Giới thứ 5, thách thức giữ gìn - Kỳ 1: Khi quán nhậu mọc lên như nấm

Giác Ngộ - "Chúng ta cần nghe, tư duy và thực hành Năm giới. Nghe tư duy và thực hành Năm giới suốt đời, thì mỗi ngày mỗi ngày những chân trời mới của đời sống sẽ mở ra trước mắt chúng ta. Những chân trời mới ấy là khoảng trời của tự do, an vui và hạnh phúc" Nguyễn Thế Đăng (Năm giới là quyền lợi của mỗi con người, GN số 563).

Giới thứ 5 là giới không uống rượu say, không sử dụng những chất kích thích gây mất sự sáng suốt của tâm trí, làm nhiễu loạn tinh thần… dẫn đến những hành xử tệ hại đối với bản thân, với người khác và với môi trường sống. Việc giữ gìn giới ấy đối với người Phật tử nhằm thiết lập một cuộc sống tỉnh táo, sức khỏe và tinh thần khương kiện. Tuy nhiên không phải ai cũng giữ được giới ấy, nhất là khi cuộc sống đang có nhiều thách thức như nhậu nhẹt, ma túy tràn lan.

quannhau.gif

Quán nhậu lúc nào cũng đông và mọc lên nhan nhản - Ảnh: C.T.V

Dọc bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (TP.HCM) đâu đâu cũng là quán nhậu. Có đi mới thấy, quán nhậu bây giờ bất kể giờ giấc, ngày cũng như đêm, từ thứ Hai tới Chủ nhật, lúc nào cũng lúc nhúc người ngồi, uống bia lè nhè. Bạn Phi Long, SV Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM từng đi làm thêm ở một quán nhậu cho biết: "Nhiều người vô công rỗi nghề nhậu dữ lắm, họ bảo nhậu để giết thời gian, để cho đời đỡ buồn. Nhưng đỡ buồn đâu không thấy, chỉ thấy càng nhậu càng trở nên bét nhè. Tiền hết, tâm trí cũng mê mờ nên nhiều khi làm bậy dữ lắm. Em làm vì cuộc sống nhưng thấy cảnh ấy hoài em cũng xin nghỉ sớm để đi dạy kèm".

Thực tế có rất nhiều người không có công ăn việc làm thì sẽ "nhàn cư vi bất thiện". Chỉ biết nhậu, nhậu riết thành quen. T.T.P từng lao vào nhậu như điên chia sẻ: "Chỉ cần để mình trượt theo men bia, vào những cái cụng ly cùng những lời thách thức của bạn nhậu trong cơn say thì mình sẽ sai càng sai". Câu chuyện của T.T.P cứ bị ngập ngừng như một nỗi ân hận mà chàng thanh niên 25 tuổi từng gây ra cho ba mẹ: "Chỉ vì buồn chuyện tình cảm, lại chưa tìm được việc làm ổn định mà em đã "mượn rượu giải sầu", và cứ thế ngày nào cũng "móc túi" mẹ để có tiền nhậu. Nhắc đến em ân hận lắm…". Có lẽ nhiều bợm nhậu khác cũng đã từng yếu lòng để rồi trở thành nô lệ của bia rượu và những cơn say. Mỗi người một kiểu, nhưng đáng thương nhất có lẽ là những người trẻ bị tiêm nhiễm bởi người lớn. L.H.L (27 tuổi) bộc bạch: "Em lớn lên ở miền Tây sông nước, từ nhỏ chứng kiến cảnh ba nhậu suốt ngày, có khi còn bị lôi vào… nhậu chung nên em quen nhậu từ đó. Đến khi "lậm" bia rượu và từng đánh người ta trong lúc hăng máu do say, phải bồi thường tiền thuốc men mới nhận ra mình bậy quá. Tự trách mình và trách hoàn cảnh rồi sau đó vượt qua hoàn cảnh để chiến đấu với "ma men"". Bây giờ L.H.L đã trở thành thợ hàn và tuyệt đối bỏ nhậu, bởi với L đó là một quá khứ đen tối!

Song, có những người trẻ vốn có học thức nhưng lại lao vào nhậu như một cách để hưởng thụ và để… thăng tiến!? M, một bạn trẻ vừa tốt nghiệp bảo rằng: "Thời buổi này không biết nhậu thì không làm ăn được anh ơi". Có lẽ vì thế mà từ một cậu sinh viên tỉnh lẻ hiền khô, M dần dần tập tành uống bia, đi quán nhậu xem như một cách để giao tế. Nghe quan điểm của M, một bạn gái của cậu ngao ngán: "Có lẽ cuộc sống, công việc đã "đào tạo" cậu ấy, khi mà đàn ông ai cũng nhậu như một cách khẳng định mình thuộc… phái mạnh, lấy cớ bàn bạc, làm ăn, đủ hết". Tiếng thở dài thườn thượt của cô bạn ấy hẳn là một nỗi buồn của chuyện nhậu!

Quán nhậu nhiều lắm!

Một điều dễ thấy như đã nêu ở đầu bài là quán nhậu ở Sài Gòn, Đà Nẵng và nhiều thành phố khác chúng tôi từng qua nhiều vô kể. Ở Sài Gòn quán nhậu mọc dày nhất ở dọc bờ kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè và ven một số quận, huyện như Bình Chánh, Thủ Đức. Còn TP.Đà Nẵng khi đi dọc đường biển chúng tôi dễ dàng bắt gặp toàn là quán nhậu. Giờ giấc thì vô kể, từ sáng đến trưa, lúc nào cũng có người nhậu.

Với những hình ảnh đó tác động mỗi ngày chắc chắn nhiều người trẻ sẽ theo đà đó mà hấp thu một "văn hóa nhậu" theo kiểu "Nam vô tửu như kỳ vô phong", lúc đó thế hệ kế tiếp sẽ thế nào đây? Câu hỏi ấy cũng là trăn trở của rất nhiều bạn trẻ đã thấy được những tác hại kinh khủng của nhậu nhẹt đang làm "lũng đoạn" tâm hồn người trẻ. Họ lờ mờ nói về tác hại của rượu và nhiều chất kích thích khác: "Tôi nghĩ cái gì làm mình mất tự chủ, kích thích sự nóng nảy, tiêu tốn tiền vô bổ đều là những thứ cần tránh xa". Suy nghĩ đó cũng tương đương với cách nghĩ của một Phật tử tại gia đã nhận Năm giới quý báu, trong đó có giới thứ 5 rằng: "Con biết rượu và những chất kích thích khác có thể làm cho tinh thần và trí tuệ suy sụp nên con kiên quyết không sử dụng những chất ấy".

Kỳ 2: Hệ lụy

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày