Giữ Chánh niệm, trụ Chánh định

Bài giảng ngày 30-6-2019 tại Học viện Phật giáo VN - TP.HCM

GN - Mùa An cư năm nay, tôi hài lòng nhất vì Tăng Ni có tinh thần tu học rất cao. Đặc biệt khóa XII sắp ra trường, các thầy cô đã làm bài thi về kinh nghiệm hoằng pháp do tôi đảm trách mà đây là lần đầu tiên tôi hài lòng nhất, vì không có bài nào dưới điểm trung bình, đa số bài được hạng ưu. Điều này chứng tỏ nhờ tu học nội trú, các thầy cô đã phát triển được tuệ lực của mình, nên có được những bài viết có hồn, không phải viết lại theo sách.

thien-hanh-8-.jpg


HT.Thích Trí Quảng và chư tôn đức Hội đồng Điều hành Học viện

Sau đây tôi chia sẻ với huynh đệ về pháp tu mà tôi đã thực tập có kết quả là Bổn môn Pháp hoa kinh.

Bổn môn Pháp hoa kinh phát xuất từ khi tôi gặp Hòa thượng Trí Tịnh, Hòa thượng Trí Hữu và sau này là Hòa thượng Quảng Đức. Tôi nhận thấy ba vị cao tăng này có điểm đặc biệt hơn những người khác. Chúng ta tìm bạn tri thức, hay tìm thầy cũng tìm những vị như vậy.

Hòa thượng Trí Hữu tụng xong một bộ kinh Pháp hoa, ngài đốt một liều hương trên đầu, đến khi trên đầu không còn chỗ đốt hương, ngài đốt hương trên suốt cánh tay, cuối cùng ngài đốt rụng một ngón tay để cúng dường Phật.

Lúc đó tôi còn là Sa-di, tôi thưa với Hòa thượng rằng đốt như vậy có nóng không. Ngài dạy nếu thấy nóng thì đừng đốt, tức người tu có gì khác hơn người thường là đốt cháy da thịt mà không cảm giác nóng.

Vì vậy, học giáo lý khác với thực hành giáo lý có kết quả. Nhận thức sâu sắc lý này, khi tôi lớn lên được học với những nhà nghiên cứu có học vị, tôi phân ra được người có học khác với người có tu. Người có học luôn luôn phân tích kinh điển từng câu từng chữ và giải thích kỹ càng.

Người tu không cần giải thích nhưng có cái gì làm mình thấy phải  kính trọng họ, đó là bước khởi đầu đi vào con đường tâm linh tôi nhận ra.

Về sau, tôi thấy Hòa thượng Trí Tịnh cũng đốt rụng một ngón tay mà ngài cũng không cảm thấy nóng. Và khi làm việc chung với Hòa thượng, tôi thấy khác nữa là Hòa thượng ít tiếp khách và không tiếp khách. Tôi hỏi tại sao nhiều khách quan trọng mà ngài không tiếp. Hòa thượng nói khách càng quan trọng bao nhiêu thì càng phiền toái mình bấy nhiêu. Họ nói này nói nọ làm tâm mình xáo trộn khiến dễ mất Chánh niệm và Hòa thượng cho biết những gì mà tâm mình lắng yên biết được bằng trực giác, thấy trong Chánh niệm thì chính xác đến 90%. Còn suy nghĩ biết được chỉ đúng 40%, vì cái biết bằng suy nghĩ thuộc vọng thức, nên ít chính xác.

Hòa thượng Trí Tịnh suốt đời ở trong thiền thất, đó là bài học lớn mà huynh đệ sau này ra trường giáo hóa chúng sanh nên cân nhắc ý này. Dù chúng ta làm được bao nhiêu việc nhưng mất Chánh niệm, Chánh định vẫn ở trong sinh tử, dù tu gì cũng thuộc phước báo nhân thiên.

Từ ý này, Hòa thượng giảng dạy và phân ra cho chúng ta thấy có bốn hạng Bồ-tát khác nhau, đó là Bồ-tát ở Tạng giáo, Thông giáo, Biệt giáo và Viên giáo.

Tạng giáo Bồ-tát là gì. Đó là những người có lòng tốt ở trên cuộc đời này mà chúng ta hay bất cứ ai cũng cần có những người bạn tốt. Người tốt luôn nghĩ đến người khác và giúp đỡ người khác hơn là nhận của người khác. Các thầy cô nên suy nghĩ điều này. Dù chúng ta là Thanh văn, chưa phải là Bồ-tát, nhưng khi chúng ta xuất gia thọ giới Thanh văn và cũng thọ giới Bồ-tát thì chúng ta là Bồ-tát Thanh văn, hay Bồ-tát trên cuộc đời tất yếu phải khác hơn người thường. Điển hình là chúng ta nhìn kỹ thấy Hòa thượng Trí Tịnh là Thanh văn nhưng ngài cũng chính là Bồ-tát.

Tôi để ý thấy người ta thích mời Hòa thượng Trí Tịnh dự lễ trai tăng để họ được cúng dường ngài, nhưng Hòa thượng luôn từ chối vì ngài sợ bị tổn phước, hay mắc nợ.

Thật ra, nhờ phước tạo từ đời trước nên đời này xuất gia, ai thấy ngài cũng muốn cúng dường, là ngài có phước sẵn nhưng sợ hết phước. Hết phước thì không ai cúng nữa là điều quan trọng quý thầy cô phải cân nhắc.

Xuất gia hay tại gia vẫn có ý muốn giúp người hơn là nhận, đó là Bồ-tát nhân gian, hay Bồ-tát của Tạng giáo.

Đức Phật xuất hiện trên cuộc đời để giáo hóa Bồ-tát Tạng giáo. Thật vậy, đầu tiên ở  thời Lộc Uyển, Phật giáo hóa Bồ-tát Tạng giáo, Ngài khuyên mỗi thầy đã đắc quả A-la-hán, mỗi người nên đi một hướng để tặng cuộc đời cái gì mình đã được và làm như vậy, người mới quý kính. Còn các thầy chưa được gì thì lấy gì để cho. Vào đời mà chẳng có gì tặng người còn nhận cúng dường là tổn phước thêm. Những vị cao tăng ẩn tu là tránh sự thọ lãnh cúng dường.

Ngày nay mình có phước nhiều, ai cũng muốn cúng dường, mình nhận hết, thậm chí không dùng cũng nhận, điều này nguy hiểm. Tôi nhớ khi Phật tại thế có Tỳ-kheo được cúng quá nhiều y sau mùa Vu lan, ông đem tất cả y về. Phật hỏi thầy cần y nhiều như thế sao. Phật dạy nếu thầy thấy không cần thì đừng nhận, vì không cần mà nhận cũng mắc nợ người ta vậy.

Phải biết tích lũy công đức của mình là Bồ-tát Tạng giáo mới phát tâm tu Đại thừa. Nhưng từ Bồ-tát Tạng giáo, chúng ta đi lần qua Bồ-tát Thông giáo là gạch nối giữa Bồ-tát nhân gian và Bồ-tát mười phương, tức chúng ta có tu chứng rồi, có đời sống tâm linh cao hơn.

Chúng ta là gạch nối giữa Bồ-tát nhân gian và Bồ-tát siêu hình thì thích sống yên tĩnh hơn là sống với cuộc đời. Điển hình là Hòa thượng Trí Tịnh sống yên tĩnh để tiếp xúc với Bồ-tát mười phương mà chúng ta thấy kinh Đại thừa thường nhắc đến.

Và chúng ta đọc tụng kinh điển Đại thừa, ngồi yên suy nghĩ về Bồ-tát mười phương hơn là Bồ-tát trên nhân gian ưa nhiều chuyện.

Thuở nhỏ tôi có lỗi là ghét mấy chị, ghét Ni sư, nên tôi tránh, không tiếp xúc. Vì các bà, các chị đi chùa nhiều chuyện, các sư cô tiếp cận những bà này cũng trở thành nhiều chuyện nữa là Phật giáo suy đồi. Tiếp xúc với Bồ-tát mười phương sướng hơn tiếp xúc với những người này. Tuy họ phát tâm rồi, nhưng nghiệp chướng trần lao của họ còn nặng.

Tôi hỏi một sư Nam tông tại sao Nguyên thủy không độ Ni. Trong thời Phật tại thế còn có Ni, bây giờ các nước Phật giáo Nam truyền lại không có Ni. Một vị trả lời rằng tôi chưa đủ đức độ Ni dù Hòa thượng này là Trưởng lão tu lâu nhưng chưa dám độ Ni. Riêng tôi, nhớ bài học này cho đến bây giờ, thọ Cụ túc đã 60 năm nhưng tôi chưa dám độ Ni nào.

Tôi ngại nhất là độ chúng xuất gia là Ni. Phật độ được, các vị A-la-hán còn chưa dám độ. Mình chưa đắc quả nào thì sao độ được. Tôi học với các cao tăng nên luôn cân nhắc điều này.

Hòa thượng Trí Tịnh dạy tụng kinh Đại thừa để tiếp cận các Bồ-tát mười phương là điều quan trọng. Vì ta muốn làm Phật, hành đạo Bồ-tát thì phải học với Phật, với Bồ-tát. Đừng học với trần gian làm chúng ta kẹt với trần tục không thoát ra được.

Bồ-tát Thông giáo phát tâm thọ trì kinh Đại thừa tiếp cận các Bồ-tát để suy nghĩ về hành trạng của các ngài, vì chúng ta chưa gặp các Bồ-tát này mà Phật giới thiệu cho chúng ta.

Tiếp cận Bồ-tát mười phương vô hình bằng cách nào. Không còn cách nào hơn là ta phải dùng Chánh niệm, Chánh định. Vì vậy, tu không có Chánh  niệm, Chánh định không vào thế giới tâm linh được. Bắt buộc phải có Chánh niệm, Chánh định. Mất Chánh niệm, Chánh định chỉ là tu hình thức. Và có Chánh niệm Chánh định thì ít nói và không thích nghe chuyện bên ngoài, vì nó làm tâm chúng ta bị dao động dễ mất Chánh niệm.

Trên bước đường tu, cần tìm các vị Tăng có Chánh niệm, Chánh định để nương theo tu học. Thuở nhỏ, tôi tôn thờ Hòa thượng Trí Tịnh vì ngài ít nói và có Chánh niệm, Chánh định, ít tiếp xúc bên ngoài. Và mỗi lần gặp Hòa thượng, ngài hay kể tôi nghe những chuyện về Phật, về các vị Thánh tăng làm tôi có cảm giác ngài đã tiếp xúc với các vị này rồi, tôi có cảm giác mơ hồ không biết những chuyện ngài kể là thật hay giả.

Và tiếp xúc được với các Bồ-tát vô hình, chúng ta mới thấy khác là từ Nguyên thủy tiến lên Đại thừa; vì các Bồ-tát đã thông được với Bồ-tát mười phương nên các kinh điển Đại thừa từ đây mà ra đời.

Phải có những con người Đại thừa mới học được Đại thừa, hành Đại thừa và tu được Đại thừa. Những người căn tánh hạ liệt, đừng bàn Đại thừa với họ cho phí công, vì họ không nghe, không hiểu, không tin được Bồ-tát siêu hình.

Hòa thượng Trí Tịnh dạy tôi phải giữ Chánh niệm, Chánh định mới vào được thế giới siêu hình, mới gặp các Bồ-tát ở đó. Nhưng điều này cũng dễ rơi vô không tưởng, hay hoang tưởng thì nguy hiểm.

Tuy nhiên, có Chánh niệm, Chánh định thì hành giả nghĩ đến Bồ-tát nào là tiếp cận được với Bồ-tát đó. Vì vậy, Hòa thượng Trí Tịnh nghĩ về Bồ-tát Dược Vương và cảm Bồ-tát này, ngài mới dám đốt ngón tay mà ngắm nhìn nó cháy từ từ rồi rụng xuống. Thử hỏi anh em dám làm như vậy hay không.

Thực sự cảm được Bồ-tát Dược Vương mới dám làm thí nghiệm này. Đốt tay mà không cảm thấy nóng và không sợ, vì ngài đã có Chánh niệm, Chánh định. Tâm ngài đã ở trong định thì thân không tác động được ngài.

Bước theo dấu chân Phật, cố gắng thực tập điều này, chúng ta mới ở lâu trong nhà đạo. Không có sở đắc này, chúng ta chỉ có lý thuyết suông.

Vào định thật, người ta quên mất thân thì thân chết cũng không biết. Đó là sở chứng của Hòa thượng Quảng Đức, nên ngọn lửa đỏ rực đã bao phủ toàn thân ngài mà ngài vẫn ngồi bất động, thật trang nghiêm, không chút sợ hãi, y như ngài đang tọa thiền trên chánh điện. Việc làm siêu phàm này thể hiện sâu sắc rằng ngài đang nhập Chánh định để thiêu thân cúng dường Phật.

Hòa thượng Quảng Đức tự thiêu có làm đơn xin phép Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo. Vì tâm của ngài đã an trụ vững chãi ở Chánh định, ngài mới dám đốt thân mình và dám xin các Hòa thượng cho phép. Các Hòa thượng khác e ngại ngài nói như vậy thôi, nhưng lỡ đốt thân nóng quá không chịu nổi rồi bỏ chạy thì sao.

Thực tế cho thấy những người đau khổ quá muốn chết nhưng tự tử làm thân đau đớn thì họ lại sợ.

Hòa thượng Trí Tịnh và Hòa thượng Quảng Đức thọ trì kinh Pháp hoa và cảm được công hạnh của Dược Vương Bồ-tát, các ngài mới dám đốt thân.

Đốt thân tứ đại để được Pháp thân là điểm quan trọng nhất. Trong kinh Pháp hoa ghi rằng Dược Vương Bồ-tát nhờ đốt thân mà ngài trở thành Nhứt thiết chúng sanh hỷ kiến Bồ-tát. Hòa thượng Quảng Đức nhờ đốt thân trở thành Bồ-tát được tôn thờ, kính trọng.

Dược Vương nhờ đốt thân này chứng được Tam muội là Chánh định và chứng Giải nhứt thiết chúng sanh ngữ ngôn Đà-la-ni. Được Đà-la-ni này, nhìn người biết họ muốn gì, làm được gì, nên chỉ cho họ một lời khuyên có giá trị, họ liền quý kính ngài và đắc Đà-la-ni này thì biết rõ tâm người, nên cũng không bao giờ làm mất lòng ai.

Vì vậy, học kinh Đại thừa, học hạnh Dược Vương là học pháp Giải nhứt thiết chúng sanh ngữ ngôn Đà-la-ni, phải đốt thân này, bỏ thân này, không buồn giận lo sợ là đắc định mới có được huệ giải này.

Các bậc tiền nhân thực tập pháp này và đã đạt được kết quả tốt đẹp. Ta ghi nhận và thực tập, nếu không được hoàn toàn như các ngài, nhưng cũng được gần như vậy gọi là có linh tánh báo trước cho chúng ta điềm lành hay dữ sắp xảy ra, hoặc cho chúng ta biết được nên tiếp xúc hay không nên tiếp xúc với người nào đó. Đắc được Triền Đà-la-ni, chúng ta cảm nhận được điều này, nhưng tu chứng rồi thì thấy rõ, không sai lầm.

Bồ-tát Dược Vương ở xa, chúng ta không biết ngài ở đâu. Nhưng đọc kinh Dược Sư, chúng ta biết Phật Dược Sư đang ở phương Đông. Vì vậy, nếu tiếp cận được với Dược Vương Bồ-tát, ta học được ở ngài nhiều điều siêu tuyệt. Còn học với người đời thì được gì.

Theo tôi, Đức Dược Vương hay các Bồ-tát Đại thừa phát xuất từ kinh Nguyên thủy. Thật vậy, trong kinh Nguyên thủy ghi rằng xưa kia ở thành Tỳ Da Ly đã xảy ra nạn hạn hán ôn dịch làm nhiều người chết. Các tu sĩ Bà-la-môn tổ chức cầu xin thần linh tiêu trừ nạn dịch, nhưng không có hiệu quả gì. Người ta mới sang thành Vương Xá, trong đoàn có Kỳ Bà y sư là con của vua Tần Bà Sa La cùng đi với Phật.

Khi Đức Phật vừa mới tới thành đó, liền có một trận mưa vần vũ đã quét sạch nạn ôn dịch. Sau đó, Kỳ Bà Thánh y cho dân chúng những bài thuốc để ngăn chặn bệnh dịch không phát tán.

Nhưng nhìn xa hơn, Phật Thích Ca đã biến thành Phật Dược Sư, nói cách khác, Phật Thích Ca chính là hiện thân của Phật Dược Sư.

Thật vậy, dưới tầm nhìn của kinh Đại thừa, trong Tạng giáo, Phật nói rằng Kỳ Bà, Cấp Cô Độc cũng là Bồ-tát, dù họ là cư sĩ.

Nhưng từ Tạng giáo tu chứng qua Thông giáo nhìn xa hơn, đến phương Đông có thế giới Tịnh lưu ly và có Kỳ Bà Thánh y biến thành Duy Ma Cật, biến thành Dược Vương.

Tu hành đi vào thế giới huyền bí, chúng ta thấy sự thật, hay là tầm nhìn khác hơn người thường. Nghĩa là từ Tạng giáo tu chứng Chánh niệm, Chánh định, mắt huệ mở ra, thấy được chư Phật, chư Bồ-tát trong mười phương và hành giả học với các ngài trong thiền định, không phải học ngôn ngữ bên ngoài.

Trên bước đường tu, ban đầu học giáo lý bằng ngôn ngữ, nhờ đó dẫn chúng ta tiến xa hơn, chúng ta học trong thiền định, ngồi yên một chỗ mà nghe Phật thuyết pháp và đến với chư Bồ-tát mười phương.

Thiết nghĩ, chúng ta không vượt qua thế giới vật chất để thâm nhập vào thế giới thiền định, tu chứng Chánh niệm, Chánh định thì việc tu hành chỉ giậm chân tại chỗ và hiểu biết của chúng ta bằng với nhà nghiên cứu là cùng; nhưng chúng ta hơn họ ở chỗ tu chứng. Tu thì giống nhau, nhưng khác ở ngộ.

Như vậy, Bồ-tát Thông giáo mới thấy Kỳ Bà là Dược Vương, cũng là Duy Ma Cật, cũng là Nhứt thiết chúng sanh hỷ kiến Bồ-tát, vì vị này làm thuốc cứu người, nên ai cũng muốn gặp ông. Ý này nhắc nhở người tu hành làm được việc tốt thì ai cũng muốn thân cận, học hỏi. Nếu chỉ ôm bình đi xin ăn, không ai muốn gặp.

Vì vậy, từ Tạng giáo qua Thông giáo tiếp xúc với Bồ-tát mười phương, có kinh điển quyền Đại thừa diễn tả chư Phật và Bồ-tát mười phương phần nhiều các ngài do hạnh mà thành danh, tên của họ không phải do cha mẹ đặt, nhưng do công hạnh mà có tên tương ưng. Thí dụ các thầy gọi tôi là Hòa thượng Viện trưởng, vì tôi làm Viện trưởng.

Từ hạnh mà thành danh khiến người ta suy nghĩ Dược Vương là ông vua thầy thuốc, tức giỏi nhất về thuốc. Hay Thánh y Kỳ Bà cứu người thoát khỏi bệnh hoạn, nên họ quý trọng coi ông là thánh. Điều quan trọng ở chỗ chúng ta tu có kết quả tốt, làm lợi ích cho người.

Ở giai đoạn Thông giáo, chúng ta ngồi yên vào Chánh định, tiếp cận được chư Phật, Bồ-tát mười phương giúp chúng ta phát huy tuệ giác thấy được việc nên làm chắc chắn tốt hơn và quý hơn là tiếp xúc cuộc đời. Quanh năm ta không nói, nên không làm mất lòng ai, nhưng ta học với Bồ-tát những pháp cao quý, thậm chí ta theo các ngài làm việc gọi là làm quyến thuộc Bồ-đề của các ngài. Là quyến thuộc Bồ-đề thì chúng ta làm gì.

Khi tiếp cận chư Bồ-tát trong thiền định, chúng ta sẽ học được những việc làm đặc thù của các ngài. Và khi trở về thực tế cuộc sống, chúng ta dễ dàng làm được những việc đã học từ Bồ-tát nhờ được các ngài trợ hóa.

Thật vậy, các vị cao tăng làm được những việc lớn, nếu lắng tâm sẽ thấy họ có các Bồ-tát mười phương trợ hóa. Lý này Phật Thích Ca đã nói rằng Ngài giáo hóa được ở Ta-bà ngũ trược này nhờ có lực của chư Phật mười phương đồng trợ hóa. Còn chúng ta làm việc trên cuộc đời này, nhưng có Bồ-tát mười phương đồng hạnh đồng nguyện sẽ trợ hóa chúng ta hoàn thành tốt đẹp những việc lợi lạc cho nhiều người. Thực tế là chúng ta  làm việc gì mà có người cũng muốn làm việc đó, nên họ sẽ hợp tác với chúng ta. Vì vậy, các bậc cao đức làm việc đơn giản, nhưng có kết quả lớn.

Điển hình như Hòa thượng Nhựt Thiện chuyên thọ trì kinh Pháp hoa. Ngài là thầy của Thượng tọa Lệ Trang. Ngài nói khi đến tụng kinh hộ niệm cho đám ma, ngài đã có cảm giác mình nói chuyện trực tiếp với người chết. Và con cháu của người chết thấy cha họ về bảo rằng Hòa thượng Nhựt Thiện đã cứu cha, các con nên đến cúng dường vị này. Chuyện nghe khó tin, nhưng là sự thật.

Trên bước đường tu có người vô hình mà mắt thịt không thấy, nhưng người có độ cảm với thế giới vô hình như Hòa thượng Nhựt Thiện có độ cảm với người chết, mới khuyên được họ hướng tâm về Phật mà giải trừ nghiệp chướng để đi tái sanh. Thực sự vong hồn được cứu độ nên cảm đức của Hòa thượng và bảo con cháu cúng dường để trả ơn.

Như đã nói, khi có Chánh niệm và Chánh định, ta học được hạnh nguyện của Bồ-tát mười phương thì ta đồng hạnh đồng nguyện với vị Bồ-tát nào, vị đó sẽ hộ niệm ta, tác động ta làm được việc khó.

Cũng nằm trong lý này, riêng tôi gặp Hòa thượng Trí Tịnh và Hòa thượng Quảng Đức khiến tôi tự nhiên nghĩ đến Dược Vương Bồ-tát và tôi cảm ngài Dược Vương ở độ sâu giúp tôi nhận ra được từ tạng kinh Nguyên thủy đến kinh điển Đại thừa là con đường xuyên suốt hai chiều, từ gốc phát triển lên độ cao đưa Phật giáo lan truyền khắp năm châu bốn biển và từ độ cao ấy đi ngược trở lại cội gốc cũng không hề sai khác.

Như vậy, tôi đã cảm Dược Vương qua hai vị cao tăng và hai vị này cũng đã cảm Dược Vương, nên Bồ-tát này đã gia hộ cho hai vị thành tựu được những việc vô cùng quan trọng cho Phật pháp.

Với độ cảm tâm về ngài Quảng Đức, tôi đã làm bài kệ ca ngợi Bồ-tát như sau:

Thập phương thế giới trung

Thiêu thân cúng dường Phật

Thành tựu đệ nhất pháp

Duy hữu Việt Nam Tăng.

Chí tâm đảnh lễ vị pháp thiêu thân Quảng Đức Bồ-tát.

Duy nhất có vị Tăng Việt Nam là ngài Quảng Đức làm được việc cao quý như vậy.

Qua hạnh nguyện của Bồ-tát Quảng Đức, nhìn xa hơn, tôi thấy Dược Vương Bồ-tát ở phương Đông, tôi làm bài kệ tán thán ngài:

Quá khứ Phật Tịnh Minh

Liễu ngộ yếu chỉ kinh

Thiêu thân cúng dường pháp

Thành tựu quả Vô sanh.

Nhờ đốt thân, ngài mới chứng Vô sanh và từ Vô sanh, ngài ứng hiện thân sanh diệt để giáo hóa độ sanh, không phải bị sanh diệt chi phối.

Dược Vương thực tập pháp Phật và chứng được Vô sanh là giai đoạn hai từ Tạng giáo qua Thông giáo, tức từ thực tế bước qua đời sống tâm linh.

Anh em nỗ lực tu hành, giữ Chánh niệm và trụ Chánh định sẽ thấy được những việc bất khả tư nghì như tôi đã nói, hay thấy hay hơn nữa.

 HT.Thích Trí Quảng

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày