GNO - Các nhà nghiên cứu Đại học Sydney đã tiến thêm một bước nữa trong việc giúp các học giả Phật giáo hiểu biết thêm về bản kinh Phật giáo Gandharan có niên đại 2.000 năm. Từ đó, bản kinh này được số hóa và việc chia sẻ cho cộng đồng Phật giáo và giới nghiên cứu sẽ trở nên dễ dàng hơn.
Bản kinh Phật giáo có niên đại hơn 2.000 năm
TS.Mark Allon và các cộng sự của ông đang cật lực làm việc, số hóa bản kinh cổ này và sẽ sớm ra mắt bản điện tử với công chúng. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc “mở ra sự hiểu biết sâu sắc hơn về sự phát triển thời kỳ đầu tiên của Phật giáo vùng Nam Á”.
So với kinh văn của các tôn giáo khác được tìm thấy ở vùng Biển Chết, sa mạc Judaean thì bộ sưu tập các bản kinh viết trên vỏ cây này là đại diện cổ xưa nhất về kinh văn cổ Phật giáo và cũng là các bản kinh cổ xưa nhất vùng Nam Á được tìm thấy cho đến thời điểm này.
Allon là một trong số 20 người trên toàn thế giới có khả năng đọc các văn bản cổ, góp phần đưa bản kinh Phật giáo cổ “quay trở về thời hiện đại”. Điều này “đưa chúng ta trở về rất gần, gần hơn nữa với Đức Phật” - chia sẻ của các chuyên gia với ABC News.
Vào thập niên 90 của thế kỷ 20, khoảng 200 bản kinh Phật giáo được tìm thấy ở biên giới phía bắc của Afghanistan và Pakistan ngày nay. Các văn bản này có nguồn gốc từ thời vương quốc Gandhara cổ xưa, Peshawar Basin, tây bắc Nam Á giai đoạn 1500 TCN - 535 CN.
Ngoài ra, nhiều bản kinh được khảo cổ phát hiện trong các hang đá thuộc tỉnh Bamiyan, Afghanistan sau khi phiến quân Taliban phá hủy khu tượng Phật Bamiyan nổi tiếng khắc trên đá có từ thế kỷ thứ 6.
Thời kỳ đỉnh cao từ thế kỷ thứ 1 đến thế kỷ thứ 5 tây lịch, văn hóa Gandhara phát triển mạnh mẽ dưới thời trị vì Kushan, tại các nơi giao nhau ở châu Á - các khu vực giao thương đưa nền văn hóa này đến khắp nơi. Vương quốc này chính là cửa ngõ “di cư” văn hóa, tư tưởng Phật giáo và phát triển cho đến thế kỷ thứ 8, 9 cho đến khi Hồi giáo có sự ảnh hưởng.
Việc ghi chép được tiến hành hàng trăm năm sau đó, các bản kinh được thể hiện với “cấu trúc, kết cấu rõ ràng, được lặp đi lặp lại nên các ý tưởng được truyền chuyển một cách chân thật”, chia sẻ của Allon với ABC News.
Từ đây, chúng ta có một bức tranh sống động về cách con người thời đó nhận thức về Phật giáo - theo chuyên gia cổ ngữ Richard Salomon, Đại học Washington (Seattle), người giúp đỡ xác chứng các văn bản, theo Los Angeles Times.
Các bản kinh trông giống những điếu xì-gà và rất dễ vỡ
Các bản kinh gồm các lời cầu nguyện, các câu chuyện về tiền thân của Đức Phật, các giới luật trong tu viện, các bài giảng triết học Phật giáo được cuộn lại cho vào các lọ làm bằng đất sét.
“Các bản kinh trông giống những điếu xì-gà và rất dễ vỡ. Các cuộn kinh này được cho tiếp xúc với độ ẩm trong vài ngày, sau đó nhẹ nhàng mở từng lớp cuộn ra. Chúng rất mong manh và dễ vỡ vụn”, Allon cho biết.
Được khơi cảm hứng từ lời dạy của Đức Phật từ khi còn là sinh viên đại học, Allon đã chọn học cổ ngữ để có thể đọc được các lời dạy từ các bản kinh cổ; học ngôn ngữ Sanskrit, Pali, Tây Tạng và tiếng Trung Quốc.
Huệ Trần
(theo Buddhist Door)