GN - “Tôi là một Phật tử, với tấm lòng hướng thiện, cứu người là trên hết. Với lại, tôi nghĩ đơn giản, mình hiến chút ít máu, mình không sao mà cứu được nhiều người. Vậy thì sao không làm”, chị Trần Thị Hồng (xã Tường Lộc, H.Tam Bình, Vĩnh Long) nói với chúng tôi.
Chị Hồng có vóc dáng nhỏ bé, không khác mấy so với những người phụ nữ nông thôn chân chất, nhưng không thể nào tin nổi khi chỉ trong một thời gian ngắn (6 năm), người phụ nữ này đã có gần 30 lần hiến máu. Từ ngày chia tay chồng, chị Hồng sống cùng với mẹ ruột và cô con gái xinh xắn. Chị làm lụng khắp nơi, kiếm sống bằng đủ thứ nghề để chăm lo cho mẹ già và đứa con gái đang độ tuổi ăn học.
|
Tâm sự về lý do hiến máu nhân đạo, chị Hồng kể: “Tôi cũng không nhớ năm đó là năm nào nữa. Một lần xem truyền hình, tôi thấy một anh công nhân ở Sài Gòn không may bị tai nạn nhưng gia đình không cùng nhóm máu với bệnh nhân. Không lâu sau đó, anh ấy qua đời vì vết thương khá nặng. Thấy thương cho những người không may mắn như vậy, tôi liền nghĩ tới chuyện tại sao những người lành lặn như mình không hiến máu để cứu giúp những người không may mắn như anh công nhân kia”.
Từ đó, chị Hồng nung nấu ý định sẽ hiến máu của mình để cứu những phận đời không may mắn. Nghĩ là làm, chỉ trong thời gian ngắn, chị Hồng đã liên tục hiến máu. Sợ ảnh hưởng đến sức khỏe nên gia đình nhiều lần khuyên ngăn, song người phụ nữ ấy chưa bao giờ có ý dừng lại.
Kể từ lần đầu tiên ấy, cứ đều đặn 3-8 tháng, chị Hồng lại hiến máu một lần. Đặc biệt hơn, có lần chị cho đi số máu cao nhất đến 450ml; lần nọ, biết tin có người cần máu ở cách xa nơi chị sống hơn 100km, chị cũng lặn lội đến hiến. Mỗi lần hiến máu tự nguyện, chị Hồng lại nhớ đến mẹ, người đã theo chị suốt hành trình thiện nguyện này. Mẹ chị là động lực để chị vượt qua mọi khó khăn.
“Mẹ đã động viên tôi rất nhiều, dù gia đình còn thiếu thốn, cái ăn cái mặc còn phải chạy vạy kiếm từng bữa. Việc hiến máu không ảnh hưởng đến sức khỏe của tôi. Để chất lượng máu được đảm bảo, tôi cố gắng ăn nhiều rau và hoa quả từ vườn trái cây tại gia đình mình. Vì thế, mỗi lần đi hiến máu, sau khi kiểm tra sức khỏe của tôi, các bác sĩ đều đồng ý lấy máu”, chị Hồng kể.
Hơn 6 năm thực hiện nghĩa cử cao đẹp ấy, chị Hồng đã rút ra cho bản thân mình những kinh nghiệm để đảm bảo sức khỏe tốt nhất sau mỗi lần hiến máu. Theo kinh nghiệm của chị Hồng, trước ngày đi hiến máu cần phải ngủ sớm và uống 2 viên thuốc bổ máu. Sau khi hiến máu trở về, chị lại uống thêm 1 viên thuốc bổ máu nữa để nhanh lấy lại hồng cầu. Mỗi lần như thế, chị uống rất nhiều nước, có ngày tôi uống hơn 2 lít nước.
Chỉ khoảng 3 ngày sau, chị Hồng thấy cơ thể trở lại thể trạng bình thường. Ngoài việc đăng ký hiến máu định kỳ, chị còn luôn sẵn sàng giúp đỡ nếu ai cần máu. Chị từng ít nhất 2 lần hiến máu trực tiếp cứu bệnh nhân khỏi cơn nguy kịch. Đó là một chị đang cấp cứu tại bệnh viện tỉnh, chị không ngần ngại nhận lời cho máu.
Nhiều ân nhân đến tận nhà cảm ơn, tặng quà nhưng chị Hồng không bao giờ nhận. Với chị Hồng: “Hiến máu tức là cho đi tấm lòng, giúp đỡ được những người nào quý người đó. Điều đó làm tôi cảm thấy hạnh phúc, niềm vui sướng mỗi ngày. Và, tôi nguyện hiến máu tới khi nào bác sĩ không nhận thì tôi mới nghỉ”.
Chị Nguyễn Thị Cẩm Thúy, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Tường Lộc cho biết, tấm lòng và nghĩa cử của chị Hồng rất đáng để mọi người ở địa phương tuyên dương, học hỏi.