Giáo dục các thế hệ tương lai

GN - LTS. Nhiều người tỏ ra lo lắng về nạn bạo lực học đường ngày càng gia tăng - dấu hiệu của hiện tượng suy thoái đạo đức lối sống trong giới trẻ. GN giới thiệu cách nhìn về giáo dục của một tu sĩ Phật giáo, ngài Dalai Lama, một phần nhỏ trong cuốn sách “Beyond Religion – Ethics for Whole World”.

Khi nền giáo dục hiện đại bắt đầu thì tôn giáo vẫn còn là một lực lượng có ảnh hưởng lớn trong xã hội, vì thế việc đào luyện các phẩm chất như trầm tĩnh, khiêm tốn, và giúp đỡ người khác là một phần của công việc giáo dưỡng ở gia đình cùng với sự tham gia của cộng đồng tôn giáo, và vì thế, việc này hầu như được xem là một điều đương nhiên trong một bối cảnh giáo dục. Vì vậy, ưu tiên của nền giáo dục hiện đại ở khắp nơi là truyền đạt kiến thức văn học và kỹ thuật.
ax người trẻ quay về làm mới.jpg
Có 3 phẩm chất được xem là dấu hiệu của một vị thầy vĩ đại,
đó là giỏi về chuyên môn, trung thực về đạo đức và có tâm từ - Ảnh minh họa

Tuy nhiên, ngày nay nếu cho rằng trẻ em sẽ tự động được giáo dục về đạo đức thì thật thiếu thực tế. Tôn giáo không còn có ảnh hưởng như thời xưa, và những giá trị gia đình - trong quá khứ bắt nguồn từ niềm tin tôn giáo và được nuôi dưỡng trong những truyền thống cộng đồng - cũng đã bị phai nhạt, thường là bởi những giá trị vật chất và áp lực kinh tế. Hậu quả là việc đào luyện những giá trị bên trong không còn là điều mà chúng ta có thể xem là đương nhiên có. Nếu chúng ta không thể cho rằng người ta học tập những giá trị đạo đức và tinh thần ở tại nhà hoặc tại các cơ sở tôn giáo, thì rõ ràng là trách nhiệm của nhà trường trong lĩnh vực này - giáo dục tinh thần và đạo đức - đã gia tăng rất nhiều.

Tuy nhiên, trong thời đại toàn cầu hóa và các xã hội đa dạng, làm sao chúng ta có thể gánh vác trách nhiệm này quả thật không đơn giản. Nếu trẻ em trong một ngôi trường nào đó chẳng hạn, xuất thân từ trong những bối cảnh văn hóa và tôn giáo khác nhau, thì nhà trường dựa trên cơ sở nào để tiến hành giáo dục đạo đức? Nếu sử dụng một quan điểm tôn giáo nào đó thì sẽ không thích hợp. Ở một số nơi trên thế giới, tôn giáo, thậm chí, bị loại ra khỏi chương trình học tập. Thế thì làm thế nào để nhà trường cung ứng cho học sinh một nền giáo dục đạo đức không có thiên kiến và toàn diện?

Bất cứ khi nào tôi nói chuyện về đề tài nâng cao nhận thức về đạo đức và các giá trị bên trong tại các trường trung học và đại học, tôi đều nhận được sự ủng hộ rất tích cực. Điều này cho thấy các nhà giáo dục và sinh viên, học sinh đều chia sẻ sự quan tâm của tôi. Điều cần thiết là một phương pháp quảng bá các giá trị bên trong thật sự mang tính phổ quát - có thể bao hàm, mà không có định kiến, cả những quan điểm bất khả tri lẫn quan điểm tôn giáo thuộc nhiều loại khác nhau.

Vào mùa thu năm 2009 ở Canada, tôi đã tham gia một cuộc đối thoại lý thú về đề tài này và gặp gỡ những nhà sư phạm đào tạo giáo viên từ khắp tỉnh Quebec. Từ xưa tới gần đây, Quebec là một xã hội chịu ảnh hưởng của Thiên Chúa giáo La Mã truyền thống. Tuy nhiên, trong những thập niên vừa qua, cũng như nhiều nơi khác trên thế giới, đã ngày càng mang tính thế tục, và do tình trạng nhập cư, cũng đã trở thành một xã hội đa văn hóa và đa tôn giáo. Để thích ứng với những thay đổi này, nhà chức trách tỉnh đang tìm kiếm những phương cách giáo dục đạo đức trong nhà trường, những phương cách ít dựa vào những cách tiếp cận mang tính chất tôn giáo truyền thống.

Đối với những vấn đề cụ thể - như làm thế nào để soạn một giáo trình, làm thế nào để dạy các nhóm trẻ em có lứa tuổi khác nhau - thì tôi không có ý kiến vì đây là lĩnh vực của các chuyên gia về giáo dục, về tâm lý phát triển,  và các lĩnh vực liên quan. Nhưng về cách tiếp cận chung, thì tôi chia sẻ quan điểm của tôi rằng cần có một cách tiếp cận thế tục đối với vấn đề đạo đức thì mới hình thành được những nguyên tắc căn bản mang tính phổ quát thật sự.

Tôi cũng chia sẻ quan điểm của tôi rằng nhiều người có thể được lợi ích từ những bài tập tinh thần về ý thức và về sự vun trồng các giá trị bên trong. Chính vì mục đích này mà tôi sẽ trình bày chi tiết hơn trong phần thứ hai của cuốn sách này.

Về những vấn đề sư phạm, tôi chỉ có một ý kiến đóng góp - trước đây và bây giờ cũng vậy - cần nhớ là dạy dỗ về ý thức đạo đức và các giá trị bên trong, thì việc cung cấp kiến thức đơn thuần sẽ không đủ, và dạy bằng cách tự bản thân nêu gương là quan trọng hơn cả. Nếu thầy giáo nói về giá trị của lòng tốt, giải thích dông dài về các lợi ích của nó, trong khi không thể hiện điều ấy qua hành vi của bản thân, thì khó mà thuyết phục được học sinh. Nếu, mặt khác, thầy giáo thể hiện lòng tốt qua chính hành vi của mình, qua sự quan tâm đến học sinh, thì sẽ rất có hiệu quả.

Tất nhiên, tôi không có ý định khuyên các thầy giáo nên mềm mỏng. Trái lại, những thầy giáo giỏi nhất thường rất nghiêm khắc. Nhưng để sự nghiêm khắc có hiệu quả, nó phải nhắm tới phúc lợi của học sinh. Khi nói điều này, tôi nhớ đến vị giáo thọ cao cấp đã quá cố của tôi, là người rất thân thương với tôi. Nhìn bề ngoài, thầy Ling Rinpoche rất nghiêm. Khi học với thầy lúc nhỏ, thầy thường để sẵn hai cây roi. Một cây roi da màu nâu bình thường, dành để sử dụng cho anh của tôi, và một cây roi màu vàng đặc biệt dành cho tôi.

Trên thực tế, cây roi vàng không bao giờ được sử dụng. Tôi chắc rằng nếu đánh bằng cây roi đó thì nó cũng gây đau không kém cây roi bình thường có sử dụng một đôi lần cho ông anh kém may mắn của tôi! Gạt chuyện nói đùa sang một bên, thầy giáo có một ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của học sinh, không những trong các vấn đề học thuật, mà còn đến tư cách con người. Các học sinh khác nhau có các nhu cầu khác nhau và thầy giáo cần có sự nhạy cảm về vấn đề này. Kỷ luật nghiêm khắc có thể tốt cho một số học sinh, trong khi đó, một số khác cần đối xử nhẹ nhàng.

Trong trường hợp của tôi, cho tới giờ này, tôi vẫn mang ơn các giáo thọ của tôi. Mặc dù bề ngoài nghiêm khắc, tôi vẫn cảm nhận được tình thương sâu sắc của thầy. Trong sự giáo dục ở tu viện truyền thống của Tây Tạng, có nhiều phẩm chất được quý trọng ở các vị thầy, như lòng kiên nhẫn, nhiệt tình, khả năng truyền cảm hứng, năng động, và cách truyền đạt rõ ràng. Nhưng trên hết, có ba phẩm chất được xem là dấu hiệu của một vị thầy vĩ đại, đó là giỏi về chuyên môn (khé), trung thực về đạo đức (tsun) và có tâm từ (sang).

Tôi ý thức rằng thầy giáo trong những xã hội hiện đại thường phải đối mặt với những thách thức lớn lao. Lớp học có thể rất đông, môn dạy có thể rất phức tạp, và kỷ luật có thể khó duy trì. Với tầm quan trọng như thế, với sự khó khăn của nghề thầy, tôi rất ngạc nhiên khi nghe rằng trong các xã hội phương Tây ngày nay, nghề dạy học được xem là một nghề có địa vị thấp. Như vậy thật là mâu thuẫn. Các thầy giáo cần được ca ngợi khi chọn nghề này. Họ cũng nên tự khích lệ mình, đặc biệt vào những ngày cảm thấy mệt mỏi và xuống tinh thần. Họ đang tiến hành một việc có ảnh hưởng không những đến trình độ kiến thức mà ảnh hưởng suốt đời người học sinh, và do đó họ có khả năng đóng góp vào tương lai của cả nhân loại.

Trần Ngọc Bảo dịch

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày