GN - Có duyên đến xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai phát quà từ thiện, nghe mọi người kể về những đứa trẻ hiếu học, chịu nhiều thiệt thòi, không cầm lòng nổi, vậy là thầy Lệ Thường và Hội Thanh thiếu niên Phật tử Phước Tường, Q.9, TP.HCM đã lên đường dạy chữ…
Những niềm riêng dang dở
Bất kể trời mưa rả rích, giông gió thiên tai bất thường, những đứa trẻ nghèo, vô gia cư ở Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai vẫn đến căn nhà “cộng đồng” để tìm con chữ. Có em mang cặp rách tươm, có em gói mấy quyển tập viết chữ, tô màu trong bọc ni-lông cũ kỹ nhưng chúng thà bị mắc mưa chứ không để nước mưa làm ướt tập. Có em, bụng đói meo; em thì lại đang bệnh nhưng vẫn đến lớp, không dám nghỉ.
Đó chính là lý do mà thầy Lệ Thường và các bạn tình nguyện viên - thành viên Hội Thanh thiếu niên Phật tử Phước Tường, quận 9, TP.HCM không quản ngại khó nhọc, vượt 120km từ TP.HCM đến đây dạy chữ cho các em suốt mùa hè này.
Thầy Lệ Thường dạy chữ cho trẻ nghèo
Thầy Lệ Thường và Hội Thanh thiếu niên Phật tử Phước Tường đã xin ý kiến trưởng ấp và người dân nơi đây để đến dạy chữ cho các em. Ngay khi thầy Lệ Thường mở lời, bà con nơi đây ai cũng mừng rỡ. Cô Kiến, 52 tuổi, liền cho mượn căn nhà của mình cho những đứa trẻ có chỗ học, cho “thầy, cô” có chỗ tá túc.
Ở ấp 4, xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai có gần 40 hộ tứ xứ trôi dạt về đây, con cái họ đều chung một ước mơ, đó là: “được đến trường, được biết chữ”. Nhưng, những đứa trẻ nghèo không giấy khai sinh, cha mẹ không hộ khẩu thì làm sao chúng có thể đến lớp và có quyền “biết chữ” cho được. Lòng hồ Trị An, nơi mà hàng ngày cha mẹ chúng đánh bắt cá không đủ lo cho cuộc sống, miếng ăn thì làm sao có tiền mướn người dạy chữ cho con. Theo ông Thu, Trưởng ban công tác Mặt trận ấp thì: “Trường không nhận mà nơi đây giáo viên dạy thêm không có. Dân ở đây, trên 60% là mù chữ, người học hết cấp hai, đếm trên đầu ngón tay thì lấy ai dạy tình nguyện cho các cháu”.
Để gieo yêu thương với vùng đất này, không ít tình nguyện viên gác chuyện đi dạy kèm kiếm tiền, vượt đường xa lên đây dạy chữ cho các em. Có bạn sinh viên cũng hoãn luôn chuyến về thăm nhà để trao cho các em bài học vỡ lòng. Rồi thì với công sức giảng dạy của các bạn thanh niên tình nguyện, những em nhỏ cũng đã bắt đầu biết chữ, biết viết tên mình, biết nhận diện chữ cái.
“Ngôi trường” ước mơ
Lớp học dã chiến của các em bé xíu, nằm sâu trong rừng 7km nhưng đối với lũ trẻ thì đây là “ngôi trường” và mỗi ngày có đến hơn 70 bạn nhỏ chen chúc nhau học chữ. 13 tuổi, mới được làm quen con số, Dương Thị Hồng Đào vui mừng thỏ thẻ: “Con thích đi học lắm, thích mặc áo trắng, thích cặp táp mà không được đến trường. Vì con không có giấy khai sinh, mẹ ba của con không có hộ khẩu.
Giờ có các thầy, cô dạy con mừng lắm. Con sẽ học chữ để đọc truyện cho ba, mẹ nghe; ba mẹ con cũng không biết chữ”. Còn bé Thơ, 11 tuổi, thì ngây thơ bảo: “Cô nói, biết chữ sẽ kiếm tiền dễ hơn chứ không phải đi mò cá dưới nước lạnh như mẹ nữa. Con muốn học để không phải đi mò cá, con muốn học nhiều chữ để đổi lấy tiền mua gạo cho mẹ, mua áo đẹp cho em”.
Lớp học đơn sơ
Nhìn các con dắt díu nhau đi học, cô Nguyễn Thị Đốm, mẹ của 5 đứa trẻ, bày tỏ: “Được thế này, mừng lắm, chứ mấy tháng trước, chúng không có người dạy, tội lắm. Lúc trước, đi mò cá dưới sông về, thấy tụi nhỏ cùng các thầy cô hô khẩu hiệu: “Mỗi ngày đến trường là một niềm vui”, “Cha mẹ ơi, con muốn đi học” nghe mà muốn đứt ruột. Thân làm cha, làm mẹ ai cũng muốn con mình được đến trường, được học chữ nhưng không có giấy khai sinh, vợ chồng tôi đành cắn răng chịu đựng chứ biết làm sao.
Bôn ba khắp nơi kiếm cái ăn, từ bên Campuchia trở về quê hương, nghèo khổ thế nào tôi hiểu rất rõ nên tôi sợ lắm. Tôi sợ con không biết chữ, rồi đời chúng cũng giống đời vợ chồng tôi. Bây giờ, dù không được đến lớp đàng hoàng nhưng cũng có người dạy chữ cho chúng, chúng biết chữ cũng đỡ hơn, có ký giấy tờ còn biết mà ký chứ không “điểm chỉ” như hai vợ chồng nữa”.
Con đường vào phân hiệu C3, xã Mã Đà mùa này khó đi, đường rừng rất trơn trợt nhưng có đi mới biết, đường đi còn dễ gấp trăm lần so với đường tìm đến chữ của các em nơi này. Bước chân ra về, nhớ đến hình ảnh các em hiếu học, dù 1g30 thầy cô mới lên lớp nhưng 12g là các em có mặt khá đông đủ. Có em muốn đến sớm để cô giáo dạy chữ nhiều hơn, chúng tranh thủ từng giờ để được học… thấy thương lại càng thương.
Ở vùng đất này, khi mà nhà chưa có số, chưa có địa chỉ, điện chỉ có 3 giờ/ngày thì cái chữ trở nên quý giá vô cùng. Quyền ăn ở và quyền học hành hơn lúc nào hết cần phải nên xác lập minh bạch, công bằng. Và, con em nơi này cần được sự giúp đỡ để vào trường chính quy. Bởi, tình nguyện viên dạy cũng có lúc nào đó rồi cũng tan và lớp học này chưa có cơ sở pháp lý, khó mà học cao hơn được…