Giới luật có phải là bí truyền?

(Nhân khóa bồi dưỡng giới luật và nghi lễ cho Tăng Ni
do BTS GHPGVN TP.HCM tổ chức)

GN - Trong một bài viết từng đăng trên báo Giác Ngộ, trả lời cho câu hỏi “Giới luật công truyền hay bí truyền?”, HT.Thích Phước Sơn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học VN đã khẳng định, rằng giới luật theo tinh thần Phật giáo không phải bí truyền, mà cho tất cả những ai tha thiết tìm hiểu giới pháp.

Gioi Luat va Nghi Le (15).JPG


HT.Thích Minh Thông giảng về giới luật tại khóa bồi dưỡng - Ảnh: Bảo Toàn

“Kinh nghiệm thực tế cho thấy các nước Nam phương như Campuchia, Thái Lan..., mọi Phật tử đều biết giới luật của Tỳ-kheo và họ rất tôn kính các nhà sư, chứ không bao giờ dám coi thường hay chỉ trích. Chính nhờ biết trước giới luật nên họ mới có thể tạo điều kiện và tìm cách yểm trợ các sư giữ giới tốt hơn. Tình trạng hiện nay ở thành phố ta có những kẻ lợi dụng chiếc y vàng để đi xin ăn làm tổn thương Phật pháp. Nếu Phật tử biết rõ giới luật, ắt họ sẽ tẩy chay và tìm cách ngăn chặn hành vi phi pháp của những hạng người ấy, để giữ gìn sự trong sáng của đạo pháp”, HT.Thích Phước Sơn chia sẻ.

Giới luật có ý nghĩa sống còn đối với người xuất gia. Giới luật là những điều khoản nhằm ngăn ngừa những suy nghĩ, lời nói và hành vi gây tổn hại cho bản thân và xã hội, cũng như những biểu hiện không phù hợp với người tu, làm chướng ngại cho lối sống giải thoát. Nói cách khác, giới luật chính là điều kiện hình thành nhân cách của người xuất gia. Cố Trưởng lão HT.Thích Thiện Siêu đã từng nhấn mạnh, nhân cách người xuất gia phải đầy đủ 3 yếu tố, đó là chánh kiến, tịnh giới và oai nghi.

Bối cảnh xã hội hiện đại có nhiều điều thay đổi, khác xa với vài chục năm trước, và càng khác xa xã hội thời Đức Phật. Với sự phát triển của công nghệ và sự thúc đẩy của thị trường tiêu thụ, nhiều phương tiện liên tục ra đời, như xe cộ, điện thoại, máy tính, mạng xã hội, v.v… Những phương tiện đó đã tác động sâu sắc vào đời sống con người nói chung, trong đó có cả người xuất gia.

Do vậy, để thích nghi với bối cảnh xã hội đó, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã soạn bộ sách “Từng bước nở hoa sen” - cẩm nang thực tập chánh niệm tỉnh giác, làm căn bản xây dựng oai nghi tế hạnh -  xem như bộ quy chuẩn trong ứng xử của tu sĩ khi sử dụng các phương tiện phổ biến hiện nay như đi xe máy, lái xe hơi, sử dụng mạng internet, nghe điện thoại, v.v… - bổ sung những điều chưa có trong bộ luật tiểu (Tỳ-ni nhật dụng thiết yếu) dành cho người mới xuất gia thực hành hàng ngày.

Giới luật được Phật chế định bằng tuệ giác của một bậc giác ngộ hoàn toàn, đồng thời dựa theo quy luật vận hành của tâm sinh lý con người và bối cảnh văn hóa, do vậy, ngoài những nội dung căn bản không thể thay đổi, có những điều khoản tùy theo hoàn cảnh xã hội và văn hóa mà điều chỉnh, thêm bớt, cốt làm sao để phát triển phẩm chất của người tu, phát huy tinh thần từ bi và trí tuệ, giải thoát, đủ nội lực làm người hướng dẫn tâm linh, đem lại an lạc cho bản thân và cho xã hội.

Thiết nghĩ đó là vấn đề hết sức quan trọng cần được Giáo hội, ngành Tăng sự quan tâm, bổ sung kịp thời, có những hướng dẫn và phổ biến, để người xuất gia, đặc biệt là các vị Tăng Ni trẻ ý thức và ứng xử phù hợp, đồng thời để Phật tử hộ trì chư Tăng, tránh tình trạng dung túng, tùy tiện và tự phát, dẫn đến các tình huống phản cảm, gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh chung của Tăng đoàn, của Phật giáo trong số đông.

>> Xem tin liên quan: Hơn 600 Tăng Ni tham dự lớp bồi dưỡng giới luật và nghi lễ ||

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày