1.
Bác sĩ Kim Khánh buông ống nghe xuống, xem ở vùng bụng, lưng và hai cánh tay của ông Hoàng Khanh rồi hỏi ông một vài điều cần thiết, sau đó quay sang mỉm cười nói với cô Quỳnh Hương:
- Mẹ yên tâm! Ba chỉ bị sốt xuất huyết dạng nhẹ thôi, không cần phải nằm viện đâu mẹ ạ! Ba uống thuốc và nằm tĩnh dưỡng chừng một tuần là có thể đi chùa đánh chuông mõ được. Mẹ biết không, đang có dịch sốt xuất huyết đó! Bệnh viện quá tải, bệnh nhân phải nằm chung hai người một giường cũng không đủ chỗ, bệnh nhân còn kê thêm ghế xếp nằm ở ngoài hành lang.
Cô Quỳnh Hương từ nãy giờ rất lo cho ông Hoàng Khanh, cô sốt ruột chờ kết quả chẩn bệnh từ đứa con gái là bác sĩ của Bệnh viện đa khoa tỉnh đang khám cho ba, may sao Kim Khánh bảo bệnh của ông cũng không nghiêm trọng lắm nên cô Quỳnh Hương mới thực sự đỡ lo. Cô thở phào nhẹ nhõm, quay sang anh con trai Hoàng Khai dặn dò: "Mẹ đi chợ, con phải trực ở nhà xem ba có sai bảo điều gì không nghe!".
Khi mẹ và chị Kim Khánh đi rồi, Khai mới tỏ ra hối hận nói với ba: "Ba bệnh là lỗi tại con…" Ông Hoàng Khanh mặc dù đang sốt, nhưng nghe cậu quý tử của mình nói được một câu như vậy, cảm thấy phấn chấn, mỉm cười: "Ba không sao đâu mà!".
Ông bà Hoàng Khanh - Quỳnh Huơng chỉ có hai con, Bác sĩ Kim Khánh là chị, lấy chồng đã có hai cháu, ông cho đất làm nhà kế bên; còn Khai thì ở với ông kế nghiệp lái xe khách đường dài. Khai cũng đã có vợ hai con. Tuần trước xe khách của Khai bị va quẹt trên đèo nhưng rất may, mọi người trên xe đều an toàn, xe chỉ bị xây xát ở phía đuôi sơ sơ thôi, cũng nhờ vào tài xử lý thông minh nhanh nhạy của Khai, nếu không thì cả hai xe đều lao xuống vực sâu, khi đó tính mạng bao nhiêu hành khách không biết sẽ ra sao?!
Sau vụ này Khai đâm ra mất bình tĩnh, tự tin - đến hôm nay vẫn còn bàng hoàng khi nghĩ về những gì đã xảy ra mới mấy ngày trước. Ông Hoàng Khanh cũng đã từng trải qua bao nhiêu năm làm nghề lái xe khách, nên ông hiểu rất rõ tâm lý người lái xe trong những trường hợp như thế. Ông bảo Khai cho xe vào ga ra sửa chữa tu bổ cho đạt chỉ số an toàn, và Khai nên nghỉ ngơi thanh thản để lấy lại tự tin phong độ. Cho nên mấy ngày vừa qua ông để Khai đi chơi với bạn bè cho khuây khoả, không để Khai phải dọn dẹp vệ sinh, mà chỉ có một mình ông dọn dẹp xử lý bốc dỡ và bán gấp cái đống lốp ô tô phế thải có hơn 20 cái để sau hè nhà, cái đống lốp này khiến cho nơi đây ao tù nước đọng rất bẩn thỉu, mặc sức cho loài muỗi, bọ gậy tha hồ sinh sôi nảy nở. Dù ông đã cẩn thận đeo ủng, bịt khẩu trang, mang găng nhưng vẫn bị muỗi đốt, ông tưởng là không sao, ai ngờ ngày hôm sau ông bị dính sốt xuất huyết ngay. Ông mỉm cười suy nghĩ, có lẽ trong lúc dọn vệ sinh, ông đã làm tan nát và gây thương vong nhiều tổ ấm của họ hàng nhà muỗi cho nên ông mới bị dính quả báo ân oán.
Những lời Phật dạy hiện lên trong đầu ông về giới cấm đầu tiên trong ngũ giới: "Không sát nhân hại vật". Biết làm sao bây giờ! Họ hàng nhà muỗi thông minh kia nên thông cảm tránh xa con người, đừng làm tổn thương đến họ, mà nên tìm đến lập nghiệp chốn rừng xanh là an toàn nhất.
Ông Hoàng Khanh thấy Khai đang ngồi khoanh tay bên cạnh ông mà thương lắm! Cái thằng làm chi cũng được, chỉ mỗi tội không đi chùa, sợ ăn chay, hễ nghe đến ngày 30, mồng 1, 14, rằm là ngồi ăn cơm với cái mặt buồn thiu, nuốt tương chao không trôi; hễ nghe ba bận việc, tối phải thay ba chở mẹ đi chùa là cái mặt xìu như cái lốp. Ông dịu giọng nói khẽ vừa đủ cho Khai nghe: "Này Khai! Có lẽ ba phải nhờ con giúp chở mẹ đi chùa trong thời gian ba bệnh". Khai gật đầu trong tiếng "Dạ!".
Ông Hoàng Khanh nói thêm: "Ba thấy thần thái con không được tốt sau vụ quẹt xe. Bởi vậy, ba đã nói với mẹ con ra phố mua cho con một sợi dây chuyền vàng tây có tượng Bồ tát Quán Thế Âm, con đeo vào như đeo bùa hộ mạng. Ngày xưa mỗi lần cầm vô lăng là ba niệm "Nam mô Quán Thế Âm Bồ tát" không dứt, vì thế hơn 30 năm cầm vô lăng không có chuyện gì xảy ra. Hôm nay ba muốn con hãy học theo ba mà niệm Phật, niệm Bồ tát với tấm lòng thành là con sẽ được như ý, đi tới nơi về tới chốn".
Khai cũng gật đầu trong tiếng "Dạ!".
2.
Mấy đêm nay, Khai phải làm cái công việc buồn chán là thay ba chở mẹ đi chùa, một ngôi chùa nằm tít trên đồi xa, bên rìa thành phố cho nên rất yên tĩnh. Thực ra đây là một cái cốc, nói một cách văn hoa là ngôi tịnh thất, thôi ta cứ gọi là chùa đi, dù to nhỏ cũng là một ngôi chùa, tiếng gọi hay nhất và quen miệng nhất của mỗi Phật tử.
Sư cô trụ trì gặp được duyên lành. Mẹ của sư cô tuổi ngoài 80, đã chuyển giao quyền sử dụng một lô đất vườn khoảng hơn 1.000 mét vuông, đứng tên sư cô có thẻ đỏ hẳn hoi, để sư cô dựng chùa. Vậy là ngôi chùa được dựng lên hơn ba năm nay. Khi làm xong nhà, chánh điện chỉ lợp bằng mái tôn, tường xây bao che đơn sơ chỉ đủ chỗ cho khoảng 50 Phật tử, được như vậy là sư cô và Phật tử mừng lắm rồi, vì từ nay có thầy, có chùa để tu học.
Ông Hoàng Khanh, cô Quỳnh Hương, bác Phong, cô Mông Hoa là Ban nghi lễ được sư cô đào tạo tán tụng kệ kinh trở nên thuần thục, nếu vắng sư cô, họ có thể tự mình đảm trách trọn buổi lễ. Sư cô là một tu sĩ nữ được quý Phật tử đánh giá là có phạm hạnh rất tốt, sư cô tổ chức chương trình tu học đúng như mong muốn của quý Phật tử, chương trình tụng niệm kinh Pháp Hoa thường xuyên hàng đêm, xen kẽ cầu an, sám hối, cầu siêu…
Sư cô đứng ra lập một Ban hộ niệm cho những người sắp lâm chung với tiêu chí chỉ làm công đức đem đến sự lợi lạc cho bà con chứ không vụ lợi. Ông Hoàng Khanh và cô Quỳnh Hương cũng nằm trong Ban hộ niệm, cặp vợ chồng già này hoạt động Phật sự rất năng nổ. Nếu đêm nào thiếu họ thì có người trong Ban nghi lễ làm thay, nhưng thiếu họ thật sự hơi buồn. Ông bà này cũng thú nhận, nếu đêm nào không đến chùa trì kinh thì đêm đó áy náy trong lòng.
Như đêm nay, theo thường lệ, cô Quỳnh Hương đánh chuông, ông Khanh bệnh thì có một bác khác lên đánh mõ, sư cô bị viêm họng, đã có bác Phong làm chủ lễ thay.
Đang lúc bắt đầu buổi lễ, sư cô từ phòng trong nhìn thấy ở phòng khách ngoài kia chỉ có một mình Khai ngồi chờ mẹ, trong khi mọi người đã vào lễ Phật trong chánh điện. Vì sư cô đã nghe mẹ Khai kể hết về Khai, cho nên đây là cơ hội tốt nhất để sư cô thử nghiệm một công án riêng của mình để chuyển hóa một con người trẻ tuổi rất ghét việc đi chùa, đó là Khai.
Sư cô cầm một chiếc áo tràng lam mới toanh bước ra phòng khách chào Khai. Khai bối rối đứng dậy chắp tay bắt chước ba mẹ chào sư cô. Sư cô vừa đưa chiếc áo tràng cho Khai vừa cười hoan hỷ, nói rất nhẹ nhàng nhưng dứt khoát như một mệnh lệnh khiến Khai không thể chối từ: "Sư cô tặng anh chiếc áo này, anh mặc đi, rồi vào làm lễ với mẹ, anh sẽ thấy còn đỡ sốt ruột hơn là ngồi chờ đợi ở đây gần một tiếng đồng hồ nữa mới kết thúc buổi lễ".
Sư cô cài giúp Khai mấy hột nút thắt xong, ngắm nghía khen ngợi Khai mặc chiếc áo này vừa vặn và đẹp lắm! Khai thấy mình mạnh dạn hơn bao giờ hết, anh bước vào chánh điện hòa mình với mọi người đang trang nghiêm lễ Phật. Sư cô hứa đêm mai sẽ làm lễ cầu an cho Khai để anh có sự bình tâm trở lại với công việc lái xe, như vậy sẽ tốt hơn là làm lễ dương sao giải hạn tốn kém như một ông thầy tướng số nào đó đã khuyên Khai.
3.
Đối với Khai, có một kỷ niệm rất đáng nhớ trong đời là cái đêm sư cô tặng chiếc áo tràng lam để vào lễ Phật. Đứng trước Phật đài, Khai đã phát hiện ra một thứ ánh sáng kỳ lạ từ phía hào quang của Như Lai, một thứ ánh sáng mầu nhiệm mà ở nơi khác không hề có, Khai không thể giải thích nổi tại sao thứ ánh sáng ấy hấp dẫn mình đến thế! Nó dẫn dắt anh hướng về phía ngôi chùa trên đỉnh đồi heo hút ấy. Ánh sáng màu ngũ sắc soi rõ con đường đi lên chùa, đó là đường trở về an tịnh nhất để cho Khai an trú nương tựa mỗi khi gặp chướng ngại trên con đường đời vốn dĩ không bằng phẳng, dù cho tay lái của Khai có vững vàng đến mấy cũng có giây phút run tay xao lòng.
Bây giờ Khai mới hiểu lý do tại sao ba mẹ anh và những người Phật tử vẫn thường xuyên đến ngôi chùa này hàng đêm lễ Phật mà không thấy chán. Cái chất đạo đã ngấm vào trong Khai ngày càng nhiều. Mỗi tuần Khai chỉ có mặt ở nhà hai ngày, còn lại, cuộc mưu sinh đưa Khai đi theo xe trên tuyến đường Bắc-Nam. Nhưng thật kỳ lạ, những ngày nghỉ, không như dạo trước, Khai luôn bị cuốn theo bạn bè nhậu nhẹt bia bọt, nhưng bây giờ Khai đã thực sự thay đổi, hễ Khai ở nhà thì không đêm nào thiếu vắng anh trong buổi lễ Phật. Khai được sư cô thưởng cho món quà là một cuốn sách hay vì anh đã thuộc kinh A Di Đà, một biến kinh dài và khó thuộc.
Đất của chùa được những hộ Phật tử liền kề hiến cúng thêm khoảng 1.000 mét vuông nữa, vì vậy bác Phong, ông Hoàng Khanh phát động đóng góp công đức trồng cây cho chùa. Khai tự nguyện bỏ tiền túi ra đi mua cây giống về rồi hễ lúc nào rảnh là lên chùa trồng cây cùng với mọi người với tâm nguyện thiết tha hoan hỷ muốn đóng góp một chút công sức của mình. Sư cô nói với cô Quỳnh Hương: "Có hôm Khai đến trồng cây sau chùa lặng lẽ một mình, chỉ khi Khai ra về rón rén bỏ nhè nhẹ cuốc xẻng, sư cô mới hay là Khai có đến làm công quả".
4.
Một cái Tết nữa lại đến. Nhưng cái Tết này đối với gia đình của ông bà Hoàng Khanh - Quỳnh Hương ấm cúng hơn nhiều. Ông bà đang rất vui, không thể có cái Tết nào vui hơn cái Tết này. Sáng mùng một Tết, lần đầu tiên Khai lái xe ca chở cả nhà đi chùa đảnh lễ chúc Tết sư cô trụ trì và dự lễ cầu quốc thái dân an đầu năm, trên xe đầy đủ ông bà con cháu dâu rể nội ngoại, không thiếu vắng một ai.
Trong buổi tọa đàm đầu xuân, cô Quỳnh Hương là người chúc Tết và phát biểu ấn tượng nhất khiến cho người ta khó quên: "Kính bạch sư cô trụ trì, kính thưa quý vị Phật tử (...). Hôm nay con là người hạnh phúc nhất, niềm hạnh phúc này tuy là của gia đình con, nhưng sư cô là người hiểu hơn ai hết và sư cô là người đã làm nên niềm hạnh phúc này. Con thật sự rất vui và vô cùng biết ơn sư cô (...) Nếu gia đình nào cũng đến chùa đầy đủ như gia đình con hôm nay, thì có lẽ chánh điện sẽ không đủ chỗ…"
Sư cô vui mừng vì đầu năm mọi người hoan hỷ vui vẻ chúc tụng nhau những điều tốt lành, sư cô nói lên dự định của chùa sẽ sửa sang nới rộng thêm chánh điện và nhà ăn gấp đôi để có nơi chốn cho Phật tử đến tu học ăn ở.
Từ nãy giờ Khai ngồi khép nép trên chiếc ghế ở cuối phòng nghe mẹ và sư cô phát biểu, anh vui quá đưa tay xin được phát biểu: "Con xin được cúng dường cho chùa phần tôn mái lợp".
Bác sĩ Kim Khánh thấy em mình có hảo tâm như thế, chị đứng dậy thưa: "Con cũng xin cúng dường chùa 500 viên gạch ạ!".
Phật tử khác: "Con xin được góp 10 ngày công".
Và rất nhiều Phật tử khác nói lên hảo tâm cúng dường của mình.
Một ngày đầu xuân ở ngôi chùa nhỏ nằm trên ngọn đồi lồng lộng gió xuân, chùa mới bước đầu dựng xây nên còn tạm bợ, sư cô phải ở trong một gian nhà lợp bằng tranh, ăn uống sinh hoạt đạm bạc, mà nụ cười như nhiên an lạc lúc nào cũng có sẵn trên môi. Mọi người nhìn sư cô mà cảm thương, nước mắt dâng trào. Sư cô vội vàng cười, lên tiếng: "Đầu năm đầu tháng đừng có khóc nhè là không tốt đâu! Sư cô rất muốn quý vị Phật tử đến đây tu học, đừng bỏ sư cô mà đi là tốt rồi! Chùa mình dù còn tạm bợ nhưng đạo tràng thầy trò mình thương quý nhau nhiều, dìu dắt nhau tu học làm sao cho được sự an vui cho chính mình và cho gia đình là sư cô mừng lắm !(...)"
Tiếng vỗ tay của Phật tử vang lên sau mỗi câu nói của sư cô, cả thầy lẫn trò tràn đầy niềm hoan hỷ phấn chấn trong một buổi sáng đầu xuân lành lạnh, nhưng… ai cũng thấy ấm lòng và trong đôi mắt rạng rỡ của mọi người, long lanh những giọt lệ hạnh phúc.