GN - Những ngày qua, các phương tiện thông tin đại chúng trong nước liên tục đăng tải hình ảnh các vị tu sĩ Phật giáo vùng Nam Á thăm và hành đạo tại Việt Nam với sự tham gia đón tiếp trịnh trọng của nhiều chư Tăng Ni, Phật tử; các khóa lễ được tổ chức rầm rộ ở một số tỉnh thành.
Nghi thức gia trì của các vị Lạt-ma thu hút nhiều người tham dự - Ảnh: VnExpress
Tâm thế chuộng cái lạ, sự huyền bí
Với người Việt Nam nói chung và Phật giáo Việt Nam nói riêng, giao lưu quốc tế là một nhu cầu có thật và cần thiết, thể hiện sự hòa hiếu, hội nhập. Trong xu thế đối thoại và toàn cầu hóa, đất nước đã thiết lập nhiều mối quan hệ quốc tế tốt đẹp với nhiều quốc gia, tổ chức trên thế giới, tạo sự thông hiểu và giúp đỡ nhau phát triển trên phương diện các bên cùng có lợi.
Phật giáo Việt Nam trong quá khứ luôn là nhân tố tích cực trên trường quốc tế, tham gia sáng lập và là thành viên của nhiều tổ chức Phật giáo toàn cầu duy trì hoạt động cho đến ngày nay. Chúng ta cũng tổ chức nhiều đoàn công tác đến thăm và làm việc với Phật giáo nhiều nước trên thế giới; ngược lại, cũng đón tiếp khá nhiều chư Tăng Ni ngoại quốc thăm và hành đạo. Từ sự giao lưu như thế đã tạo nên các mối quan hệ sâu rộng, hiểu biết và đồng hành trên con đường hoằng truyền Chánh pháp. Cũng qua đó, Phật giáo Việt Nam được biết đến trên trường quốc tế và được tín nhiệm, đồng thuận để đăng cai các sự kiện lớn của Phật giáo thế giới.
Tuy vậy, trên bình diện xã hội, ở bất kỳ thời nào, con đường ngoại giao của mỗi nước đều phải thực hiện trên cơ sở hiểu biết, hội nhập và tôn trọng. Hoạt động giao lưu cũng luôn kèm theo sự bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống.
Ở góc độ Phật giáo, câu chuyện giao lưu và đón tiếp cũng chung một ý niệm ấy. Ở nước ta, truyền thống Phật giáo được thể hiện đa dạng, hài hòa và góp phần hình thành nên một Giáo hội mang tính thống nhất trên cả ý chí, hành động, tổ chức và chỉ đạo như chúng ta. Người viết có nhiều dịp đi ra nước ngoài và tiếp xúc với chư Tăng Ni cũng như Phật tử mộ đạo đến từ nhiều quốc gia khác nhau, hầu hết đều chung một tâm tưởng ngưỡng mộ sự thâm tín, đoàn kết và thống nhất của Phật giáo Việt Nam.
Nhưng cũng bởi tính dung hòa và dễ tiếp nhận của người Phật tử Việt mà những năm gần đây, Phật giáo trong nước đón nhận nhiều truyền thống tu tập khác du nhập và có sức lan tỏa, nhất là các dòng truyền thừa Mật tông. Theo HT.Thích Huệ Minh, Ủy viên Thường trực HĐTS, Phó ban Thường trực Ban Nghi lễ Trung ương, cũng bởi do hiếu kỳ, các truyền thống ấy được truyền bá khá nhanh nhưng thiếu định hướng, đã dẫn đến cách hiểu chệch choạc, rằng cái gì sinh ở “đất Phật” (chỉ cho Ấn Độ, Nepal) là thiêng liêng, là chính thống hơn Phật giáo những nơi khác.
Song song đó, với cách sử dụng tùy tiện những mỹ từ tôn xưng thái quá, lối diễn đạt huyền bí... cộng với kỹ năng sử dụng công cụ truyền thông hiệu quả đã thu hút số đông có thiện cảm, tín ngưỡng đạo Phật, chuộng cái lạ, sự huyền bí.
“Người Phật tử Việt Nam đi chùa nhiều nhưng không phải lúc nào cũng được hướng dẫn và tìm hiểu giáo lý chân chính. Do vậy, khi thấy sự thực hành nào lạ, cái gì huyền bí là họ tin theo, mặc dù về nội dung và mục đích cũng không khác những gì đã có trong nước trước đó”, HT.Thích Huệ Minh nhận định.
Trong khi đó, HT.Thích Minh Thiện, Ủy viên HĐTS, Phó ban Hoằng pháp T.Ư, phụ trách Giảng sư đoàn thì cho rằng, tâm thế hướng ngoại đang len lỏi và có hiện tượng biểu hiện rõ nét. “Đó là lý do tại sao những yếu tố nước ngoài lại được Phật tử tìm đến và vâng theo. Họ luôn nghĩ rằng những gì ở nước ngoài cũng tốt và mầu nhiệm hơn trong nước. Và dĩ nhiên với họ, các vị sư ở nước ngoài cũng uyên thâm và khả kính hơn nhiều”.
Cần ở thế chủ động
Trao đổi với phóng viên Giác Ngộ về việc tại Việt Nam liên tục xuất hiện các đoàn hành đạo của các dòng tu, truyền thừa, pháp môn từ nước ngoài, TT.Thích Đức Thiện, Tổng Thư ký HĐTS thông tin, “tần suất của các đoàn Phật giáo nước ngoài đến Việt Nam thời gian gần đây tăng lên thấy rõ”.
“Có những đoàn đến Việt Nam do Giáo hội chính thức mời và được Giáo hội đón tiếp bằng những nghi thức ngoại giao trọng thị, nhưng cũng có những đoàn chỉ do vị trụ trì một chùa hoặc nhóm Phật tử nào đó mời. Và dù được mời với tư cách gì, theo quy định chung của pháp luật thì cũng phải thông qua các cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo và thông qua Giáo hội”, TT. Thích Đức Thiện khẳng định.
Các vị Lạt-ma phái Drukpa trình diễn vũ điệu Kim cương thừa trong một lần đến VN - Ảnh: VnExpress
Tuy nhiên, theo Thượng tọa Tổng Thư ký HĐTS, Phó ban Phật giáo Quốc tế T.Ư, ở chiều ngược lại cũng không ngoại lệ, khi có một số trường hợp các vị sư nước ngoài đến Việt Nam bằng con đường du lịch nhưng sau đó thiết lập các mối quan hệ và thực hiện các hoạt động tôn giáo trong nước. Ngoài ra, việc Ban Tổ chức ở trong nước, các chùa đứng ra mời các vị sư nước ngoài đã thực hiện việc đón rước, sử dụng ngôn từ, truyền tải thông tin ra ngoài cũng như huy động quần chúng mang tính phô trương, xa lạ với truyền thống tu tập của Phật giáo Việt Nam.
“Trong thời gian qua, có một số vị sư người nước ngoài đến Việt Nam theo con đường du lịch và có liên hệ một số Phật tử trong nước đến xin chào Giáo hội nhưng Giáo hội không bố trí được việc tiếp đón vì chưa thiết lập quan hệ ngoại giao, chưa có sự chuẩn bị cần thiết”.
TT.Thích Đức Thiện cho biết thêm, giao lưu mở rộng ra quốc tế là xu hướng chung của các trào lưu xã hội chứ không riêng gì Phật giáo. Trước nhu cầu này, Giáo hội cũng đồng thuận với chủ trương hội nhập nhưng cũng cần có sự chọn lọc và tìm hiểu kỹ. Về quy trình để tiến đến thiết lập một mối quan hệ quốc tế hay đón khách Phật giáo nước ngoài, các tự viện cần thực hiện nghiêm túc quy định chung.
“Khi có nhu cầu, các cơ sở tự viện đề xuất và cần có sự đồng thuận với Ban Trị sự Phật giáo cấp huyện, cấp tỉnh. Trên cơ sở những đề xuất từ cấp tỉnh, Ban Phật giáo Quốc tế T.Ư sẽ tiến hành tìm hiểu các đối tượng được mời và nếu phù hợp với đường lối hành đạo của Giáo hội thì Ban sẽ trình Ban Thường trực HĐTS cũng như trao đổi với các cơ quan liên quan để cơ sở tự viện hiện thực hóa nhu cầu của mình”, vị giáo phẩm Tổng Thư ký HĐTS thông tin.
Đánh giá về chuẩn bị cho hội nhập của Giáo hội, TT.Thích Đức Thiện cũng nhìn nhận Giáo hội chưa thực sự chủ động trong các hoạt động giao lưu có yếu tố nước ngoài. Một số chư tôn đức hàng giáo phẩm dù có tiếp khách nước ngoài với tư cách cá nhân nhưng trong lĩnh vực đối ngoại cũng được xem là đại diện cho Giáo hội và thiết nghĩ Giáo hội cần lưu tâm.
“Khắc phục hiện tượng này có lẽ Giáo hội cần nhận định lại mục tiêu của giao lưu quốc tế và có một bộ phận nghiên cứu kỹ Phật giáo các nước. Từ đó chúng ta biết sẽ cần tăng cường những mối quan hệ nào và cũng là cơ sở để định hướng cho các tự viện và Phật tử cả nước trong hoạt động đối ngoại”, TT. Thích Đức Thiện đề xuất.
Bổ sung cho ý kiến này, HT.Thích Minh Thiện cho rằng Giáo hội nên có một bộ phận điều phối các hoạt động giao lưu quốc tế, nhất là đối với các đoàn đến hành đạo tại nước ta, chứ không thể để trăm hoa đua nở mà thiếu chọn lọc như hiện nay.
>> Xem thêm: Quà tặng lưu niệm - món quà nhỏ, ý nghĩa văn hóa lớn || Phát ngôn của Giáo hội - từ văn bản đến thực tế ||
Sơn Thoại