Giác Ngộ cần dấn thân hơn nữa vào đời sống với cách nhìn Phật giáo

Phiên bản Giác Ngộ Online mới ra mắt từ năm 2009
Phiên bản Giác Ngộ Online mới ra mắt từ năm 2009
Giác Ngộ - Vừa là độc giả vừa tham gia cộng tác tin, bài cho báo Giác Ngộ, hơn ai hết họ biết mình cần gì, viết cho ai và hướng đến đâu để cuộc đồng hành không bao giờ đơn độc. Nhân kỷ niệm 35 năm ngày báo Giác Ngộ ra số đầu tiên, những CTV- độc giả đã gởi gắm niềm yêu thương và mong mỏi của mình qua từng trang báo…

* Sư cô TN.Linh Thuần, CTV tại Hà Nội:

Là độc giả và cộng tác viên với cảm quan của riêng cá nhân, báo Giác Ngộ càng ngày càng đổi mới về nội dung, hình thức, phản ánh đa diện hoạt động Phật sự các tỉnh thành; đáp ứng được nhu cầu thông tin. Đồng thời, báo chuyển tải được cốt lõi của đạo Phật là tư tưởng học thuật đến cộng đồng tín đồ Phật tử và quần chúng nhân dân. Đặc biệt, phiên bản Giác Ngộ online về tổng thể thì có giao diện đẹp, hiện đại hơn trước rất nhiều và trình bày các chuyên mục rất bắt mắt; giúp tra tìm thông tin dễ dàng. Qua kênh thông tin này, các sự kiện Phật giáo quan trọng trong nước và nước ngoài luôn được cập nhật một cách nhanh chóng, chính xác. Để làm được điều này là sự nỗ lực rất lớn của Ban Biên tập cũng như các bạn phóng viên trong tòa soạn. Chính vì điều này đã để lại trong tôi ngày càng nhiều tình cảm đối với tờ báo Giác Ngộ, và tôi luôn tự ý thức rằng sẽ dành nhiều tâm huyết, thời gian hơn nữa để song hành cùng tờ báo.

Báo Giác Ngộ - cơ quan ngôn luận của THPG TP.HCM mà còn là tiếng nói Phật giáo của cả nước. Vì thế, hạn chế về khoảng cách địa lý của báo là chưa phát hiện, chưa kịp thời "phủ sóng" đầy đủ hoạt động Phật sự, đời sống tu học của Tăng Ni, cư sĩ các vùng, miền. Để theo kịp tư duy của thời đại và tồn tại trong một thế giới bùng nổ thông tin như hiện nay, báo Giác Ngộ cần nắm bắt và bày tỏ nhãn quan Phật giáo của mình qua các góc nhìn về thời sự, xã luận… mà xã hội đang quan tâm. Các bài viết, phóng sự, phản ánh gắn với đời sống tu học của Tăng Ni và tín đồ Phật tử mà họ đang thao thức, trăn trở như: nạn lạm dụng lao động trẻ em, nạn ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, nạn hành xử bạo lực trong học đường, chạy theo bệnh thành tích trong học tập v.v…

baogiacngo-1.gif

Là một độc giả, CTV phía Bắc, tôi cũng như Tăng Ni, Phật tử mong muốn báo Giác Ngộ luôn có mặt sớm và rộng khắp tại thư viện, tự viện, nhà Phật tử… Có như thế, Giác Ngộ mới đáp ứng được sự mong đợi và tình cảm yêu mến của độc giả.

 * Thanh Tuyền, CTV tại Đồng Tháp

Tuần báo Giác Ngộ là kênh thông tin Phật sự, xã hội bổ ích cho Tăng Ni, Phật tử và đồng hành cùng đời sống đạo trong 35 năm qua là điều không ai phủ nhận. Hình thức trình bày của báo được cải tiến ngày càng hấp dẫn hơn tuy chưa phải là hoàn hảo. Nội dung chuyện đời, chuyện đạo, "đem đạo vào đời" phong phú thiết thực hơn, cụ thể ở các trang tư vấn giáo lý, nhân đạo xã hội rất được độc giả hoan nghênh.

baogiacngo-2.gif

Tuy nhiên, ở những vùng sâu, vùng xa, số người biết và đọc báo thật sự chỉ đếm đầu ngón tay. Điển hình ở Đồng Tháp, tỉnh có trên dưới 250 ngôi chùa nhưng ngay cả văn phòng Ban Trị sự mỗi số báo cũng chỉ có vài tờ do Phật tử cúng dường. Do các ban ngành trong BTS THPG hoạt động chưa đều nên văn phòng cũng chưa thống kê được số chùa có nhu cầu đặt báo trong khi nhu cầu giải trí, thông tin về hoạt động Phật sự gần xa của Tăng Ni, Phật tử rất lớn.

Điều đó cho thấy báo chưa có sự gắn kết, tương tác giữa việc truyền tải thông tin với nhu cầu của độc giả tại địa phương. Tôi mong tòa soạn sớm có chương trình đẩy mạnh kích cầu thông qua các hình thức khuyến mãi đại lý, đưa báo về nông thôn hay quảng bá báo Giác Ngộ từ chư tôn đức Tăng Ni, trụ trì các tự viện hay Phật tử ở những đạo tràng tu học để Giác Ngộ ngày càng gần gũi hơn với nhiều người con Phật.

Nhiều bạn đọc cho biết tiếp cận với báo Giác Ngộ thu được rất nhiều kiến thức Phật học bổ ích. Điều đó đồng nghĩa với việc báo Giác Ngộ phải tìm cách phát hành để tăng số lượng mà không phải chạy theo quảng cáo. Chúng tôi mong Giác Ngộ tiếp tục có những bài Phật pháp chuyển tải giáo lý của Đức Phật, nhằm thu đạt hiệu quả tinh thần và trách nhiệm xã hội thông qua các bài học Phật thường thức, thường xuyên có những trang viết về lịch sử Phật giáo, những bài học đạo đức rút ra từ những câu chuyện Phật ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu. Tăng cường "đất" cho trang tư vấn giáo lý, phản ánh các đề tài "nóng" mà xã hội quan tâm, củng cố uy tín của người xuất gia mà một thời báo đã đề cập như: "khách Tăng không mời mà đến", học vị - đạo vị, nạn hút thuốc lá trong chư Tăng, giá trị văn hóa, tâm linh Phật giáo trong đời sống hiện đại…

Nhân đây, tôi cũng xin mạn phép nêu lên ý kiến của một vài Phật tử là độc giả của báo. Họ yêu cầu tòa soạn vui lòng xem lại khâu phát hành báo, tránh tình trạng độc giả đặt mua báo qua bưu điện, khi hết hạn đặt mua mà cứ phải nhận giấy báo nợ của tòa soạn trong khi không đặt mua nữa.

 * Minh Cảnh, đoàn sinh Gia đình Phật tử Xá Lợi, Q.3, TP. HCM

Trong một dịp tình cờ tìm kiếm tin tức về hoạt động Phật sự trên internet, tôi đã ghé vào thăm trang Giác Ngộ online. Đó là lần đầu tiên tôi đọc báo Giác Ngộ. Và cũng từ lần đó, tôi đã xem báo Giác Ngộ như một người bạn tốt, gắn bó thân thiết.

baogiacng-3.gif

Đồng hành cùng báo Giác Ngộ gần ba năm, tôi thấy báo ngày một hoàn thiện và phát triển hơn xưa. Cái hay của báo là cập nhật tin tức các hoạt động về Phật giáo một cách nhanh chóng, có nhiều bài viết hay về cuộc sống, tổ chức nhiều chương trình có ý nghĩa.

Đáng tiếc là Giác Ngộ còn rất ít bài viết về các hoạt động của thanh thiếu niên, Gia đình Phật tử gần xa. Tôi nghĩ nếu có thêm nhiều thông tin về các khóa tu, hoạt động dành cho giới trẻ hoặc các tổ chức giao lưu, trao đổi kiến thức giáo lý Đức Phật mà các bạn trẻ cùng có thể tìm hiểu, tham gia - thì đó là điều hết sức hạnh phúc không chỉ riêng tôi, mà còn là niềm hân hoan của rất nhiều bạn trẻ.

* Minh Nhật, sinh viên năm 3, Khoa Cơ khí Trường Đại học Bách khoa

Là một Phật tử trẻ, tôi rất vui khi thấy Phật giáo ngày càng đi sâu vào đời sống xã hội, nhất là thông qua những phương tiện truyền thông như báo chí. Báo Giác Ngộ đã là một cầu nối thiết thực để đưa Phật pháp đến gần hơn với mọi người. Với mục Phật giáo và Tuổi trẻ, tôi đã tìm thấy được những phương pháp hữu hiệu để giúp những bạn trẻ tìm được sự cân bằng giữa khát vọng tuổi trẻ và những giá trị tâm linh. Đó có thể là những bài thuyết giảng của quý thầy về giá trị cuộc sống và tình thương. Hay cũng có thể là những chia sẻ băn khoăn của một độc giả trẻ gửi về tòa soạn. Tất cả đều giúp tôi có thể nhận ra những bài học, những kinh nghiệm thực tiễn cho cuộc sống thực tại lẫn cuộc sống tâm linh.

baogiacngo-4.gif

Là một Phật tử trẻ, tôi luôn mong muốn Phật pháp ngày càng đi sâu vào xã hội, tiếp xúc và chuyển hóa được nhiều thành phần hơn, nhất là thế hệ các bạn trẻ - như tôi - những người cần có một nguồn tiếp lực về các giá trị tinh thần nhiều hơn nữa trong cuộc sống hiện đại. Tôi thiết nghĩ tuổi trẻ là mầm ươm của xã hội lẫn của đạo pháp. Hãy đưa Phật pháp - cụ thể hơn là báo Giác Ngộ đến gần hơn nữa với tầng lớp học sinh, sinh viên. Tôi tin rằng các bạn trẻ sẽ đón nhận một cách nồng nhiệt.

* Hồng Trâm, nhân viên Công ty Việt Travel

Một lần tình cờ, người bạn học cùng lớp rủ tôi đăng ký tham gia chương trình Hội trại Tuổi trẻ - Phật giáo lần 5 do Báo Giác Ngộ tổ chức. Tôi theo sự chỉ dẫn của bạn, lên mạng truy cập vào trang Giác Ngộ online để có thêm thông tin về thời gian, địa điểm tổ chức và hình thức đăng ký tham gia hội trại.

baogiacngo-5.gif

Cũng chính từ đó, tôi bắt đầu đọc và xem đây là kênh thông tin để bổ sung kiến thức về cuộc sống của mình dưới góc nhìn của đạo Phật.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh minh họa

Ơn nước luôn tròn đầy

GNO - 20 năm trước, khi cùng một người bạn đăng ký dự một khóa thiền do Thiền sư Nhất Hạnh và tăng thân Làng Mai hướng dẫn ở Bảo Lộc (Lâm Đồng), tôi bỡ ngỡ vì làm bất cứ việc gì cũng có một bài kệ để thực tập.

Thông tin hàng ngày