rồi. Nhớ đến để cố gắng tăng làm điều tốt, tránh làm điều xấu, gắng phát triển "bồ đề tâm", tôi càng cảm thấy an lạc tăng lên. Bản thân mình có cái tâm an vui thì mới góp phần làm cho những người xung quanh cũng được vui vẻ và xã hội yên bình. Như vậy là đã có thể có được hạnh phúc đích thực, đã có thể có được Niết bàn ngay trong hiện tại đúng như tôi đã được nghe giảng và dọc được trong sách Phật. "Vạn vật vô thường", câu này của Phật sao hay đến thế! Nhạc Trịnh đưa hai tiếng " vô thường" của Phật bay bổng ngân vang, thấm đậm vào tim gan người, làm lòng ta lắng lại và cảm nhận được cái vô nghĩa, cái đớn đau trả giá tất yếu theo luật nhân quả cho những bon chen danh lợi của người đời. Và rồi, cảm giác thanh thản tự hào ùa tới, như đôi cánh nâng cao tâm hồn ta.
Trong mấy ngày ở Bồ đề đạo tràng, đôi ba lần tôi nhìn thấy một "ông Tây" chưa già nhưng để râu dài, người cao, bước đi chậm rãi quanh cây bồ đề trông giống một ông Phật. Lần cuối gặp ông trên đường đến Bồ đề đạo tràng, tôi được biết ông đến từ Mỹ (làm công tác thư viện ở Mỹ) và sẽ ở lại bốn tháng. Tôi hỏi: "Chắc ông rất thích đạo Phật?". Ông trả lời: "Tôi thích Pháp và tôi thích Phật, nhưng tôi không thích đạo Phật (I like Dharma and like Buddha, but I don't like Buddhism). Thoạt nghe người ta có thể thấy lạ. Nhưng tôi thấy vui vì nó giúp tôi thêm khẳng định vào những gì mà mình đã cảm nhận.