GNO - Giác Ngộ số 863, ra ngày 16-9 sẽ có mặt tại các phòng phát hành phục vụ chư tôn đức Tăng Ni, Phật tử, quý bạn đọc trong và ngoài nước.
Nhân Kỷ niệm 35 năm thành lập GHPGVN, trên trang Xã luận số này, HT.Thích Hiển Pháp, Phó Pháp chủ HĐCM hồi tưởng lại Phật giáo thành phố với phong trào yêu nước những năm đầu sau giải phóng. “Tôi nhớ vào năm 1976, Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước TP.HCM được thành lập. Cùng thời gian này, Phật giáo hai miền Nam Bắc đã có dịp gặp gỡ nhau cũng tại thành phố này trong Hội nghị Hiệp thương nhằm thảo luận đi đến thống nhất Phật giáo VN. Đó là vì sau ngày 30-4-1975, nước nhà thống nhất, đây cũng là cơ hội lớn cho Phật giáo VN được thống nhất trong ‘ngôi nhà chung’, Hòa thượng hồi tưởng lại.
Bìa Giác Ngộ 863 - Mỹ thuật: HS.Nhuận Thường
Giác Ngộ đăng Kỳ 2: Tiến trình vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam (Hoàng Hạ tổng hợp), “Sau ngày 30-4-1975, đất nước hoàn toàn thống nhất, giang san quy về một mối. Trong bối cảnh như vậy, đó là điều kiện thuận lợi cho Phật giáo VN tiến hành công cuộc thống nhất trên cả nước, quy tập các tổ chức hệ phái về “Ngôi nhà chung” của Giáo hội nhằm phát huy sức mạnh hoằng pháp độ sinh. Hồ sơ tư liệu này là tập hợp có hệ thống các tài liệu và sưu khảo từ những ngày đầu tiên công cuộc thống nhất Phật giáo diễn ra”.
Nói về quá trình hình thành, phát triển của Giáo hội, Trưởng lão HT.Thích Trí Quảng có bài nhận định về Tính cách kế thừa của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập từ Đại hội Thống nhất Phật giáo cả nước vào cuối năm 1981. Đến nay, Giáo hội đã hoàn thành cơ cấu tổ chức từ Trung ương đến địa phương thuộc 64 tỉnh thành trong cả nước. Tuy nhiên, quá trình thực hiện công cuộc thống nhất Phật giáo cả nước không phải diễn ra một cách đơn giản. Tổ chức Phật giáo đã trải qua biết bao giai đoạn thăng trầm mới tồn tại đến ngày nay… Giác Ngộ xin trân trọng giới thiệu đến chư tôn đức Tăng Ni, quý độc giả.
"Trên bình diện chung, hoạt động Phật sự của Hệ phái PGNT Khmer cũng còn những bước đi chậm chạp so với tiềm năng, số lượng tín đồ và sự đầu tư của cả một hệ thống Giáo hội từ nhiều năm qua. Ở tầm nhìn rộng hơn, cuộc sống của đồng bào dân tộc Khmer dù có tiến bộ hơn nhưng đang đối diện với những khó khăn, xa dần các sinh hoạt văn hóa truyền thống, lãng quên tiếng nói, chữ viết của mình”, phóng viên Bảo Thiên ghi lại những nhận định của chư tôn đức nhân Hội nghị của Phật giáo Nam tông Khmer vừa qua trên Câu chuyện trong tuần số này với bài Phật giáo Nam tông Khmer, còn đó những ưu tư.
Hiện tượng tu sĩ phạm pháp - những lời cảnh báo - Đó là lời cảnh tỉnh trước thềm hội thảo tăng sự toàn quốc 2016, phóng viên Sơn Thoại ghi nhận: “Về quản lý tu sĩ, công tác này rõ ràng đang bộc lộ một lỗ hổng lớn trong quá trình nhận người xuất gia, cho đi thọ giới, hướng dẫn việc hành trì, theo dõi đời sống cá nhân và cả việc người xuất gia trở lại sau khi đã hoàn tục. Theo cách nhìn của nhiều vị có tâm huyết với sinh hoạt Tăng đoàn, dường như chư vị trụ trì các cấp Giáo hội hiện khá dễ dãi đối với việc nhận đệ tử và xét duyệt hồ sơ”, kính mời độc giả đón đọc.
Nghiệp và tái sinh (Ni sư Ayya Khema) - bài viết được Phật tử Lý Thu Linh dịch trên Văn hóa số này. Tác giả khẳng định: “Nếu muốn hiểu đúng về nghiệp và tái sinh, ta phải quán sát chúng trong ánh sáng của vô ngã”...
Giữ giới “Không uống rượu” uống bia được không?, Ưu tư về hỏa táng, cách rải tro cốt và thờ cúng? Là hai câu hỏi bạn đọc quan tâm được Tổ Tư vấn Giác Ngộ trả lời trên số này.
Ngoài ra, Giác Ngộ 863 còn nhiều bài viết, tin tức thời sự đáng quan tâm trên các chuyên trang khác.
Kính mời độc giả đón đọc!
Liên hệ mua và đặt báo: Phòng Phát hành Báo Giác Ngộ, 85 Nguyễn Đình Chiểu, P.6, Q.3, TP.HCM - ĐT: (08) 393 00675 - 393 06982 - DĐ: 0932059528. |