Hà Tĩnh: Tưởng niệm Phật hoàng và lịch đại Tổ sư

GNO - Sáng qua, 9-12, tại chùa Cảm Sơn - VP BTS GHPGVN tỉnh Hà Tĩnh (P.Đại Nài, TP.Hà Tĩnh), BTS Phật giáo tỉnh Hà Tĩnh trang nghiêm tổ chức lễ tưởng niệm 710 năm ngày Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết-bàn, tưởng niệm chư vị Tổ sư Phật giáo Hà Tĩnh qua các thời kỳ.

gui bao (33).jpg


Thành kính dâng hương tưởng niệm Đức Phật hoàng và lịch đại Tổ sư

HT.Thích Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Hà Tĩnh; TT.Thích Chiếu Tuệ, UV HĐTS, Phó Thường trực BTS GHPGVN tỉnh Hà Tĩnh; cùng chư tôn đức Tăng, Ni Ban Trị sự, chư tôn đức trụ trì các tự viện huyện, thị, thành, đông đảo Phật tử các đạo tràng trong toàn tỉnh về tham dự.

Đại diện chính quyền có ông Hà Văn Thạch, Trưởng ban Kiểm tra Tỉnh ủy; ông Dương Xuân Hòa, Phó ban Dân vận Tỉnh ủy; ông Đào Văn Hải, Phó ban Tôn giáo tỉnh; cùng đại diện một số phòng, ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh, thành phố, phường, khối phố...

Mở đầu buổi lễ, TT.Thích Chiếu Tuệ cung tuyên tiểu sử Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông, ôn lại cuộc đời và sự nghiệp, những cống hiến to lớn của Ngài với dân tộc và đạo pháp, sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ hộ quốc an dân đã từ bỏ ngai vàng, lên núi Yên Tử tu hành, lập nên Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

Trong không khí trang nghiêm, chư tôn đức Tăng Ni, Phật tử và khách quý đối trước tôn tượng của Ngài dâng nén tâm hương, thành kính cúi đầu đảnh lễ tri ân Đại Tổ sư, hướng lòng về non thiêng Yên Tử nơi Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông tu hành đắc đạo, lập ra Thiền phái Trúc lâm Yên Tử - một phái Thiền đặc sắc, nhập thế và rất riêng của Việt Nam.

gui bao (5).jpg
Chư Tăng tham dự

Lời tưởng niệm do HT.Thích Bảo Nghiêm cung tuyên có đoạn: “Trên tinh thần sắc tướng vốn không, mượn cảnh huyễn, độ người như huyễn, tử sinh nào có, nương thuyền từ độ kẻ trong mê, như Tổ sư đã dạy ‘Tất cả pháp không diệt. Ai hiểu được như vầy. Thì chư Phật hiện tiền. Nào có đến có đi’.

Do đó, dù thời gian có đi qua hơn 700 năm, không gian có biến dịch, song công đức, đạo nghiệp của Tổ sư vẫn còn sống mãi trong trang sử vàng son của dân tộc, của Phật giáo Việt Nam trong sự nghiệp hộ quốc an dân, đoàn kết hòa hợp toàn dân, phát huy Đạo pháp trong thời đại ngày nay và mãi mãi về sau. GHPGVN hôm nay nguyện tiếp tục sự nghiệp quang huy của Tổ, xây dựng một Tịnh độ tại nhân gian bằng tinh thần Phật giáo Việt Nam, con người Việt Nam và Dân tộc Việt Nam”.

Đại chúng bày tỏ một lòng thành kính cúi đầu đảnh lễ lịch đại Tổ sư, phát nguyện phụng trì Phật pháp, phát  huy chân lý đạo nhà, giữ gìn tổ ấn vàng son, làm rạng rỡ tổ ấn vàng son một cõi bền muôn thuở.

gui bao (36).jpg


Đông đảo Phật tử dự lễ

Trước đó, sáng sớm cùng ngày, HT.Thích Bảo Nghiêm đã cử hành nghi lễ cúng lịch đại Tổ sư, toàn thể chư tôn đức, Phật tử vân tập về chánh điện tụng kinh, niệm Phật, bái lạy Tổ sư.

Mỗi năm, vào dịp tưởng niệm Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn, Phật giáo Hà Tĩnh lấy ngày 3-11 (âm lịch) làm ngày tưởng niệm chư vị Tổ sư nhiều thế hệ truyền giáo, truyền giới kiến lập già-lam trên vùng đất xứ Nghệ, qua đó thể hiện tinh thần tri ân và giáo dục thế hậu lai có trách nhiệm với lịch sử của tiền nhân, luôn luôn trân trọng và gìn giữ, kế thừa và phát huy những tinh hoa của các ngài.

Dịp này là cơ hội hiện diện đầy đủ toàn thể chư Tăng, Ni trú xứ hành đạo trên vùng đất Hà Tĩnh tìm về cội nguồn trên bước đường tìm cầu giải thoát, hiểu biết thêm về lịch sử Phật giáo vùng đất Châu Hoan xưa, nơi Phật giáo xuất hiện đầu tiên qua câu chuyện Chữ Đồng Tử học đạo với Đại sư Phật Quang trên núi Quỳnh Viên, gần cửa Sót (cửa Nam Giới) năm 294 trước Công nguyên, thuộc Hà Tĩnh ngày nay.

Hồng Lam

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Phật giáo ứng xử như thế nào trước cơn bão truyền thông?

Phật giáo ứng xử như thế nào trước cơn bão truyền thông?

GNO - Đó là vấn đề được bạn đọc gởi về tòa soạn, trước hiện tượng Phật giáo, cụ thể là Tăng Ni, chùa chiền trở thành chủ đề châm biếm, chỉ trích trong dư luận, trên thế giới thông tin xã hội. Mời bạn đọc cùng theo dõi nội dung trên Báo Giác Ngộ số 1249, ra ngày 26-4.

Thông tin hàng ngày