Từ khi Ngô Đình Diệm sụp đổ, đến khoảng hơn một năm sau, chính trị miền Nam luôn trong tình trạng bất ổn. Lớp thì các tướng lĩnh quân đội tranh quyền; lớp thì các chính trị gia “xôi thịt” lập bè cánh, đòi thành lập chính phủ dân sự. Một số chức sắc trong tôn giáo cũng bước vào chính trường. Một số phần tử quá khích trong Phật giáo và Thiên chúa giáo kích động mâu thuẫn tôn giáo, gây mâu thuẫn giữa hai tôn giáo lớn này. Không ít phe cánh muốn lợi dụng sinh viên, học sinh để kiếm ghế, hoặc nhằm vào các mục đích có lợi cho họ.
Chúng tôi tách hẳn ra các phe phái, tôn giáo và kiên quyết không để ai lợi dụng.
Một số sinh viên, học sinh tại Sài Gòn đứng ra thành lập Đoàn Thanh niên liên giáo. Nhóm này gồm trên dưới 200 người, mà số nòng cốt gồm Trần Hưng Đoàn, Huỳnh Kim Báu, Phan Thanh Huân, Dương Văn Đầy, Trần Thị Tuyết Hoa… (hầu hết số anh chị em nòng cốt này sau đó đều tham gia cách mạng). Anh chị em bầu tôi làm trưởng đoàn.
Lập ban kiến tạo đài, có cả dấu đồng
Trong thời gian ấy, tôi sống trong Đại học xá Minh Mạng (nay là Ký túc xá Ngô Gia Tự) và có chân trong ban đại diện đại học xá. Đại học xá là nơi quần tụ nam sinh viên, là “cái nôi truyền thống” cho các phong trào đòi hòa bình và xuống đường biểu tình sau này.
Anh Nguyễn Thanh Hùng khi ấy là sinh viên trú tại đại học xá bàn với tôi xây tượng Quách Thị Trang, dựng ngay tại nơi nữ sinh này đã ngã xuống. Tôi trao đổi lại với số anh em cốt cán trong Đoàn Thanh niên liên giáo.
Tượng đài Quách Thị Trang.
Thế là Ban kiến tạo đài kỷ niệm Quách Thị Trang ra đời vào khoảng giữa tháng 8-1964. Ban này do tôi làm trưởng ban, anh Thanh Hùng làm phó ban. Cũng nhằm tạo thế cân bằng tôn giáo, tôi mời anh Đào Đức Long (có chân trong Thanh niên Sinh viên Công giáo) làm phó ban.
Chúng tôi phân công: Tôi phụ trách chung, đặc biệt lo vận động tài chính để đúc tượng. Anh Thanh Hùng liên lạc với gia đình Quách Thị Trang để lấy hình ảnh và tìm người tạc tượng. Anh Long cất giấu tượng và chuẩn bị cho việc dựng tượng.
Tôi thuê khắc con dấu Ban kiến tạo đài kỷ niệm Quách Thị Trang bằng đồng. Hồi ấy muốn khắc dấu rất dễ, khỏi cần xin phép bất cứ ai. Tiếp đó, chúng tôi mua một quyển sổ lớn, bìa dày, dùng giấy trang kim vàng óng bọc, gọi là “Sổ vàng”. Trên trang đầu của sổ, tôi ghi ít lời giới thiệu về ban kiến tạo, về việc xây dựng tượng và kêu gọi sự đóng góp, đóng dấu đỏ đàng hoàng. Tôi giao sổ này cho anh Dương Văn Đầy và chị Trần Thị Tuyết Hoa đi tìm các nhà mạnh thường quân quyên góp tiền xây dựng tượng.
Ngoài biểu tình, trong dựng tượng
Anh Nguyễn Thanh Hùng xin ảnh Quách Thị Trang nào chụp chính diện, nào profile, đem phóng lớn. Anh đặt họa sĩ Mai Lân tạc tượng. Chỉ hơn một tháng sau pho tượng bán thân Quách Thị Trang đã được tạc xong.
Khi ấy phong trào sinh viên, học sinh chống chính quyền Sài Gòn đang lên cao. Anh chị em liên tục mở các cuộc hội thảo, ra thông cáo, tuyên bố, tổ chức mít-tinh, xuống đường với số người tham dự từ hàng ngàn đến hàng chục ngàn.
Biên nhận của Ban kiến tạo đài kỷ niệm Quách Thị Trang với con dấu và chữ ký của tác giả Vũ Quang Hùng (bí danh Ba Điệp chứ không phải Bảy Điệp như số báo trước chúng tôi đã nêu)
Anh Thanh Hùng và tôi khảo sát trước nơi đặt tượng. Thời cơ thuận tiện nhất sẽ là nhân một cuộc biểu tình của sinh viên, học sinh. Đó là ngày sinh viên, học sinh biểu tình chống “Hiến chương Vũng Tàu” của Nguyễn Khánh, đâu khoảng cuối tháng 9-1964. Tối hôm trước, chúng tôi mướn một xe tải Land-Rover, mua sẵn xi măng, gạch và cát chất lên xe, đồng thời lấy tượng Quách Thị Trang về để trong phòng anh Thanh Hùng, sáng sớm hôm sau đặt tượng lên xe hơi.
Cuộc biểu tình diễn ra tại dinh Gia Long vào khoảng từ 8 giờ đến 10 giờ sáng và tiếp đó diễu hành tới chợ Bến Thành. Khi đoàn biểu tình tới cổng Nam chợ, xe Land-Rover dừng lại, chúng tôi mang gạch, xi măng, cát ra xây ngay chiếc bệ, đặt tượng bán thân Quách Thị Trang lên. Mọi việc diễn ra chớp nhoáng đến nỗi có người chưa kịp hiểu đoàn biểu tình dừng lại để làm gì thì tượng đã đặt xong!
Tượng dựng xong, có một số người quá khích muốn đập phá nhưng thật bất ngờ, anh em giang hồ chợ Cầu Ông Lãnh và chợ Cầu Muối khi đó mang dao, gậy tới bảo vệ pho tượng suốt ngày đêm nên rốt cuộc tượng vẫn còn đó.
Có lẽ nếu tượng Quách Thị Trang không được xây vào lúc ấy thì sau này sẽ không thể dựng được: Sau khi Nguyễn Văn Thiệu lên làm tổng thống miền Nam, việc dựng tượng khó tiến hành và nếu để lâu hơn, câu chuyện của Quách Thị Trang có thể mai một và có nguy cơ rơi dần vào quên lãng.
Chúng tôi đã tự nguyện cống hiến với tất cả sự vô tư Sau một số hoạt động đấu tranh, nhiều tổ chức chính trị đã lôi kéo chúng tôi nhưng họ chỉ là những “chính khách sa lông”, không có thực lực, mục tiêu đấu tranh không rõ. Sau đó, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam đã cử người đến với chúng tôi. Từ tên tuổi những thành viên mặt trận và đường lối, mục tiêu chống Mỹ đã làm chúng tôi tin tưởng, nhất là sau khi Huỳnh Kim Báu vào chiến khu gặp mặt trận trở về kể lại tình hình. Không chần chừ, chúng tôi nhập cuộc… Đã hơn 40 năm trôi qua, nhìn lại quãng thời gian ấy tôi vẫn còn có thể mường tượng chúng tôi, những thanh niên đang ở lứa tuổi mới trên dưới 20, với lòng yêu nước nhiệt thành, hoàn toàn vô vụ lợi, bất kể mọi khó khăn, nguy hiểm. Một cách nào đó, có thể phê phán chúng tôi là bồng bột, xốc nổi… nhưng sự thật là chúng tôi đã tự nguyện cống hiến tuổi thanh xuân cho đất nước với tất cả sự vô tư, trong sáng. Quách Thị Trang sinh năm 1948. 18 tuổi, cô là học sinh Đệ nhị B Trường tư thục Trường Sơn ở đường Lê Văn Duyệt. Trang gia nhập liên đoàn học sinh Phật tử hồi đầu tháng 8-1963, pháp danh Diệu Nghiêm. Ngày 25-8-1963, cô tham gia đoàn sinh viên, học sinh biểu tình chống Diệm Nhu xuất phát từ chợ Bến Thành. Cô và một nữ sinh cầm biểu ngữ đi đầu đoàn biểu tình này và cô bị Nguyễn Văn Khánh, Phó trưởng Chi bót cảnh sát Lê Văn Ken (nằm trên đường Lê Lợi, cạnh BV Sài Gòn) bắn chết. |