GNO - Được tổ chức từ ngày 5 đến 12-1-2013 tại chùa Kiều Đàm Di (Vaishali, Ấn Độ), Hội nghị Sakyadhtia (Hội nghị Nữ giới PG Thế giới) lần thứ 13 mang chủ đề “Phật pháp trong đời thường” với hơn 50 bài tham luận cùng nhiều cuộc thảo luận nhóm xoay quanh các đề tài: Nữ giới Phật giáo Ấn Độ; Nữ giới Phật giáo thế giới…
>> Khai mạc Hội nghị Sakyadhtia lần thứ 13
SC.Thích nữ Như Nguyệt (bìa phải) trình bày tham luận - Ảnh: L.Thuần
Ngay sau khi lễ khai mạc kết thúc, ngay đầu giờ chiều các đại diện Ni giới đến từ các quốc gia Phật giáo đã trình bày tham luận của mình. Nhiều bài tham luận của Ni chúng cũng như nữ cư sĩ Phật tử đã đem đến nhiều góc nhìn đa sắc diện về đạo Phật và chứng tỏ sự thay đổi, sự phổ biến của người nữ trong vai trò lãnh đạo Phật giáo tại Úc châu qua tham luận “Phụ nữ Phật giáo tại các cơ sở ở Úc” của nữ cư sĩ Anna Halafoff.
Đáng chú ý là tham luận về niên đại lễ thọ giới của Mahapajapati, bài tham luận đã nghiên cứu góc độ sử liệu gây nhiều tranh cãi về niên đại thọ giới của Mahapajapati - Ma Ha Ma Xà Ba Đề để đưa đến một sự nhất quán và kết luận chính xác về năm thọ giới của di mẫu Kiều Đàm Di do nữ Phật tử Kustiani trình bày.
Hay như tham luận của nữ Phật tử Linda LaMacchia đã mang đến nhiều cách nghĩ mới mẻ trong cách áp dụng âm nhạc Phật giáo như một hình thức trong việc truyền tải giáo lý Phật giáo đến mọi người.
Trong xã hội phương Tây vấn đề nam nữ bình quyền không còn xa lạ; nhưng tại các nước Á Đông việc thực hiện quyền bình đẳng giới đặc biệt là tại Ấn Độ; một đất nước vẫn còn bó hẹp nhiều cơ hội đối với nữ giới thì việc mở rộng quyền hạn của nữ giới luôn là vấn đề nhận được sự ủng hộ của quần chúng nhân dân. Đó cũng là lý do mà đại diện Ni giới của Việt Nam, Sư cô Thích nữ Như Nguyệt đã trình bày tại Hội nghị những quan điểm mở và mới về nữ giới trong xã hội Ấn Độ của các nhà tư tưởng tiến bộ.
Cư sĩ trình bày tham luận
Đại biểu nghiên cứu các tham luận trình bày tại Hội thảo - Ảnh: L.Thuần
Với các nước theo truyền thống Phật giáo Nguyên thủy thì việc chư Ni tham gia các hoạt động Phật giáo vẫn còn dừng ở mức hạn chế tối thiểu. Chính vì những ràng buộc về luật lệ này mà Tỳ-kheo-ni Huot Thavory đã chia sẻ và mang đến một cách nhìn khác qua sự thay đổi về vai trò của nữ tu và cư sĩ Phật giáo ở Campuchia.
Để lại nhiều ấn tượng và nhận được nhiều câu hỏi chất vấn nhất cũng như sự quan tâm nhất của các đại biểu tham dự hội thảo nhất là phần tham luận “Nghiên cứu trường hợp Trường Mầm non Than Hsiang” được minh họa bằng máy chiếu của Ni sư Zhen Yuan Shi đến từ Malaysia.
Bài tham luận đã nhận được sự đồng thuận của đông đảo các cử tọa vì sự thúc đẩy các hoạt động giáo dục Phật giáo trong cộng đồng, đặc biệt là việc chăm sóc trước và sau trường học cho 850 trẻ em lứa tuổi mầm non đang sinh sống, học tập tại Trường Than Hsiang do các Ni giới và nữ cư si thực hiện, quản lý.
Qua phần trình bày của các đại diện Ni giới Phật giáo nước bạn, Ni giới Phật giáo chúng ta không chỉ có cơ hội giao lưu, học hỏi mà qua đó còn mở ra và hướng tới để áp dụng nhiều cách làm, cách nghĩ tích cực khác thông qua các hoạt động Phật giáo mà các đại biểu tham dự hội nghị mang tới từ nhiều quốc gia khác nhau.