Khi giá trị cuộc sống không được trân trọng
Đọc trên các phương tiện thông tin đại chúng gần đây, chúng ta thấy rất nhiều tin tức, đáng kinh ngạc và rất đáng buồn khi hàng loạt vụ án xảy ra mà người phạm tội có khi tuổi đời còn rất trẻ. Người ta có thể giết nhau vì gây gổ vu vơ trong lớp (trường hợp em Lưu Thanh Tú bị sát hại ở Xuân Lộc), vì "cái nhìn thấy… ghét" (vụ Nguyễn Đức Long, Vũ Đức Hoàn ở Hà Tĩnh…) và còn nhiều án mạng khác với nguyên nhân ban đầu đôi khi hết sức vớ vẩn. Tất cả đều đang nói lên một sự thực là giá trị cuộc sống của chúng ta đang bị coi thường và hạ thấp đến mức độ thiếu hẳn sự tôn trọng lẫn nhau giữa con người.
Khi chúng ta cư xử tốt và tôn trọng người khác,
chúng ta sẽ cảm thấy tâm hồn thanh thản.
Phải xem lại cách cư xử
Edmund Burke, một chính khách Anh có lần nói: "Cách chúng ta cư xử với nhau còn quan trọng hơn những điều luật mà chúng ta đặt ra". Luật lệ chỉ là giải pháp cuối cùng khi con người không thể giải quyết những khúc mắc trong cuộc sống, khi con người phải dựa vào phán xét của một ông quan tòa nào đó về tư cách đạo đức của mình thay vì dựa vào những chuẩn mực đạo đức xã hội và vào lương tâm của chính mình. Nếu chúng ta biết tôn trọng người khác thì cuộc sống sẽ trở nên văn minh và dễ chịu biết dường nào. Chúng ta sẽ không phải nghe tiếng còi inh ỏi trên đường hay chen lấn khi vào những nơi công cộng. Chúng ta cũng sẽ không phải bực dọc, căng thẳng vì chịu đựng những mối quan hệ không nên có nơi trường học, trong công sở, với láng giềng chòm xóm. Gerge Bernard Shaw đã từng nói: "Nếu chúng ta không tìm ra được cách cư xử như thế nào cho đúng thì cuộc sống chúng ta sẽ trở nên khô cằn và thiếu tình người". Cuộc sống là một tấm gương nên chúng ta cần phải đối xử với người khác theo cách mà chúng ta muốn mình cũng phải được đối xử như vậy. Từ ngàn xưa, Lão Tử đã chủ trương "Hòa", nhằm giữ mối bình đẳng quan hệ hữu ái giữa con người với nhau.
Vứt bỏ dục vọng
Kiềm nén ham muốn
Không lộ điều giỏi
Tiêu giải phân tranh
Hòa ánh sáng
Đồng bui bặm.
(Đạo Đức kinh)
Được "huyền đồng" như thế thì môi trường sống quanh ta sẽ trở nên tốt đẹp hơn và mọi người sẽ sống chan hòa hơn.
Tôn trọng luật pháp
Cuộc sống sẽ trở nên hỗn loạn khi không có luật pháp hay có luật pháp mà không được tuân thủ nghiêm minh. Tôn trọng luật pháp hoàn toàn không có nghĩa là đối phó với luật pháp, như chúng ta thường nghe những cáo buộc trong các phiên tòa là "lợi dụng những sơ hở luật pháp, cố ý làm trái". Một xã hội thượng tôn pháp luật là phải bắt đầu từ ý thức tự giác. Nếu cứ hễ đường phố vắng bóng cảnh sát giao thông là xảy ra ùn tắc giao thông thì thử hỏi ý thức tự giác ấy ở đâu trong mỗi chúng ta(?). Nếu người thi hành phận sự có thể bị mua chuộc để vận dụng luật pháp theo hướng có lợi cho mình hay cho người bỏ tiền thì xã hội sẽ rối ren, thiếu tính chất nghiêm minh trong ý thức chấp hành. Lý do để xã hội tôn trọng luật pháp là để thắp sáng tinh thần công chính trong mỗi con người, thể hiện sự bình đẳng trong quy tắc ứng xử. Khi những kẻ phạm tội chỉ nhận những bản án "nhẹ nhàng" vì lý do gì đó thì sẽ gợi ra rất nhiều thủ đoạn cho những kẻ xấu khác. Điều này đang diễn ra trong xã hội chúng ta khi mà tình trạng lừa đảo, vi phạm tội lỗi gia tăng mà hệ thống tư pháp hình như không đủ hiệu quả để răn đe hay ngăn ngừa - nhiều vụ án kéo dài nhiều năm xử mãi không xong, tình trạng "lờn thuốc" đối với một số lãnh vực như tham nhũng, biển thủ không được giải quyết triệt để gây nên nhiều "di căn" khó chữa.
Ý thức về cộng đồng
Thomas Merton cho rằng "Bạn sẽ chẳng bao giờ hiểu được ý nghĩa cuộc sống nếu chúng ta vẫn cho rằng mỗi cá nhân chúng ta là quan trọng nhất, là trung tâm của vũ trụ". Chúng ta kêu gọi mọi người sống cho cộng đồng trong khi ai cũng chỉ quan tâm đến lợi ích của chính mình và cho rằng cái "tôi" của mình là đáng giá nhất. Khi ông hiệu trưởng chỉ nghĩ đến vị trí của mình và những quyền lợi của riêng mình thì không thể yêu cầu giáo viên phải hy sinh quyền lợi bản thân của họ được. Và khi giáo viên chỉ nghĩ đến những "lớp học riêng" của mình ở nhà thì sự công tâm và lương tâm của người kỹ sư tâm hồn chắc chắn bị ảnh hưởng, thương tổn. Rồi các cô cậu học sinh thấy người lớn từ cha mẹ đến thầy cô ai cũng chỉ lo thu vén "cái góc" lợi ích hẹp của riêng mình sẽ cảm thấy mất tin tưởng vào sự tốt đẹp của những người lớn và những điều rao giảng trên lớp. Đến lượt tuổi trẻ đánh mất ý thức cộng đồng để rồi khẳng định cái "tôi" của mình bằng mọi cách, kể cả chà đạp hay tước đoạt mạng sống của kẻ khác. Họ không thấy rằng mình chỉ là một phần tử trong một tập thể lớn và không ai bắt mình phải mài mòn tính cách riêng của mình, mà ngược lại vẫn có thể khẳng định sự độc đáo cá nhân trong sự hài hòa tập thể.
Nhân nào quả nấy
Nguyên tắc xuyên suốt trong cuộc sống là "gieo tính cách, gặt số phận". Khi chúng ta cư xử tốt và tôn trọng người khác, chúng ta sẽ cảm thấy tâm hồn thanh thản hơn và nhận lại sự hài lòng từ những người chung quanh, khi những mối quan hệ thân tình được thiết lập bền chặt, đồng thời phát triển kỹ năng sống và làm việc cùng cộng đồng.
Riêng với cái nhìn của Phật giáo, con người sở dĩ đau khổ gây ra oán thù tội ác vì tâm thức sống trong vọng niệm, chấp sai biệt, chấp ngã, bám víu cố chấp vào cái tôi, cái của tôi. Muốn vượt lên trên những khổ đau ấy, chỉ có một cách là chuyển hóa tâm, mở rộng lòng đón nhận những điều không như ý, những khác biệt của tha nhân.
Chúng ta phải tìm thấy giá trị cuộc sống của chính mình và người khác bằng con mắt trí tuệ để thấy rằng hạnh phúc rất gần trong mỗi chúng ta khi trong tâm thức vắng bóng hơn thua thù hận, và hành động nào cũng hướng đến sự thay đổi và cải thiện bản thân với tất cả từ bi và hỷ xả. Nếu không, xã hội sẽ mãi ở trong tình trạng bất an với những tội lỗi ngày một nhiều do những con người quay cuồng vì những "giá trị" ảo quanh mình! l