Triết lý đạo Phật luôn chủ trương thực hành nhằm đạt đến những chuyển hóa hướng thiện và hướng thượng cho mỗi người trong cuộc sống. Khái niệm giác ngộ là một thành tựu tự nhiên như ví dụ về trồng hoa sẽ đến ngày hoa nở.
Trong các hệ phái chú trọng phương pháp thực hành ở Tây Tạng, giáo pháp khẩu truyền do Atìsha (người Ấn Độ) mang sang được xem như là những cách thức tinh túy để “từng bước tiến đến giác ngộ” (Lamrim). Do đó, Giải thoát trong lòng tay là những bước tiến thiết thực, quan trọng và mạch lạc nhất để mỗi người tự mình thực hành giáo pháp của Như Lai theo truyền thống của dòng Mũ vàng (Gelug).
Sách do Kyabye Trijang Dorje Chang (đệ tử của Pabongka Rinpoche) ghi lại với mỗi chương là một ngày giảng của thầy mình. 24 chương trình bày từ việc luyện tâm, phát triển lòng tin vào luật nhân quả, đến các cách phát tâm bồ đề... Tất cả là một bộ tư liệu quý báu về Phật giáo Ấn Độ được truyền thừa không gián đoạn, từ khi Phật Thích Ca còn tại thế cho đến khi lưu truyền sang Tây Tạng.
Giải thoát trong lòng tay được dịch sang tiếng Việt từ bản tiếng Anh của Michael Richards - một đệ tử của dòng tu này. Sách dày hai tập, tổng cộng hơn 1.000 trang, do Công ty Thiện Tri Thức liên kết xuất bản với NXB Thời Đại ấn hành. Đây cũng là tập sách thứ ba của ni sư Thích Nữ Trí Hải (còn được biết đến dưới bút danh dịch giả Phùng Khánh) do Thiện Tri Thức thực hiện sau hai tập Câu chuyện dòng sông và Tư tưởng Phật học.