Giữ lòng không thịnh nộ

GN - Bên cạnh những thông tin liên quan dịch bệnh Covid-19 vẫn đang hoành hành ở Mỹ, Brazil, Ấn Độ… thì tuần qua, lũ lụt ở Trung Quốc cũng là dòng chủ lưu trên trang quốc tế của các báo.
lulutTQ.jpg


Mưa lớn gây lũ lụt tại Trung Quốc - Ảnh: AFP

Theo đó, cập nhật ngày 19-7, cho biết, lũ lụt tại Trung Quốc ảnh hưởng tới 27 trong 31 địa phương cấp tỉnh và gần 38 triệu người. Hơn 2,2 triệu người phải sơ tán và hơn 140 người chết hoặc mất tích. Giới chức Trung Quốc đã chi gần 86 triệu USD để khắc phục thiệt hại cho tỉnh Giang Tây, An Huy, Hồ Bắc, Hồ Nam và TP.Trùng Khánh, song thiệt hại có thể lên đến 12 tỷ USD. Vũ Hán và một số địa phương ở khu vực hạ lưu, nơi hàng chục triệu người sinh sống, đối mặt với nguy cơ ngập lụt mới.
Ngoài một số ít chia sẻ vì cảnh lầm than của người dân Trung Quốc, đồng cảm với họ do Việt Nam hàng năm cũng có những đợt thiên tai lớn nhỏ thì một số không nhỏ khác đã không ngại ngần bày tỏ sự… hài lòng. Phản ứng đó có lẽ vì liên quan tới “yếu tố Trung Quốc” - khi quốc gia này vẫn đang bất chấp luật pháp quốc tế, tạo ra những tranh chấp cũng như ức hiếp các nước láng giềng, trong đó có Việt Nam.
Tất nhiên, việc kiên quyết bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ non sông, từ đất liền đến vùng trời vùng biển, hải đảo thân thương mà máu xương cha ông đã đổ xuống để giữ gìn là điều mỗi người đều nên ghi nhớ. Đó cũng là nhiệm vụ thể hiện lòng biết ơn, trong thực hành tứ trọng ân của người học Phật (có ân quốc gia, thủy thổ). Song, việc đồng nhất giữa đấu tranh chống luận điệu sai trái của nhà nước Trung Quốc với thái độ trước những tai ương mà đất nước cũng như người dân nước này hứng chịu là không nên. Bởi vì, đó là hành xử khiến sự thịnh nộ, mất kiểm soát, thiếu từ bi trong chúng ta trỗi dậy.
Loại trừ “nhân tai” - sự tác động quá mức của con người vào tự nhiên - có một điều mà ít ai biết, đó là sông Trường Giang - Dương Tử từ thượng cổ đến trước khi đập Tam Hiệp được xây dựng, mỗi mùa lũ đều cướp đi vô số sinh mạng của cư dân đôi bờ.
Cụ thể, những cột mốc trong khoảng 100 năm trở lại đây cho thấy: có khoảng 100.000 người bị chết bởi trận đại hồng thủy năm Tân Hợi (1911); đến năm Ất Hợi (1935) thì đại hồng thủy Trường Giang lại cướp đi 142.000 sinh mạng; lụt lội năm Giáp Ngọ (1954) cũng giết chết 30.000 người…

“Thế nên 2 trận hồng thủy lớn trong tháng 7 này, Trung Quốc đã hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người là thành công rất lớn rồi”, một nhà báo nhận xét.

Còn nhớ, hồi tháng 2 vừa rồi, khi dịch bệnh bùng phát ở Vũ Hán (Trung Quốc), Giác Ngộ online có đăng bài viết “Máu ai chẳng phải máu người”, cũng nói lên ý này. “Với tính cách nói chung, và sự phủ mạnh toàn cầu, có nhiều yếu tố khiến người Trung Quốc không được lòng thiện cảm với nhiều người. Vâng, biết rằng như thế, nhưng hoạn nạn rơi lên đầu họ, cũng không bao giờ và không được phép để bất cứ ai đem lòng hả dạ” - tác giả Tuệ An viết.
Câu chuyện lũ lụt hôm nay cũng cần được khơi lại ý niệm này. Đức Phật dạy trong kinh Pháp cú: “Ý là dẫn đầu các pháp/ Ý làm chủ ý tạo”. Do vậy, với người Phật tử, cẩn trọng trong từng ý niệm, nhất là khi đó là ý chất chứa thịnh nộ, thiếu vắng từ tâm, vì nó có thể đẩy mình xa chân tâm, Phật tánh. Đó là chưa nói sự tương tức, nương nhau biểu hiện của mọi sự, mọi vật nơi Ta-bà này. Người ta khổ (dù ở nước khác), mình cũng không yên được đâu!

Chánh Quán

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Bà con vùng nhiễm mặn nhận nước lọc từ đoàn từ thiện Linh Quang tịnh xá

Đoàn từ thiện Linh Quang tịnh xá (TP.Vũng Tàu) trao 600 bình nước ngọt đến 300 gia đình tại Bến Tre

GNO - Sáng 24-4, đoàn từ thiện Linh Quang tịnh xá do Đại đức Thích Thiện Triều, Thư ký Ban Trị sự GHPGVN TP.Vũng Tàu (BR-VT) và Ni sư Thích nữ Phước Duyên, Phó trụ trì Linh Quang tịnh xá (TP.Vũng Tàu) tiếp tục trao 600 bình nước ngọt đến các xã đang gặp khó khăn về nguồn nước sinh hoạt tại tỉnh Bến Tre.

Thông tin hàng ngày