Nội dung buổi gặp gỡ báo chí và giao lưu gồm: Chương trình Đại lễ cầu siêu các liệt sỹ hy sinh tại chiến trường biên giới Tây Nam và Campuchia; Chương trình Kiều bào và Tuần văn hóa hướng về Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội; Cầu truyền hình Quốc tế Hà Nội - Viêng Chăn - Paris/UNESCO chủ đề: Hòa điệu văn hóa, khát vọng hòa bình; Trại hè thanh thiếu niên kiều bào Việt Nam 2010.
Lúc này, các vị chủ trì cuộc gặp gỡ và giao lưu đã có mặt tại Toà soạn, gồm:
1. Tiến sĩ Nguyễn Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm UB Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài
2. Thượng tọa Thích Gia Quang, Phó Tổng Thư ký Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam
3. Ông Nguyễn Văn Bình, Phó Giám đốc Đài TH Kỹ thuật số VTC
4. Bà Vũ Ngọc Dung, Tổng Biên tập Báo Đất Việt
5. Ông Bùi Quốc Việt, đại diện VNPT.
Đông đảo phóng viên ở Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng và các kiều bào ở hai đầu cầu Viêng Chăn, Paris/UNESCO cũng đã có mặt để tham gia chương trình.
Mở đầu buổi gặp gỡ và giao lưu, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Nguyễn Thanh Sơn phát biểu:
Tôi xin thay mặt Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài gửi lời chào đến các vị đại diện ở các đầu cầu, bà con kiều bào. Chúng tôi cũng xin gửi lời chào đến các phóng viên báo đài, cơ quan thông tấn cùng tham gia cuộc giao lưu hôm nay.
Thay mặt cho Bộ Ngoại giao và UB Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, tôi có đôi lời giới thiệu đến các quý vị, các cơ quan thông tấn báo chí trong nước, ngoài nước, các bà con kiều bào về Đại lễ ngàn năm Thăng Long sẽ được tổ chức vào tháng 10 tới. Chuẩn bị cho đại lễ, chúng ta đã có một ban chỉ đạo do Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng làm chủ tịch. Ngoài ra chúng ta có một chương trình hành động, kế hoạch khá cụ thể. Có thể nói Đại lễ nghìn năm được xem là niềm tự hào của cả dân tộc.
Hôm nay, Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài cùng với Bộ Ngoại giao Việt Nam và các đơn vị đồng tổ chức cuộc gặp gỡ này cùng bà con ở các miền trên khắp đất nước và các kiều bào trên khắp thế giới nhằm hướng về đại lễ trọng đại của dân tộc. Đây là đại lễ nghìn năm có một. Chúng ta tranh thủ dịp này để tổ chức một đại lễ mang tầm cỡ quốc gia và quốc tế bởi chính tổ chức UNESCO đã ra nghị quyết tổ chức cùng với một số hiếm hoi thành phố nghìn năm tuổi trên thế giới. Do đó, Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài cùng với Bộ Ngoại giao và các cơ quan chức năng trong nước thực hiện chỉ đạo của ban bí thư đang có những hoạt động hết sức tích cực nhằm hướng về đại lễ 1.000 năm Thăng Long. Đó không chỉ là niềm tự hào của đất nước và dân tộc chúng ta mà còn là của người Việt Nam trên toàn thế giới. Chúng ta muốn đưa hình ảnh của đất nước Việt Nam đổi mới, đất nước Việt Nam ngày càng có vị thế ra thế giới.
Chúng tôi mời thanh niên, kiều bào về tham dự một trong những hoạt động sôi nổi là Trại hè Việt Nam 2010, đó vừa là truyền thống hàng năm do UB NN về Người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức vừa là mong muốn thế hệ kiều bào trẻ hướng về cội nguồn, nên trại hè có chủ đề "Đất nước rồng bay".
Thanh niên, sinh viên kiều bào từ 50 quốc gia trên thế giới ngày mai, ngày kia sẽ tụ hội đầy đủ tại TP HCM để dự lễ khai mạc trại hè tại Dinh Độc Lập, TP HCM. Các em sẽ cùng nhân dân cả nước có những hoạt động thiết thực hướng tới 1.000 năm Thăng Long. Qua chương trình trại hè, chúng tôi mong muốn hướng thế hệ trẻ kiều bào đang học tập tại nhiều nơi trên thế giới hướng về với cội nguồn của dân tộc, về những trang sử hào hùng của dân tộc. Các em về lần này sẽ thấy được sự đổi thay của đất nước, được nâng cao sự hiểu biết của mình về văn hóa, lịch sử hào hùng của dân tộc. Các em được giao lưu với thanh niên sinh viên trong nước ở các địa phương nơi các em đi qua; được học tập, nghiên cứu, trao đổi những đề tài bổ ích về truyền thống của ông cha….
Các em sẽ đi qua những vùng miền nơi ghi dấu lịch sử anh hùng cha ông để lại bảo vệ đất nước, đó là TP HCM, bến cảng Nhà Rồng, nơi Bác ra đi tìm đường cứu nước, từ đó xây dựng nước Việt nam Dân chủ Cộng hòa năm 1945, nay là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Các em sẽ đi qua nhiều thành phố nổi tiếng tại Việt Nam, với những danh thắng, di tích đã được UNESCO công nhận như Đà Nẵng, Quảng Trị, Nghĩa trang Trường Sơn, nơi nhiều anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống để các em trở về hội tụ với cội nguồn, được nhìn thấy màu xanh của đất nước Việt Nam, nhìn thấy những thành phố mới mọc lên, nhìn thấy người Việt Nam hồ hởi, đáng mến...
Các em sẽ qua Ngã ba Đồng Lộc - nơi có 10 cô gái yếu đuối nhưng dũng cảm, mạnh mẽ đã chống chọi lại hàng ngàn tấn bom của quân địch. Các em sẽ được học những bài học lịch sử thời Lý, Trần, Lê, Chiến dịch Điện Biên, Chiến dịch Mùa xuân 1975 nhờ đó mà hai miền Nam Bắc được nối liền một dải. Trong chương trình trại hè, các em sẽ cùng với các cơ quan trong nước, tham gia các hoạt động chào mừng đại lễ, gắn với sinh hoạt đời sống cộng đồng trong dịp lễ được tổ chức tại Hoàng thành Hà Nội. Các em còn được dự đại lễ cầu siêu, tưởng niệm anh linh các anh hùng liệt sĩ, các em sẽ được tham dự hoạt động do Trung ương Giáo hội Phật giáo VN, gặp gỡ đại diện chính quyền, các tổ chức xã hội. Tôi hy vọng chương trình năm nay sẽ là một hoạt động rất bổ ích, chứng minh rằng Chính phủ ta, nhân dân ta rất chăm lo cho đời sống của kiều bào.
Chúng ta đang có những hành động, bước đi cụ thể thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc. Chúng ta đang dang rộng cánh tay đón chào những người con ở xa Tổ quốc, chúng ta đang có những bước đi hết sức tích cực, thiện chí, chủ động với kiều bào trên thế giới, kể cả đối với những người chưa hiểu hết hay có những thông tin một chiều về VN. Không chỉ vậy chúng ta có những hoạt động rất thiết thực để chứng minh rằng đất nước VN đang đi lên giàu mạnh.
Các đại lễ cầu siêu thực hiện nhiều năm qua chứng tỏ rằng Đảng và Chính phủ đang thực hiện mong ước của bà con kiều bào, đó là muốn tận mắt chứng kiến các hành động tri ân tưởng nhớ những người đã hy sinh gìn giữ hòa bình cho Tổ quốc. Điều quan trọng nữa là thông qua hoạt động có sự tham gia của kiều bào có thể chứng minh cho bạn bè quốc tế thấy rằng ở VN thực sự có tự do tín ngưỡng, tôn giáo, chúng ta đang thực hiện tự do tín ngưỡng, tôn giáo rất có hiệu quả, được bạn bè quốc tế công nhận.
Năm nay các hoạt động chúng tôi tiến hành trong thời gian tới sẽ chứng tỏ cho bạn bè thấy rằng VN sẵn sàng làm bạn với tất cả các nước trên thế giới, giới thiệu cho bạn bè quốc tế thấy một nước VN thân thiện, giàu truyền thống văn hóa, ưa chuộng hòa bình và rất thủy chung với bạn bè.
Các hoạt động mà chúng tôi đang thực hiện đã được Đảng và Chính phủ ủng hộ. Chúng tôi hy vọng sẽ được thực hiện đều đặn hàng năm, quyết tâm cùng nhân dân cả nước đoàn kết gắn bó với bà con kiều bào nước ngoài, xây dựng một nước VN thực sự giàu mạnh như Bác Hồ khi còn sinh thời vẫn hằng mong ước.
Được đón tiếp các quý vị đại biểu các bạn, các đồng chí, các đầu cầu, chúng tôi rất vui mừng. Hy vọng thông qua hệ thống truyền thông của Nhà nước và của các quốc gia bạn bè thì ý nghĩa của các hoạt động sẽ được truyền tải đến từng gia đình, từng bạn bè quốc tế. Chúng tôi cũng mong muốn những bà con còn chưa về VN do bận rộn, thiếu thông tin hãy cố gắng thu xếp để tận mắt chứng kiến những đổi thay sau hơn 20 năm đổi mới, và cảm nhận những tình cảm sâu sắc mà nhân dân và Nhà nước dành cho các kiều bào.
Chúng tôi chân thành cảm ơn sự hiện diện của các đại biểu, đại diện kiều bào ở nhiều nơi trên thế giới đang tham dự tại buổi giao lưu ngày hôm nay và những ai không có mặt sẽ theo dõi qua internet để tìm hiểu thêm về con người, đất nước VN. Với chương trình hoạt động ngày càng sôi động, chúng tôi hy vọng bà con sẽ về quê hương nhiều hơn, chung sức đồng lòng xây dựng nước VN dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh.
Hy vọng ý nghĩa của các hoạt động chuẩn bị cho 1.000 năm Thăng Long sẽ thành công và đem lại hiệu quả thiết thực.
Phóng viên (Hà Nội): Năm nay trại hè dành cho thanh niên kiều bào được tổ chức quy mô lớn hơn với đông các em tham dự, cũng là trại hè dài hơi nhất. Xin hỏi tại sao lại tổ chức trại hè quy mô lớn như vậy? Những mục đích UB kỳ vọng đạt được năm nay là gì?
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn: Năm nay chúng tôi tổ chức trại hè đông hơn năm ngoái là thể theo nguyện vọng của các bậc phụ huynh các em học sinh, sinh viên kiều bào đã về tham dự trại hè trước đây, đã thấy được hiệu quả tốt đẹp của những lần tổ chức trại hè trước đó. Vì vậy nguyện vọng của kiều bào là muốn con em được trở về tìm hiểu thêm về đất nước. Ngoài ra còn có một nguyện vọng cấp bách nhất là của kiều bào thế hệ thứ ba, đó là nâng cao khả năng tiếng Việt. Các em sống ở các quốc gia sở tại ít có điều kiện giao lưu, trao đổi về tiếng Việt.
Chương trình hành động của UB dự kiến mỗi năm có hai hoạt động lớn là trại hè cho thanh niên học sinh sinh viên kiều nào và Festival thanh niên sinh viên VN, mỗi năm tổ chức ở một địa điểm khác nhau. Năm nay chúng ta không tổ chức Festival vì muốn tập trung cho trại hè. Trại hè tăng về số lượng vì đây là năm kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Chúng tôi mốn kiều bào về nước đông hơn để cảm nhận rõ hơn không khí náo nhiệt khắp nơi, cảm nhận tình cảm bà con trong nước với người Việt ở nước ngoài, sau trại hè, các em sẽ chuyển tải những tình cảm đó cho kiều bào ở nước ngoài.
Kinh nghiệm tổ chức trại hè những năm qua cho thấy có những em lần đầu về VN nhưng sau một tháng dự trại hè đã phấn khởi muốn ở lại lâu hơn nữa. Mỗi lần kết thúc trại hè, các em đều trở về với tâm trạng hết sức bịn rịn quyến luyến và mong sớm trại hè tới được tổ chức. Kiều bào mong muốn chúng tôi tổ chức trại hè có quy mô lớn hàng nghìn người, nhưng mong được thông cảm vì với điều kiện hiện nay đất nước chưa dồi dào về kinh tế. Chúng tôi mong rằng với sự đi lên của đất nước, dần dần chúng ta sẽ đáp ứng được mong mỏi đó.
Ngoài ra, năm nay cũng là năm bản lề tiến hành Đại hội Đảng 11 đầu năm tới. Chúng tôi muốn thế hệ trẻ thấy được không khí phấn khởi tích cực chuẩn bị ở mọi vùng miền đi qua. Các em qua những sinh hoạt, giao lưu sẽ thấy quyết tâm của thế hệ trẻ VN hướng tới địa hội đảng. Các em sẽ tận mắt chứng kiến những thành quả đất nước không chỉ trên TV, phim tài liệu mà tận mắt chứng kiến những thành quả trong mọi lĩnh vực, nhiều lĩnh vực các em sẽ trực tiếp giao lưu và trao đổi những điều còn thắc mắc.
Trại hè năm nay nhiều ý nghĩa vì có sự cộng hưởng của Đại lễ 1.000 năm Thăng Long. Chương trình bố trí cho các em đi từ nam ra bắc là được tham dự, chứng kiến tình cảm, truyền thống đạo lý nhân ái của dân tộc là uống nước nhớ nguồn, nhớ ơn những người đã hy sinh vì đất nước, vì nghĩa vụ quốc tế với bạn bè xa gần của chúng ta.
Phóng viên (Hà Nội): Một trong những nội dung rất được quan tâm trong buổi giao lưu hôm nay là đại lễ cầu siêu các anh hùng liệt sĩ hy sinh tại chiến trường biên giới Tây Nam và Campuchia. Xin được hỏi Thượng tọa Thích Gia Quang, đại lễ cầu siêu năm nay có điểm gì khác biệt so với các đại lễ trước, từng tổ chức ở Điện Biên Phủ hay Quảng Trị?
- Thượng tọa Thích Gia Quang, Phó Tổng Thư ký Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam: Xin được cảm ơn câu hỏi của phóng viên. Thưa các nhà báo, đại lễ cầu siêu ở chiến trường biên giới Tây Nam và Campuchia, về nội dung và hình thức, giống với các lễ cầu siêu trước đó từng tổ chức ở nghĩa trang Trường Sơn, Côn Đảo hay Quảng Trị. Tuy nhiên, đại lễ cầu siêu năm nay tổ chức ở Tây nam, nơi trước đây có những chiến sĩ người Việt Nam, Lào, Campuchia từng chiến đấu giành lại độc lập, tự do cho mỗi đất nước. Vì thế, đại lễ cầu siêu mang tầm quốc tế, thể hiện tình bạn sâu sắc. Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức đại lễ cầu siêu cùng VNPT, nhà tài trợ chính.
- Đại diện đầu cầu Viêng Chăn: Ban tổ chức trại hè có kế hoạch in kỷ yếu về các hoạt động của trại hè để tuyên truyền them về hoạt động này? Ngoài ra, thưa Thứ trưởng, ở Viên Chăn vừa qua có tổ chức thi sáng tác các ca khúc về Hồ Chủ tịch, trong đó có tới 58 bài hát rất chất lượng. Điều này thể hiện tình cảm sâu sắc của các bạn Lào về Bác Hồ của chúng ta. Vậy chúng tôi xin ý kiến của Thứ trưởng về hoạt động này.
- Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn: Năm nay chúng ta sẽ phát hành các đĩa về trại hè để các cháu có thể đem về để giới thiệu với bạn bè và gia đình về các hoạt động tại quê hương. Xin báo cáo là tại trại hè năm ngoái, chúng tôi cũng đã có hoạt động này.
Đối với những bài hát về Bác Hồ mà các bạn bè quốc tế thể hiện rất có ý nghĩa. Chúng ta nên cho chương trình đó vào buổi giao lưu trực tuyến ngày 31/7 tới.
- Phóng viên thường trú Báo Nhân Dân tại Paris: Số lượng bà con kiều bào trở về để tham dự đại lễ rất lớn. UB Nhà nước về người VN ở nước ngoài có kế hoạch đón tiếp như thế nào?
- Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn: Tiếp tục kết quả thành công to lớn của UB Nhà nước về người VN ở nước ngoài gần đây nhất, bà con về nước sẽ được nhìn thấy sự đổi thay của đất nước, cùng với nhân dân cả nước tham dự đại lễ 1.000 năm Thăng Long, một niềm tự hào rất lớn của toàn dân tộc. Bà con kiều bào cũng có trách nhiệm để xây dựng, đón chào đại lễ này. Chính vì vậy, trong chương trình của ban chỉ đạo quốc gia 1.000 năm Thăng Long sẽ có hai điểm riêng dành cho bà con kiều bào. Đó là đoàn đại diện những bà con kiều bào tiêu biểu ngồi trên khán đài cùng đại diện những vị khách mời. Thứ hai là một khối kiều bào sẽ diễu hành trên quảng trường, đấy là sự đánh giá, nhìn nhận bà con kiều bào là khối không thể tách rời. Khối diễu hành gồm 200 bà con kiều bào, bà con sẽ là khối đại diện cho bà con Việt Nam đi xa tổ quốc, cùng tổ chức kỷ niệm đại lễ 1.000 năm Thăng Long với nhân dân cả nước. Chúng tôi hy vọng, bà con sẽ cảm nhận được sự tưng bừng khi đại lễ diễn ra.
- Phóng viên: Xin Thứ trưởng cho biết những tiêu chí mà UB đưa ra cho những học sinh, sinh viên kiều bào để được tham dự trại hè?
- Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn: Chúng tôi có thể nói ngắn gọn như thế này: Đó là những học sinh sinh viên tiêu biểu được ghi nhận, đánh giá ở các trường nơi các em đang học tập. Thứ hai là các em ở độ tuổi phù hợp với những sinh hoạt trại hè mà chúng tôi yêu cầu. Thứ ba là các em có sức khỏe đủ để tham gia các hoạt động trong chương trình dài suốt một tháng. Nếu đáp ứng được những tiêu chí trên, chúng tôi xin hoanh nghênh các em hằng năm đến tham dự trại hè.
- Phóng viên Báo Hà Nội Mới hỏi Đại sứ Lê Kinh Tài, Đại sứ quán VN tại Paris: Xin Đại sứ cho biết kiều bào tại Paris có những hoạt động gì để chào mừng Đại lễ?
- Đại sứ Lê Kinh Tài: Như Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn đã nêu rõ ý nghĩa của những hoạt động chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long, bà con kiều bào là một bộ phận không thể tách rời của đất nước VN nên bà con kiều bào tại Pháp cũng hoạt động trên tình thần ấy. Đặc biệt kiều bào tại Pháp luôn gắn bó với quê hương đất nước, với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Kiều bào tại Pháp thời gian qua đã có những hoạt động thiết thực, cụ thể: ngoài việc ra cuốn sách “99 năm một chặng đường”, kiều bào tại Pháp tổ chức các hoạt động kỷ niệm 1000 năm Thăng Long ở nhiều địa phương. Từ nay đến cuối năm cũng sẽ tổ chức nhiều hoạt động nữa ở các thành phố khác như Paris, Mác-xây…
Hội Người VN tại đây cũng có một chương trình tham gia cùng Đại sứ quán, như buổi giao lưu ngày hôm nay, hay đầu cầu ngày 31/7 và các hoạt động kỉ niệm khá trọng thể tại trụ sở của UNESCO ngày 24/9 sắp tới.
Chúng tôi cũng mời bạn bè Pháp tham gia tổ chức sự kiện đúng như tinh thần Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn đã nêu. Tôi tin rằng bà con tại Pháp đã làm tốt hoạt động kỉ niệm này với một tình cảm sâu sắc hướng về Thăng Long - Hà Nội.
- Phóng viên Báo Tia Sáng tại Đức: Có thể nhận thấy các thanh niên, sinh viên kiều bào về dự trại hè có thể nói tốt tiếng Việt, nhưng không thể hiểu rõ hết ý nghĩa của những từ Hán Việt. Chúng ta sẽ làm gì để khắc phục vấn đề này và nên chăng có một bộ phận cụ thể, chuyên trách để giải thích cho các em có thể hiểu?
- Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn: Chúng tôi đã nhận thấy rõ vấn đề nan giải của việc dạy tiếng Việt cho bà con kiều bào và luôn tìm ra phương thức để giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên, trong một tháng tham dự trại hè năm nay, chúng tôi xin đảm bảo các em có thể hiểu được nội dung chính của chương trình. Với các em, nếu có quyết tâm học hỏi tiếng Việt, tích cực tham gia giao lưu, sau một tháng, khả năng tiếng Việt sẽ được nâng cao. Ngoài ra, các em có thể có cảm nhận nhiều điều tích cực từ cuộc giao lưu này.
- Phóng viên thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam tại đầu cầu Paris: Thưa Thứ trưởng, hiện nay bà con ta tại Pháp rất quan tâm đến cầu truyền hình quốc tế ngày 31/7. Xin Thứ trưởng cho biết ý nghĩa của sự kiện trọng đại này?
- Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn: Đó là điểm nhấn của đại lễ 1.000 năm Thăng Long. Như chúng ta biết, năm nay là năm 1.000 năm Thăng Long. Cầu truyền hình có ý nghĩa rất thiết thực, đặc biệt với đại sứ quán ta tại Paris, nơi Tổng hành dinh của UNESCO tọa lạc. Thứ nhất, đại lễ 1.000 năm Thăng Long không chỉ nhân dân trong nước tổ chức và hưởng ứng mà ban chỉ đạo quốc gia về đại lễ 1.000 năm Thăng Long có chỉ đạo rất rõ ràng rằng chúng ta cùng kiều bào và bạn bè quốc tế tổ chức đại lễ trọng đại này. Ngoài ra, UNESCO cũng đang xem xét công nhận di tích Hoàng thành Thăng Long của chúng ta là di sản văn hóa thế giới. Đây là nơi diễn ra nhiều hoạt động chính trong lễ hội năm nay. Chúng ta hy vọng đây là quyết định sáng suốt và công bằng.
Bên cạnh đó, cầu truyền hình là nơi giao lưu tình cảm và dịp quan trọng để đưa hình ảnh và ý chí của con người Việt Nam ra thế giới. Chúng ta mong muốn nền văn hóa nghìn năm văn hiến này có thể được cảm nhận được ở nhiều nơi trên thế giới. Ngoài ra, thông qua cầu truyền hình, bạn bè thế giới có thể thấy được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với các hoạt động văn hóa của đất nước.
- PV Báo Đất Việt tại đầu cầu Đà Nẵng: Theo tiêu chí Thứ trưởng vừa nêu ở trên, có rất nhiều thanh niên sinh viên đáp ứng đủ. Tại sao không đưa số lượng nhiều hơn trở về nước mà lại là 150 em? Lâu nay bất kỳ chương trình nào ta tổ chức thường tuyên truyền rất rầm rộ nhưng sau đó nhanh chóng lắng. Có cách nào để khắc phục?
- Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn: Tiêu chí chung là như vậy nhưng tất cả chi phí đón tiếp là do Nhà nước đài thọ để cảm nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Năm ngoái, chúng ta chỉ mời 100 em về. Các em đã được đến thăm nơi Bác Hồ sinh ra, lớn lên, các em có những phát biểu, cảm nhận rất cảm động. Đồng chí Tổng Bí thư sau khi xem chương trình đầu cầu giao lưu được tổ chức tại thành phố Vinh có hỏi chúng tôi sao cho cháu về ít thế. Chúng tôi báo cáo là chi phí còn hạn hẹp và có hứa với Tổng Bí thư sang năm sẽ mời đông hơn và những năm sau sẽ phát triển hơn nữa cùng với sự tăng trưởng của đất nước. Chúng tôi hy vọng, thời gian tới có thể đáp ứng được hàng nghìn em chứ không phải là 150 em như bây giờ.
Về câu hỏi thứ hai, chúng ta cần có khoảng thời gian để nghe ý kiến dư luận, để rút kinh nghiệm. Tổ chức dồn dập các sự kiện thì rất tốt nhưng tài lực thì không đáp ứng. Năm nay, chúng ta cũng mong muốn tổ chức nhiều hoạt động bên ngoài nhưng như đã nói ở trên, để dồn kinh phí đưa các em về, chúng tôi đã bỏ chương trình Festival thanh niên sinh viên tại Paris. Chúng tôi cũng rất mong muốn hoạt động nối tiếp hoạt động để luôn có hoạt động dành riêng cho đội ngũ kiều bào.
- Phóng viên ở đầu cầu TP HCM: Xin hỏi Thứ trưởng về số liệu của các anh hùng liệt sĩ ở đại lễ cầu siêu sắp tới tổ chức tại Tây Ninh?
- Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn: Riêng về số liệu, con số các anh hùng liệt sĩ của chúng ta hy sinh ở chiến trường Tây Nam và chiến trường Campuchia thì thống kê không thể chính xác tuyệt đối. Hiện nay ở nghĩa trang Tân Biên có trên 10.000 mộ anh hùng liệt sĩ, cùng trên 3.000 ngôi mộ của các liệt sĩ ngành bưu điện đã hy sinh ở chiến trường Campuchia.
Vậy chúng tôi cho rằng trong lễ cầu siêu tới đây có khoảng 15.000 liệt sĩ và còn rất nhiều anh hùng liệt sĩ chưa được tìm thấy và hy vọng thông qua lễ cầu siêu tại Tây Ninh cũng sẽ mời được tất cả vong linh hồn của các anh hùng liệt sĩ sẽ về được, để đoàn tụ, chứng kiến không khí buổi lễ. Hy vọng qua các công tác chuẩn bị, các buổi họp báo, giao lưu như ngày hôm nay, các liệt sĩ còn đang ở trong rừng sâu, núi thẳm ở nước bạn cũng có thể về được vào dịp lễ cầu siêu tới đây. Nên ngày hôm đó chúng tôi cùng các đồng chí sẽ thống kê cụ thể số liệu của các anh hùng liệt sĩ.
- Phóng viên VOV (Hà Nội): Xin hỏi đại diện VNPT. Trong chương trình trại hè năm nay, ngoài đơn vị tổ chức chính là UB NN về người VN ở nước ngoài còn có một số cơ quan đồng tổ chức. Vậy vai trò của Tập đoàn Bưu chính viễn thông VNPT trong hoạt động này là gì?
- Ông Bùi Quốc Việt, đại diện VNPT: Tập đoàn Bưu chính viễn thông là tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước, ra đời từ ngành bưu điện, đến nay đã có 60 năm trưởng thành. Trong hai cuộc kháng chiến, ngành bưu điện có nhiều liệt sĩ đã hy sinh, như thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn có nói là hơn 3.500 liệt sĩ đã hy sinh ở chiến trường biên giới Tây nam, còn trong kháng chiến chống Mỹ có 1.500 liệt sĩ. Chính vì vậy chúng tôi đã đề xuất và được Nhà nước đồng ý cho tham gia tổ chức đại lễ cầu siêu cho các liệt sĩ đã hy sinh tại chiến trường biên giới Tây Nam và Campuchia. Đây là hoạt động tỏ lòng nhớ ơn đối với sự hy sinh của các liệt sĩ . Hy vọng chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành trong những hoạt động khác hướng đến đại lễ 1.000 năm Thăng Long. Chúng tôi cũng hy vọng nhiều doanh nghiệp khác cũng tích cực đóng góp phần mình trong các chương trình hoạt động đầy ý nghĩa này.
- Phóng viên Báo Thanh Niên: Trại hè "Đất nước Rồng bay" sẽ khai mạc tại Dinh Độc lập, TP HCM. Tuy nhiên, lễ bế mạc sẽ tổ chức tại đình Hồng Thái, Tuyên Quang. Xin Thứ trưởng cho biết tại sao lại chọn đình Hồng Thái. Đình Hồng Thái mang ý nghĩa lịch sử như thể nào?
- Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn: Xin được cám ơn câu hỏi của phóng viên. Tất cả chúng ta đều biết đình Hồng Thái, thuộc Khu di tích lịch sử Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang là địa danh đẹp, nổi tiếng, mang ý nghĩa lịch sử lớn. Ban đầu, ban tổ chức có ý định tổ chức lễ khai mạc tại đình Hồng Thái, căn cứ kháng chiến của chúng ta, nơi Bác Hồ lãnh đạo cuộc kháng chiến cứu nước. Tuy nhiên, thanh niên kiều bào sẽ tham dự lễ cầu siêu tại Tây Ninh, nên để tiện cho việc di chuyển, chúng tôi quyết định tổ chức lễ khai mạc trại hè tại TP HCM, lễ bế mạc sẽ diễn ra ở đình Hồng Thái.
- Đại diện Thông tấn xã Việt Nam tại Viên Chăn: Kính chào Thứ trưởng, trong thông cáo báo chí gửi các đại sứ quán có mục 3 là “chương trình kiều bào và tuần văn hóa hướng về 1.000 Thăng Long”. Xin Thứ trưởng cho biết vai trò của kiều bào phái làm gì để hướng về đại lễ?
- Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn: Sự hiện diện của bà con trong cầu truyền hình hôm nay chính là một trong những hoạt động bà con hướng về đại lễ. Chúng tôi mong muốn bà con ở khắp nơi trên thế giới, những nơi tham gia giao lưu và những nơi không tham gia có những hoạt động thiết thực mừng đại lễ. Đó có thể là những phong trào diễn ra tại chỗ như những chương trình ca múa nhạc, những buổi giao lưu, tìm hiểu về 1.000 năm Thăng Long. Các hoạt động càng phong phú thì đóng góp của bà con càng có ý nghĩa đối với đại lễ.
Sau đây, chúng tôi xin công bố một sự kiện rất đặc biệt. Tôi xin thay mặt nhà sử học Pháp Deville trao tặng giáo sư Phan Huy Lê bộ sưu tập gồm 195 bức ảnh về Việt Nam và Bác Hồ thời kỳ 1945 - 1946, trong đó có nhiều bức ảnh chưa từng được công bố.
- Nhà sử học Phan Huy Lê: Tập album này tuy trao tặng cho tôi nhưng tôi quan niệm là ông trao tặng cho VN. Hội sử học hứa sẽ tổ chức buổi triển lãm vào ngày 19/8, giới thiệu toàn bộ 195 bức ảnh này. Và tùy từng bức chúng tôi sẽ trao tặng cho các tổ chức, sẽ phân phát đến đúng nơi phù hợp. Chúng tôi xin chân thành cám ơn.
- Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn: Buổi gặp gỡ và giao lưu hôm nay rất thú vị và bổ ích. Tôi xin chân thành cảm ơn các phóng viên và kiều bào ở các đầu cầu đã đặt câu hỏi và tham gia chương trình. Xin hẹn gặp lại ở chương trình Cầu truyền hình sẽ diễn ra vào ngày 31/7.