Gió, nước và Lê Cát Trọng Lý

Thật khó để viết một điều gì về âm nhạc của Lê Cát Trọng Lý, với một đôi tai không có chuyên môn, người viết chỉ biết lặng im bên tiếng hát của cô gái mới bước qua tuổi 22 này. Cũng như trước đây, vào một ngày cuối năm 2008 tại Hà Nội, Lý đã làm người nghe ở Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô (Hà Nội) như lặng đi với ca khúc Chênh vênh...

Có lẽ người thầy dạy nhạc của Lý là người tác động đến giọng hát của cô rõ ràng nhất. Khi thầy hỏi “em có hát được như gió, như nước không?”, Lý chỉ biết tròn xoe mắt nhìn. Nhưng cũng từ câu hỏi đó của thầy, Lý như tìm được cho mình một hướng đi rất riêng. Thay vì thần tượng một ca sĩ nào đó, cô lại chọn gió và nước để hướng đến. Làm sao để hát như gió thổi, hát như nước chảy.

Ca sĩ - Nhạc sĩ Lê Cát Trọng Lý Nghe album Chênh Vênh
Ca sĩ - Nhạc sĩ Lê Cát Trọng Lý
Nghe album Chênh Vênh

Đó là hai sự vật tự nhiên nhất trong tự nhiên. Như những câu hát ru từ ngày xưa, Lý vẫn tin rằng âm nhạc có mặt một cách tự nhiên trong mọi hoạt động của đời sống, từ những nhịp điệu mà phải dùng đến những rung cảm thực sự của tâm hồn mới có thể tái hiện bằng âm thanh.

Bên cạnh đó, âm nhạc của Lê Cát Trọng Lý, qua sự thể hiện của chính giọng hát mềm mại như nét cọ của cô, với tiếng đệm đặc trưng của đàn guitar thùng, đã kiến tạo một không gian âm nhạc như lạc mất từ lâu. Trước đây, có rất nhiều người đã tìm đến quán Nếp tại TPHCM để nghe hai chị em Lê Cát Tiên và Lê Cát Trọng Lý ôm đàn hát hằng đêm. Không có một thiết bị tăng âm nào ngoài giọng hát trực tiếp đến người nghe. “Chị em nhà Nếp” như gợi ra một không gian nhỏ bé mà ấm cúng với ánh nến, với sự gần gũi mà những con người xa lạ có thể xích lại gần nhau. Với một niềm tin nào đó, những người nghe lâu năm với giọng hát Lê Cát Trọng Lý nói rằng âm nhạc của cô rất gần với những bài hát ru mà họ đã nghe từ ấu thơ. Chỉ khác rằng trong cuộc sống quá nhanh vội này, âm nhạc của Lê Cát Trọng Lý giúp họ chậm lại, với nỗi xúc động thật tâm.

Có lẽ người ta cần phải nghe lại ca khúc Chênh vênh nhiều lần để cảm nhận chiều sâu của không gian âm nhạc mà Lê Cát Trọng Lý muốn “vẽ” ra. Nếu hình dung bài hát như ba không gian được Lý “dựng” lên thì người nghe sẽ “đi theo” Lý từ không gian A qua đến không gian B và trở về với không gian A, giờ đây không còn là A nữa. Tiếng guitar bập bùng như ánh nến mà tiếng hát của Lý cứ “vẽ” lên những không gian sâu thẳm, khi tiếng hát ấy vừa dứt cũng là khi ngọn nến cuối cùng được thắp lên.

Thiết nghĩ, người nghe cũng không cần phải biết ca khúc Chênh vênh được sáng tác với cảm hứng từ điển tích nào, bởi những rung cảm của người hát như truyền đến họ trong đời sống thật, với những phức cảm giờ đây nằm trọn trong một không gian âm nhạc vừa ấm cúng vừa miên sâu.

Nếu được nghe nhiều ca khúc của Lê Cát Trọng Lý, người ta sẽ thấy giăng mắc trong ca từ của cô là những điển tích, như trong Độc đạo là Aika vẫn bay về phía mặt trời, trong Ghen là Ông già và biển cả. Lý đọc nhiều sách và thường đọc kinh Phật, nên âm nhạc của cô đang hướng đến chất “thiền”. Lý từng quan niệm không phải tất cả mọi người cùng làm một kiểu âm nhạc mà mỗi người hãy làm cái họ có. Với Lê Cát Trọng Lý, cô như một người hát dạo với cây đàn guitar đi trên cánh đồng và hát cùng gió, cùng nước.

Có thể nói, với giải thưởng Bài hát Việt tháng 12 và giải thưởng cùng tên năm 2008 dành cho Lê Cát Trọng Lý, Hội đồng Nghệ thuật vẫn chỉ ra rằng trong nền công nghệ biểu diễn đang quay cuồng với nhiều xu hướng khác nhau, mà chú trọng vào thị hiếu “xem – nhìn” như hiện nay, âm nhạc giản dị nhưng sâu sắc của Lê Cát Trọng Lý không phải là một hiện tượng mới lạ, mà đó là một giá trị cần ghi nhận lại. Khi chúng ta vẫn nghe bằng đôi tai và âm nhạc đi vào chúng ta bằng những nhịp điệu tự nhiên như hơi thở của cuộc sống, chúng ta sẽ còn nhớ đến âm nhạc của Lê Cát Trọng Lý.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Lễ đài tư gia Phật tử tại hẻm 113 đường Trần Văn Đang, TP.HCM

Lễ đài Phật đản tại tư gia Phật tử hân hoan Kính mừng Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2025

GNO - Chiều 27-4, dưới sự hướng dẫn của chư Tăng thiền viện Phước Sơn, Phật tử quanh hẻm 113/48 Trần Văn Đang, Q.3, TP.HCM, cùng ngồi yên tọa thiền, lễ Phật, nghe pháp trong buổi lễ an vị Phật nơi lễ đài Phật đản tư gia Phật tử, dâng lên Kính mừng Phật đản, Đại lễ Vesak 2025 tổ chức tại TP.HCM.
Ảnh minh họa

Vía và ngày vía

GNO - Hiện nay, chữ vía được dùng khá nhiều trong đời sống với những ngữ cảnh khác nhau như trộm vía, xin vía. Đạo Phật có ngày vía Phật, Bồ-tát; trong tín ngưỡng dân gian cũng có vía Thánh, Thần (vía Thần Tài chẳng hạn). Tôi muốn biết vía có nghĩa căn bản là gì? Giáo lý đạo Phật có đề cập đến vía không?

Thông tin hàng ngày