Ẩn mình trong khu vực thương mại sầm uất Tân Nhai Khẩu của Nam Kinh, thủ phủ của tỉnh láng giềng Giang Tô, là một ngôi nhà theo phong cách truyền thống Trung Quốc với cửa ra vào khổng lồ màu đỏ sậm.
Đằng sau cánh cửa, hầu như không bao giờ mở, là một kho tàng của Phật giáo Trung Hoa: một viện bảo tàng và nhà xuất bản nơi in những bộ kinh bằng các bản khắc gỗ.
Chân dung Dương Văn Hội
Nhà xuất bản Kim Lăng (tên cũ của Nam Kinh) Khắc Kinh Xứ (金凌刻經處) là nơi lưu giữ bộ sưu tập lớn nhất nước bản khắc gỗ bằng tay dùng để in kinh Phật, trong đó bao gồm cả một số bản đã hàng trăm năm tuổi.
Đến nay nhà xuất bản này vẫn còn đang hoạt động.
Cần phải có một lá thư giới thiệu từ hiệp hội Phật giáo địa phương mới có thể vào được bên trong. Lối vào là một cánh cửa nhỏ hơn vài mét so với cánh cửa màu đỏ bên ngoài.
Nhà in nhỏ này đã được UNESCO liệt vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể của thế giới. Các ấn phẩm của nơi đây đã được phân phối cho các ngôi chùa trên khắp Trung Quốc.
Nhà xuất bản này chứa khoảng 125.000 khối gỗ các loại, được sử dụng để in hơn 1.500 bộ kinh, luận của Phật giáo.
Nhiều trong số các bản khắc là cùng một bộ kinh, lâu đời nhất là hơn 300 năm tuổi. Hầu hết được sưu tầm bởi người sáng lập nhà xuất bản, Dương Văn Hội (1837-1911).
Phần lớn bộ sưu tập đã bị phá hủy cùng với ngôi nhà trong "Cuộc cách mạng văn hóa" (1966 -1976), khi các Hồng vệ binh hung hăng tiến vào ngôi nhà mang kệ sách và các bản khắc khối gỗ đi làm củi đốt và lấy kinh văn làm mồi lửa hay giấy vệ sinh.
Chính quyền địa phương đã cho xây dựng lại ngôi nhà, làm nơi cư trú của ông Dương, sửa chữa lại một số bản khắc gỗ và thu thập những bản khác từ khắp nơi trên đất nước.
Lối vào nhỏ bé qua một bức tường làm bằng gạch tối tăm dẫn đến một khoảng sân nhỏ nhưng đáng ngạc nhiên với đầy cây xanh và hoa nhiều màu sắc.
Một phòng triển lãm ở giữa sân trưng bày các bản kinh quý hiếm, các bản khắc và hình ảnh lịch sử về ngôi nhà cùng với chủ sở hữu ban đầu của nó và ông Dương.
Căn phòng mở ra một lối khác, một cái sân nhỏ hơn ớ phía sau có mộ của ông Dương và một mộ tháp cao gần 9 mét.
Ở bên phải sân là các công xưởng nơi hàng chục thợ thủ công đang tỉ mỉ khắc các ký tự vào các khối gỗ, cẩn thận in từng tờ một, phân loại và điều chỉnh, đóng cuốn và ghi nhãn. Gỗ được ngâm trong một chất bảo quản có khả năng chống được côn trùng.
Khắc kinh
Dương Văn Hội, hay còn được gọi là Dương tiên sinh, được coi là cha đẻ của thời kỳ phục hưng Phật giáo Trung Quốc hiện đại. Ông bắt đầu việc in ấn để truyền bá kinh điển đã bị hư hủy trong những năm qua.
Phật giáo là một tôn giáo đạt đến đỉnh cao ở Trung Quốc trong triều đại nhà Đường (618 - 907), và suy yếu dần trong thời nhà Tống (960 - 1279) kể từ khi các hoàng đế Tống ngưỡng mộ và tu theo Đạo giáo.
Tuy nhiên, cũng cần phải nói thêm rằng, Phật giáo, Khổng giáo và tôn giáo dân gian Trung Quốc đã bị tàn phá trong cuộc nổi dậy Thái Bình. Lãnh đạo cuộc nổi dậy là một người theo đạo Kitô không chính thống, đã thành lập Thái Bình Thiên Quốc, có kinh đô đặt tại Nam Kinh.
Khi quân đội Thái Bình lớn mạnh, họ đã giết chết các nhà sư Phật giáo, đốt cháy kinh điển và chùa chiền. Khoảng 20 triệu người đã bị giết chết trước khi cuộc nổi loạn bị dập tắt.
Ông Dương, người sáng lập nhà in, đã quan tâm đến Phật giáo ở độ tuổi 20 sau khi đọc Đại Thừa Khởi Tín Luận. Là một người sống ở tỉnh An Huy, Dương tiên sinh đã chuyển đến Nam Kinh vào năm 1895 để tham gia vào các dự án xây dựng lại chính phủ sau cuộc nổi loạn.
Ông thấy rằng hầu hết các kinh điển Phật giáo và các bản gỗ đã bị đốt cháy và vài tu sĩ còn lại không được đào tạo tốt, nhiều người chưa từng học qua kinh văn.
Ông Dương và bạn bè đã thành lập Nhà xuất bản Kim Lăng Khắc Kinh Xứ trong ngôi nhà của mình, tại địa chỉ hiện tại. Họ đã sửa chữa các khối gỗ bị hư hỏng, mua các bản mới và thuê công nhân thuê khắc thêm những bản khác.
Trong chuyến thăm Vương quốc Anh và nước Pháp, ông Dương đã gặp nhà sư người Nhật Bản, Nanjo Bunyu, mà qua đó, ông đã thỉnh hơn 300 bản kinh từ Nhật Bản, như một điểm khởi đầu. Sau đó, ông đã thuê các nhà thư họa, họa sĩ và điêu khắc nổi tiếng để làm cho các bản khắc gỗ tinh tế hơn cùng với hình minh họa. Chính ông Dương cũng đã thực hiện một số tác phẩm đó.
Ông đã thành lập một trường Phật học ở tại nơi đây, tổ chức thuyết giảng và mời diễn giả. Nhiều sinh viên của ông sau này trở thành các nhà triết học xuất sắc của Phật giáo Trung Quốc.
Khi ông Dương qua đời vào năm 1911, ngôi nhà của ông và cũng là nhà xuất bản chứa hơn 40.000 bản khắc gỗ. Trong di chúc của mình, ông cho biết nhà của ông vẫn là Nhà xuất Kim Lăng Khắc Kinh Xứ và ông đã yêu cầu con trai hỗ trợ nó về mặt tài chính.
Hầu hết công trình của ông đã bị xóa sạch trong "Cuộc cách mạng văn hóa" khi ngôi nhà bị chiếm đóng bởi Hồng vệ binh.