Gia đình hạnh phúc là khi...

"Đề cập đến gia đình là nói đến cuộc sống tập thể bao gồm vợ chồng, cha mẹ, con cái… Rõ ràng, một gia đình không thể hạnh phúc khi những cá nhân của gia đình ấy lại đau khổ và ngược lại. Nói theo lý duyên sinh, do cá nhân hạnh phúc, gia đình được hạnh phúc; từ rối loạn của cá nhân đưa đến sự rối loạn gia đình và xã hội."

* TT.Thích Viên Trí - Trưởng phòng Hành chính - Đào tạo HVPGVN tại TP.HCM:

Đề cập đến gia đình là nói đến cuộc sống tập thể bao gồm vợ chồng, cha mẹ, con cái… Rõ ràng, một gia đình không thể hạnh phúc khi những cá nhân của gia đình ấy lại đau khổ và ngược lại. Nói theo lý duyên sinh, do cá nhân hạnh phúc, gia đình được hạnh phúc; từ rối loạn của cá nhân đưa đến sự rối loạn gia đình và xã hội. Dĩ nhiên, hạnh phúc gia đình không thể xây dựng trên tinh thần ích kỷ, hẹp hòi, khát ái, tự ngã, mà nó là thành quả của sự kính trọng, cảm thông, chia sẻ, bao dung và tha thứ.

ngaygiadinh-1.gif

Tuy nhiên, do bị ảnh hưởng lối sống ngoại nhập, một số người thường nặng tư tưởng cá nhân, nuông chìu dục vọng. Khi mong muốn, hay thèm khát một điều gì, người ta thường tìm mọi cách để đạt được nó, để thỏa mãn nó. Khi bị chi phối bởi khát ái và sự đam mê (thông thường là phi pháp), khá nhiều người đã phạm phải những sai lầm nghiêm trọng, dẫn đến sự đổ vỡ gia đình, tan nhà nát cửa. Vì vậy, để có một gia đình hạnh phúc, tôi nghĩ con người cần phải làm chủ cá nhân, biết kiềm chế dục vọng, lấy niềm vui gia đình làm hạnh phúc cho tự thân. Đặc biệt, khi phạm phải sai lầm, cá nhân phải biết dừng lại, phải biết ăn năn, đừng có mặc cảm mà lún sâu vào tội lỗi. Sai lầm vốn là bản chất của con người và cuộc sống; người ta sẽ không lên án kẻ tạo lỗi mà biết ăn năn, nhưng cuộc đời này sẽ lên án những ai biết lỗi mà không nhận. Có thể nói rằng hối lỗi đối với người vi phạm, bao dung tha thứ đối với thân nhân của người ấy là hai yếu tố căn bản để xây dựng một gia đình hạnh phúc, một xã hội thanh bình.

* TT.Thích Tâm Đức - Viện phó kiêm Tổng Thư ký Viện NCPHVN:

ngaygiadinh-2.gif

Nguyên nhân chính dẫn đến hạnh phúc gia đình tan vỡ chính là mâu thuẫn nảy sinh trong tình cảm vợ chồng; những khó khăn về tiền bạc, cơm áo gạo tiền hàng ngày chi phối không giải quyết được. Vì vậy, để bảo vệ hạnh phúc gia đình trong thời đại ngày nay, các cặp vợ chồng nên thay đổi cách nhìn về cuộc sống, về xã hội, về đạo đức cá nhân... để có hành động đúng đắn và thiết thực hơn trong cuộc sống. Quan điểm hôn nhân gia đình bền vững chính là ý thức mỗi thành viên phải biết làm mới, thay đổi phong cách sống, luôn hòa nhập với cuộc sống hiện đại nhưng vẫn giữ duy trì truyền thống tốt đẹp gia đình Việt Nam . Làm mới mình trong cuộc sống như thay đổi model, style, tổ chức đi du lịch ngắn ngày... Bên cạnh đó, vợ chồng nên tìm hiểu, tiếp cận với giáo lý nhà Phật như luật nhân quả, lý nhân sinh…

* Ni sư Huệ Liên - Phó Thư ký Ban Phật giáo Quốc tế T.Ư GHPGVN:

Trong gia đình cần "lắng nghe để hiểu, nhìn nhận để thương”. Cha mẹ phải lắng nghe những ưu tư từ phía con cái và ngược lại. Vợ chồng biết cách đón nhận những buồn vui trong cuộc sống, trong công việc của nhau, sẻ chia những khó khăn gian khổ để cùng vượt qua.

ngaygiadinh-3.gif

Điều quan trọng cần phải có trong mỗi gia đình Việt Nam là cần duy trì bữa cơm gia đình. Chính nhờ bữa cơm gia đình sẽ tạo nên sợi dây nối kết tình cảm vợ chồng, nuôi dưỡng tình hiếu thảo của con cái với cha mẹ. Nguyên nhân tan vỡ hạnh phúc trong các cặp vợ chồng ngày nay là chưa tìm hiểu nhau nhiều đã vội đi đến kết hôn. Do đó, sau khi về sống chung lại nảy sinh ra các vấn đề mâu thuẫn trong cuộc sống cảm thấy nhàm chán, không giải quyết được, bế tắc không lối thoát dẫn đến chia tay. Chính vì vậy, trước khi kết hôn tốt nhất nên tìm hiểu kỹ con người thật trong mỗi chúng ta trước khi đi đến hôn nhân…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày