Giáo giới Phú Lâu Na, Nandaka và La Hầu La

Giáo giới Phú Lâu Na, Nandaka và La Hầu La
A. GIÁO GIỚI PHÚ LÂU NA
(Kinh số 145: Punnovàdasuttam - Discourse On An Exhortation To Punna)
I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ
(Các từ ngữ quen thuộc).


II. NỘI DUNG KINH GIÁO GIỚI PHÚ LÂU NA
1. Lúc Thế Tôn đang trú ở tịnh xá Cấp Cô Độc, Thắng Lâm, thành Xá Vệ (Sàvatthì), Tôn giả Phú Lâu Na đến hầu Thế Tôn, cầu giáo giới trước khi Tôn giả rút vào sống tinh cần độc cư, nhàn tịnh.
Thế Tôn dạy: “Có những sắc do mắt nhận thức, khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Nếu Tỷ kheo hoan hỷ tán thưởng, chấp thủ và an trú trong ấy, do vậy dục hỷ sanh; và này Punna, Ta nói rằng, từ sự tập khởi của dục hỷ, là sự tập khởi của khổ”.
(Tương tự đối với các căn trần còn lại).
Ngược lại, nếu không hoan hỷ, không chấp thủ, thì dục hủy diệt. Ta nói rằng sự diệt tận dục hỷ là sự diệt tận đau khổ...
2. Tôn giả Punna, sau lời giáo giới của Thế Tôn, đến lưu trú tại xứ Sunaparanta. Thế Tôn hỏi Tôn giả Punna rằng, nếu dân Sunaparanta rất hung bạo, họ sẽ nhục mạ Tôn giả, Tôn giả sẽ như thế nào?
- Thế còn hiền thiện, vì họ chưa đánh đập con. Tôn giả bạch Phật.
- Nếu họ đánh đập ông? Thế Tôn hỏi.
- Thế là họ còn hiền thiện, vì họ chưa đâm chém con bằng dao.
- Nếu họ đâm chém ông bằng dao?
- Thế là họ còn hiền thiện, vì họ chưa đoạt mệnh của con.
- Nếu họ đoạt mệnh của ông thì sao?
- Bạch Thế Tôn, con sẽ nghĩ như sau: “Có những đệ tử của Thế Tôn, ưu phiền và nhàm chán thân thể và sinh mạng đi tìm con dao (để tự sát). Nay ta khỏi đi tìm con dao ấy”.
- Lành thay! Ông sẽ làm những gì ông nghĩ là hợp thời.
3. Lưu trú ở Sunaparanta một mùa mưa, Tôn giả Punna đã nhiếp độ được 500 nam cư sĩ và 500 nữ cư sĩ; sau đó, cũng trong mùa mưa ấy Tôn giả đắc “Tam minh” và mệnh chung, nhập Niết bàn tại đó.

III. BÀN THÊM
1. Gương giác tỉnh và nhiệt tâm hoằng hóa của Tôn giả Punna là đáng để người tu sĩ các đời sau học tập: Chỉ có sự giác tỉnh, không tham ái, không chấp thủ ngũ uẩn mới không ngại các gian nan, nguy hiểm trên đường hoằng pháp vì lợi ích lâu dài của số đông.
2. Pháp tu thiền quán về ngũ uẩn, hay về 18 giới, 18 xúc, gìn giữ 18 ý hành không để vướng mắc vào các cảm thọ hỷ, ưu, xả là dẫn đến sự tận trừ dục hỷ, tận trừ khổ đau. Rất đơn giản, nhưng rất rõ ràng, rất thực và rất trí tuệ! Nhờ đó mà chỉ qua một mùa mưa tinh cần thực hành, Tôn giả Puịịa đã đắc “Tam minh” và nhiếp độ đến 1.000 người vốn có bản chất hung bạo (người dân Sunaparanta).
3. Vấn đề giác tỉnh, nhàm chán thân thể và sinh mạng này không phải là sự biểu hiện tiêu cực của giáo lý, mà nhờ sự giác tỉnh ấy, hành giả mới có thể tích cực xả thân vì lợi tha. Tuy nhiên, ở đây một số đệ tử Đức Phật đã “lấy con dao” không phải vì yếm thế, mà là vì thấy, ở trường hợp của cá nhân họ, không cần đến thân thể và sinh mạng ấy nữa. Do vì họ không có tham ái, chấp thủ một thân khác, một đời sống khác nên họ không vi phạm “giới sát” (tự sát).
B. GIÁO GIỚI NANDAKA
(Kinh số 146: Nandakovàdasuttam - Discourse On An Exhortation To Nandaka)

I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ
(Các từ ngữ quen thuộc).
II. NỘI DUNG KINH GIÁO GIỚI NANDAKA
1. Cũng tại tịnh xá Cấp Cô Độc, lúc Thế Tôn đang trú, Ni trưởng Mahàpajapati Gotamì hướng dẫn 500 Tỷ kheo ni đến yết kiến Thế Tôn và xin được giáo giới (thuyết pháp). Bấy giờ các vị Tỷ kheo Thượng tọa thay phiên giáo giới các Ni.
2. Đến phiên Thượng tọa Nandaka, Thượng tọa mở ra một cuộc luận thuyết bằng cách đặt câu hỏi, nếu biết thì nói rằng: “Tôi biết”.
Qua đó, Thượng tọa Nandaka giúp cho các Tỷ kheo ni thấy rõ các căn, các trần, các thức, các uẩn là vô thường; cái gì vô thường thì sẽ đem lại khổ đau. Cái gì vô thường khổ đau thì không hợp lý để nói rằng: “Cái này là của tôi, là tôi, là tự ngã của tôi”. Và Thượng tọa đã giới thiệu pháp Thất giác chi cho các Tỷ kheo ni.
Thời pháp này đã giúp 500 vị Ni hoan hỷ, nhưng hầu như chưa được hoàn toàn thỏa mãn.
Thế Tôn lại dạy Tôn giả Nandaka nói lại thời pháp trên một lần nữa vào ngày tiếp theo. Sau thời pháp này, cả 500 vị Ni đều chứng đắc các thánh quả, người chứng thấp nhất là quả Dự lưu; tất cả đều rất hoan hỷ về thời pháp.

III. BÀN THÊM
1. Sau khi giác tỉnh các hữu vi là vô thường dẫn đến khổ đau, hành giả hành Niệm giác chi, y chỉ viễn ly, ly tham, đoạn diệt, hướng đến từ bỏ; tương tự với Trạch pháp giác chi, Tinh tấn giác chi, Hỷ, Khinh an, Định và Xả giác chi, thì sẽ chứng ngay trong hiện tại vô lậu tâm giải thoát; vô lậu tuệ giải thoát: Đây là pháp hành “Như lý tác ý” từ bước đi đầu tiên, đến bước đi cuối cùng.
2. Đặc biệt ở đây là cùng một nội dung bài pháp, Tôn giả Nandaka nói đến hai lần, và qua lần thứ hai, thì tác dụng thức tỉnh giải thoát mạnh mới đến với chư Ni: chỉ đến lần thứ hai người nghe mới nắm rõ sự thật, nắm rõ ý nghĩa; sau khi hiểu rõ, tâm ly tham, hoàn toàn ly tham mới khởi sinh.
Bài kinh này vừa gián tiếp cắt nghĩa vì sao các đoạn kinh kiết tập thường hay lặp lại ý: sự lặp lại ý có tác dụng như thủy triều đập mạnh vào tâm thức, như đánh thức: hãy từ bỏ, hãy buông bỏ các pháp hữu vi mộng mị!
C. GIÁO GIỚI LA HẦU LA
(Kinh ngắn số 147: CùlaRàhulovàdasuttam - Lesser Discourse On An Exhortation To Ràhula)
I . GIẢI THÍCH TỪ NGỮ
(Các từ ngữ quen thuộc).
II. NỘI DUNG KINH GIÁO GIỚI LA HẦU LA
1. Cũng tại thành Vương Xá (Ràjagaha), Thắng Lâm, lúc Thế Tôn đang trú ở tịnh xá Cấp Cô Độc, Thế Tôn thấy đã đến thời điểm giúp Tôn giả Ràhula đoạn tận lậu hoặc. Sau khi khất thực, sau bữa ngọ, Thế Tôn bảo Tôn giả Ràhula đem tọa cụ theo hầu Thế Tôn vào rừng Andhavana để nghỉ ban ngày. Bấy giờ nhiều chư Thiên biết sắp đến thời điểm Thế Tôn giúp Tôn giả Ràhula đoạn tận lậu hoặc, đã cùng đến rừng Andhavana.
2. Tại Andhavana, Thế Tôn đặt nhiều câu hỏi với Tôn giả Ràhula về 18 xứ là thường hay vô thường? Cái gì là vô thường là lạc hay khổ? Cái gì là vô thường, khổ, chịu sự biến hoại có hợp lý chăng nhìn nhận cái ấy: “Cái này là của tôi...” và Tôn giả đã trả lời đúng pháp tất cả các câu hỏi.
3. Thế Tôn kết luận:
“Này Ràhula, do thấy vậy, vị đa văn Thánh đệ tử yếm ly con mắt, yếm ly các sắc, yếm ly nhãn thức, yếm ly nhãn xúc; do duyên nhãn xúc này, được khởi lên thọ, tưởng, hành, thức. Vị ấy yếm ly các pháp khởi lên ấy. (Tương tự đối với tai... mũi... lưỡi... thân... ý... thanh... hương... vị... xúc... pháp...).
Tôn giả Ràhula đại hoan hỷ thọ lãnh lời dạy của Thế Tôn, tâm Tôn giả đoạn trừ tất cả lậu hoặc, không có chấp thủ.
Và hàng ngàn chư Thiên nghe (theo) khởi lên Pháp nhãn ly trần, vô cấu: “Phàm cái gì được khởi lên đều bị diệt tận”.
III. BÀN THÊM
1. Thời kinh dành cho Tôn giả Ràhula chuyên chở một nội dung rất cơ bản: đó là sự hiện hữu của con người và thế giới, đã được Thế Tôn dạy dưới hình thức luận đàm, hay vấn đáp. Nội dung này hầu hết các Tôn giả đã nghe và đã hiểu. Nhưng lần này, lúc tâm thức Tôn giả Ràhula với sự giác tỉnh gần chín muồi, giữa khung cảnh khoáng đạt và yên tĩnh của rừng núi Andhavana, lại được Thế Tôn thân hành giảng dạy, khai mở cho chính một mình Tôn giả Ràhula. Sự kiện này khiến tâm lý Tôn giả đại hoan hỷ, khiến Tôn giả, trong điều kiện tâm lý hân hoan thuận lợi, đã đại ngộ, đại giác và đại xả ly tham ái, chấp thủ, đoạn tận hết lậu hoặc.
2. Ở đây, cũng thế, nội dung bản kinh đã được Tôn giả Ràhula học và nghe nhiều lần rồi, nhưng đến lần này mới có đại tác dụng. Tu tập là sự nghe lại nhiều lần, hành lại nhiều lần và xả ly nhiều lần mới thuần thục tâm lý giải thoát. Tác ý “vô thường, khổ, không, vô ngã” của mọi hiện hữu, nếu được hành giả tác ý nhiều lần, tu tập nhiều ngày cũng sẽ (có hy vọng) dẫn đến cùng một kết quả giải thoát.
3. Trong thời pháp này có hàng ngàn chư Thiên (ẩn hình) cùng nghe, và tất cả đều đắc quả Dự lưu.
Vậy chư Thiên đã nghe như Tôn giả Ràhula nghe: nghe tiếng nói và khái niệm của con người? Hay có thần thông chuyển dịch ngôn ngữ con người thành ngôn ngữ chư Thiên? Hay là chính đại thần thông của Thế Tôn khiến phạm âm của Thế Tôn giúp các chúng hữu tình đều nghe được?
Trên thực tế, vào thời điểm tảng sáng, chư Thiên thường đến hầu Thế Tôn và tham vấn các đạo lý mà các đệ tử (con người) của Thế Tôn không biết đến, chỉ thấy hào quang mà thôi. Thế Tôn thường thuật lại nội dung của các cuộc đàm luận ấy. Điều này nói lên rằng: Thế Tôn đã vận dụng định lực (thần thông) nghe rõ và hiểu rõ ngôn ngữ của chư Thiên và giúp chư Thiên nghe và hiểu ngôn ngữ của Thế Tôn. Có một thứ định gọi là: “Tri nhất thiết chúng sinh ngôn ngữ”, như đã được trình bày ở Trung Bộ kinh I.

HT. Thích Chơn Thiện

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày