GN - Vấn đề Duy Tuệ đã trở nên quá rõ ràng, sau một loạt bài viết của nhiều tác giả, đặc biệt là bài viết có tính chất tổng kết và đề xuất của tác giả Thái Nam Thắng đăng trên báo Giác Ngộ ấn bản giấy số 632, nhan đề “Cái kim bọc trong giẻ lâu ngày cũng lòi ra”.
Tuy nhiên, sách của Duy Tuệ có nội dung phỉ báng Phật giáo, lăng mạ Tam bảo vẫn được trưng bày hàng hàng lớp lớp trên các kệ sách ở các nhà sách lớn TP.HCM. Nghe đâu, Công ty Minh Triết còn dự tính mở một đợt quảng bá cho loại sách vừa “thiền”, vừa động loạn đạp đổ truyền thống này tại Hội sách, sự kiện quảng bá văn hóa quan trọng ở TP.HCM, dịp để các công ty văn hóa giáo dục, các nhà xuất bản tiếp cận với bạn đọc.
Qua các bài viết ý kiến trên các phương tiện truyền thông khác nhau, chúng ta cũng thấy còn có nhiều nhận định đánh giá khác nhau về Duy Tuệ qua những tác phẩm của ông. Đầu mút của một phía vẫn coi Duy Tuệ là người có tu, có ngộ, nhưng tu sai, nên lạc lối, tương tự Osho, Thanh Hải. Đầu mút phía ngược lại coi Duy Tuệ không khác gì một kẻ lưu manh, một tác giả mang tính côn đồ, vung tán tàn chửi Phật, phá đạo. Còn ở giữa là một số nhận định khác, thí dụ, coi đó là một kiểu cải đạo tinh vi từ một tôn giáo độc thần nào đó…
Trên tinh thần là người Phật tử, chúng tôi tán thành với việc trước hết, khi chưa đi đến một kết luận thống nhất, thì hãy nghĩ tốt cho người. Vì vậy, nhận định tác giả Duy Tuệ là một người tu sai cũng là điều đáng quan tâm.
Nhưng là Phật tử, theo cách tư duy của Phật giáo, chúng ta cần nhìn vấn đề một cách “thắng tri”, “tuệ tri”, mà trước hết là cần quán sát toàn diện sự việc, thấy được tất cả các khả năng từ tất cả những nguyên nhân có thể.
Vì vậy, dưới đây, chúng tôi xin tiếp tục tìm hiểu Duy Tuệ theo nhận định đây là một người mượn đạo lập đời, thu hút, tập hợp, lôi kéo quần chúng bằng cách “đốt đền”, tạo phản, động loạn, “nã pháo” vào truyền thống, kiểu Hồng vệ binh (1).
Nếu Duy Tuệ chỉ là một kẻ lưu manh tín ngưỡng, một kiểu chửi thần báng thánh để lập bàn thờ cho mình, hỗn xược, xuẩn động, liều lĩnh, kích thích thần kinh, thì suy cho cùng cũng chưa là nguy hiểm. Vì một tác giả như vậy sẽ sớm bị công chúng nhận mặt, xa lánh, khinh miệt, vì bản chất của nó.
Nhưng nếu tác giả Duy Tuệ là người đóng một màn kịch theo đạo Phật, bằng hình tướng Tăng sĩ Phật giáo, bằng đoạn đường đầu tạm nói chuyện tu hành, rồi sau đó, tự “khai mở”, “tỉnh ngộ”, tạo phản, động loạn để thu hút quần chúng cực đoan về với tổ chức của mình. Để sau đó, làm cái kiểu xưng là hậu duệ của nhà Đường (“Tân Đường triều”) như giáo chủ của Pháp luân công, mơ tưởng tới ngôi hoàng đế mới, hay trở thành nhà lãnh đạo tâm linh thế giới can thiệp vào chính sự từ Trung Đông đến Nam Mỹ, kéo cờ logo Supreme Master Ching Hai như một kiểu quốc kỳ của một vương quốc được “cõi trên” gầy dựng, thì điều này mới thực đáng ngại.
Như nội dung bài viết “Cái kim bọc trong giẻ lâu ngày cũng lòi ra”, thì con đường ông Duy Tuệ đang theo là “lập hội, lập giáo phái, lập pháp môn”. Thực vậy, đại gia đình Minh Triết là một kiểu Giáo hội trá hình, một tổ chức tập hợp tín đồ tôn giáo mới. Ông Duy Tuệ đã đi được một phần trên con đường mượn đạo lập đời.
Ông cần phải mặc áo Phật giáo để đến gần Tăng Ni, Phật tử, áo vàng, áo nâu, rồi “tự chế” áo đỏ theo kiểu na ná thầy Tàu. Đây không chỉ là một kiểu “lập lờ đánh lận”, mà còn là một bước cần thiết cho việc tạo phản, một cách tập hợp quần chúng theo kiểu Đại Cách mạng Văn hóa, kích thích thần kinh đặc biệt giới trẻ. Vì có là một “đạo sư” Phật giáo, một nhà tu Phật, một học giả tu Phật, thì sau đó mới diễn tiến mà phản tỉnh tạo phản, động loạn được. Người chính từ trong đạo Phật ra mà đả kích đạo Phật thì mới tác dụng.
Để sớm chói sáng, sớm trở thành sao, thì cần scandal. Đó là lẽ bình thường. Vì vậy, người làm theo cách này cần một đối tượng để tạo phản, để đả kích một cách cuồng nộ, kích thích. Đối tượng đó là Đức Phật, là Tam bảo, là Phật giáo. Thế là “scandal”, có đại nhảy vọt, có động loạn thu hút một số người hiếu kỳ bu lại: Lạ quá! Mới quá! Độc đáo quá! Xì-tin quá! (tức có phong cách riêng). Nói như một bạn đọc, nó cùng làm như ca sĩ khoe hàng, tự tử vì tình, hay tung những lời phát biểu giựt gân.
Chói sáng, thu hút, leo lên ngôi giáo chủ, có Giáo hội rồi, thì sau đó sẽ là gì? Lý Hồng Chí (Pháp luân công) hay Thanh Hải. Ông Duy Tuệ đang tính đến một kênh TV riêng, nhưng hiện giờ chỉ mới đủ khả năng phát qua mạng. Nếu dưới trướng có được một số tín đồ đông đảo trong và ngoài nước, quyên góp được một ngân quỹ dồi dào, thì khắc sẽ có Tân Đường triều điện thị (Đài Truyền hình của giáo phái Pháp luân công) hay Supreme Master TV mới. Một người lập ngôn theo cách “thuyết pháp” “nã pháo” (từ Hồng vệ binh trong Đại Cách mạng Văn hóa thường dùng), chắc chắn không thể tĩnh lặng để thiền. Thiền Minh triết chẳng qua là một thứ “xì-cọt” mà những thanh niên bốc đồng nốc vào phê quên mình đi, mà bước vào cuộc đua xe kích thích bán mạng.
Vì vậy, bên cạnh việc hình dung Duy Tuệ như là một ông đạo tu sai đường, chúng ta cũng không thể bỏ qua việc hình dung như là một người có mưu tính đường dài, mà tu hành chỉ là màn mở đầu cho thắt nút tạo phản của màn kịch dựng lên từ giấc mơ siêu quyền lực, của một người bước lên vũ đài bằng lãnh vực tâm linh.
Nghe các bài nói của Duy Tuệ trên trang web của ông ta mà chúng tôi đã nhắc đến trong bài viết trước, chúng ta sẽ thấy cái phong cách Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên (những người lãnh đạo Đại Cách mạng Văn hóa Trung Quốc) rất rõ. Nói gì, thì rồi ông Duy Tuệ cũng quay về công kích đạo Phật, Đức Phật, Tam bảo. Vì cũng như Trương Xuân Kiều hay Diêu Văn Nguyên, Duy Tuệ cần phải có đối tượng để “phê đấu”, để “nã pháo”, để “đạp đổ”, để “đập tan” có như thế ngôi mới được lập, mới tập hợp về được người mang não trạng “tạo phản”, nắm lấy họ, để ném vào những bước phiêu lưu “lập đời” tiếp theo.