Gai điệu Tết xưa.

Gần Tết, nhất là vào những buổi sáng sớm se lạnh, sau khi thắp nhang lễ Phật, tôi thường lấy một đĩa nhạc xuân bất kỳ trên kệ, bật nhạc, ngồi vào chỗ quen thuộc và bắt đầu thả hồn mình lang thang cùng những giai điệu du dương. Không hiểu sao tôi luôn thích nghe lại những bản nhạc của một thời chiến tranh loạn lạc, thời mà cha mẹ con cái, anh em vợ chồng, tình nhân… phải chịu đựng sự ly tán - như một chấn thương tâm lý - qua nhiều cái Tết điêu linh, tàn tạ của một đất nước bị chia đôi.

Lúc đó, trong thời khắc én lượn tung trời nhưng vẫn nghe ì ầm đâu đó tiếng súng đạn, người ta như không còn tâm trí nào để mơ ước điều gì cao hơn là một mái nhà tranh yên vui, mấy đứa con lớn nhỏ xum họp, quây quần bên nồi bánh chưng, bánh tét đêm khuya “nghe mẹ kể chuyện đời xưa” và thằng Hai, thằng Ba đi Ta bà thế giới đã trở về vào buổi trưa ngày Ba mươi, kịp lúc cha đang lập cập thắp nhang cúng rước ông bà bên bà mẹ già “nay én bay đầy trước ngõ mà tin con vẫn xa ngàn xa” ngậm ngùi ngồi bó gối, tay lần tràng hạt mà mắt để ngoài sân. Một năm mà cha mẹ chỉ tạm hết lo trong ba ngày Tết, khi con mình đều không đứa nào bị tên rơi đạn lạc, bữa ăn tất niên mẹ không phải bước ra sau hè nuốt nước mắt nhớ thằng con còn đang lưu lạc trong khói lửa chiến tranh lúc năm cùng, tháng tận. Hạnh phúc của một gia đình lúc ấy không gì bằng cái không khí đoàn tụ “chỉ bên mẹ là mùa xuân thôi”, đơn giản

đến vậy.

giaidieutetxua.gif

Chúc non sông hòa bình, hòa bình… ngày ấy quê hương yên vui, nước non thanh bình, muôn người hạnh phúc, chan hòa”. Hơn ba mươi cái Tết thanh bình kể từ thời tao loạn chiến tranh, những buổi sớm mai giáp Tết, nghe lại những giai điệu chuyên chở ước vọng đoàn viên của một thời đã qua mới thấy quý ba ngày Tết được ở bên thân bằng quyến thuộc như bây giờ. Vậy nên, dẫu năm nay có bị khủng hoảng tài chính toàn cầu, củi quế gạo châu, tiền bạc khó khăn, vui ít lo nhiều… nhưng mong rằng những người con tha hương lập nghiệp đừng ai quên về Tết, đừng quên mái ấm gia đình nơi miền quê dẫu còn nhiều khốn khó nhưng luôn giàu sụ tình thương yêu, đừng để bữa cơm tất niên, cha mẹ già bưng chén cơm mà chống đũa no ngang và mắt ầng ật nước trông ra ngõ thèm con. Lúc này, mọi thứ tiền bạc, quà cáp của con có hay không đâu còn nghĩa lý gì, chỉ cần thoáng thấy bóng, nghe tiếng nói con mình dạ thưa khi vừa về tới hiên nhà coi như đã trọn vẹn cái Tết rồi. 

Trong những giai điệu ca ngợi cái Tết truyền thống của người Việt mình ít nhiều thấp thoáng hình ảnh người mẹ. Nói về ngày Tết mà không nhắc tới “mẹ già ta đó, hái mướp bên rào, nắng mưa đã nhiều, bóng chiều đã xuống, mùa xuân còn lại, mẹ thấy con đã về, mộng ước nay đã thành” thì xuân dường như chưa trọn vẹn. Mẹ là quê hương. Ai đó nhận định quá chính xác. Vì vậy, Tết đến mà không về nhà được thì nỗi nhớ nhà cũng chính là nhớ mẹ, cứ cuồn cuộn dâng để bật thành tiếng kêu mẹ khi nhìn những tín hiệu báo xuân sang “mẹ ơi, hoa cúc hoa mai nở rồi”. Có năm tôi đi phát quà cho trẻ em nghèo bên quận 8, giao thừa còn ở ngoài đường, nhìn các bà mặc áo dài trang nghiêm, thành kính lễ lạy trước hương án, nghe tiếng nhạc vang vang “Xuân nay ta chúc cho mẹ già vui vườn cà thêm hoa, vui ruộng đồng bao la, tóc bạc phơ đẹp quá…” mà liên tưởng đến mẹ mình, muốn chạy ngay về đứng trước hiên nhà, chỉ để nhìn mẹ thành kính chắp đôi tay khấn lạy Phật trời, ông bà Tổ tiên trong giờ phút thiêng liêng nhất của một năm, vậy đó.

Tết về, trong những giai điệu rộn ràng đón xuân cũng có khoảng lặng để mọi người con cùng nhớ đến mẹ cha “kìa nơi xa xa, có bà mẹ già, từ lâu mong con mắt vương lệ nhòa…”. Quanh năm đã ở nơi đất khách quê người mưu sinh lập nghiệp, ai đó còn tiếc gì vài ba ngày mà không về quê ăn Tết, làm quà cho mẹ già vui sống thêm với đồng ruộng quê nhà “chúc bà một sớm quê hương, rước con về thỏa nỗi yêu thương”. 

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày