Dưới mái ấm cô nhi: Những mảnh đời bất hạnh

Tại TPHCM,có hàng ngàn đứa trẻ bị cha mẹ bỏ rơi hoặc mồ côi được cưu mang trong những mái ấm tình thương, trung tâm bảo trợ... Bất hạnh ngay từ khi vừa chào đời, dù được sống trong những mái ấm cô nhi song tương lai của các em ắt sẽ lắm nỗi gập ghềnh

Cách nay vài tuần, một người mẹ trẻ tiều tụy dắt hai bé gái đến nhà tình thương ở chùa Diệu Giác (quận 2 - TPHCM) xin cho các cháu tá túc. Ni sư Như Trí, người quản lý nhà tình thương, sau khi hỏi han mới biết cha hai cháu bị AIDS và đã qua đời.

Bi kịch hơn, người mẹ cũng đã bị lây nhiễm HIV từ chồng. Sức khỏe ngày càng suy kiệt, người mẹ trẻ đành tìm nơi gởi con để yên tâm sống lay lắt nốt quãng đời còn lại. Niềm an ủi cuối đời của người mẹ trẻ là hai đứa con gái xinh đẹp Bích Lan, Bích La không bệnh tật gì. Bích Lan, chỉ mới 5 tuổi, như sớm hiểu chuyện. Mắt bé ráo hoảnh, ôm chặt em gái để mẹ ra về.


Bơ vơ từ tấm bé


Tôi đến chùa Diệu Giác lúc Bích Lan đang dẫn đứa em gái nhỏ hơn mình 2 tuổi đến ghế đá ngồi nhìn ra đường thẫn thờ. Tôi hỏi gì em cũng chỉ mím môi lặng im rồi quay sang cột tóc cho Bích La. Cạnh đó, một chú chó nằm ngủ yên lành, nghếch mõm lên chân Bích Lan.

Chú chó này bị vứt ra đường khi còn nhỏ xíu và các chị nuôi trẻ ở nhà tình thương đã nhặt về nuôi 3 năm trước. “Nó vốn rất hung dữ nhưng lại ngoan ngoãn và hiền khô mỗi khi đến bên chị em Bích Lan” - một chị cho biết.


Ở nhà tình thương chùa Diệu Giác, chị em Bích Lan dù sao cũng còn may mắn. Hầu hết những cô nhi khác bị bỏ rơi ngay khi vừa chào đời nên không thể biết được cha mẹ mình là ai. Cách nay không lâu, trong lúc đi học về, các bé ở nhà tình thương ghé vào trảng cỏ phía sau chùa chơi và hoảng hốt khi thấy bé sơ sinh còn đỏ hỏn bị vất bên vệ đường, kiến cắn lở loét cả người, liền ẵm về. Các sư thầy nuôi nấng chăm bẵm cả năm ròng, bé mới hồi phục.

Một tháng trước đây, ni sư Như Trí nhặt một bé trai sơ sinh đang hấp hối bên vệ đường gần chùa. Sư hết sức đau lòng khi biết cháu bị tim bẩm sinh, tắc nghẽn phổi. Hiện bé phải sống phụ thuộc vào máy trợ thở. Sư Như Trí buồn bã: “Có thể cháu sẽ qua đời nay mai, khi chưa kịp đặt tên”.

Thượng tọa Thích Thiện Chiếu và những cô nhi đang được nuôi dưỡng tại chùa Kỳ Quang


Bé Hoàng Thi, chưa đầy tháng, khi bị bỏ rơi trước cổng chùa Kỳ Quang (quận Gò Vấp- TPHCM) khóc đến tím tái người. Đã 3 tháng nay, được các sư trong chùa chăm sóc, bé đã khỏe mạnh lên nhiều. “Như biết thân phận mình, bé rất hiền hòa, ít khi nào quấy khóc, khi đói chỉ ọ ẹ vài tiếng đòi bú”- một sư thầy cho biết.


Nhiều mảnh đời bất hạnh đã tụ họp dưới những mái ấm cô nhi. Không tên tuổi, không mẹ cha, quá khứ của các em là khoảng không hạn hẹp, còn tương lai ắt sẽ lắm nỗi gập ghềnh.


Cha, mẹ vẫn quanh đây


Trên đầu giường bé Hoàng Mai Lan (Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Tam Bình - TPHCM) là một bức hình phụ nữ mặc áo đỏ cầm tay một đứa bé do chính em vẽ. Mai Lan đã 13 tuổi và cũng từng ấy năm sống ở trung tâm.

Không biết mặt mẹ như thế nào nhưng khi nghe bạn Loan cùng phòng kể về mẹ mình, thế là Mai Lan tự hình dung ra một người mẹ để vẽ rồi dán lên tường. Cha, mẹ của Loan bị bệnh phong nặng đang điều trị ở trại phong Bến Sắn - Bình Phước. Hoàn cảnh quá khó khăn nên ba mẹ đã gởi ba chị em Loan vào trung tâm.


Bé Mai Huyền, 8 tuổi, ở chùa Kỳ Quang, thường kể chuyện về mẹ với khách đến thăm. Gặp tôi, em hồn nhiên khoe: “Mẹ cháu đẹp lắm! Mẹ rất thương cháu nhưng vì gia đình khó khăn quá nên năm cháu 4 tuổi mẹ phải đưa vào đây ở”. Khi tôi hỏi mẹ tên gì, hiện ở đâu, Huyền lắc đầu quầy quậy, không nói. Gặng hỏi một hồi, em tỏ ra giận dỗi.

Trẻ bị bỏ rơi đang được nuôi dưỡng tại nhà tình thương chùa Diệu Giác


Tôi hết sức ngỡ ngàng khi nghe các cô chăm sóc trẻ của chùa cho biết Huyền được đưa đến đây từ khi còn ẵm ngửa. “Huyền có thể tưởng tượng về mẹ với nhiều hình ảnh tốt đẹp nhưng sẽ rất giận nếu ai thắc mắc”- một cô kể.


Còn các sư ở nhà tình thương chùa Diệu Giác thường bất ngờ với câu chuyện của bé Tâm Anh, 7 tuổi. Có hôm, Tâm Anh khoe với bạn bè là vừa được mẹ dẫn đi chơi ở Suối Tiên. Hôm khác, em lại kể được mẹ dẫn đi ăn kem, đi chơi Thảo Cầm Viên... Các sư rất ngạc nhiên vì Tâm Anh bị bỏ rơi từ bé, chưa một lần biết mặt mẹ, cũng chẳng biết mẹ từng ở đâu. Thì ra, những câu chuyện này là thế giới riêng của Tâm Anh.

Ngoài cuộc sống thực tế, Tâm Anh tạo ra một thế giới mơ ước khác, có đủ cha mẹ, có những cuộc dạo chơi, trò chuyện êm đềm. “Không riêng gì Tâm Anh, nhiều cô nhi khác cũng đã vẽ ra một thế giới riêng có mẹ, có cha như vậy”- ni sư Như Trí cho biết.

Thiếu vắng tình cảm gia đình

Niềm vui của bé Hưng, 2 tuổi, ở nhà tình thương chùa Diệu Giác thật đơn giản: Khi khách đến thăm, em cứ đòi được ẵm đi vòng quanh sân.

Tiếng nói còn ngọng nghịu nhưng em kể đủ chuyện, từ việc không trèo lên được ghế, bị la khi leo lên xe máy đến ném đồ chơi trúng bạn... Khi chúng tôi ra về, bé nằng nặc níu áo giữ lại. Không giữ được khách, bé vào mách các cô.


Đông trẻ nhưng ít người trông coi nên các em rất thích được chơi cùng người khác. Đồ chơi của các em nhiều khi chỉ là một quả bóng tennis cũ, một con gấu vải lem luốc hoặc một chiếc xe nhựa không lành lặn. Thiếu thốn vật chất đã đành, nhưng đáng thương hơn, các em lại thiếu vắng tình cảm gia đình.

Kỳ tới: Về lại mái nhà chung

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày