Giọt nước mắt hiếu hạnh

GN - Trong các nhạc phẩm của Trần Tiến, nếu Giai điệu Tổ quốc là hùng khúc khải ca, Sắc màu là mê khúc hoang vu, Sen hồng hư không là thiền khúc trầm uyên, Giấc mơ Chapi là mị khúc đắm mộng thì bài hát Mẹ tôi của ông chính là lệ khúc buồn thương…

Tran Tien 2.jpg
Nhạc sĩ Trần Tiến và mẹ, năm 1984

Mẹ tôi là ca khúc khóc mẹ của nhạc sĩ Trần Tiến, là nỗi buồn sâu lắng được gửi gắm trong đó. Ca khúc tưởng nhớ về người mẹ đã khuất của ông. Trần Tiến, thằng cu Đểnh thuở xưa, đã kính dâng bài hát ấy lên bàn thờ gia tiên trong ngày giỗ mẹ. Trong nỗi hụt hẫng không thể nào lấp đầy lại được của những ký ức tuổi thơ ấm êm bên gia đình, ông khóc như trẻ con bằng cảm thức âm nhạc của mình. Khói hương, những nốt nhạc và giọt nước mắt thảo hiền tích hòa vào nhau, tương quyện với nhau thành lệ khúc buồn thương: Mẹ tôi.

Chưa khi nào ông thể hiện trọn vẹn bài hát ấy, dù ông cũng từng là ca sĩ đã du ca suốt một thời ngang dọc. Không phải vì bài hát có giai điệu quá khó đối với ông mà bởi vì cứ hát được vài câu, những hình ảnh của mẹ lại ùa về trong tâm trí ông, những kỷ niệm nhớ thương lại tràn về trong tâm cảm ông khiến ông không cầm được lòng mình, không sao ngăn được những giọt nước mắt nghẹn ngào trào ra. Cứ mỗi khi chạm vào bài hát, những giọt lệ lại vỡ òa, lăn dài trên má. Ông không hát được trọn vẹn bài hát thì những giọt nước mắt sẽ nhận lãnh sứ mệnh thay ông hát nốt bài hát ấy.

Sau gần 20 năm ra đời, bài hát lần đầu tiên được ra mắt khán giả qua giọng hát của ca sĩ Trần Thu Hà, cháu gái của Trần Tiến. Theo Hà Trần, đây là ca khúc rút gan, rút ruột của ông. Ca khúc tràn đầy cảm xúc về đấng sinh thành, là sự chiêm nghiệm sâu sắc với tâm thế của một người con đã lớn tuổi khi hồi tưởng về những lo toan, hy sinh và tình yêu thương vô bờ bến của người mẹ.

Chỉ đến khi con người ta đã trưởng thành, đủ trải nghiệm, đã là những bậc làm cha làm mẹ thì mới thấu hiểu những nỗi vất vả và tình yêu của mẹ cao quý đến nhường nào. Ông chia sẻ: “Tôi đã mong muốn viết về mẹ của tôi từ lâu rồi. Một lần, tôi đi diễn với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Hôm đó cũng là ngày giỗ mẹ tôi nhưng tôi vẫn phải đi diễn. Trong cánh gà tôi đã viết một nửa ca khúc này. Thế rồi tôi khóc, bao nhiêu năm trôi qua nữa, cũng đúng vào ngày giỗ mẹ, tôi mới viết xong bài hát đó. Hoàn thành ca khúc trọn vẹn rồi, tôi để lên bàn thờ cạnh hình mẹ chứ không có mang đi đâu hát cả. Tôi không hát nó vì khó lắm, mỗi lần hát lại khóc”.

Quả thực, khi nghe lệ khúc buồn thương này lần đầu tiên ta thấy vô cùng xúc động. Ngay từ lúc nghe những câu đầu của ca khúc này tôi đã rưng rưng rồi. Ngỡ như được trở về thuở lọt lòng, tấm bé. Như là một điều gì đó rất đỗi thân thương. Như một nỗi niềm rất đỗi thiêng liêng. Cái suối nguồn trong mát bất ngờ chảy ra từ sâu thẳm hồn ta. Ca từ bài hát, giai điệu bài hát cứ tự nhiên, miên man như lời ru dù ngân dài hay lặng nín.

Nghe lần thứ hai lệ khúc buồn thương ấy tôi vẫn thấy xúc động như khi nghe lần đầu tiên. Giọt nước mắt lại chảy ra, chầm chậm. Sau cái lệ nhòa là ta chuyển qua một không gian khác nhưng vô cùng thân thuộc với ngôi nhà xưa “Ngoài hiên, mùa đông cây bàng lá đổ”. Những hình ảnh của mẹ cha lại hiện về bên ta ấm áp, yêu thương. Trước đây hình ảnh mẹ cha đã thấp thoáng trong tuyệt khúc Quê nhà của ông: Bóng mẹ liêu xiêu trong chiều buông gió/ Nhớ thương đàn con phương trời nao/ Dáng cha ngồi đây ngn đèn lắt lay, bức tường vôi trắng.

Còn bây giờ hình ảnh của song thân được khắc khảm đậm đầy trong lệ khúc này: Ngày xưa cha ngồi uống rượu, mẹ ngồi đan áo; Ngày xưa m đắp cho con tấm khăn quàng cổ ấm hơi mẹ tôi; Ngày xưa bên giường cha nằm mẹ buồn xa vắng. Nhìn cha, thương cha chí lớn không thành… Ca từ giàu hình tượng, mộc mạc mà cô đọng, giản dị mà súc tích, sức diễn đạt như điển tích, sức lan tỏa rộng sâu, dễ ám ảnh thấm vào tâm cảm người nghe. Những hình ảnh mang tính ước lệ, giàu tính tạo hình có thể trở thành khuôn mẫu cho những bức tượng đặc trưng về người mẹ Việt: Trên dãy núi Thiên Thai, mẹ ngồi trông áng mây vàng. Nếu như chưa nghe bài lệ khúc này, chỉ cần đọc hai phiên khúc đầu tiên của tác phẩm chúng ta chắc sẽ lầm tưởng đó là một bài thơ.

Cứ mỗi lần nghe lệ khúc Mẹ tôi của nhạc sĩ Trần Tiến là một lần chạm vào nước mắt. Không phải giọt nước mắt chảy xuôi mà là những giọt lệ ngược chảy về khóe mi, giọt nước mắt nhớ mẹ thương cha. Trong mùa Vu lan này, ngồi nghe lệ khúc ấy, tôi lại nhớ mẹ tôi…

Nhưng cái điều làm nên sự lấy đi nước mắt người nghe của lệ khúc ấy là cảm xúc âm nhạc của bài hát. Giai điệu trong lệ khúc Mẹ tôi là nỗi lòng của Trần Tiến, cảm xúc chân thật của ông. Nghe bài hát mà ta muốn được sà vào lòng mẹ, thấy được hơi ấm của mẹ.

Khi đắm sâu vào giai điệu bản nhạc ấy, thẩm sâu vào cảm xúc âm nhạc bài hát ấy, ta sẽ được trôi về miền ấu thơ xưa thẳm, vỗ về ta như trầm miên vào giấc mộng. Cái cảm xúc đồng điệu với nhịp đập thổn thức trái tim những người con đối với cha mẹ, cái giai điệu miên mật với từng hồi rưng rưng nước mắt ngược chảy về nơi khóe mi. Mỗi một nốt nhạc là ngàn giọt lệ thế nên đến khi hết bản nhạc nước mắt đã thành biển sóng thét gào, sóng trào khơi xa, nỗi xúc động đã khiến trăng tàn sao rơi

Tôi đã từng ví ông là Trung thần thông Trần Tiến khi “Hoa sơn luận kiếm” về năm vị hiệp khách trong âm nhạc cho thỏa những con chữ mang âm hưởng kiếm hiệp của Kim Dung; cùng với Đông tà Phú Quang, Tây độc Nguyễn Cường, Nam đế Thanh Tùng, Bắc cái Phó Đức Phương, mỗi người có một chiêu thức và đường kiếm tuyệt luân hùng bá thiên hạ (trong bài Ngũ bá nhạc tuyền đăng trên tờ Sóng nhạc).

Kiếm pháp của Đông tà Phú Quang là chất hoài niệm lãng đãng, là sự tích hợp mùa đông-Hà Nội-nỗi nhớ vào ca khúc. Cái tuyệt luân của Tây độc Nguyễn Cường là tráng khúc về Tây Nguyên độc đáo. Trong một thời đoạn của âm nhạc, Thanh Tùng với những bài hát trẻ và buồn của mình đã lên ngôi Hoàng đế phương Nam. Người nhạc sĩ của sông-nước-núi-hồ với phong vị hoài cổ, Phó Đức Phương đã say uống cái hồn dân tộc rồi phả vào huyền khúc Trên đỉnh Phù Vân, miên khúc Chảy đi sông ơi… Ông đã bắc những cây cầu bằng âm nhạc để ta được trở về dòng sông Cái của linh thức Việt.

Còn chiêu thức của Trung thần thông Trần Tiến là gì? Là vô chiêu. Không bó buộc mình vào bất kỳ điều gì, tùy hứng. Âm nhạc của ông thiên biến vạn hóa. Mỗi miền đất ông qua, mỗi lĩnh vực được đặt hàng, mỗi đề tài ông đều có những bản nhạc đọng lại, sống với thời gian. Bởi ông có một trái tim rộng mở, ưa khám phá, dịch chuyển, thích sự phóng khoáng và một năng lượng giàu sáng tạo. Song vượt lên hết thảy, bao trùm tất cả phải là kiếm đạo. Cái triết lý nhân sinh, đạo lý làm người của ông và mỗi chúng ta chính là tình mẫu tử.

Tran Tien 4.jpg


Tác phẩm Mẹ tôi của Trần Tiến

Người ta gọi Trần Tiến là một trong bốn người bộ tứ Tráng sĩ sông Hồng với phong cách đầy chất ngẫu hứng, phong trần. Âm nhạc của ông đậm màu phiêu du như đời lãng tử giang hồ. Nhưng với lệ khúc Mẹ tôi không cần phải phiêu mới có được cảm xúc sáng tác. Nó đã nằm sẵn trong lòng ông tự bao giờ rồi, để bây giờ, khi “Con đã già rồi”, sau bao nhiêu trầm thăng với cuộc sống, chỉ cần tự sự với khuông nhạc là thành bài hát lấy đi nhiều nước mắt của người nghe đến thế. Nó đã thường trực sẵn trong máu thịt ông từ lúc nào rồi, để bây giờ, sau bao nhiêu trầm luân với đời, tiềm thức khẽ chạm vào chiêm nghiệm mà bật ra thành ca khúc được thính giả yêu mến đến vậy.

Từ trái tim người nghệ sĩ, những nốt nhạc vang lên, bài hát ngân lên rồi rung vọng vào lòng người nghe nhạc, và chạm tới trái tim người nghe. Trái tim - âm nhạc - triệu trái tim khác, lệ khúc Mẹ tôi của Trần Tiến đã làm vòng sóng trên mãi lan tỏa ra bởi những giọt nước mắt hiếu hạnh được gói ghém trong mỗi nốt nhạc. Những hình ảnh của riêng mẹ ông giờ đã thành hình ảnh chung của những người mẹ tảo tần, hết lòng vì chồng vì con. Những chiêm nghiệm đời người mà ông đúc rút: Mẹ ơi! Thế giới mênh mông, mênh mông không bằng nhà mình/ Dù cho phú quý vinh quang, vinh quang không bằng có mẹ giờ đã thành triết lý, tựa như ca dao mới về mẹ.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Tác giả, Phật tử Nguyễn Tường Bách trong khuôn viên vườn nhà - Ảnh: TGCC

Tác giả Nguyễn Tường Bách sẽ nói chuyện và giao lưu về chủ đề Sự phát triển của Đạo Phật tại châu Á

GNO - Nguyễn Tường Bách - tác giả, dịch giả của nhiều cuốn sách được nhiều người đọc yêu thích như Mùi hương trầm, Lưới trời ai dệt, Đêm qua sân trước một cành mai, Đạo của vật lý, Con đường mây trắng ... - sẽ có buổi trò chuyện và giao lưu xoay quanh chủ đề “Sự phát triển của Đạo Phật tại châu Á”.

Thông tin hàng ngày