Giáo hội Phật giáo Việt Nam với đường hướng “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”

Hòa thượng Thích Thiện Nhơn - Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN - Ảnh: Đăng Huy
Hòa thượng Thích Thiện Nhơn - Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN - Ảnh: Đăng Huy
0:00 / 0:00
0:00
Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh về tổ chức và hoạt động, góp phần động viên quần chúng tín đồ Phật giáo thực hiện những giá trị đạo đức, bảo vệ và giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời vào ngày 7 tháng 11 năm 1981, tại Thủ đô Hà Nội, trên cơ sở hợp nhất 9 tổ chức Giáo hội, tổ chức Hội, Hệ phái Phật giáo trên cả nước, được sự đồng thuận cao của đông đảo Tăng Ni và đồng bào Phật tử. Điều này được thể hiện rõ trong Lời nói đầu của Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam: “Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời là sự kết tinh trí tuệ, là nguyện vọng chân chính của Tăng Ni, Cư sĩ Phật tử các tổ chức Giáo hội, tổ chức Hội, và các Hệ phái Phật giáo trong cả nước, là chủ thể kế thừa lịch sử hàng ngàn năm của Phật giáo Việt Nam. Lý tưởng giác ngộ chân lý, hòa hợp chúng, hòa bình và công bằng xã hội của giáo lý Đức Phật, nhằm phục vụ Dân tộc, Tổ quốc và nhân loại chúng sinh, là tôn chỉ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam”.

Hiến chương cũng đã khẳng định đường lối, chủ trương của Giáo hội:“Giáo hội Phật giáo Việt Nam hoạt động theo phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”, trên cơ sở kính ngưỡng, phụng hành Giáo pháp, Giới luật Phật chế và tuân thủ Pháp luật nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”. Phật giáo Việt Nam đã tự hào về quá trình lịch sử đồng hành cùng dân tộc Việt Nam kể từ khi Phật giáo có mặt trên mảnh đất Việt Nam xuyên suốt trên dưới 2000 năm lịch sử, vui cùng cái vui của dân tộc, buồn cùng cái buồn của dân tộc. Khi dân tộc bị nô lệ, áp bức, thì Phật giáo luôn sát cánh cùng toàn dân đứng lên bảo vệ Tổ quốc, khi đất nước được thống nhất, hoà bình, độc lập thì Phật giáo cùng chung tay để xây dựng đất nước phồn vinh, thạnh mậu. Điều này, được thể hiện rõ, khi đất nước hoàn toàn thống nhất, độc lập thì Phật giáo Việt Nam cũng đủ cơ duyên cùng ngồi lại trong một mái nhà chung, đó là thống nhất các tổ chức Giáo hội, tổ chức Hội, Hệ phái Phật giáo trên cả nước thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, lấy phương châm:“Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội ”. Phương châm của Giáo hội trở thành kim chỉ nam, định hướng xuyên suốt trong quá trình hoạt động trải dài hơn 41 năm qua.

Sự ra đời của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã trở thành sự kiện lịch sử trọng đại của Phật giáo Việt Nam, ghi đậm nét son vàng trên trang sử Phật giáo nước nhà thời hiện đại, điều này thể hiện trọn vẹn sứ mạng thống nhất Phật giáo, một tổ chức Giáo hội duy nhất tại Việt Nam sau hơn 1000 năm phân tán và hoạt động rời rạc, sự kiện này đánh dấu bước khởi đầu trong công cuộc xây dựng và phát triển Phật giáo Việt Nam.

Sự ra đời của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã hình thành tiếng nói chung của tất cả các tổ chức Giáo hội, tổ chức hội thuộc ba hệ phái lớn Bắc tông, Nam tông và Khất sĩ của Phật giáo Việt Nam, đó là “Đoàn kết hòa hợp, trưởng dưỡng đạo tâm, trang nghiêm Giáo hội”“Phục vụ chúng sanh là cúng dường chư Phật”. Sự thống nhất 9 tổ chức hệ phái Phật giáo Việt Nam, đồng lòng thực hiện tiếng nói chung của Phật giáo Việt Nam kể từ ngày Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời, trải dài trong suốt 41 năm qua, đã khẳng định tính ưu việt của công cuộc thống nhất Phật giáo Việt Nam, không chỉ xóa đi khoảng các giữa các hệ phái Phật giáo tại Việt Nam, mà còn gắn kết chặt chẽ các hệ phái Phật giáo thành một khối thống nhất đoàn kết hòa hợp, tạo sự liên thông Phật giáo giữa các vùng miền. Đồng thời, Giáo hội Phật giáo Việt Nam với phương châm, định hướng:“Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”, là động cơ giúp cho Phật giáo đồ Việt Nam ý thức trách nhiệm cao cả của mình đối với vận mệnh đất nước trên bước đường đồng hành cùng dân tộc, định hướng và tạo điều kiện thuận lợi cho Tăng Ni, Phật tử đóng góp công sức trí tuệ cho sự hưng thịnh của đạo pháp và sự trưởng tốn của dân tộc.

Nhìn lại quá trình hình thành, ổn định và phát triển của Phật giáo Việt Nam trong suốt 41 năm qua, Phật giáo Việt Nam đã thật sự lớn mạnh trên nhiều phương diện, đạt được kết quả khả quan trong hầu hết các lĩnh vực Tăng sự, Giáo dục, Hoằng pháp, Văn hóa, Từ thiện xã hội, Thông tin truyền thông… đặc biệt, quan hệ trên mặt hoạt động đối ngoại, thông qua các Hội nghị, Hội thảo quốc tế, đã không ngừng nâng cao vị thế Phật giáo trong lòng dân tộc, trên trường quốc tế, những thành tựu vượt bật này là nền móng cho sự phát triển bền vững của Giáo hội, đồng thời là cơ sở vững chắc để tăng cường niềm tin đạo pháp của Tăng, Ni và Phật giáo đồ trong và ngoài nước.

Phương châm hành động của Giáo hội là yếu tố quan trọng, để tăng cường sự gắn bó với dân tộc với đất nước. Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn luôn cổ vũ Tăng, Ni, Phật tử chấp hành tốt các chủ trương, chính sách, luật pháp của Nhà nước, hưởng ứng, tham gia tích cực các công tác ở địa phương, các phong trào hành động cách mạng do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động, nhất là các phong trào từ thiện xã hội, góp phần ngày càng có hiệu quả hơn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đường hướng hành đạo mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam với phương châm“Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”ngày càng thể hiện tính đúng đắn và hiệu quả, nó không chỉ là sự hun đúc, hội tụ truyền thống gắn bó đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo Việt Nam suốt hàng ngàn năm qua, mà còn là sự tiếp nối và kế thừa mạng mạch Phật pháp, phát huy tư tưởng nhân văn sâu sắc của Phật giáo, đồng thời cũng tạo nên những nét đặc thù mang đậm bản sắc rất riêng và độc đáo, đó là Phật giáo của dân tộc Việt Nam.

Ngày nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh về tổ chức và hoạt động, góp phần động viên quần chúng tín đồ Phật giáo thực hiện những giá trị đạo đức, bảo vệ và giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam. Với truyền thống yêu nước, gắn bó và đồng hành cùng dân tộc, Phật giáo Việt Nam đã tạo điều kiện để Tăng, Ni, Phật tử trong nước và ngoài nước hiểu rõ đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; vận động quần chúng tín đồ tích cực tham gia vào công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những đóng góp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã nâng cao vị thế của mình trong nước cũng như trên trường quốc tế, được Phật giáo các nước đánh giá cao; thành quả của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là sự kết tinh, chắt lọc những nỗ lực và tâm huyết của hai ngàn năm Phật giáo đồng hành cùng dân tộc…

Trong những năm gần đây, trước xu thế hội nhập và toàn cầu hóa đang diễn ra nhanh chóng. Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đăng cai và tổ chức thành công nhiều sự kiện Phật giáo quốc tế quan trọng như ba kỳ Đại lễ Phật đản Vesak Liên Hiệp Quốc trong năm 2008, 2014, 2019 và tổ chức cũng như tham gia nhiều hội nghị và sự kiện mang tầm quốc tế, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam, con người Việt Nam và Phật giáo Việt Nam yêu chuộng hòa bình, sẵn sàng làm bạn với tất cả các quốc gia trên thế giới, đập tan những âm mưu lợi dụng Phật giáo để gây chia rẽ, mất đoàn kết, phá hoại sự nghiệp xây dựng nhà nước xã hội chủ nghĩa và thành quả cách mạng của nhân dân ta.

Lịch sử cũng đã cho chúng ta xác tín rằng, dưới ngôi nhà chung Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tinh thần“Lục hòa vô ngã”với phương châm“Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”, thì người con Phật trên đất nước Việt Nam thân yêu sẽ cùng nhau xây dựng ngôi nhà chung đó ngày càng hưng thịnh và điều đó đã chứng minh một cách thuyết phục với những gì mà Phật giáo Việt Nam đã gặt hái và đóng góp cho đạo pháp và dân tộc. Nhìn lại chặng đường 41 năm qua, với sự quan tâm, tạo điều kiện của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các cấp chính quyền bằng những chủ trương, chính sách đúng đắn đối với tôn giáo nói chung, cũng như đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói riêng, chúng ta có thể tin tưởng rằng Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ tiếp tục có những bước tiến vượt bậc, xây dựng Giáo hội vững mạnh, xứng đáng là tổ chức đại diện cho Phật giáo Việt Nam trong và ngoài nước, tiếp tục có những việc làm vị tha vô ngã, thiết thực lợi ích nhân sinh, thể hiện truyền thống gắn bó, đồng hành cùng dân tộc suốt 2000 năm của Phật giáo Việt Nam, góp phần cùng xây dựng đất nước Việt Nam ngày một phồn thịnh, vững mạnh, văn minh, đem lại hòa bình, ấm no và hạnh phúc cho mọi tầng lớp nhân dân.

(Trích phát biểu tại hội nghị Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp mặt biểu dương các tổ chức tôn giáo có đóng góp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nhân Quốc khánh 2-9, tổ chức sáng 30-8-2022 tại Hội trường Thống nhất, TP.HCM).

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Võ Dũng

Tỳ-kheo-ni Tô-ma

NSGN - Tôi nghe như vầy: Một thời, Đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ. Bấy giờ, Tỳ-kheo-ni Tô-ma2  ngụ tại tinh xá của chúng Tỳ-kheo-ni, ở trong ngự viên, thuộc nước Xá-vệ.

Thông tin hàng ngày