GNO - Các nhà nghiên cứu vừa tìm ra mối liên hệ giữa chứng ngừng thở khi ngủ và đường huyết cao cũng như ảnh hưởng của đường huyết cao đến các chứng rối loạn giấc ngủ.
Ngừng thở khi ngủ - Ảnh minh họa
Ngừng thở khi ngủ là một bệnh lý về rối loạn giấc ngủ. Người mắc chứng bệnh này sẽ có những khoảng tạm ngừng thở ngắn trong khi ngủ, nguyên nhân gây ra sự mệt mỏi sau khi thức dậy. Chứng ngừng thở trong khi ngủ cũng có liên quan đến các vấn đề sức khỏe khác như bệnh tim mạch, khủng hoảng hay suy nhược tinh thần và tăng cân.
Nghiên cứu được thực hiện trên 5.294 người không mắc bệnh tiểu đường thuộc Hội những người mắc chứng ngừng thở khi ngủ châu Âu (The European Sleep Apnoea Cohort). Các chuyên gia đã nghiên cứu giấc ngủ của những người mắc chứng ngừng thở trong khi ngủ và đo mức đường huyết của hemoglobin hay HbA1c (chỉ số mức đường huyết trung bình) của nhóm đối tượng này. Người bị tiểu đường thường có chỉ số đường huyết trung bình HbA1c cao hơn người bình thường, có nghĩa là khả năng kiểm soát đường huyết của bệnh nhân tiểu đường kém và có nguy cơ cao với bệnh tim mạch.
Kết quả xuất bản trên Tạp chí Hô hấp châu Âu (The European Respiratory Journal) cho thấy mối liên hệ giữa chỉ số HbA1c và chứng ngừng thở khi ngủ. Cụ thể, người bị chứng ngừng thở khi ngủ nhẹ nhất có chỉ số đường huyết trung bình HbA1c thấp nhất. Trong khi đó, hầu hết người bị chứng ngừng thở khi ngủ nghiêm trọng nhất có chỉ số HbA1c cao nhất. Kết quả này chính xác kể cả khi xem xét các yếu tố khác như béo phì, giới tính và thời gian ngủ hàng ngày.
Theo đó, nghiên cứu cũng chỉ ra sự liên hệ giữa chứng ngừng thở khi ngủ và bệnh tiểu đường.
Trước đây, một nghiên cứu gần đây nhất được trình bày tại Hội nghị Quốc tế ATS năm 2012 (The ATS 2012 International Conference) cho thấy các bệnh nhân mắc chứng ngừng thở trong khi ngủ mức độ từ nhẹ đến nghiêm trọng đều được dự báo là mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 và chứng ngừng thở khi ngủ cũng có liên quan đến chỉ số đường huyết trung bình HbA1c.
Trần Trọng Hiếu (Theo The Huffington Post)