Người xem được thưởng thức một hành trình ảo đến với ba danh thắng tuyệt đẹp của đất nước: Cung An Định, lăng Tự Đức ở Huế và đình chùa làng Trần Đăng ở ngoại ô Hà Nội. CTV Giác Ngộ đã có cuộc trò chuyện với ông Rolf Schulze - Đại sứ CHLB Đức tại Việt Nam và bà Andrea Teufel - Giám đốc Dự án trùng tu, bảo tồn và đào tạo Đức tại Việt Nam (GCREP) xoay quanh vấn đề trùng tu di tích.
- Thưa Đại sứ, được biết nước Đức đang hỗ trợ trùng tu một số di sản văn hóa tại Việt Nam. Xin ông cho biết về chương trình này?
- Đại sứ Rolf Schulze: Suốt 3 thập kỷ qua, Chương trình bảo tồn văn hóa của Bộ Ngoại giao CHLB Đức đã tăng cường hỗ trợ công tác bảo tồn di sản văn hóa trên toàn thế giới. Đến nay, chương trình đã hỗ trợ cho hơn 2.200 dự án ở 136 quốc gia. Đặc biệt, chương trình đã hỗ trợ các nước đang phát triển gìn giữ bản sắc văn hóa, đẩy mạnh giao lưu giữa các đối tác trên cơ sở các bên cùng có lợi, đồng thời cũng là một công cụ mạnh mẽ trong chính sách đối ngoại của CHLB Đức về giáo dục và văn hóa.
Việt Nam là một đất nước luôn chú trọng bảo tồn di sản văn hóa quốc gia, vì người Việt Nam luôn ý thức được di sản là một phần quan trọng của bản sắc dân tộc, khẳng định tri thức và hiểu biết về lịch sử và văn hóa của người dân. Những năm trước đây, Đức đã hỗ trợ VN trong việc trùng tu bảo tồn chùa Bút Tháp ở Bắc Ninh và một ngôi chùa làng ở tỉnh Bắc Giang. Hiện nay, chúng tôi đang thực hiện Dự án hỗ trợ Việt Nam bảo tồn 3 di sản: Cung An Định và lăng Tự Đức ở Huế; đình chùa làng Trần Đăng ở ngoại thành Hà Nội. Bộ Ngoại giao Đức hỗ trợ Việt Nam 350 nghìn euro cho công trình trùng tu cung An Định; 130 nghìn euro cho việc trùng tu lăng Tự Đức và 50 nghìn euro bảo tồn đình chùa làng Trần Đăng.
Điều chưa từng được thực hiện trước đây ở Việt Nam là các công trình này đều được bảo tồn và trùng tu theo tiêu chuẩn của UNESCO, Đại sứ quán Đức tại VN điều hành và giám sát. Trách nhiệm của nhóm chuyên gia "Dự án bảo tồn, trùng tu và đào tạo Đức" (GCREP) là kết hợp trùng tu thực tế với chương trình đào tạo kỹ năng cho các học viên Việt Nam trong lĩnh vực này. Kỷ niệm 35 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa CHLB Đức và CHXHCN Việt Nam, năm 2010 được chọn là "Năm Đức ở Việt Nam" và "Năm Việt Nam ở Đức"¸ chương trình này được bảo trợ bởi Tổng thống nước CHLB Đức Horst Kohler và Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Minh Triết. Dự án bảo tồn 3 di sản trên là một trong số 50 sự kiện mà chúng tôi tổ chức tại Việt Nam trong năm 2010 này.
- Thưa bà Andrea Teufel, hiện có nhiều quan điểm khác nhau trong trùng tu di tích, vậy CHLB Đức áp dụng quan điểm trùng tu nào trên những di sản ở Việt Nam?
- Bà Andrea Teufel: Việt Nam không có những di sản nguy nga như những đại kỳ quan thế giới, hay các cung điện ở châu Âu, mà di sản ở Việt Nam chủ yếu là các kiến trúc nhỏ. Tuy nhiên, Việt Nam thuộc trong số những nước có số lượng di sản nhiều nhất trên thế giới, vì hầu như làng nào cũng có những đình, chùa, miếu cần được bảo tồn.
Cung An Định xây bằng gạch, có kiến trúc giống với châu Âu nên có thể áp dụng các phương pháp bảo tồn của châu Âu. Nhưng với chùa Bút Tháp, đình chùa Trần Đăng cũng như đại bộ phận các công trình kiến trúc đình, chùa, miếu ở các làng xã được xây dựng bằng vật liệu chủ yếu là gỗ Tứ thiết, đây là những loại gỗ rừng nguyên sinh nên khó mua, và nếu mua cũng rất đắt đỏ. Bởi vậy, các công trình này không thể áp dụng phương pháp trùng tu của châu Âu, cũng như không thể áp đặt những kinh nghiệm trùng tu của nước Đức. Tham gia quá trình bảo tồn di sản ở Việt Nam, chúng tôi tiến hành đồng thời 3 công việc: trùng tu; nghiên cứu công nghệ và phát triển vật liệu mới phục vụ việc trùng tu, và đào tạo các nhân lực phục vụ trùng tu có cấp chứng chỉ hẳn hoi.
Ở Việt Nam từ trước đến nay thường có hai quan điểm trong việc trùng tu di sản. Một là, dỡ toàn bộ công trình cũ ra, xây dựng lại từ đầu bằng những vật liệu, kiểu dáng kiến trúc tương tự di sản cũ, để công trình có vẻ giống với kiến trúc cũ. Hai là, hỏng bộ phận nào thì rút ra, thay bằng các chi tiết mới. Quan điểm của chúng tôi là, dù cho di sản, di vật đã hư hỏng nhưng không có nghĩa là phải vứt nó đi để dựng mới. Vì nếu xây dựng mới thì đó là sản phẩm phục chế chứ không phải là bảo tồn, mà đồ "giả cổ" thì không thể giá trị bằng đồ cổ. Dĩ nhiên, những thứ đã mất rồi thì không thể lấy lại được, nhưng phải giữ lại tất cả những gì đang còn, đây là cách tiếp cận rất mới đối với người Việt Nam.
- Giữ lại tất cả những gì đang còn, bằng cách nào thưa bà?
- Bà Andrea Teufel: Trong khi trùng tu, có những chi tiết, họa tiết không thể nào phục hồi được nữa, nhóm của chúng tôi cố tình không làm mới mà cứ để nguyên như thế. Các di sản kiến trúc của Việt Nam chủ yếu bằng gỗ, nên đối tượng phá hoại chủ yếu là mối mọt. Bởi vậy, trước tiên phải điều tra tình trạng mối mọt, và diệt mối mọt, sau đó ngăn chặn mọi con đường mà trong tương lai mối có thể xâm nhập vào. Chúng tôi dùng hóa chất tẩm vào gỗ, chất này khiến con mối sợ, không dám ăn gỗ đó nữa. Chất này chỉ độc với mối chứ không độc với con người. Bằng công nghệ hiện đại, chúng tôi tạo ra được loại chất bù, ban đầu ở dạng lỏng nhưng khi để lâu thì chúng đông cứng lại thành vật rắn có tính chất vật lý giống hệt như gỗ lim, nhìn bằng mắt thường khó mà phân biệt được đó là gỗ lim hay vật liệu nhân tạo. Chúng tôi sử dụng chất bù này để phun lấp vào những chỗ trống của gỗ do bị mối mọt ăn.
Cách thức này cũng tương tự như việc hàn răng ở người, dùng chất dạng dẻo trám vào những mảng hở trên răng, sau đó chất này đông cứng lại có tính chất vật lý và màu sắc không khác gì răng sinh học. Quá trình bảo tồn, chúng ta phải phân loại các chi tiết, bộ phận trên công trình.
Với những cấu kiện không có tác dụng chịu lực thì dù hỏng đến đâu cũng không được rút ra thay mới mà xử lý hoàn toàn bằng cách bơm phun chất bù. Với những cấu kiện chịu lực như cột, xà, thì nếu bị mọt chưa quá 50% thì cũng sử dụng chất bù. Các cột ở đình và chùa làng Trần Đăng có đường kính 60cm, nhưng hiện giờ nhiều chỗ bị mối xông hết, đường kính chỉ còn 5-30cm, chúng tôi vẫn sử dụng chất bù để ốp kín xung quanh cột. Chỉ những bộ phận chịu lực nào mà bị mọt quá 50% thì mới phải thay, và phải thay bằng đúng loại gỗ lim thuở xưa. Trong các chùa ở Việt Nam, khi bảo tồn các pho tượng Phật cổ đã bị mối mọt xông, người ta thường sơn phết lại. Làm như vậy, du khách đến sẽ tưởng như là tượng mới làm, và không thể biết được giá trị đích thực của các pho tượng nếu không được giới thiệu.
Với cách thức bảo tồn của chúng tôi, diệt mối mọt và phun chất chống mối mọt, không gọt cắt đi bất cứ thớ gỗ nào, mà dùng chất bù để phun lấp đầy những khe hổng do mối mọt trên tượng và không sơn lại. Như vậy sẽ vẫn giữ nguyên được vẻ đẹp cũ kỹ hàng trăm năm, cũng tức là giữ được giá trị hiện tại của các pho tượng cổ. Trong quá trình bảo tồn, chúng tôi sử dụng các vật liệu truyền thống của Việt Nam và xử lý bằng phương pháp rất hiện đại, bởi vậy tin tưởng sẽ giúp các công trình có được tuổi thọ lâu dài.
- Bà nhận định thế nào về vấn đề nhân lực và đào tạo nhân lực phục vụ trùng tu di tích ở Việt Nam?
- Bà Andrea Teufel: Trải qua việc trùng tu cung An Định và lăng Tự Đức, chúng tôi đã đào tạo được 15 học viên của Việt Nam trong lĩnh vực này. Sau khi được đào tạo, những người này sẽ được đưa vào làm việc trong những cơ quan có trách nhiệm của Việt Nam, qua đó họ sẽ giúp các cơ quan quản lý của Việt Nam nhìn thấy ngay được rất nhiều vấn đề trong bảo tồn, trùng tu di tích. Nhóm chuyên gia của chúng tôi trong thời gian qua đã khảo sát nghiên cứu, thực hiện được một cuốn cẩm nang khá dày do những người Việt Nam tham gia đúc kết những kinh nghiệm trong công tác trùng tu di sản. Tài liệu này tổng hợp từng chi tiết, cấu kiện thường bị hư hỏng phổ biến trong các chùa, đình làng và cách thức nên xử lý đối với từng bộ phận.
Với khoảng 10.000 xã của Việt Nam, hầu như mọi di tích trong các làng, xã đều đang đứng trước tình trạng phải trùng tu. Những năm gần đây, phong trào trùng tu di tích sôi động cũng đủ thấy nhu cầu nhân lực cho công việc này vô cùng lớn. Thế nhưng Việt Nam chưa có một trường đại học, trung cấp nghề nào chuyên đào tạo nhân lực phục vụ trùng tu di tích. Các trường đại học về xây dựng, kiến trúc tuy đào tạo các kiến thức về xây dựng, nhưng lại không chú trọng đào tạo những kiến thức về lịch sử, văn hóa và bảo tồn di sản. Những trường đại học mỹ thuật thì lại không chuyên sâu về xây dựng và vật liệu xây dựng. Bởi vậy, nhân lực trùng tu di tích ở Việt Nam hiện nay chủ yếu là những người không chuyên, những thợ làng, nghệ nhân… họ làm việc bằng kinh nghiệm là chủ yếu. Đó chính là nguyên nhân khiến nhiều di tích hàng trăm tuổi sau khi trùng tu đã biến thành "một tuổi".
Hiện nay, nhiều người đã hiểu ra rằng nghề này đòi hỏi rất nhiều kiến thức chuyên sâu về vật lý, hóa học, kiến trúc, vật liệu xây dựng, lịch sử, văn hóa, nghệ thuật. Theo chúng tôi, nếu Việt Nam không thể mở được trường đại học riêng về bảo tồn, trùng tu di sản thì nên mở các khoa chuyên về lĩnh vực này ở các trường Đại học Kiến trúc, Xây dựng, Mỹ thuật công nghiệp.