Nhất tâm cầu nguyện dưới chân tôn tượng Phật - Ảnh minh họa
Đại ý bài kinh rằng: “Một Bà-la-môn tên là Asibandhakaputta đến gặp Đức Phật trình bày về việc những người theo đạo thờ lửa cầu siêu cho người sau khi chết được lên cõi trời. Rồi vị Bà-la-môn ấy hỏi quan điểm của Đức Phật về việc cầu nguyện đó. Đức Phật trả lời, nếu một người sát sinh, lấy của không cho, sống theo tà hạnh trong các dục, nói láo, nói hai lưỡi, nói lời độc ác, nói lời phù phiếm, tham lam, sân hận, theo tà kiến. Rồi một quần chúng đông đảo, tụ tập, tụ họp lại, cầu khẩn, tán dương, chắp tay đi cùng khắp cầu nguyện cho người ấy được sinh lên thiện thú, thiên giới, cõi đời này. Nhưng người ấy vẫn phải sinh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục theo ác nghiệp của họ. Ngược lại, nếu có người từ bỏ sát sinh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ sống tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ nói lời độc ác, từ bỏ nói lời phù phiếm, không có tham, không có sân hận, có chánh tri kiến. Rồi một quần chúng đông đảo, tụ tập, tụ họp lại, cầu khẩn, tán dương, chắp tay đi cùng khắp để mong người ấy bị sinh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Nhưng không thể được. Người ấy vẫn sinh vào thiện thú theo thiện nghiệp của họ.
Rồi Đức Phật đưa ra ví dụ rằng, ví như có người nhận chìm một ghè sữa đông, hay một ghè dầu vào trong một hồ nước sâu rồi đập bể ghè ấy. Ở đây, ghè ấy trở thành từng miếng vụn, hay từng mảnh vụn và chìm xuống nước. Còn sữa đông hay dầu thời nổi lên trên. Rồi một quần chúng đông đảo, tụ tập, tụ họp lại, cầu khẩn, tán dương, chắp tay đi cùng khắp để cầu cho sữa đông và dầu chìm sâu xuống, còn cái ghè đá thì nổi lên. Nhưng mà sữa đông và dầu ấy vẫn không bị chìm xuống và cái ghè đá cũng không thể nổi lên theo sự cầu khẩn của đám đông”.
Ở đây ta thấy có gì đó chưa được tương đồng. Bởi vì một bên là con người có ý thức, dù chỉ là thần thức, còn một bên là những sự vật vô tri giác. Đem hai thứ hoàn toàn khác nhau như vậy để so sánh, liệu có tương đồng? Khi cầu nguyện, sự cầu nguyện có thể tác động lên thần thức người chết, họ có thể thấy, nghe và cảm nhận được để chuyển hóa. Còn những thứ vô tri giác như dầu, bơ, đá thì hoàn toàn không thể. Hơn nữa, tác động đến tâm thức thì dùng tâm thức, còn muốn tác động đến vật chất thì phải dùng sức lực của cơ thể mới là phù hợp. Cho nên một ảnh dụ như thế để giúp liên tưởng chứ không thể chứng minh cho việc cầu nguyện có tác dụng hay không.
Về mặt văn bản, cho đến bây giờ chưa có ai nghi ngờ bài kinh này không phải do Đức Phật nói. Vấn đề là tại sao Đức Phật lại nói như vậy? Đức Phật là bậc trí huệ, chứng được Tam minh Lục thông, chẳng lẽ cái đạo lý đơn giản như vậy mà Ngài cũng không hiểu hay sao, để rồi đem cái vô tình mà so sánh với loài hữu tình. Cho nên chắc là phải còn lý do nào đó. Theo tôi có hai lý do. Một là, lời dạy đó chỉ mang tính khế cơ. Hai là, để chống lại các nghi thức tế lễ của đạo Bà-la-môn.
Cùng với khế lý (chân lý phổ quát luôn luôn đúng) thì khế cơ là một phương pháp được Đức Phật và hàng đệ tử sử dụng rất nhiều để giáo hóa chúng sinh. Ví dụ như sự kiện Đức Phật bị nhức đầu ba ngày khi cả dòng họ Thích Ca bị vua Tỳ Lưu Ly tàn sát do nghiệp tiền kiếp giữa hai bên, trong đó Đức Phật bị cộng nghiệp với dòng họ Thích Ca. Tuy nhiên, theo giải thích của kinh Đại bảo tích thì Đức Phật nói điều đó trong trường hợp những người đương nghe đó là những chúng sinh thiếu niềm tin nhân quả nghiệp báo: “Này Trí Thắng! Hôm ấy Ta nói với A-nan là Ta đau đầu. Bấy giờ có ba ngàn thiên tử đoạn kiến, lại có vô lượng chúng sinh háo sát cùng tập họp chỗ Phật. Ta vì họ mà thị hiện nghiệp chướng nói rằng: Ta do thấy người khác sát sinh mà có lòng tùy hỷ nên mắc báo đau đầu. Nghe lời này có bảy ngàn trời và người được điều phục. Đây gọi là Như Lai phương tiện” (phẩm 38 Tập). Trong kinh khác - Trụ xứ thập hạnh - Phật nói: “Nói Ta bị nhức đầu ấy chỉ là phương tiện mà thôi, thực tế thì Ta có bị nhức đầu đâu”.
Cũng như chuyện Đức Phật ăn gạo lúa ngựa ba tháng là Ngài dùng sức phương tiện độ chúng sinh, chớ chẳng phải là nghiệp báo. Đức Phật vì giáo hóa các chúng sinh ưa thích dục lạc, chẳng biết nghiệp báo, chẳng tin nghiệp báo, nên thị hiện nhân duyên nghiệp báo chứ Như Lai thiệt không có nghiệp báo. Ngài nói: “... Này Trí Thắng! Lại vì trong năm trăm Tỳ-kheo cùng Như Lai an cư ăn gạo lúa ngựa ấy có bốn trăm Tỳ-kheo hễ thấy ngon tốt thì sinh lòng tham dục. Các Tỳ-kheo này nếu ăn ngon thì thêm lòng dục. Nếu ăn đồ thô xấu thì chẳng sinh lòng dục. Quá ba tháng an cư ấy rồi, bốn trăm Tỳ-kheo rời lìa tâm dâm dục chứng quả A-la-hán. Này Trí Thắng! Vì điều phục năm trăm Tỳ-kheo và độ năm trăm Bồ-tát mắc báo súc sinh mà Đức Như Lai dùng sức phương tiện thọ ba tháng ăn gạo lúa ngựa chớ chẳng phải là nghiệp báo. Đây gọi là Như Lai phương tiện. (Kinh Đại bảo tích, phẩm 38, tập 6).
Tất nhiên đây chỉ là cách giải thích của kinh Đại thừa, bạn có quyền tin hoặc không tin. Nhưng bản thân tôi cho rằng, ngoài cách giải thích đó ra, không có cách hiểu nào hợp lý hơn. Nó hợp lý hơn cái chuyện Phật chỉ gõ ba cái vào đầu con cá mà phải bị nhức đầu ba ngày. Nếu vậy thì những người bán cá không biết còn bị đến mức nào nữa.
Lý do thứ hai mà Đức Phật không chủ trương cầu nguyện, tôi nghĩ rằng, đó là do thời bấy giờ người dân Ấn Độ việc gì cũng cầu nguyện thần linh. Họ ỷ lại vào thần linh có thể cứu giúp họ khi còn sống cũng như sau khi chết, cho nên không nỗ lực làm lành lánh ác. Đã vậy, nếu Đức Phật còn thừa nhận việc cầu nguyện nữa thì càng đẩy con người vào sự mê tín, ỷ lại. Cho nên Đức Phật đã quyết định không chủ trương cầu nguyện. Chỉ cần gieo nhân tốt, làm việc tốt, sống đời sống lương thiện thì kết quả sẽ tự nhiên tốt mà thôi, không chỉ cho cả hiện tại mà cả đời sau nữa.
Tinh thần khế cơ này được các Tổ sau này sử dụng rất nhiều để hóa độ chúng sinh. Ví dụ có người đến hỏi một thiền sư rằng con chó có Phật tánh không, ngài đáp là có. Một người khác hỏi thì ngài đáp là không. Con chó có Phật tánh không không quan trọng, mà quan trọng là người hỏi sẽ đạt được điều gì. Phương pháp chỉ là phương tiện tạm dùng, làm cách nào miễn là đạt được mục đích giác ngộ và giải thoát mà thôi. Vấn đề còn lại là người học Phật pháp phải đủ trình độ để phân biệt đâu là lời nói Liễu nghĩa và đâu là lời nói Bất liễu nghĩa. Điều này rất khó chứ không phải dễ. Nếu không thông minh thì chúng ta rất có thể sẽ rơi vào tình trạng “Y kinh giải nghĩa tam thế Phật oan. Ly kinh nhứt tự tức đồng ma thuyết”. Trong kinh Người bắt rắn, Đức Phật cũng cảnh giác rằng, việc học kinh cũng giống như việc bắt rắn, nếu không biết cách thì sẽ bị rắn cắn chết.
Chúng ta không chấp chặt văn tự mà cần phải hiểu đúng tinh thần lời Phật dạy, và chính Đức Phật cũng cho phép chúng ta làm điều đó. Ngài nói rằng giáo pháp của Ngài như bè qua sông, qua sông rồi thì phải bỏ bè. Ngài khuyến khích mọi người nên tìm hiểu và kiểm tra giáo pháp trước khi chấp nhận chúng, như người thợ kim hoàn dùng nhiều cách để thử vàng vậy. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là chúng ta có thể tùy tiện muốn diễn giải kinh điển như thế nào tùy ý mình. Mọi sự diễn giải đều phải có cơ sở, và điều tối quan trọng là phải xem xét động cơ của mình. Nếu đó là động cơ vị tha thì khả dĩ, còn đó là động cơ của danh lợi hay tình cảm riêng tư thì tuyệt đối không thể chấp nhận. Có vị thầy giảng rằng vì Đức Phật từng nói “Những gì Ta biết thì nhiều như lá trong rừng, còn những gì Ta dạy thì ít như lá trong nắm tay,” rồi tự cho những gì mình nói là những điều mà Đức Phật chưa nói. Điều này rất nguy hiểm, vì mình đâu có chắc những gì mình nói đó có đúng là phần lá còn lại trong rừng hay không, có đúng là ý của Đức Phật như vậy hay không.
Phật giáo không chủ trương cũng không phủ nhận việc cầu nguyện. Người viết bài này cũng không có ý muốn cổ động cho việc cầu nguyện, mà chỉ muốn hiểu vấn đề cho đúng. Khi hiểu đúng rồi thì ta sẽ có cách ứng xử phù hợp. Hy vọng bài viết này sẽ đem đến cho hàng Phật tử nói chung một cái nhìn hợp lý đối với vấn đề cầu nguyện nói chung và cầu siêu nói riêng vậy.