Bỡ ngỡ, háo hức và thành kính là cảm xúc chung của các em trước giờ khai lễ. Trung, học sinh lớp 12 trường THPT Trần Phú (Hà Nội) tâm sự: “Mặc dù luôn cố gắng học tập nhưng em rất lo lắng trước các kỳ thi sắp tới, nhất là thi đại học. Sáng nay đến đây, em mong được các Thầy tư vấn cách tự tin và giảm căng thẳng trước kỳ thi. Em cũng sẽ thành tâm cầu Đức Phật phù hộ cho em thi tốt”.
Đây cũng là suy nghĩ, cảm xúc và mong muốn của nhiều “sĩ tử” trước mùa thi, nhất là các em phải dự kỳ thi tuyển sinh vào đại học – kỳ thi mang tính quyết định ảnh hưởng đến tương lai học vấn và nghề nghiệp.
Thấu hiểu tâm nguyện của các bậc phụ huynh và các em, Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm – Trưởng ban Hoằng pháp Trung ương đã mời các vị học giả trong Phật giáo, các nhà giáo thế học, đến để chia sẻ và tư vấn về cách học, ôn thi và thi, cũng như việc hướng nghiệp.
7 giờ 30, chư Tăng quang lâm hội trường trong sự cung nghênh đầy thành kính của các em. Thượng tọa Bảo Nghiêm cùng chư Tăng, niêm hương, dâng lời bạch Phật, hành lễ cầu nguyện. Thượng tọa thay mặt các em cầu mong chư Phật tuệ quang thường chiếu, khai thị cho các em sáng tâm, sáng trí, mạnh khoẻ, tinh tấn và thành tựu trong các kì thi sắp đến. Các em quỳ trước tôn tượng đức Bản sư Thích Ca niêm hoa, chắp tay thành kính cầu nguyện. Không khí thiêng liêng ngập tràn, đầy xúc động. Sự niềm tin về sự gia hộ của chư Phật từ buổi lễ hôm nay chắc chắn sẽ giúp các em tự tin hơn, mạnh mẽ hơn, và an lạc hơn để vượt qua áp lực thi cử.
Sau lời động viên, sách tiến của Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm, ĐĐ. Tiến sĩ Thích Nhật Từ - Trưởng bộ môn Triết học HVPGVN tại TP. Hồ Chí Minh chia sẻ với các em về những tiền đề để có thể học tốt và thi tốt: sức khoẻ, tâm lý và nhận thức. Về sức khỏe, Thầy khuyên các em đi ngủ sớm và dậy sớm vào lúc 4 giờ sáng, không nên thức khuya cố học, vừa không hiệu quả, vừa ảnh hưởng đến sức khỏe. Về tâm lý, không nên căng thẳng, ức chế trước kỳ thi, đặc biệt là không nghĩ về thất bại. Kết quả của kỳ thi phụ thuộc vào cả năm học nên cần chăm chỉ học tập. Vào ngày thi, nên đến sớm 30 phút và làm quen không gian phòng thi, trường thi, và coi đó là trường mình, nhà mình để tạo sự gần gũi, thân quen. Thầy cũng gợi ý nếu thi môn toán vào buổi sáng thì nên ôn thi toán vào buổi sáng... để tạo nhịp sinh học thích hợp. Thầy khuyên các bậc phụ huynh không nên gây áp lực cho con em, và các em cứ nỗ lực học hết mình, thi hết sức, còn kết quả đến đâu không phải là vấn đề lớn. Về nhận thức, các em cần tin tưởng mình có khả năng, tin mình sẽ học tốt và thi tốt.
Thượng tọa Thích Tấn Đạt – Phó ban Hoằng pháp Trung ương chia sẻ với các em về một số tấm gương hiếu học cổ kim, như “tấm gương sống” hiện đang hành hoá là GS.TS. Lê Mạnh Thát, nhất là nhị vị tiến sĩ Thích Đức Thiện và Thích Nhật Từ đang an vị trên ghế chủ tọa ngay trong hội trường. Người thật việc thật, “dĩ thân vi giáo” – “lấy thân mình làm tấm gương mà dạy” vẫn là điều tối ưu trong sư phạm xưa nay.
Tiếp theo, ĐĐ. Tiến sĩ Thích Đức Thiện, TS. Phạm Thu Hương và các cư sĩ Huệ Minh, Trần Trọng Hoàng chia sẻ với các em về một số yêu cầu và kinh nghiệm học, thi hiện nay, về phương pháp tư duy và “mẹo học” hiệu quả, thiết thực. ĐĐ. Thích Tâm Thuần – trụ trì thiền viện Sùng Phúc hướng dẫn các em tập thở sâu, tập thư giãn khi học và thi.
Kết thúc buổi lễ, các em hào hứng, phấn khởi dâng lên chư Tăng bản đăng kí ước nguyện phấn đấu học hành và thi cử đỗ đạt; nhận từ chư Tăng chiếc lá bồ đề trí tuệ và tinh tiến, như là “chiếc bùa” bảo mệnh, hộ trì trên con đường học và thi của các em.
Sau “tiệc buffet chay” tại sân chùa, các em ra về, hăng hái và bình tâm hơn. Lan, học sinh trường Hồng Quang lặn lội từ TP. Hải Dương cho biết: “Qua buổi lễ hôm nay, em sẽ cố gắng áp dụng những điều nghe được để tự tin hơn, có phương pháp học và thi tốt hơn. Và em sẽ chia sẻ với các bạn cùng lớp của mình về buổi lễ hôm nay.” Cầu mong mọi điều tốt lành luôn ở bên các em. Giờ đây bên các em luôn có sự hộ trì của chư Phật từ bi và trí tuệ, chư Bồ Tát tinh tiến và bao dung.
Trên đường rời hội trường, trao đổi với chúng tôi, ĐĐ. Thích Nhật Từ bày tỏ: “Lễ cầu nguyện và tư vấn như thế này, cho dù mới là bước thử nghiệm nhưng chúng tôi tin là có hiệu quả và thiết thực đối với đời sống xã hội. Phật giáo cần và sớm đi vào cuộc sống; không nên né tránh bất cứ vấn đề nào, đối tượng nào. Chắc rồi đây, mô hình này sẽ được nhân rộng, tạo nên một truyền thống tốt đẹp trong hệ thống Phật sự nó chung và hoằng pháp nói riêng ở nước ta.”
Phương châm “Phật giáo đi vào cuộc đời, hoằng pháp độ sinh” rất cần những việc làm cụ thể, thiết thực, gắn với thực tiễn đời sống, hướng tới những đối tượng là tương lai của đất nước. Việc Phật giáo tư vấn mùa thi như tại chùa Bằng A nói trên là một mô hình rất cần được nhân rộng.
Một số hình ảnh trong ngày tư vấn và cầu nguyện mùa thi
Các em học sinh vân tập tại chính điện chùa Bằng A
Cung nghênh chư tôn đức quang lâm giảng đường hành lễ cầu nguyện mùa thi
Chư tôn đức lễ Phật
TT. Thích Bảo Nghiêm sách tấn, động viên các em
Các em học sinh từ Thiền viện Sùng Phúc biểu diễn văn nghệ
Chư tôn đức nhận bản đăng ký phấn đấu học tập
và thi cử đỗ đạt và tặng lá bồ đề - biểu tượng của trí tuệ cho các em
Anh Trần Trọng Hoàng - BTV trang Phật tử Việt Nam
chia sẻ về sử dụng Sơ đồ tư duy (của Tác giả Tonny Buzan) trong việc học tập
Phụ huynh đứng chật bên ngoài giảng đường
Bài: Huệ Minh - Trọng Hoàng;
Ảnh: Xuân Loan - Trọng Hoàng - Cẩm Vân
(Theo PTVN)