Duy Ma Cật & Lý tưởng người cư sĩ

Ngài Duy Ma Cật (Vimalakirti)

Với sự khởi dậy của phong trào Ðại thừa vào khoảng năm trăm năm sau Phật nhập diệt, Phật giáo trải qua một tiến trình trẻ trung hóa. Những người giữ vai trò then chốt trong tiến trình này là những vị lãnh đạo trong cộng đồng cư sĩ. Ngài Duy Ma Cật là một hình ảnh đại diện cho lối sống và sự đóng góp của những cư sĩ này vào tiến trình đó, được diễn tả trong kinh Vimalakirti-nirdasha (Duy Ma Cật Sở Thuyết Kinh), thường được gọi là kinh Duy Ma Cật.

Duy Ma Cật (Vimalakirti), một thương gia giàu có ở thành Vaisali (Tỳ Xá Ly), có biện tài, giỏi tranh luận và trí nhớ phi thường. Ông là một người đầy quyến rũ và bí ẩn. Không giống như những đại đệ tử của Ðức Thích Ca Mâu Ni, hầu như tách rời hẳn với đời sống thế tục, Duy Ma Cật sống đời sống của một cư sĩ trọn vẹn và không ràng buộc. Đời sống đó là một hiện thân của tinh thần Ðại thừa, khước từ tinh thần tu viện hạn hẹp và nhấn mạnh vào việc đi vào xã hội của Phật giáo.

duyma-2.gif

Ngài Văn Thù Sư Lợi và Duy Ma Cật

Ðối với giới Phật tử ở Ấn Ðộ, Trung Hoa, Nhật Bản, Đại Hàn, Việt Nam, đặc biệt là những cư sĩ tại gia, Duy Ma Cật đã trở thành một nhân vật được quảng đại quần chúng biết đến. Ðiều này được minh chứng khi chúng ta thấy rằng kinh Duy Ma Cật càng ngày càng được đọc tụng rộng rãi hơn trong giới Phật tử Ðại thừa bên cạnh kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Có sáu bản dịch kinh Duy Ma Cật tiếng Trung Hoa, trong đó có ba bản hiện còn. Trong những bản này, bản do Ngài Vimalakirti (Cưu Ma La Thập, 344-413) dịch được coi là có bút pháp tinh tế và được đọc nhiều nhất. Bồ tát triết gia Long Thọ (Nagarjuna) trong Ðại Trí Ðộ Luận (Mahaprajna-paramitopadesha) đã trích dẫn từ kinh Duy Ma Cật nhiều hơn những kinh điển khác ngoài kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Phái Thiên Thai cũng đặt kinh này vào một vị trí quan trọng, có bản sớ giải về kinh này. Ở Nhật Bản, đó là một trong ba bản kinh mà thái tử Shotòku (Thánh Ðức) viết sớ giải, hai bản kinh kia là kinh Pháp Hoa và kinh Thắng Man (Shrimala).

Kinh Duy Ma Cật chia sẻ với kinh Pháp Hoa nét độc đáo trong những kinh điển Ðại thừa gây ấn tượng và tác động mạnh nhất, và đã tạo ảnh hưởng lớn lên các thi sĩ và văn sĩ Trung Hoa và Nhật Bản. Thi sĩ lừng danh Trung Hoa thời Ðường là Vương Duy chẳng hạn bày tỏ sự kính ngưỡng của ông đối với kinh này với việc lấy tên là Duy Ma. Tác phẩm Hòjòki (Phương Trượng Ký) của Kamo no Chòmei (Áp Trường Minh, 1153 hoặc 1155-1216) trong văn học cổ đại Nhật Bản cũng chịu ảnh hưởng sâu xa tư tưởng kinh Duy Ma Cật, và "túp lều mười bộ" trong đó được diễn tả phỏng theo căn phòng mười bộ của ngài Duy Ma Cật.

Mặc dù sự đẹp đẽ trong văn chương, cũng như việc không thuộc vào một trường phái riêng biệt nào có thể là một phần nguyên do làm cho kinh này phổ biến rộng rãi và lâu dài, nhưng theo tôi, có lẽ nguyên do quan trọng nhất là ấn tượng mà Duy Ma Cật đã tạo ra nơi người đọc như là một con người, và đưa ra một cách thích đáng việc áp dụng thực tiễn tinh thần Ðại thừa.

Tư tưởng Phật giáo trong giai đoạn trước khi có phong trào Ðại thừa tập trung vào hình ảnh của tu sĩ, những vị sống nghiêm nhặt trong giới luật, và thực hành giáo pháp của Ðức Thích Ca Mâu Ni để chứng Thánh quả. Duy Ma Cật trái ngược hoàn toàn với những vị đó; ông là một thương gia giàu có, một công dân nổi bậc của thành Vaisali (Tỳ Xá Ly), được đồng bào thương mến và ông cũng rất gần gũi với họ. Ông có vợ và gia đình, dấn thân trong những hoạt động thương mãi, và thỉnh thoảng ông cũng có mặt trong các khu vui chơi và cờ bạc trong thành phố, để truyền bá giáo pháp Ðại thừa. Ông là một người thực hành loại giáo pháp mà Giáo đoàn trước kia, với sự nhấn mạnh vào tinh thần tu viện, không thể chấp nhận.

Chúng ta không có gì rõ ràng ngoài bản kinh để có thể xác định sự hiện hữu của Duy Ma Cật. Ngài Huyền Tráng có ghi lại rằng khi viếng thành phố Tỳ Xá Ly trong cuộc du hành sang Ấn Ðộ vào thế kỷ thứ bảy, ngài được chỉ cho ngôi nhà xưa của Duy Ma Cật, cũng như nhiều nơi được nói là Duy Ma Cật đã từng giảng dạy tại đó. Tuy nhiên, điều này cũng không đủ để chứng minh, bởi vì rất nhiều nhân vật chỉ có trong văn chương hay huyền thoại cũng được gán cho nơi sinh, chỗ ở, y phục... Với tất cả những gì chúng ta biết, theo một vài nhà Phật học, Duy Ma Cật có thể không khác hơn là một hiện thân tưởng tượng của lý tưởng cư sĩ do tín đồ Ðại thừa tạo ra về sau.

Tuy nhiên, cũng không có lý do vững vàng để có thể bác bỏ sự hiện hữu thật sự của ngài Duy Ma Cật. Như chúng ta biết, trước kia, các học giả Tây phương cũng đã từng bác bỏ sự hiện hữu trong lịch sử của Đức Thích Ca Mâu Ni và vua Ashoka (A Dục), người được coi như một lãnh tụ huyền thoại, cho đến khi các nhà khảo cổ khai quật được những chỉ dụ của ông.

Và dù nếu Duy Ma Cật chỉ là một nhân vật thuần túy tưởng tượng, cũng không ai có thể chối bỏ giá trị của bộ kinh Ðại thừa vĩ đại mà  những hành vi của ông được diễn tả trong đó. Không phải tính lịch sử của Duy Ma Cật là quan trọng, nhưng chính cách mà bản kinh dùng ông để làm sáng tỏ lý tưởng Bồ tát, đưa ra những biện pháp thực tiễn để truyền bá Phật giáo trong toàn bộ xã hội, và trình bày một cái thấy sâu xa và cao thượng của đời sống, siêu vượt tính chất nhị nguyên của có và không. Duy Ma Cật chỉ là một cổ xe cho việc truyền bá tinh thần Ðại thừa.

Dù Duy Ma Cật là một nhân vật có thật hay chỉ trong văn chương, thành phố Vaisali (Tỳ Xá Ly), hậu trường của những sinh hoạt của ông, không phải là một sản phẩm của tưởng tượng. Ðó là một trung tâm thương mãi ở miền Bắc Ấn Ðộ và là một nguồn lực quan trọng của phong trào Ðại thừa. Chính Đức Thích Ca Mâu Ni đã tỏ ra rất chú ý đến thành phố này và đã cùng đệ tử viếng nơi đây nhiều lần. Không lâu trước khi nhập diệt, trên đường về thành Ca Tỳ La Vệ (Kapilavastu), Ngài đã dừng lại một thời gian tại đây, và khi rời thành phố, Ngài nói: "Thành Tỳ Xá Ly đẹp xiết bao!". Do đó, chúng ta không quá ngạc nhiên nếu thật sự có những tín đồ tại gia quan trọng như Duy Ma Cật sống và sinh hoạt trong thành phố này.

Chúng ta không nên nghĩ rằng những đệ tử nổi bật của Đức Phật chỉ là những vị Thanh văn, mặc dầu những câu chuyện về các vị này được ghi lại đầy đủ trong kinh điển tiền kỳ. Trong những năm đầu, chắc chắn Đức Thích Ca Mâu Ni đã để một thời gian dài giảng dạy cho những người trẻ gia nhập đời sống tu viện và quy tụ quanh ngài. Nhưng khi tiếng tăm Ngài được truyền rộng, càng ngày càng có nhiều người tìm đến nghe giáo pháp, và số nam nữ trở thành tín đồ tại gia của Ngài ngày càng gia tăng là điều tự nhiên. Kinh điển có ghi lại vua Bimbisara (Tần Bà Sa La), cai trị nước Magadha (Ma Kiệt Ðà), cũng như vua Pasenadi (Ba Tư Nặc), cai trị nước Koshala (Kiều Tát La), cả hai đều tín ngưỡng Phật pháp, và chúng ta cũng được nghe nói đến những sự quy ngưỡng trong giới thương gia giàu có như Sudatta (Tu Ðạt), người đã cúng tịnh xá Kỳ Viên cho Tăng đoàn.

Khi Đức Thích Ca Mâu Ni hướng đến những tín đồ tại gia, chúng ta có thể chắc chắn rằng Ngài đã hướng dẫn họ theo những phương pháp tu tập khác hơn những gì Ngài dạy cho giới tu sĩ, và vì vậy có thể giả thiết rằng nội dung những giáo lý đó ở mức độ nào đó khác hơn những gì Ngài đã dạy cho giới tu sĩ. Nếu những giáo lý này thật sự về sau kết tinh lại dưới hình thức những kinh điển Ðại thừa, chúng ta có thể ước đoán rằng những giáo lý đó nhấn mạnh lên bổn phận của người tín đồ tại gia trong việc lợi ích cho người khác cũng như trong việc phát triển giáo pháp trong toàn bộ xã hội.

Tôi có cảm nghĩ rằng Đức Thích Ca trông cậy vào giáo đoàn Tăng lữ trong việc bảo đảm phần giáo lý triết học và tôn giáo mà Ngài đã truyền dạy trong năm mươi năm sau khi giác ngộ, được lưu truyền một cách chính xác cho thế hệ sau, và đối với cư sĩ, Ngài quan tâm vào tinh thần tích cực và kiến thức về thế gian của họ, rằng họ có thể truyền bá giáo pháp vào trong lòng xã hội. Nếu giả thiết của tôi là đúng, chúng ta có thể nói rằng Đức Thích Ca Mâu Ni nhận thấy cả hai giới tu sĩ và cư sĩ đều quan trọng như nhau trong giáo pháp và rằng mỗi giới có phận sự riêng và không thể thiếu giới nào.

Xây dựng Phật Quốc độ

Sau đây, chúng ta xét qua bản dịch kinh Duy Ma Cật của ngài Cưu Ma La Thập, và nhân vật Duy Ma Cật.

Phần thứ nhất của kinh gồm có bốn phẩm, nói về những sự việc xảy ra ở vườn Ambapàli (Yêm La) ở ngoại ô thành Vaisali (Tỳ Xá Ly). Ambapàli là một kỹ nữ ở thành Vaisali (Tỳ Xá Ly) và là một Phật tử sùng tín. Ở Ấn Ðộ thời bấy giờ, kỹ nữ và gái mãi dâm được chính phủ giám sát và bảo vệ. Ambapàli được coi như một trong những tài sản của Tỳ Xá Ly, không những có sắc đẹp, lại rất thông minh và có học. Cô ta rất giàu có và làm chủ những khu vườn đẹp ở vùng ngoại ô mà cô đã dâng cúng cho Đức Phật. Trong thời gian được diễn tả trong kinh Duy Ma Cật, Đức Thích Ca Mâu Ni đã cùng với tám ngàn Tỳ kheo và ba ngàn hai trăm vị Bồ tát nghỉ dưới bóng những cây xoài trong khu vườn này.

Vào lúc đó, một người thanh niên tên là Bảo Tích cùng đi với năm trăm thanh niên quý tộc của thành Tỳ Xá Ly, mỗi người cầm một cây lọng bảy báu, đến viếng Phật. Đức Phật làm cho năm trăm cây lọng báu hiệp thành một cây lọng. Với cây lọng lớn này, Ngài che mát các cõi trong ba ngàn đại thiên thế giới. Ðoạn này có thể hiểu là từ bỏ bản ngã riêng của năm trăm người để sống trong đại ngã duy nhất của Phật. Ý nghĩa tiềm ẩn của đoạn kinh là khái niệm "nhứt niệm tam thiên", tức ba ngàn đại thiên thế giới bao hàm trong một niệm, được trình bày ở những kinh điển khác.

Bảo Tích, đầy lòng kính mộ, tụng một bài kệ tán thán Ðức Thế Tôn. Trong đó có đoạn rất nổi danh:

"Phật dạy giáo pháp chỉ một âm,

Mà mỗi chúng sanh tùy bậc hiểu".

Có nghĩa là mỗi người nghe giáo pháp của Phật sẽ hiểu khác nhau tùy theo căn tánh và khả năng. Dù giáo pháp có được trình bày hùng hồn thế nào, nếu người nghe chỉ mang quan điểm hẹp hòi của Thanh văn hay Bích chi thì cũng không thể hiểu giáo pháp Ðại thừa của Đức Phật. Mặt khác, nếu người này có tâm hồn rộng rãi có thể phóng tầm nhìn ra ngoài ba ngàn đại thiên thế giới, người ấy sẽ chứng nghiệm được ý nghĩa chân thật của Phật không gì khó khăn. Ðoạn kinh này là đoạn nhắc nhở cho chúng ta, những người tầm cầu giáo pháp, rằng một thái độ rộng rãi và cởi mở quan trọng như thế nào.

duyma-1.gif

Sau đó, Bảo Tích hỏi Đức Thích Ca Mâu Ni những việc Bồ tát cần làm để chứng được cõi Phật thanh tịnh. Ðức Phật trả lời: "Này Bảo Tích! Quốc độ của tất cả chúng sanh là Phật quốc độ của các Bồ tát. Vì sao? Bởi vì các quốc độ của Phật được giữ gìn do những chúng sanh được các vị Bồ tát chuyển hóa, và được giữ gìn do những chúng sanh được các Bồ tát giáo hóa. Quốc độ Phật được mở rộng do nhiều chúng sanh chứng ngộ trí huệ Phật, được mở rộng do những người giác ngộ tánh Bồ tát nơi chính mình. Như vậy, quốc độ Phật của Bồ tát là để làm lợi ích chúng sanh".

Bồ tát tu tập để thành tựu pháp giới hay Phật quốc, Phật quốc này hoàn toàn thanh tịnh, nhưng như đoạn kinh nói rõ, "những quốc độ Phật" này không phải "Cõi Tịnh độ" ở phương Tây. Những cõi Phật này có sẵn trong tâm của vị Bồ tát khi vị Bồ tát phát nguyện làm lợi ích cho tất cả chúng sanh và tinh tấn tu tập để chứng ngộ Phật quốc độ đó. Nói cách khác, quốc độ Phật được quan niệm không phải như là kết quả để đạt đến mà là động lực, hay tiến trình, để đạt đến nó. Ðó là một điển hình về tính chất năng động tiêu biểu của toàn kinh Duy Ma Cật. Ðoạn kinh trên cũng có thể được coi như là một công thức đo lường phạm vi truyền bá giáo pháp mà một người đạt tới. Khi một hành giả giảng dạy, mức độ mà người này hiểu về sứ mệnh của mình trong tư cách một Bồ tát chuyển hóa người khác vào giáo lý Ðại thừa, đưa họ vào cảnh giới trí tuệ của Phật, và giải thoát cho tất cả chúng sanh sẽ quyết định mức độ thanh tịnh và sự đạt đến bao xa trong quốc độ Phật mà người này xây dựng.

Tất cả những đoạn được trình bày ở trên đều thuộc về phẩm thứ nhứt của kinh, phẩm “Phật Quốc”. Trong phẩm thứ hai, phẩm “Phương Tiện", chúng ta sẽ khảo sát đến nhân vật đáng lưu ý là ngài Duy Ma Cật. Vimala trong tiếng Sanskrit (Phạn ngữ) có nghĩa là "không ô nhiễm", và kirti có nghĩa là "danh tiếng" hay "thanh danh". Ngài Huyền Tráng dịch là "Tịnh Danh". Ngài Cưu Ma La Thập thì dùng chữ Trung Hoa để diễn âm Phạn ngữ. Vì bản dịch của ngài Cưu Ma La Thập rất nổi tiếng và phổ biến, ở Trung Hoa tên Duy Ma Cật hay Duy Ma thường được dùng để gọi ngài Vimalakirti (Tịnh Danh).

Kinh cho chúng ta biết rằng ở Tỳ Xá Ly có một người giàu có tên là Duy Ma Cật hay "Tịnh Danh", một Phật tử tại gia có nhiều phương tiện thiện xảo để chuyển hóa quần chúng theo về với giáo pháp.

Theo kinh, ông là một người năng động. Công việc làm ăn buôn bán của ông phát đạt, và ông cũng đã phân phát của cải của ông cho đông đảo quần chúng. Ông đi mọi nơi trong thành để hướng dẫn mọi người, viếng các trường học và dạy dô các trẻ em bằng phương pháp khéo léo, và có rất nhiều bạn bè cả già lẫn trẻ. Ông thông hiểu những tác phẩm phổ biến đương thời, và được nhiều người trong giới Bà la môn mến mộ.

Kinh nói: "Khi ở với các đại thần, ông dạy giáo pháp chân thật làm lợi ích cho những đại thần tôn quý nhất". Có thể trong thực tế ông đã có thời gian làm đại thần. Ở Tỳ Xá Ly lúc đó đã có một hình thức chính phủ cộng hòa, và có thể ông đã được bầu giữ một chức vụ quan trọng. Dù thế nào, ông cũng là một công dân xuất sắc của quốc gia.

Ðịa vị của Duy Ma Cật ở Tỳ Xá Ly gợi cho chúng ta nhớ đến Socrates ở Athens. Nhưng Socrates thì không giàu có. Và nếu Duy Ma Cật có ảnh hưởng lớn lao hơn Socrates, ông cũng có diễm phúc hơn Socrates về sự tín nhiệm của quần chúng. Ðiều này được chứng minh hùng hồn trong dịp ông bị bịnh, khi đó các vua, đại thần, người già cả, cư sĩ, Bà la môn, vương tử, và các quan lại, tính tổng cộng có đến nhiều ngàn người, đến để hỏi thăm sức khỏe. Ông được sự mến mộ và cảm tình của tuyệt đại đa số quần chúng.

Lúc bấy giờ, Đức Thích Ca Mâu Ni đang ở tại vườn Yêm La (Ambapali). Ngài quyết định phái người đến thăm hỏi Duy Ma Cật. Phẩm thứ ba và thứ bốn, "Thanh văn" và "Bồ tát", diễn tả việc Đức Phật chỉ định từng vị một trong mười Ðại đệ tử của Ngài, đến Đức Di Lặc và những vị Bồ tát khác, nhận lãnh trách nhiệm. Nhưng mỗi vị, nhớ lại việc trước kia bị Duy Ma Cật phản bác, đều nói rằng mình không thích hợp với công việc được giao phó.

Như ngài Xá Lợi Phất (Shariputra), được coi như một vị "trí huệ đệ nhứt", kể lại lúc xưa có một lần khi ngài ngồi kiết già thiền định dưới một gốc cây, Duy Ma Cật xuất hiện và giảng cho ngài phương pháp đúng đắn về tọa thiền. Duy Ma Cật nói: "Này ngài Xá Lợi Phất, không phải ngồi là ngồi thiền. Ngồi thiền có nghĩa là không hiện ra trong ba cõi. Cũng có nghĩa là hiển bày chính mình trong tánh tự nhiên trong đó thân và tâm đều không còn. Có nghĩa là tu hành Phật đạo trong lúc làm những công việc hàng ngày trong thế gian. Ðó gọi là ngồi thiền".

Ngài Xá Lợi Phất không có câu trả lời. Vì lý do đó, ngài giải thích với Phật rằng ngài không thể nhận lãnh trách nhiệm thăm hỏi sức khỏe Duy Ma Cật.

Những đoạn kinh đó nhắm đến tấn công quan điểm Tiểu thừa, và nêu lên sự tu tập theo quan điểm Ðại thừa. Trong những thí dụ vừa được trích dẫn, sự tu tập của Tiểu thừa bị phê phán về chủ nghĩa hình thức mà họ rơi vào, và việc không lưu ý đến nội dung và tác dụng thực tiễn của sự tu tập. Tinh thần tiêu biểu của Ðại thừa được thấy rất rõ ràng ở đây.

Tuy nhiên, với nhiệt tâm tấn công lý tưởng Thanh văn hay Bích chi của Tiểu thừa, đôi khi kinh đã đi ra ngoài những giới hạn của lý lẽ. Một ví dụ trong kinh là ngài Xá Lợi Phất từ đầu đến cuối luôn luôn bị coi như một người làm trò. Tuy nhiên, trong thực tế, chúng ta biết ngài đã đóng một vai trò quan trọng trong giáo đoàn, là một trong những người lãnh đạo Giáo đoàn.

Một số học giả coi kinh Duy Ma Cật và kinh Pháp Hoa là cùng một "gia đình" trong kinh điển Ðại thừa. Tuy nhiên kinh Duy Ma Cật dường như vẫn còn bị dính mắc trong sự phân biệt giữa lý tưởng Thanh văn/ Bích chi của Tiểu thừa và lý tưởng Bồ tát của Ðại thừa. Sự không thể vượt qua sự phân biệt đó tạo ra một vết rạn trong kinh.

Bồ tát làm lợi chúng sanh như thế nào?

Phần thứ hai trong bản dịch của ngài Cưu Ma La Thập, từ phẩm thứ năm đến phẩm thứ chín, đưa chúng ta vào căn phòng mười bộ của ngài Duy Ma Cật. Bồ tát Văn Thù (Manjushri) thay mặt Phật đến thăm bịnh ngài Duy Ma Cật. Có tám ngàn vị Bồ tát, năm trăm vị Thanh văn, và một trăm ngàn chúng trời cùng đi với ngài. Mọi người đều nghĩ rằng những lời đối đáp giữa Đức Văn Thù và ngài Duy Ma Cật sẽ rất lợi lạc, và họ vây quanh chờ đợi.

Căn phòng mà ngài Duy Ma Cật đang nằm không có một thứ gì ngoài chiếc giường và chỉ rộng một trượng tức khoảng mười bộ, nhưng đủ chỗ cho mọi người đến thăm. Ðiều này thật khó cho người duy lý bình thường có thể hiểu và chấp nhận.

Ngay cả ngài Xá Lợi Phất cũng vậy. Ở phẩm thứ sáu, ngài đã bối rối trước sự việc mà Duy Ma Cật nói với ngài: "Thưa ngài Xá Lợi Phất! Chư Phật và Bồ tát có pháp giải thoát tên là Bất tư nghì. Khi Bồ tát trụ nơi pháp giải thoát đó, đem núi Tu Di (Sumeru) để vào trong một hột cải vẫn không dư không thiếu. Lại nữa, hình dạng núi Tu Di cũng không biến đổi, trời Tứ thiên vương và chư thiên cõi trời Ba mươi ba (Ðao Lợi) cũng không biết là mình vào trong đó. Chỉ những bậc Ứng hợp độ thế mới có thể biết rằng núi Tu Di đã được đem vào trong hạt cải. Ðó gọi là pháp môn Bất tư nghì giải thoát".

Ðoạn kinh trên là một sự trình bày về giáo lý tánh Không (Sunyata) của Ðại thừa. Những lời đối đáp giữa hai ngài Văn Thù và Duy Ma Cật cũng đặt nền tảng trên khái niệm tánh Không này, tính chất rỗng không hay vượt ngoài mọi khả năng diễn tả của thực tại. Trong phẩm thứ chín, "Nhập Bất Nhị Pháp Môn", khái niệm này được trình bày dưới nhiều góc cạnh, và được diễn tả là "không có cũng không không, không sinh cũng không diệt, không hữu vi cũng không vô vi". Ðó là tính Bất nhị không thể hiểu được bằng ngôn ngữ thông thường, cảnh giới nhất nguyên tuyệt đối.

Đó là cảnh giới mà Bồ tát dùng nhiều cách tu tập để đạt tới. Ở đây chúng ta tìm xem những sự tu tập này gồm những gì.

Trở lại với ngài Duy Ma Cật như được diễn tả trong phẩm thứ năm, "Thăm bệnh". Khi ngài Văn Thù đến bên để hỏi thăm bệnh, ngài Duy Ma Cật đã trả lời với những lời lẽ tuyệt vời như sau:

"Do từ si mê sinh ra ái, từ đó mà bịnh tôi phát sinh. Vì tất cả chúng sanh bệnh, nên tôi bệnh. Nếu bệnh của chúng sanh không còn, thì bệnh tôi không còn. Vì sao? Vì Bồ tát đi vào trong sanh tử vì lợi ích chúng sanh. Vì có sanh tử nên có bệnh. Nếu chúng sanh không còn bệnh thì Bồ tát không còn bệnh. Ví như ông trưởng giả chỉ có một người con. Nếu người con bệnh thì cha mẹ bịnh theo, nếu con lành bệnh thì cha mẹ lành bệnh. Bồ tát cũng như thế, thương tất cả chúng sanh như con. Nếu chúng sanh bệnh thì Bồ tát bệnh, nếu chúng sanh lành thì Bồ tát lành. Ngài hỏi tôi: ‘Nguyên do từ đâu mà tôi bị bệnh?’ Bệnh của Bồ tát là do tâm đại bi".

Ở đây, chúng ta thấy rõ rằng bệnh của ngài Duy Ma Cật không phải do sự mất điều hòa của năm ấm gây ra. Nguyên do của bệnh thuộc phạm vi tinh thần. Thông thường một người khỏe mạnh ít khi nào hiểu được những nỗi khổ của người bệnh. Nhưng ở đây, chúng ta được chứng kiến hạnh nguyện của vị Bồ tát: Không chỉ hiểu mà còn san sẻ những nỗi khổ của người khác, lấy nỗi khổ của người khác làm nỗi khổ của mình.

Ngài Duy Ma Cật tiếp tục giải thích những hạnh của Bồ tát như sau: "Mặc dù Bồ tát quán sát các quốc độ của chư Phật là hằng cữu và ở ngoài sinh tử, ngài vẫn làm cho những quốc độ này phô bày mọi vẻ thanh tịnh cho chúng sanh được thấy - đó là hạnh của Bồ tát. Bồ tát cầu Phật quả, thuyết pháp, nhập Niết bàn, ngài vẫn không bỏ đạo Bồ tát - đó là hạnh của Bồ tát".

Nghe những lời này của Duy Ma Cật, tám ngàn thiên tử đi theo ngài Văn Thù chứng Vô thượng Chánh giác.

Mục đích của đoạn kinh này là muốn làm sáng tỏ rằng vị Bồ tát khi thực hành những pháp môn tu tập cho bản thân cũng nỗ lực tạo "quốc độ Phật" hay thế giới lý tưởng trong xã hội thực tiễn mình đang sống. Không giống với người tín đồ Tiểu thừa theo đuổi lý tưởng A la hán, chỉ cố gắng để giải thoát bản thân khỏi khổ đau và vô minh, vị Bồ tát hiểu biết sâu xa về pháp, và từ chỗ này, cố gắng không ngừng trong việc tạo quốc độ Phật để làm lợi ích cho tất cả chúng sanh. Ðó là trách nhiệm cao cả của giáo lý Ðại thừa phó thác cho Bồ tát.

Ðể kết luận cuộc đàm thoại hùng hồn và thâm sâu giữa ngài Duy Ma Cật và Bồ tát Văn Thù về bản chất của Bồ tát, một thiên nữ trong gia đình ngài Duy Ma Cật đột nhiên xuất hiện rải hoa trời lên đại chúng. Những hoa này rơi xuống chạm vào các vị Bồ tát thì rớt xuống đất, còn những hoa rơi chạm các vị Thanh văn thì bám dính vào họ. Ngài Xá Lợi Phất và các vị đệ tử Thanh văn của Đức Phật cố gỡ những hoa này nhưng không gỡ ra được.

Thiên nữ cười, hỏi ngài Xá Lợi Phất: "Vì sao ngài lại gắng sức gỡ bỏ những hoa đó?".

Ngài Xá Lợi Phất trả lời: "Thiên nữ, tôi gỡ bỏ những hoa này vì chúng không thích hợp cho người tu sĩ!".

Thiên nữ nói rằng những hoa này tự chúng không bận tâm về việc thích hợp hay không thích hợp. Chỉ vì ngài Xá Lợi Phất và những vị Thanh văn vẫn còn nuôi dưỡng tâm phân biệt rằng có những hoa bám vào các ngài. Ðối với người tu còn sợ hãi luân hồi, các căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân đều trở thành nguồn cội của vô minh.

Tuy nhiên, ngài Xá Lợi Phất lại chế nhạo vị thiên nữ. Ngài hỏi: "Thiên nữ, vì sao cô không chuyển đổi tướng nữ nhân?".

Thiên nữ trả lời bằng cách hiển lộ thần thông chuyển ngài Xá Lợi Phất thành tướng nữ, và chuyển thân tướng mình thành thân tướng ngài Xá Lợi Phất.

Một lần nữa, cùng một vấn đề được nêu ra: Ngài Xá Lợi Phất, đại biểu cho quan điểm Tiểu thừa, không thể thoát khỏi lối suy nghĩ theo những phạm trù cứng nhắc. Dưới cái nhìn của Phật pháp, tất cả chúng sanh đều bình đẳng, nam hay nữ đều như nhau. Như lời thiên nữ nói theo lời dạy của Đức Thích Ca Mâu Ni: "Trong tính bình đẳng của tất cả chúng sanh, không có tướng nam hay tướng nữ". Đoạn kinh này rất gần với tư tưởng của phẩm mười hai trong kinh Pháp Hoa, trong đó, long nữ chuyển thành tướng nam và chứng quả Phật.

Một điểm cuối cùng cần ghi nhận trong những đoạn kinh này là sự nhiệt thành cầu giác ngộ của những người đến gặp ngài Duy Ma Cật. Nơi nào có những cư sĩ với lòng tin và sự hiểu biết sâu xa như ngài Duy Ma Cật, những vị đó sẽ tạo nguồn cảm hứng cho tất cả những người gần gũi với họ.

Giáo lý bất tư nghì

Trong phẩm thứ tám, "Phật đạo", ngài Duy Ma Cật và Bồ tát Văn Thù tranh luận về bản chất sự giác ngộ của Phật. Trong phẩm thứ chín, "Nhập Bất Nhị Pháp Môn", ba mươi hai vị Bồ tát chứng được nhiều cảnh giới trong Bất nhị pháp môn.

Đây được coi như điểm cao tột của kinh, chứa một câu bất hủ "Sự im lặng của Duy Ma Cật, giống như tiếng nổ của sấm sét". Từng vị một, các Bồ tát trình bày quan điểm của mình về tánh chất của pháp môn Bất-nhị. Nhưng đến lượt Duy Ma Cật, ngài chỉ ngồi yên lặng. Ở đây ngài tỏ bày cảnh giới Bất-nhị bằng sự im lặng, rằng cảnh giới đó luôn luôn ở trên và ở ngoài mọi ngôn ngữ, một nơi mà mọi tác động của tâm đều chấm dứt.

Bồ tát Văn Thù, đầy ngưỡng mộ với cách tỏ bày của ngài Duy Ma Cật, tán thán: "Hay thay! Hay thay! Cho đến không có văn tự ngữ ngôn, đó mới thật là nhập Bất nhị pháp môn". Và lúc đó năm ngàn vị Bồ tát liền chứng Vô sanh pháp nhẫn.

Phần cuối của kinh, từ phẩm thứ mười đến phẩm thứ mười bốn, đề cập đến Đức Phật tên Hương Tích ở cõi Chúng Hương. Đức Phật đó thuyết pháp bằng cách dùng những mùi hương vi diệu.

Những tranh luận giữa ngài Duy Ma Cật và Bồ tát Văn Thù tiếp tục cho đến gần giờ trưa. Ngài Xá Lợi Phất bâng khuâng về việc ngọ trai vì theo giới luật của các Tăng sĩ thời bấy giờ, tu sĩ không được ăn sau giờ ngọ. Ngài Duy Ma Cật nhận thấy điều đó, hỏi: "Ngài có nghĩ rằng ngài có thể nghe pháp trong khi bận tâm về thực phẩm?". Rồi ngài nói tiếp "Nếu ngài cần một thứ gì để ăn, xin hãy chờ một lát. Tôi sẽ dâng cho ngài thứ thực phẩm mà ngài chưa từng bao giờ nếm đến". Ngài Duy Ma Cật gởi một sứ giả đến cõi Chúng Hương để thỉnh một bữa ăn. Người sứ giả được gởi đến thấy mình ở trong một thế giới không sử dụng ngôn ngữ và văn tự. Phật pháp ở đó hoàn toàn được dạy bằng các loại mùi hương. Trong cõi đó không có Thanh văn hay Bích Chi, chỉ có toàn Bồ tát đã đạt đến sự thanh tịnh cao tột, và các ngài chỉ sống bằng mùi hương.

Cõi Chúng Hương, mặc dù với những tính chất thần thoại của nó, được diễn tả một cách vô cùng sống động, và chúng ta thấy những năng lực tưởng tượng lớn lao của các tác giả Ðại thừa. Các vị đó thấy rằng Chánh pháp là một thứ có thể khai mở và giải thích những bí ẩn của nguồn sống, nó nên được trình bày bằng những cảnh giới hay cái thấy vượt ngoài sự tưởng tượng thông thường của con người. Như vậy, diễn tả giáo pháp không qua ngôn ngữ mà bằng các loại hương là một cách làm khuấy động tâm thức để đưa vào một thức giác siêu việt.

Kinh tiếp tục nói rõ rằng, nhìn từ cõi Chúng Hương, thế giới của chúng ta là một nơi đầy tội lỗi và đồi trụy, đầy dẫy những chúng sanh với tâm linh nhì nhằng và có khuynh hướng về những mục tiêu thấp kém, làm cho chư Phật và Bồ tát khó khăn trong việc hóa độ. Ở đây, chư Phật phải dùng ngôn ngữ để dạy dỗ thay vì dùng các mùi hương, và chư Bồ tát phải đi vào những cảnh giới thấp kém để chiến đấu một cách mãnh liệt và không ngừng trong việc khắc phục sự xấu ác.

Ngài Duy Ma Cật, khi nghe các vị Bồ tát ở cõi Chúng Hương nói, trả lời rằng các vị Bồ tát ở thế giới chúng ta có "mười thiện pháp". Mười thiện pháp này bao gồm những hạnh mà các ngài tu tập. Những hạnh chính là sáu Ba la mật, gồm bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, và trí huệ.

Tám pháp mà vị Bồ tát tuân giữ trong đời sống tu tập ngày nay cũng bắt nguồn từ khuôn mẫu của ngài. Tám pháp này rất thiết thực về mặt đạo đức cho con người ngày nay, cả nam cũng như nữ, tôi xin trích ra đầy đủ:

1- Lợi ích chúng sanh mà không mong đền đáp.

2- Chịu mọi điều khổ thế cho chúng sanh.

3- Bao nhiêu công đức thành tựu đều hồi hướng cho chúng sanh.

4- Có lòng bình đẳng đối với chúng sanh, khiêm nhường đối với chúng sanh, không khởi tâm chướng ngại đối với chúng sanh. Ðối với Bồ tát, xem như Phật.

5- Những kinh chưa nghe, nghe không nghi; không tranh luận với các vị Thanh văn.

6- Không ganh tỵ khi người khác được cúng dường, không kiêu căng với thu hoạch của mình, luôn kiểm soát tự tâm.

7- Thường xét lỗi mình, không nói điều xấu của kẻ khác.

8- Luôn giữ tâm không lay chuyển và tinh tấn trong mọi hạnh lành.

Nếu có người hết lòng trong việc làm lợi ích và cứu giúp người khác, người đó thực hành tám pháp này. Người ta có thể thấy ngay rằng, ngược lại với những giới luật tiểu tiết và khắt khe của Tiểu thừa, những điều này từ bản chất là những mục đích đạo đức rộng lớn trong việc hướng dẫn tư cách và hành động của một người.

Sau đó, kinh một lần nữa trở lại với khu vườn Âm La (Pabapàli), nơi đây lý lịch thật của Duy Ma Cật được cho biết thêm, và chấm dứt với sự phó chúc bản kinh cho ngài Di Lặc (Maitreya) và A Nan (Ananda).

Tên khác của kinh Duy Ma Cật Bất Tư Nghì Giải Thoát, và chắc chắn nhân vật Duy Ma Cật, như được diễn tả trong kinh, vẫn mang đầy sự bí ẩn và kỳ diệu. Ông đại biểu cho lý tưởng cư sĩ tại gia như được định hình từ hai ngàn năm trước

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày