Giữ gìn bản sắc Việt nơi xứ người

Hòa thượng Thích Tịnh Quang chăm sóc cây cảnh cho ngôi chùa mới xây ở H.Củ Chi, TP.HCM
Hòa thượng Thích Tịnh Quang chăm sóc cây cảnh cho ngôi chùa mới xây ở H.Củ Chi, TP.HCM
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Biết Hòa thượng Thích Tịnh Quang từ nhiều năm trước và có đôi lần gặp Hòa thượng tại chùa Linh Thái (H.Hóc Môn) hay ở chùa Già Lam (Q.Gò Vấp, TP.HCM), nhưng vẫn chưa có dịp được hầu chuyện cho đến ngày cuối năm.

Đất đã chọn người

Những ngày gần cuối năm 2022, tôi có duyên thăm Hòa thượng tại ngôi chùa mới xây dựng ở H.Củ Chi, trước khi Hòa thượng lên đường trở về Pháp. Bên chung trà chế vội do vừa mới đi công việc ở tỉnh về, Hòa thượng Thích Tịnh Quang đã dành những phút thuật lại về những ngày tháng hành đạo của mình:

“Sau khi thọ Đại giới, tôi vào TP.HCM ở chùa Vạn Phước, rồi về trụ trì chùa Phổ Minh (Q.Gò Vấp), sau đó trở về thiền viện Vạn Hạnh làm phụ tá cho cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu.

Tôi chưa bao giờ nghĩ mình có dịp đi sang trời Tây, nên cũng không tìm hiểu nhiều về các sinh hoạt ở bên đó. Nhưng có lẽ, đất đã chọn người, tôi theo sự chỉ dạy của cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu lên đường sang Pháp làm phụ tá cho cố Hòa thượng Thích Thiện Châu, trụ trì thiền viện Trúc Lâm (Paris) từ năm 1995, rồi lưu lại hành đạo tại Pháp cho đến ngày nay.

Hòa thượng Thích Tịnh Quang

Hòa thượng Thích Tịnh Quang

Những ngày đầu, khi đặt chân đến Pháp, tôi vô cùng ngỡ ngàng. Cũng may, nếp sinh hoạt của cộng đồng người Việt ở Pháp cũng giống như ở Việt Nam, tôi dễ dàng hòa nhập và bắt đầu công việc của mình, dưới sự giúp đỡ của chư Tăng tại thiền viện và cộng đồng Phật tử người Việt tại đây”.

Sau khi Hòa thượng Thích Thiện Châu viên tịch, cuối năm 1999, được sự hộ trì của các Phật tử và đặc biệt là sự trợ duyên của Giáo sư Thái Kim Lan, Giáo sư Cao Huy Thuần, các đạo hữu Nguyễn Thị Phụng, Hầu Thu Đông, Lý Thị Yến, Hòa thượng Thích Tịnh Quang rời thiền viện Trúc Lâm để thành lập Phật đường Khuông Việt và điều hành công tác Phật sự tại đây, dưới sự hỗ trợ đắc lực của Thượng tọa Thích Thiện Niệm suốt nhiều năm qua.

Tên gọi Khuông Việt của ngôi Phật đường mới thành lập do cố Hòa thượng Thích Thiện Siêu, trú trì chùa Từ Đàm, cố đô Huế đặt. Ngoài ý nghĩa đây là tên của một vị quốc sư thời Đinh - Lê, Khuông Việt còn mang một ý nghĩa khác đó là nơi quy hướng đời sống tâm linh của bà con đồng hương Việt Nam tại nước Pháp. Theo sự cắt nghĩa của Hòa thượng, chữ “Khuông” trong âm Hán - Việt có nghĩa là giúp, Việt là Việt Nam. Cho nên Phật đường Khuông Việt là nơi giúp cộng đồng người Việt nuôi dưỡng đời sống tâm linh, cũng như giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc.

Tết Việt trên đất khách

Chia sẻ về không khí đón Tết cổ truyền tại Pháp, Hòa thượng cho biết, ở Pháp, cộng đồng người Việt cũng đón mừng năm mới như ở Việt Nam. Những ngày cận Tết, chùa cũng chuẩn bị lá chuối, nếp, đậu để gói bánh chưng, bánh tét. Trong tâm niệm giữ gìn được bản sắc riêng của Phật giáo và dân tộc Việt Nam, nên các vật dụng để trang trí chùa chuẩn bị đón Tết tại Phật đường Khuông Việt đều được chọn lựa và mang từ Việt Nam sang.

Việc lên ý tưởng thiết kế, xây dựng mô hình Tết rất tỉ mỉ, không dừng lại ở chuyện đón Tết vui xuân, mà còn nhằm giáo dục cho con em kiều bào sinh ra tại xứ người hiểu được những phong tục, tập quán của người Việt trong việc đón Tết cổ truyền. Ngoài ra những dịp lễ giỗ Tổ Hùng Vương, kỷ niệm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng,… Phật đường Khuông Việt và nhiều chùa Việt trên đất Pháp đều tổ chức những hoạt cảnh tái hiện lịch sử, để giúp các em hiểu về lịch sử hào hùng của dân tộc và cùng hướng về nguồn cội.

Theo Hòa thượng, do cộng đồng Phật tử, bà con kiều bào không quy tụ mà sinh sống rải rác trên đất Pháp, việc sinh hoạt và hành đạo cũng gặp khó khăn. Hầu như các sinh hoạt cộng đồng ở phương Tây đều chọn thực hiện vào ngày Chủ nhật để mọi người có thể tham dự đông đảo. Những dịp lễ Phật đản, Vu lan, riêng Phật đường Khuông Việt quy tụ khoảng 400 đến 500 Phật tử đồng hương về tham dự.

“Ở phương Tây, chùa Việt nói chung và Phật đường Khuông Việt nói riêng không chỉ dừng lại là không gian tín ngưỡng, mà chùa còn là nơi hội tụ văn hóa, giữ gìn các bản sắc truyền thống của dân tộc. Nhiều người bản xứ biết đến văn hóa Việt Nam thông qua việc đến chùa. ‘Mái chùa che chở hồn dân tộc/Nếp sống muôn đời của tổ tông’ mà”, Hòa thượng nhấn mạnh.

Tâm yên tĩnh, thế giới sẽ bình an

Chia sẻ về công tác hoằng pháp ở nước ngoài, Hòa thượng Thích Tịnh Quang nhận định chân lý Đức Phật giống như không khí, có thể đi vào tận mọi ngõ ngách tâm thức của chúng sanh, cho nên dù ở quốc độ nào đi chăng nữa thì giáo lý Đức Phật vẫn hoạt dụng, không trở ngại.

Hòa thượng kể, có lần, Hòa thượng được một người theo tôn giáo khác mời đến để hộ niệm cho thân nhân họ vừa qua đời. Khi thấy sự xuất hiện của vị Tăng sĩ ở một đám tang người khác đạo, mọi người không khỏi ngạc nhiên. Nhưng với sự thiết tha của thân nhân, Hòa thượng cũng đã làm tròn vai trò của người hướng dẫn đời sống tâm linh và đáp ứng sự tin tưởng bằng pháp an tâm cho gia đình người quá cố.

Với Hòa thượng, mọi hơn thua, tranh chấp ở thế gian này đều xuất phát từ lòng tham; con người sở dĩ đau khổ là do không đạt được những gì mình muốn. Vì vậy, mỗi người cần phải biết quán chiếu tinh thần vô tham và tri túc mà Đức Phật đã dạy.

“Trong kinh Di giáo có nói: ‘Tri túc chi nhân tuy ngọa địa thượng, du vi an lạc. Bất tri túc giả, tuy xử thiên đường, diệc bất xứng ý’, nghĩa là người biết đủ, dù nằm trên đất cũng vẫn thấy an lạc; trái lại, người không biết đủ, dù ở cung trời cũng không vừa ý. Vậy muốn có được một cuộc sống an vui, thanh thản, hạnh phúc chúng ta cần phải thiểu dục và tri túc. Tâm an bình, thế giới sẽ bình an”, Hòa thượng Thích Tịnh Quang nhắn nhủ.

Hòa thượng Thích Tịnh Quang (sinh năm 1954), hiện là Ủy viên Hội đồng Trị sự GHPGVN (nhiệm kỳ 2017-2022; 2022-2027), quê quán Thừa Thiên Huế. Hòa thượng xuất gia tu học với cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Huyền. Năm 1981 thọ giới Tỳ-kheo tại Đại giới đàn ở tổ đình Báo Quốc (Huế). Năm 1995, Hòa thượng sang Pháp làm phụ tá cho cố Hòa thượng Thích Thiện Châu, trụ trì thiền viện Trúc Lâm (Paris). Cuối năm 1999, Hòa thượng thành lập Phật đường Khuông Việt.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh minh họa

Làm sao đưa Phật pháp đến với tuổi trẻ?

GNO - Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng các chương trình chánh niệm tại trường học có thể giúp ích, đặc biệt là ở các cộng đồng nghèo, nơi học sinh phải đối mặt với mức độ căng thẳng cao hơn.
Lễ khởi công xây dựng nhà ở cho hộ nghèo tại H.Quan Hóa, sáng 21-11

Thanh Hóa: Ban Trị sự Phật giáo tỉnh khởi công xây dựng nhà ở cho hộ nghèo tại H.Quan Hóa

GNO - Thực hiện cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh theo Chỉ thị số 22-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sáng 21-11, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thanh Hóa đã làm Lễ khởi công, trao kinh phí xây dựng nhà ở cho hộ nghèo tại H.Quan Hóa.
Sư bà Diệu Không

Giáo sư Cao Huy Thuần viết về Sư bà Diệu Không

GNO - Mỗi lần nghĩ đến Sư bà Diệu Không, tôi lại liên tưởng đến bà Gotami, di mẫu của Đức Phật, vừa là mẹ nuôi vừa là Ni thánh. Tôi biết, nếu Sư bà đang ở đâu đó mà nghe tôi nói thế này, Sư bà sẽ quở tôi là phạm thượng. Nhưng tôi đành chịu tội bất kính vì nhiều lý do.
Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình "Bồ-tát trẻ tuổi"

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày