Giới trẻ lên chùa học sống

Nguyễn Quốc Khánh (lớp 5, Trường Tiểu học Hoàng Diệu, Hà Nội) được bố mẹ đưa tới Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên để "tu sửa bản thân" do ở nhà chưa chăm học, hay “nướng” game. Ông anh Việt Anh thì tới đây tìm "cảm hứng" trước khi bước vào chiến dịch ôn luyện đi du học. Trước khi xuống núi, hai anh em phải "trình làng" một sức sống mới với bố mẹ.

Không chỉ người lớn tuổi mới lên chùa học thiền, giờ đây cửa chùa cũng mở cửa đón nhận các em nhỏ đến học Phật pháp trong đợt nghỉ hè. Nhiều cư sĩ là học sinh đang có những ngày học tập thú vị tại Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên (Vĩnh Phúc). 

"Ni cô" tương lai tuổi 9X Nguyễn Phương Hồng Nhung
   "Ni cô" tương lai tuổi 9X Nguyễn Phương Hồng Nhung

“Trong nửa tháng 6, nhà chùa tiếp nhận 13 em. Ai ở dưới một tuần thì không phải ghi vào danh sách quản lý nên con số cư sĩ chính xác chỉ tính được ở một thời điểm nhất định. Tôi tính sơ sơ từ đầu hè đến nay, nhà chùa đã đón nhận hơn 40 em. Có em là con sếp, có em là sĩ tử... Cũng có em bị khủng hoảng tinh thần do gia đình lục đục, trông mà tội” - thầy Thích Trúc Thạnh Phước – người hướng dẫn các cư sĩ cho biết.

Em Nguyễn Phương Hồng Nhung (lớp 9A2, Trường THCS Nguyễn Trường Tộ,  Đống Đa, Hà Nội) - lên chùa được gần một tuần. Từ sau Tết đến nay, cứ cuối tuần, Nhung lên để... thăm mẹ (Nguyễn Phương Lan, hiệu Hằng Giác) đang là ni cô ở đây. Bố mẹ ly dị khi em lên 5 tuổi, sau đó mẹ thoát tục đi tu, Nhung phải ở với bác.

Ở Hà Nội, Nguyễn Quốc Khánh ít khi rửa bát nhưng ở chùa thì phải tự rửa bát ăn của mình.

Ở Hà Nội, Nguyễn Quốc Khánh ít khi rửa bát nhưng ở chùa thì phải tự rửa bát ăn của mình.

Nguyễn Quốc Khánh - lớp 5A5 Trường Tiểu học Hoàng Diệu (quận Ba Đình, Hà Nội) thật thà: “Bố mẹ bảo lên đây để tu sửa bản thân do ở nhà em vẫn chưa chăm học, hay “nướng” game và chơi nhiều quá”.

Còn Nguyễn Việt Anh, anh ruột Quốc Khánh thì lên Trúc Lâm để tìm "cảm hứng" trước khi bước vào chiến dịch ôn luyện đi du học. Cậu học sinh lớp 11 Trường THPT Chu Văn An này khá sốt sắng với một tuần "tu" ở đây. Trước khi xuống núi, hai anh em phải "trình làng" một sức sống mới với bố mẹ.

Lọt thỏm trong số 13 cư sĩ là sĩ tử Vũ Thị Kiều Oanh, 19 tuổi, học sinh 12A3 Trường THPT Tiến Thịnh (Mê Linh, Hà Nội).

Bố mẹ của Oanh muốn con có không gian yên tĩnh ôn tập nên gửi lên đây từ đầu tháng 6, sau đợt thi tốt nghiệp.

Nhà Oanh không có điều kiện cho em đi ôn thi ở "lò luyện" nên đưa em lên đây tự ôn, vừa không tốn kém, lại có thể tĩnh tâm cho việc học.

Oanh chia sẻ: “Em sắp thi đại học rồi nên ở đây thấy rất tiện lợi, mặc kệ kết quả tốt nghiệp, âu sầu làm chi”. Tuy nhiên, Oanh nghĩ, có thể sau đợt công bố kết quả thi tốt nghiệp, nhiều sĩ tử khác sẽ ùn ùn lên chùa để ôn thi, chắc lúc đó cô bé sẽ phải xuống núi...

"Thoát tục", thoát lệ thuộc

Bước chân lên chùa, các em phải tạm thời "chia tay" những "chiếc alô", máy nghe nhạc, máy ảnh, laptop và rất nhiều thói quen "hiện đại" khác. Hành trang mang theo chỉ là chút đồ dùng cá nhân như bàn chải đánh răng, khăn mặt, dép, bánh ngọt, sữa, thuốc uống. Còn quần áo, nhà chùa lo cho mỗi người 2 bộ. 

Tự bưng bát, đi thẳng hàng đến nhà ăn là việc làm hàng ngày của các cư sĩ.

Tự bưng bát, đi thẳng hàng đến nhà ăn là việc làm hàng ngày của các cư sĩ.

 Cái khó đầu tiên (và cũng là lớn nhất) mà các em nhỏ nhận thấy khi ở chùa là sự thích nghi với một môi trường sống hoàn toàn khác biệt với cuộc sống thường nhật. Đang bị cuốn đi theo nhịp sống nhanh của xã hội hiện đại, đông đúc, nhộn nhạo, các em chợt cảm nhận một cuộc sống rất khác nơi cửa Phật, rất chậm và rất tĩnh.

Chính vì vậy, không ít em đã thấy rất khó khăn trong những ngày đầu sống tại một nơi tĩnh lặng, cảm giác như bị ngăn cách với thế giới bên ngoài.

Bên cạnh đó, các em cũng phải làm quen dần với các phép tắc trong chùa và học Phật pháp.

Tuy nhiên, sau một thời gian gửi gắm vào chùa, sinh hoạt theo một thời khoá biểu chặt chẽ, các em có một sự thay đổi rõ rệt trong cách nghĩ cũng như cách làm, trở thành những con người sống tích cực hơn, có ý thức hơn.

Trong số các cư sĩ nhỏ tuổi của Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên, Hồng Nhung là cư sĩ có "thâm niên" nhất.

Mẹ của Nhung là người xuất gia nên em thường xuyên lên đây học thiền. Trong 3 tháng hè, em tu tập trong 2 tuần liên tục. Sang tháng 7 này, vì bận học thêm nên cuối tuần em mới lên.

"Thời gian biểu" hàng ngày của Nhung là: sáng ngủ dậy từ 3h. Từ 3h30 đến 5h là thời gian thiền. Sau đó là buổi lao động nhẹ và ăn sáng. Đến 7h thì em đi lao động, có thể là quét dọn, nhặt rau… Nhung học Phật pháp lúc 9h, đến 10h30 thì về ăn trưa. Sau một tiếng ngủ trưa, đến 14h, em lại tiếp tục học Phật pháp. Đến 22h thì đi ngủ.  

Các cư sĩ đang dọn dẹp sau bữa ăn trưa.

Các cư sĩ đang dọn dẹp sau bữa ăn trưa.

 Hồng Nhung cho biết: “Chúng em sẽ phải tự làm tất cả, các thầy sẽ chỉ bảo nhưng không làm thay như ở nhà. Em sống thiếu cha mẹ từ nhỏ nên chuyện tự lập không có gì khó khăn lắm".

Quốc Khánh hồ hởi: Ở đây, học nhiều thứ rất lạ, học cách cư xử, học cách sống, học từ những cái đơn giản nhất như rửa bát, chắp tay vái các thầy khi gặp... Ở trường, nhiều khi em quên chào hỏi mọi người nhưng ở đây không chào là các thầy, các ni cô nhắc ngay.

Để các em nhỏ tăng khả năng tự lập và giảm bớt tính lệ thuộc vào các thiết bị công nghệ, các sư thường dạy: "Các con mà dùng mấy thứ đó thì tính lười vận động sẽ dầy lên. Giả dụ, các con muốn gặp thầy thì phải chạy đi gọi thay vì gọi điện thoại. Từ đó, thói quan ỷ lại sẽ không còn, các con sẽ tự thấy bản thân trưởng thành hơn".

Thầy Thích Trúc Thạnh Phước đùa vui: “Các em mới vào cứ như con trâu hoang, nghịch ngợm, tự do. Nhưng sau vài ngày sinh hoạt, các em tự nhận thấy bản thân mình dịu tính hơn, biết cách lo liệu cho bản thân khi không có cha mẹ bên cạnh".

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày