Giá mà con có thể thức thay mẹ

GNO - Mỗi lần nghe tiếng mẹ rục rịch tỉnh giấc vào nửa đêm tôi thầm nhủ giá như mình có một điều ước, ấy là được thức thay cho mẹ, để mẹ có thể ngon giấc thì tuyệt vời biết bao.

Cả đời mẹ đã vất vả tảo tần gió sương, gồng gánh nuôi mấy đứa con trưởng thành khôn lớn, những tưởng khi về già, con cái có điều kiện chăm sóc báo hiếu, mẹ sẽ được sống những ngày tháng thanh thản, bình yên nhưng không phải. Khi con người ta càng có tuổi, “câu chuyện giấc ngủ” gần như lại là một vấn đề hết sức nan giải mà chính những người trong cuộc, dù đã thử qua cách này qua cách khác nhưng vẫn không thể cải thiện được tình hình.

vulan.jpg


Còn có mẹ - Ảnh minh họa

Nhà tôi khi ấy nghèo. Cuộc sống gắn liền với cánh đồng và những vụ mùa cấy hái quanh năm. Từ nhỏ, tôi đã chứng kiến mẹ oằn mình bởi những gió sương để mang về cho chị em chúng tôi miếng cơm, manh áo. Dù không đủ đầy so với đám bạn cùng trang lứa, nhưng với chúng tôi đó là những cố gắng của mẹ, để chị em chúng tôi được cắp sách đến trường.

Nhìn cảnh mẹ lọ mọ thức dậy khi trời còn lành lạnh hơi sương, nhóm bếp nấu bữa cơm sáng cho cả nhà, sau đó mẹ lại vác cuốc ra đồng và trở về khi ánh trăng đã chênh chếch những nẻo đường mà chúng tôi thương mẹ không sao kể hết. Cha tôi thì nằm liệt giường bởi một tai nạn bất ngờ ập xuống, khiến cuộc sống như càng tô vẽ hình dáng mẹ trở nên liêu xiêu theo vốc nắng tàn chiều.

Thương mẹ nên chị em chúng tôi cố gắng học hành. Dù không ít lần, nhìn mẹ chạy ngược chạy xuôi vay mượn khắp nơi chút tiền đóng học phí, chị em tôi đã thầm nhủ sẽ vẽ ra lý do nào đó, để xin phép mẹ cho nghỉ học ở nhà. Mẹ nghe xong trong lòng gợn chút buồn, rồi quay mặt đi rưng rưng nước mắt. Đó là lần đầu tiên chúng tôi thấy mẹ khóc, đó chắc chắn không phải mẹ khóc cho số phận, cho những cơ cực gieo rắc vào đời mẹ, mà mẹ khóc để tự trách bản thân, vì không thể lo cho những đứa con của mình một cuộc sống no đủ.

Ơn trời, nhờ những sớm hôm mưa gió tảo tần, và cả những giấc ngủ nửa vời những đêm khuya khắc khoải, mẹ đã đánh đổi để cho chị em chúng tôi được học hành tới nơi tới chốn, để giờ đây đứa làm giáo viên, đứa làm bác sĩ, đứa làm trưởng phòng marketing một công ty địa ốc - để có thể thay nhau báo hiếu cho mẹ những năm tháng tuổi già.

Thế nhưng cuộc sống mẹ vẫn chẳng thể an nhiên như chị em chúng tôi vẫn thường mong muốn. Khi càng về già mẹ lại mắc thêm chứng khó ngủ, có khi cả ngày mẹ ngủ dám chừng được 4,5 tiếng là cùng. Nhìn mẹ trăn trở, cùng những tiếng thở dài  mà chúng tôi như càng thương mẹ nhiều hơn. Chúng tôi mua thuốc kê đơn của bác sĩ, dẫn mẹ đi vật lý trị liệu, nấu nước vối, chè hạt sen… để mong mẹ có giấc ngủ ngon nhưng hoàn toàn vô vọng.

Những lúc như vậy, chị em chúng tôi chỉ biết cầu trời khấn Phật, làm tất cả mọi việc để mẹ có thể an nhiên, thanh thản mà ngủ ngon mỗi khi đêm xuống. Có đứa còn nửa đùa nửa thật rằng, giá mà có thể thức thay mẹ, có lẽ mỗi đứa sẽ nhận về mình một chút, để giấc ngủ hàng đêm của mẹ trọn vẹn hơn. Mẹ nhìn chúng tôi bằng ánh mắt trìu mến mà khóe mắt cay cay, bởi mẹ thấy những đứa con bé bỏng ngày xưa, giờ đã thực sự trưởng thành, khôn lớn.

Song Ninh
(Quảng Ninh)

Mời bạn đọc viết "Vu lan trong tim con"

Tháng Bảy - mùa Vu lan - mùa Hiếu hạnh. Đây là dịp để mỗi người ôn nhắc công sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ; ơn giáo dưỡng của thầy tổ... trong Tứ trọng ơn Phật dạy. Và đây cũng là cơ hội để những người con, học trò giãi bày với cha mẹ, thầy mình về những lỗi lầm lỡ phạm, kỷ niệm đã qua và lòng biết ơn sâu sắc.

Lời sám hối, câu xin lỗi không bao giờ muộn, giúp hòa giải và gắn kết, để mỗi người được nuôi dưỡng nguồn mạch tình thương, vun bồi cội rễ tâm linh cao đẹp.

Đức Phật dạy, hạnh Hiếu là hạnh Phật. Hiếu với người tạo nên hình hài, dưỡng nuôi tâm thức, trao truyền giá trị tốt đẹp để mình có thể thấy trời cao, đất rộng... còn là đạo lý dân tộc. Vì thế, tháng Bảy - Vu lan, nếu bạn có những xúc cảm nào cần bày tỏ, những nỗi niềm nào cần được chia sẻ..., hãy gửi cho Giác Ngộ - chúng tôi tình nguyện bắc một nhịp cầu để bạn được trải lòng một cách nhẹ nhàng, bình an.

Biết đâu, mỗi con chữ của bạn sẽ trở thành món quà ý nghĩa, thành đóa hoa tươi thắm dâng tặng đấng sinh thành, tỏ lòng biết ơn người một đời giáo dưỡng để mình nên huệ mạng?

Mọi chia sẻ và bài viết của bạn đều được chúng tôi trân trọng đọc, chọn đăng trên tuần báo Giác Ngộ và Giác Ngộ online - để cùng góp tay khơi dậy tinh thần hiếu đạo nơi mỗi người, giúp mỗi người neo đậu lòng mình trước phong ba cuộc đời...

Bài vở (nếu được, có thể gửi thêm hình ảnh nhân vật trong câu chuyện) hoan hỷ gửi về: onlinegiacngo@gmail.com (ghi rõ: gửi mục Vu lan trong tim con); nhận bài đến ngày 25-8 (rằm tháng Bảy).

Kính chúc quý bạn đọc có một mùa Vu lan an lạc, tinh tấn.

Tòa soạn

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Năm thứ báu khó có được ở đời

Năm thứ báu khó có được ở đời

GNO - Phái đoàn các vị Lệ-xa ở Tỳ-xá-ly khi đi đến Đức Phật đang ngự trong vườn xoài Am-bà-bà-lê được xem như biểu tượng của sự xa hoa, sang trọng, quý phái bậc nhất đương thời. Thậm chí Thế Tôn còn ví họ như “chư Thiên Đao-lợi khi đi dạo công viên, thì uy nghi và sự trang sức cũng không khác đoàn người đó mấy”.
Đức Dalai Lama thứ XIV

Hãy xem mình là khách viễn du

GNO - Khoảng chừng 50 năm nữa thì tôi, Tenzin Gyatso, một tu sĩ Phật giáo, sẽ chỉ còn là ký ức. Thật vậy, chưa chắc rằng người đang đọc những dòng chữ này, sẽ còn có mặt một thế kỷ sau. Thời gian trôi qua bất chấp.

Thông tin hàng ngày