Đức tin & lý tưởng dấn thân của một Ni trưởng

GN - Nhiều lần được hầu chuyện với Sư bà Phước Hải - NT.Thích nữ Tịnh Nguyện, Quyền Trưởng Phân ban Ni giới T.Ư, tôi được nghe những hồi ức đẹp về thời sơ phát tâm xuất gia ở chùa làng cho đến những năm sau này với vai trò trụ cột của Ni giới. “Ngay từ nhỏ, tôi chỉ có niềm tin duy nhất là mình sẽ thành Phật, thành Bồ-tát Quán Thế Âm nên vào chùa từ lúc 8 tuổi. Lớn lên cũng với niềm tin ấy, tôi muốn Phật giáo phải có trường học, bệnh viện để có chỗ cho Tăng Ni học tập và dấn thân phụng sự”.

Từ một “chú tiểu” ở chùa làng, không có điều kiện học hành, Ni trưởng đã nỗ lực trong tu tập, dấn thân làm y tá, chăm sóc cho bệnh nhân vô gia cư tại Bệnh viện Huế, rồi trở thành giám đốc sáng lập một trường trung học dành cho nữ giới với lý tưởng được phụng sự xã hội. Câu chuyện dấn thân, tu tập của vị Ni trưởng cùng với lý tưởng, đức tin ban đầu trong sáng luôn được giữ gìn trọn vẹn dù trải qua thời cuộc nhiều thăng trầm. Mấy mươi năm qua như mới hôm qua trong dòng ký ức của vị Ni trưởng năm nay đã 86 tuổi đời…

“Chú tiểu” chăn trâu…

“Thuở nhỏ, bà nội tôi là một Phật tử nên thường dắt tôi đi chùa làng. Hình ảnh các sư thầy ở chùa làng đội rau muống đi bán trước cửa nhà trở nên đẹp lạ lùng nên tôi rất thích và nuôi ý muốn đi tu. 8 tuổi, u (mẹ - PV) tôi đã cho tôi đến chùa Phúc Điền (hiện nay thuộc làng Phúc Điền, xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) làm ‘chú tiểu’. Ở chùa, tôi không được học hành nhưng may mắn là có ông nội là người am hiểu Nho học nên được học chữ.

NT.jpg

NT.Thích nữ Tịnh Nguyện lúc còn trẻ - thời làm y tá tập sự tại BV.Huế
- Ảnh: Nhân vật cung cấp

Làm chú tiểu ở chùa thời đó rất khổ, đói cơm và thiếu áo. Sư cụ ở chùa quanh năm làm ruộng, tôi được cho đi chăn trâu. Tuy cực nhưng tôi rất vui vì tin rằng mình sẽ được thành Phật, Bồ-tát. Hàng ngày đi chăn trâu, hay đi làm ruộng, tôi thường mang theo quyển kinh chữ Hán để trên bờ, xuống ruộng nhổ cỏ, học thuộc được một chữ thì lên bờ học chữ khác. Chúng tôi không có điều kiện tới trường lớp, chỉ quanh quẩn thời tụng kinh và thời niệm Phật. Tối đến, vào mùa đông, buổi tối các chú tiểu chúng tôi thường xuống gian dưới ủ rơm lên người, cho đỡ lạnh.

Rồi, sư cụ ở chùa tịch, cha tôi cũng mất… được vài năm thì tôi được gởi ra chùa Vân Hồ, ở Hà Nội làm Sa-di-ni. Tôi ở đây tu tập nhưng cũng không được học văn hóa, vì lúc đó ở chùa phải đóng tiền ăn. Những năm ở chùa Vân Hồ, tôi chỉ được học 10 giới, học Phật học rất ít và làm thị giả cho các sư thầy lớn hơn. Năm 1951, Hội nghị thống nhất Phật giáo ba miền tại chùa Từ Đàm - Huế diễn ra, tôi được sư thầy Tịnh Bích dắt vào cố đô tu tập. Năm đó, tôi tròn 20 tuổi...”.

Đức tin dũng mãnh và sự can trường

“Ở Huế, tôi được ở chùa Diệu Đức, hay ‘Diệu Đức ni trường’, tọa lạc tại thôn Bình An (nay là P.Trường An, TP.Huế) do NT.Thích nữ Diệu Hương làm tọa chủ (Ni trưởng vốn là thứ phi của vua Thành Thái, bà xuất gia năm 30 tuổi). Tại đây, chư Ni các nơi về tu tập rất đông, trong đó có chư Ni thuộc Ni bộ Thuận Hóa, chư Ni trong Nam, ngoài Bắc cũng vào tu học.

Thời bấy giờ, Huế là trung tâm Phật giáo. Trước đó, từ những năm 1930, công cuộc chấn hưng Phật giáo đã lan rộng ở miền Trung, miền Nam. Ở cố đô, thời điểm này, chư Ni cũng chưa được phép ra ngoài học văn hóa, chỉ học ‘gia giáo’ từ các sư bà lớn, kinh tế chùa còn rất khó khăn nên chúng Ni phải đóng tiền ăn. Tôi còn nhớ, tôi phải đóng 150 đồng Đông Dương để được ăn hai bữa và ở chùa tập sự làm Sa-di-ni, hầu các Sư bà. Dù vậy, lúc nào trong tôi cũng ‘mơ mộng’ được ra ngoài học văn hóa…

Thời kỳ 1956, chính quyền Ngô Đình Diệm với chính sách bất bình đẳng tôn giáo, thể hiện rất khắc nghiệt ở miền Trung. Một hôm, HT.Thích Trí Quang (lúc bấy giờ là giáo phẩm Thượng tọa) từ chùa Báo Quốc đến chùa Diệu Đức bảo với các Sư bà ‘trong Ban Giám đốc’ rằng, các Hòa thượng ‘trong chấn hưng Phật giáo’ rất đau lòng khi Phật tử nghèo ở ‘nhà thương thí’ (Bệnh viện Huế) không được chăm sóc nên rất cần các Ni cô trẻ tình nguyện vào làm y tá tập sự.

Được dịp, tôi rất mừng và cùng 3 Ni cô nữa xung phong đi bệnh viện chăm sóc bệnh nhân. Sau này, tôi mới biết, quý Hòa thượng muốn chư Ni phải có mặt ở một bệnh viện lớn của chính quyền họ Ngô để giúp đỡ cho Phật tử, đồng bào nghèo. Và để hình ảnh Phật giáo hiện diện trên khắp cố đô, ở nơi đau thương nhất.

Chúng tôi được chia ra làm việc ở hai phòng, bệnh nhân ở đây toàn là những người nghèo lang thang, rách rưới, dơ bẩn và không người thân chăm sóc. Thực chất, chúng tôi là những ‘tay sai vặt’ của các soeur dòng ‘xanh-pôn mặc áo trắng’. Bệnh viện Huế lúc bấy giờ do các soeur chi phối, lo tất cả thuốc thang, ăn uống cho bệnh nhân.

Tuy nhiên, ở đây cũng có bác sĩ Phật tử Lê Khắc Quyến, pháp danh Nhật Thắng, là một cư sĩ trí thức đang làm việc tại đây (sau này - 1958, bác sĩ trở thành Giám đốc Bệnh viện Huế). Mỗi ngày, tôi phải chăm sóc bệnh nhân từ khâu tiêm thuốc, cho uống thuốc, bón cơm, thay quần áo, giúp họ tắm giặt… có khi vì làm không xuể, tôi phải lén mang quần áo của bệnh nhân đem về chùa giặt giúp.

IMG_3773.JPG

NT.Thích nữ Tịnh Nguyện (trái) trong một lần đến khánh tuế các Ni trưởng tại TX.Ngọc Phương

Những ngày tháng làm ở bệnh viện rất cực khổ nhưng trong lòng tôi thấy lúc nào cũng vui vì tôi thực hiện được lý tưởng phục vụ cho người nghèo. Hàng ngày, ở bệnh viện, tôi an ủi rằng, ít ra mình cũng được chăm sóc cho Phật tử Huế không người thân chẳng may vào đây. Mỗi sáng, tôi mặc bộ đồ lam sờn cũ, đôi khi có vài tấm vá, bên ngoài khoác tấm áo tơi vì sáng sớm trời cố đô rất lạnh và đem theo nắm cơm chay ăn trưa…

Công việc khá cực nhọc nhưng tôi chưa bao giờ cảm thấy vất vả vì đức tin về Đức Phật lớn hơn tất cả, thôi thúc tôi làm việc vô điều kiện. Hình ảnh của chúng tôi đối lập hoàn toàn với các soeur, họ thì mặc bộ đồ trắng tinh, mang giày da trắng, đi xe hơi rất sang trọng. Điều ấy không là gì trước thách thức lớn hơn - chúng tôi phải đối mặt với nguy cơ ‘cải đạo’, nếu đức tin của mình không vững vàng. Mỗi ngày, chúng tôi luôn được các soeur bảo: ‘Nếu các em theo chị, các em sẽ được sang Pháp học, được mặc đồ đẹp, sống sung sướng’.

Lúc ấy dù còn trẻ, chỉ 21-22 tuổi nhưng niềm tin về Đức Phật trong tôi rất dũng mãnh, lớn lao không nao núng. Tôi trả lời: ‘Đức Phật, vị Giáo chủ của chúng tôi là một vị Thái tử sắp làm vua nhưng từ bỏ ngai vàng vào rừng đi tu, sống cuộc sống khổ hạnh, để tìm sự giải thoát cho chúng sinh khỏi khổ đau. Chúng tôi là đệ tử phải theo Ngài, không phải không có áo đẹp để mặc mà chúng tôi phải kham nhẫn, biết khiêm cung, ăn chay, ban rải từ bi đến với mọi người’. Lúc ấy, niềm tin về Đức Phật giúp chúng tôi thêm can trường, vượt qua mọi cám dỗ.

Chúng tôi kiên trì làm việc cho buồng bệnh nhân không người thân với áp lực cao trong 3 năm, trong tâm lúc nào cũng kiêu hãnh một niềm tự hào về Đức Phật. Niềm tin dũng mãnh ấy và ‘sĩ diện ngất trời’ của tuổi trẻ đã giúp những ngày làm việc bị ‘o ép’ trở nên nhẹ nhàng như không. Chúng tôi đã có mặt, dấn thân với màu áo lam giản dị, ở một nơi, vào một thời điểm rất đáng tự hào. Thời điểm ấy rất đáng nhớ trong cuộc đời tu tập của tôi…”.

Cố gắng tu học để thực hiện tâm nguyện

“Chính những năm tháng làm y tá tập sự ở ‘bệnh viện thí’ khiến tôi mở mang tầm nhìn ra thế giới rộng lớn hơn. Tôi thấy mình khao khát kiến thức và càng sôi sục một niềm tin rằng Phật giáo phải có bệnh viện, trường Phật học cho Tăng Ni. Muốn thực hiện điều đó, tôi phải đi học, và thật khó khi tôi ở tại một cố đô còn nặng nề dấu ấn phong kiến.

Nghĩ thế nên tôi trốn các sư bà xuống Nha Trang học văn hóa và dạy giáo lý ở Trường Bồ Đề. Tôi kiên trì vừa học, vừa tu tập. Sau đó, tôi trở vô Sài Gòn thi vào Trường Gia Long, rồi thi đậu đệ tam, học tiếp lên tú tài và tiếp tục thi vào Đại học Sư phạm.

Những năm dài đi học văn hóa cũng là một sự ‘táo bạo’ của tôi, vì lẽ tôi luôn bị các sư bà trong Ni bộ quở trách do suốt ngày lo học. Càng học, tôi càng nuôi mơ ước, Phật giáo phải có trường Phật học, phải có bệnh viện riêng để có chỗ cho chúng tôi học tập và phụng sự. Năm 1968, tôi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Sài Gòn.

Có bằng cấp, tôi mở Trường Trung học Mê Linh dành cho nữ sinh, có khu nội trú riêng với vai trò là giám đốc sáng lập. Ở đó, tôi tiếp tục thực hiện ước nguyện làm việc và phụng sự cho người nghèo, cụ thể là học trò nghèo. Sau năm 1975, Trường Mê Linh bị giải thể. Khi tu viện Dưỡng Chân Tuệ Uyển (Đồng Nai) đủ duyên lành, tôi tiếp tục mở trường mầm non tư thục, và duy trì hơn 20 năm qua, chủ yếu là để giúp đỡ cho con em gia đình công nhân…

NT.Thích nữ Tinh Nguyện, sinh năm 1931, xuất gia năm 11 tuổi, thọ Tỳ-kheo-ni năm 1956. Hiện nay, Ni trưởng đảm nhiệm Quyền Trưởng Phân ban Ni giới T.Ư (thuộc Ban Tăng sự T.Ư), viện chủ tu viện Dưỡng Chân Tuệ Uyển (Đồng Nai), trụ trì chùa Phước Hải (quận 10, TP.HCM).

… Ở vào tuổi này, tôi vẫn giữ đức tin ban đầu trọn vẹn. Tôi chỉ có một tiếc nuối là Phật giáo đã có trường Phật học riêng thì tôi đã già. Nhìn chư Ni trẻ bây giờ ham học hỏi, thích đi Âu, đi Tàu học tập, tôi cũng vui.

Tôi vui thì cũng có nhưng lo lắng thì nhiều hơn. Bởi lẽ, chư Ni trẻ ngày nay thích hướng ngoại, có đầy đủ vật chất quá nên thích sống se sua, đức tin thì lại mỏng. Chính điều này đã làm tôi trăn trở rất nhiều.

Do đó, trong các buổi gặp gỡ với chư Ni trẻ, tôi luôn khuyên các em phải giữ gìn giới hạnh, biết sống khiêm cung, tri túc và giữ gìn lý tưởng xuất gia trong sáng ban đầu. Điều đó sẽ là sức sống nội tâm nuôi lớn các pháp lành, giúp mình vững chãi”.

H.Diệu ghi

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày