Giáo viên cùng học trò đến khóa tu mùa hè

GN - Biết chùa Phước Hưng (ấp Thuận Tây, xã Thuận Thành, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) tổ chức khóa tu một ngày, rất nhiều Phật tử dẫn con đến chùa tu học. Trong dòng người ấy, tôi bắt gặp hình ảnh thân thương: một cô giáo tuổi gần 50 dìu dắt học trò của mình đến chùa lắng nghe giáo lý, học cách mở rộng lòng từ và tập ăn cơm trong chánh niệm.

Cầu nối cho em

Không chỉ là cầu nối, trao cho các em con chữ trên bục giảng mà giữa cuộc sống đời thường, cô Nguyễn Thị Ngọc Tho, giáo viên Trường THCS Long Hòa còn gắn bó, kết nối học trò của mình đến gần hơn với những bài học làm người nơi cửa từ bi bằng sự dìu dắt đong đầy yêu thương.

co Tho.jpg
Cùng học trò đến chùa tu học, cầu nối của cô cho em một ngày vui chơi nhiều an lạc - Ảnh: Khánh Vi

NS.Thích nữ Tắc Mẫn, trụ trì chùa Phước Hưng cho biết: “Khóa tu dành cho học sinh trong dịp hè đã được chùa tổ chức ba lần, năm nào tổ chức, cô Tho cũng dẫn học trò của mình về tu học rất đông”. Khóa tu ngày 15-7 vừa qua, thu hút gần 200 em học sinh từ bậc tiểu học đến trung học phổ thông; số học sinh mà cô Ngọc Tho hướng dẫn về chùa tu học chiếm hơn phân nửa. Trong số này, có em đang được cô dạy, có em là học trò cũ của cô nhưng biết cô có mặt tại khóa tu nên từ các trường THCS Mỹ Lệ, Long Hòa, Rạch Đào, THPT Rạch Kiến rủ nhau đăng ký tham gia.

“Như một nhân duyên, chúng tôi kết hợp với nhau tạo sân chơi cho các em, gieo duyên cho các em đến gần hơn với lời dạy của Đức Phật và còn trao học bổng tiếp sức cho học sinh nghèo, hiếu học trên địa bàn để động viên, chắp cánh ước mơ cho các em đến gần hơn nữa với tri thức”, Ni sư trụ trì chia sẻ.

Với ý niệm đó mà chương trình tu học một ngày cho các em ở nơi đây rất linh hoạt, có nhiều người hướng dẫn, phụ trách nên các em rất thích thú. Vì có nhiều em lần đầu đến với khóa tu nên quý sư phải chỉ dẫn các em từng li từng tí về đi đứng, ăn uống, thưa chào với chư tôn đức, Phật tử lớn tuổi. Tinh nghịch, nói chuyện huyên thuyên nhưng khi vào với buổi pháp thoại thì các em rất chú tâm nghe lời quý thầy giảng, khi một ngày tu kết thúc, có nhiều em không muốn về.

Hỏi em Hồng Trinh, “về chùa có thích không?”, nhoẻn miệng cười, em trả lời: “Dạ thích, 5g sáng là em đã thức dậy, hối ba chở đi rồi. Em thích nhất là được xung phong lên hát, được sư bà thưởng quà; em cũng thích niệm Phật vì niệm Phật nhiều sau này được đẹp như Phật; em thích được ăn cơm ở chùa, ở chùa nấu cơm chay ngon, có nhiều món ở nhà mẹ không có nấu. Thích nhất là được trao giấy khen đã tu một ngày tại chùa; được tặng tập, viết, áo mưa đi học cho năm học mới. Mùa hè năm sau nhất định em sẽ đi nữa”.

Hết lòng vì học sinh thân yêu

Gần 30 năm trong nghề, có thời gian dài dạy học miễn phí cho các em tại chùa nên cô biết, nghỉ hè rất nhiều em chơi game giải trí; nhưng những điều này vô bổ, không tốt cho các em. Trăn trở về môi trường vui chơi lành mạnh cho các em nên cô hướng học trò đến chùa. Quả thật, về chùa vừa được chơi, vừa được học, em nào cũng thích.

Nếu như lúc đầu, hai vợ chồng chị Nhung hoài nghi khi con đến chùa tu học thì ngay khi khóa tu kết thúc, hai vợ chồng chị lại muốn năm sau chùa tiếp tục tổ chức, cô giáo tiếp tục hướng dẫn để chị đăng ký cho con tham gia tiếp. Chị chia sẻ: “Lúc đầu con về xin đi chùa tu nguyên ngày, hai vợ chồng tôi không biết con vào chùa làm gì. Đến khi con năn nỉ, nói là có cô dạy ở trường đi nữa nên hai vợ chồng mới cho đi. Chở con đến chùa, đứng bên cửa sổ tôi thấy quý sư cô rất mềm mỏng trò chuyện với các bé, chỉ dạy con những bài học ứng xử có hiếu với mẹ cha; có người dạy cho con những bài học như thế này, nói thiệt mừng lắm…”.

Dìu dắt học trò đến chùa tu, công việc ở nhà dang dở, tới chùa phải dõi mắt theo sát các em sinh hoạt, vui chơi, ăn uống. Cực là vậy nhưng cô rất vui: “Nhìn các em thích học, thích gần gũi với thiện tri thức, thích đến chùa học điều hay lẽ phải và ngoan hơn sau khóa tu là mình hạnh phúc lâng lâng. Có nhiều em ở trường mình nói không nghe nhưng đến chùa, sư cô giảng dạy vì sao phải yêu thương mẹ cha, nhiều em nghe lời và học rất chăm để báo đáp công ơn cha mẹ. Chỉ cần có cách nào dìu dắt học trò của mình trở thành con ngoan, trò giỏi, biết sống yêu thương mọi người thì bao nhiêu khó khăn, vất vả cũng không thành vấn đề…”.

Chịu thương chịu khó, tận tụy, hết lòng vì học trò, cô Ngọc Tho luôn được nhiều người yêu quý và mới đây, cô nhận được giải cao trong cuộc thi dạy học theo chủ đề tích hợp cấp huyện năm 2013-2014 do Phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Cần Đước, tỉnh Long An trao tặng - như một sự ghi nhận về dấu son trong công tác giáo dục, trồng người.
Ngọc Trân

-----------------

* Bài vở cộng tác cho trang Phật giáo - Tuổi trẻ, mời bạn hoan hỷ gửi về: phatgiaovatuoitre@gmail.com. Trân trọng!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Chư tôn đức niệm Phật cầu gia hộ

Khai mạc Hội nghị sinh hoạt Giáo hội khu vực phía Nam năm 2024

GNO - Sáng nay, 25-4, tại Văn phòng II TƯGH - thiền viện Quảng Đức (Q.3, TP.HCM), Ban Thường trực Hội đồng Trị sự tổ chức khai mạc Hội nghị sinh hoạt Giáo hội khu vực phía Nam (từ Quảng Trị đến Cà Mau) nhằm triển khai nhiều hoạt động Phật sự quan trọng.
Chư Tăng thực hiện nghi thức Bố-tát tại chánh điện chùa Long Bửu (Q.4, TP.HCM) - Ảnh: Bảo Nguyên

Chư Tăng Ban Trị sự GHPGVN Q.4 Bố-tát, họp triển khai Phật sự

GNO - Ngày 15-3-Giáp Thìn, chư tôn đức Ban Trị sự GHPGVN Q.4 đã trở về chùa Long Bửu - Văn phòng Ban Trị sự để cử hành lễ Bố-tát định kỳ, đồng thời tổ chức phiên họp nhằm triển khai công tác tổ chức Đại lễ Phật đản và An cư kiết hạ Phật lịch 2568.
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1247 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Cày cấy mảnh ruộng tâm hồn

GNO - Nhà có ruộng vườn đất đai màu mỡ thì có thể tích trữ lương thực phòng khi đói. Ruộng đất luôn gắn chặt với cuộc sống con người. Xưa nay, người phương Đông luôn coi ruộng đất là yếu tố căn bản của sự sinh tồn, là báu vật để đời, bởi vậy mà cha mẹ luôn mong muốn để lại vài phần ruộng đất cho con cháu.

Thông tin hàng ngày