Giãn cách nhưng không giãn lòng

Ảnh: Ngô Trần Hải An
Ảnh: Ngô Trần Hải An
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Những ngày này, Sài Gòn - TP.HCM đang giãn cách xã hội, thực hiện Chỉ thị 16 vì sự lây lan của Covid-19 trong cộng đồng.

Nhiều người lo lắng, nhưng cũng không ít người đã bình tâm chống dịch, gieo yêu thương không chỉ với người thành phố mà còn cả tỉnh thành khác bằng những hành động như viện trợ bác sĩ ra tâm dịch Bắc Giang, giải cứu nông sản cho nông dân... Hình ảnh tử tế của người Sài Gòn khiến mọi người kết luận “Sài Gòn giãn cách nhưng không giãn lòng”.

Lý giải về cái tình và nếp sống đẹp đó của người Sài Gòn, ThS Nguyễn Hiếu Tín, Trưởng bộ môn Việt Nam học (chuyên ngành Du lịch) - Trường Đại học Tôn Đức Thắng nói với Giác Ngộ:

- Chúng ta, ai cũng dễ dàng thống nhất với nhau rằng người Việt sống rất tình cảm, giàu tình nghĩa và trọng tình người. Có thể nói, tính “trọng tình” đã trở thành nét đặc sắc của văn hóa Việt. Bản chất văn hóa này thể hiện qua vô vàn sắc thái khác nhau, như trong nguyên tắc sống: “thương người như thể thương thân”, “bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”, hoặc “nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng”; trong đạo lý: “uống nước nhớ nguồn” “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”; trong chuẩn mực ứng xử của cộng đồng gia tộc: “anh em như thể tay chân”, “tay đứt ruột xót”; trong cộng đồng làng xã: “tối lửa tắt đèn có nhau”, “lá lành đùm lá rách”,…

Trong tiếng Việt, “tình sâu nghĩa nặng”, “trọn nghĩa vẹn tình”,… đã trở thành những cụm từ quen thuộc từ lời ăn tiếng nói hàng ngày. Từ truyền thống “tình làng nghĩa xóm” đã được kết tinh thành giá trị độc đáo của bản sắc văn hóa dân tộc đó là “tình nghĩa”.

Do xuất phát từ tính trọng tình nên đạo lý truyền thống của dân tộc là tập hợp những quan niệm biện chứng và nhân đạo chủ nghĩa, các giá trị tinh thần nhân văn, các hoạt động xã hội và những hành vi hướng tới cái nhân đạo trong quan hệ giữa người với người, giữa con người với xã hội, với thiên nhiên….

Mặt khác, người Việt cũng tiếp thu, chọn lọc được những triết lý tốt đẹp, từ bi, đạo đức, trí tuệ của nhiều tôn giáo khác như Phật giáo, Nho giáo,… Từ đây, giúp cho đạo lý của dân tộc được hòa hợp với minh triết của tôn giáo, khiến cho con người tạo nên nguyên tắc điều hòa tâm tính với mọi người, có tấm lòng yêu thương, thấu hiểu, dễ đồng cảm, chia sẻ, hay giúp đỡ người khác. Đặc biệt, đối với người Sài Gòn, nơi được xem là bức khảm văn hóa, cư dân nhiều nơi đến sinh sống thì tính cộng đồng, trọng tình, tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong những lúc khó khăn lại càng phát huy cao độ.

ThS Nguyễn Hữu Tín - Ảnh: NVCC

ThS Nguyễn Hữu Tín - Ảnh: NVCC

Thương hiệu của Sài Gòn

* Sự tử tế có thể xem là thương hiệu của TP.HCM - giúp thu hút bạn bè quốc tế biết đến và chọn nơi đây làm điểm đến du lịch hoặc đầu tư?

- ThS NGUYỄN HỮU TÍN: Thật sự tôi rất thích từ “tử tế”, mặc dù nghĩa gốc từ này không phải như cách hiểu ngày nay. Bởi lẽ, về nghĩa từ nguyên, “tử” là những chuyện nhỏ, “tế” là chuyện bình thường. Ở một số từ điển “Tử tế” có nghĩa là “tinh mật, kỹ càng” (theo “Hán - Việt từ điển” của Đào Duy Anh), hoặc nghĩa là “chu đáo, kỹ càng” (theo “Việt Nam tự điển” của Hội Khai Trí Tiến Đức). Ví như nói “học hành tử tế” có nghĩa là học hành một cách kỹ lưỡng, chứ không có nét nghĩa là “lòng tốt”.

Tuy nhiên, hiện nay nghĩa từ “tử tế” được mở rộng theo gốc từ nguyên là cách sống mà mình làm một cách cẩn thận, chu đáo từ những việc rất nhỏ bé, hết lòng bằng khả năng của mình. Xét theo nét nghĩa này, khá phù hợp với đặc tính của dân tộc Việt. Thực ra, đạo lý tình nghĩa đó của dân tộc chính là sự giản dị, ân cần chu đáo, giúp người một cách vô tư, không vị lợi, cũng không cần khoa trương, âm thầm giúp đỡ một cách vô cầu, một lối sống rất đẹp từ những tấm chân tình, mộc mạc, bình dị nhưng vô cùng sâu sắc và tràn đầy phẩm hạnh. Vô cầu giúp người cũng là tinh thần bố thí ba-la-mật của Phật giáo nên có thể nói, sự tử tế của người Sài Gòn đâu đó cũng là Phật chất trong ứng xử giữa người với người, giữa người với thiên nhiên…

Tính cách đó, thật sự tạo nên một “thương hiệu” cho TP.HCM với hàng loạt cách gọi phong phú: Sài Gòn bao dung, nghĩa tình, ấm áp, sâu lắng,… Tất cả tạo nên những từ trường cảm xúc, hoài niệm khi đi xa khiến người ta luôn nhớ về với những mỹ từ trao gửi yêu thương đầy xao xuyến: Sài Gòn bao nhớ, Sài Gòn mê diệu, Sài Gòn yêu dấu,..

Sự tử tế này là một trong những “sản phẩm độc đáo, đặc biệt” trong tài nguyên nhân văn của du lịch, là một trong những điểm nhấn khi bạn bè du khách quốc tế đến nơi đây. Họ bắt gặp những nụ cười thân thiện, những tâm hồn bình dị, luôn ân cần, hiếu khách, giúp đỡ người xa lạ, thực tâm một cách tự nhiên như vốn có, mang lại năng lượng yêu thương, tâm lý hiếu hòa, cởi mở, thân thiện cho du khách. Chính cách tự nhiên này, tấm lòng nhân hậu đó, lại vô tình là một trong những chỉ báo quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo nên một môi trường sống an toàn, thân thiện và là điều kiện cần thiết trong việc phát triển bền vững.

Sự tử tế trong hoạt động du lịch cũng chính là du lịch có trách nhiệm, mang lại sự cảm kích, lòng tôn trọng văn hóa, môi trường địa phương và làm tăng sự thỏa mãn toàn diện của du khách. Từ đó, mang lại hiệu kinh tế từ những nhà đầu tư đích thực.

Cơ hội trong lúc khó khăn

Cơ hội trong lúc khó khăn

Thần định, trí sáng, làm điều lành giữa mùa chống “giặc” Covid

* Cũng là người nghiên cứu Phật giáo, có đời sống trầm tĩnh, khiêm cung, luôn giúp đỡ…, ông thấy giá trị của một người sống thiện là gì, tử tế giúp họ “được” gì trong cuộc sống?

- Có thể thấy một điều đáng quý là đạo lý của dân tộc từ “việc ăn hiền ở lành”, “uống nước nhớ nguồn”,… đã được thăng hoa, tiếp nguồn, phát huy hơn với tính minh triết của đạo Phật, khiến cho những người sống thiện lương, tử tế sẽ mang lại rất nhiều điều hạnh phúc ngay trong cuộc sống đời thường này.

Tôi nhớ trong quyển sách “Sức mạnh của lòng tử tế”, tác giả có chia sẻ: “Hiền lành, tử tế/nhân hậu, là một từ cứng rắn nhất trên đời. Nó có nghĩa là bước tới phía trước với sự tự tin trong sáng đến từ nhận thức, rằng ta phải hết sức nhân hậu và đặt nhu cầu người khác ngang với nhu cầu của chính mình”. Từ đó, chúng ta có thể suy ngẫm những lợi ích mà lòng tử tế đã đem lại.

Những điều gì này, cũng không có gì mới vì từ hơn 2.500 năm trước, Đức Phật đã từng dạy: “Này gia chủ tử, có năm cách vị thiện nam tử đối với bạn bè như phương Bắc: Bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự, không lường gạt. Này gia chủ tử, được vị thiện nam tử đối xử như phương Bắc theo năm cách như vậy, bạn bè có lòng thương kính vị thiện nam tử theo năm cách: Che chở nếu vị thiện nam tử phóng túng, bảo trì tài sản của vị thiện nam tử nếu vị này phóng túng; trở thành chỗ nương tựa khi vị thiện nam tử gặp nguy hiểm; không tránh xa khi vị thiện nam tử gặp khó khăn; kính trọng gia đình của vị thiện nam tử” (Trường bộ, kinh Giáo thọ Thi-ca-la-việt). Theo đó, một tổ chức dù lớn hay nhỏ, nếu biết sống và hành động theo lời Phật dạy, làm người tử tế thì tính tương thân tương ái, đoàn kết sẽ được thắt chặt và hệ thống cấu trúc trở nên chặt chẽ, tạo nền móng cho sự phát triển vững bền.

Tôi tin rằng một hành động tử tế nhỏ bé, nhưng có thể tạo ra sự khác biệt lớn lao cho một ngày, thậm chí là cả cuộc đời, của ai đó. Và phần thưởng lớn nhất, giá trị mang lại cho người tử tế nếu xuất phát từ trái tim thiện nguyện, trong sáng sẽ mang lại niềm vui sướng, hạnh phúc viên mãn cho cuộc đời của họ lẫn người được họ giúp đỡ bằng cách nhìn đời lạc quan hơn và thay đổi tư duy theo hướng tốt đẹp hơn.

* Trong mùa dịch này, ông đã thực tập như thế nào để giữ tâm bình an?

- Giãn cách xã hội hiện nay là một trong những biện pháp hiệu quả nhất để ngăn chặn sự lây lan của virus trong các cơn dại dịch. Về bản chất, sự xa cách này trái ngược với tính cách vốn có của con người, một sinh vật xã hội sống theo bầy đàn. Biện pháp này cũng trái ngược với bản năng cơ bản của con người trong thời nguy hiểm: tụ tập lại để hợp sức, chống lại mọi đe dọa,… Nếu thời hiện đại tôn sùng sự gấp gáp, vội vã và xem “sống chậm” là biểu hiện của tính thụ động thì trong cơn đại dịch này như một lập trình của thế giới tự nhiên khiến con người phải cân bằng lại, phải sống chậm, phải tự cách ly để bảo vệ nhóm xã hội, cộng đồng.

Không vì cơn đại dịch, mà ngày nay nhiều quốc gia (đặc biệt những quốc gia lấy Phật giáo làm quốc giáo) ra sức khuyến khích sống chậm giữa cuộc đời nhanh, để tạo sự cân bằng của tự nhiên, được trở về với thiên nhiên, với chính mình. Sống chậm nhưng lúc nào thần cũng định, trí cũng sáng và tâm cũng an.

Đúng vậy, trong khoảng thời gian này, dù muốn hay không thì có lẽ sự tĩnh lặng, sống chậm thật sự cần thiết, mỗi người tự chọn cho mình một nơi chốn yên bình để sống an lành, giữ tâm phẳng lặng. Tuy vậy, sự bình an đến từ ngoại cảnh là có, nhưng sẽ không bền vì ngoại cảnh luôn biến động, thay đổi. Sự bình an đích thực và lâu bền nhất chỉ nảy nở, khởi phát từ trong chính bản thân mình “tâm an vạn sự an” là vậy. Khi đó, trong lòng người, sự tĩnh lặng sẽ quay về và sẽ làm thức tỉnh sự bình an.

Tôi cũng cố gắng bình an giữa tâm dịch bằng những hành động thiết thực, như tập trung cho chuyên môn, công việc, sắp xếp lại kệ sách, lên ý tưởng cho những dự định xa hơn, thường xuyên đọc tin tức, thời sự, tham gia những hoạt động thiện nguyện theo khả năng, điều kiện của mình. Bởi lẽ, sự nhàn tâm này không phải là lánh đời, trốn đời mà là tập cách sống lạc quan, ung dung tự tại trước thời cuộc và là “cơ hội” giúp cho sự tử tế, thiện lương được trau dồi trước những khó khăn chung của xã hội bằng sự thấu hiểu hơn, khoan dung hơn và yêu thương hơn.

* Xin cảm ơn ông!

Chiếc nạng vô hình

Rõ ràng, Covid-19 thật sự đang thử thách sự phát triển của thành phố năng động, nó không chỉ tấn công người bệnh mà còn thách thức sức đề kháng của xã hội đô thị. Sự day dứt về đại dịch cũng là cơ hội để con người có thể bản lai diện mục, nhìn lại những ứng xử văn hóa với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội của mỗi quốc gia. Nói như nữ nhà văn Guzel Yakhina, đại dịch này “đang diễn ra cuộc khảo sát nguồn dự trữ nhân tính của nhân loại, được tích lũy qua hàng thiên niên kỷ của đời sống văn hóa”, và “trong cơn đại dịch, hơn bao giờ hết “văn hóa chính là chiếc nạng vô hình, vô thức nhưng hết sức quan trọng”. Văn hóa đó không gì khác hơn chính là lòng tử tế của người dân Sài thành. Bằng tấm chân tình, họ không quản ngại nắng mưa, lam lũ, chịu khó, giúp đỡ cho người yếu thế, những vị bác sĩ âm thầm lặng lẽ ngày đêm cứu người, những chiến sĩ tận lực “truy vết” từng người lây nhiễm, những công dân “ngoan ngoãn”, bình tĩnh ngồi yên chờ đợi,… Mỗi người tự xây cho mình một ngọn lửa ấm cúng với tâm an lạc - lòng yêu thương đầy nhiệt năng, năng lượng ấy sẽ làm ấm áp khắp nơi và kết nối tình người nơi đây.

Tôi hy vọng rằng, bằng nhiều cách tiếp cận khác nhau, ai trong số những người chúng ta cũng đều có thể làm những việc tử tế, lan tỏa việc tử tế và trở thành người tử tế. Bởi lẽ, hạt giống tử tế luôn có trong mỗi con người, việc cần làm là hãy chung tay vì cộng đồng. Hãy luôn thắp sáng tinh thần từ bi và trí tuệ để hành động. Có một chân lý bất diệt là “giúp người khác chính là giúp bản thân mình”, vì đơn giản “Một là tất cả, Tất cả là một!”.

Ths Nguyễn Hiếu Tín

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thượng tọa Thích Thiện Thông thăm hỏi, động viên bà con có hoàn cảnh khó khăn TP.Trà Vinh

Chùa Liên Trì (TP.Vũng Tàu) trao quà tại Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh Bến Tre

GNO - Sáng 23-11, đoàn từ thiện chùa Liên Trì (TP.Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) do Thượng tọa Thích Thiện Thông, Phó Thư ký kiêm Chánh Văn phòng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, trụ trì chùa Liên Trì làm trưởng đoàn đã đến trao quà đến trẻ em và người già neo đơn tại Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh Bến Tre.
Chùa Thầy (Hà Nội)

Mái chùa che chở hồn dân tộc

NSGN - Bài thơ Nhớ chùa là một tác phẩm bất hủ của thơ ca Phật giáo Việt Nam. Bài thơ này đi vào lòng người mến đạo một cách dịu dàng và nồng ấm như câu ca dao của mẹ, tự nhiên và nhẹ nhàng như hơi thở, bình yên và trong sáng như một mảnh trăng chiều...

Thông tin hàng ngày