Ở đây tôi chỉ đề cập đến những đám ma. Quan tài thường để trong nhà, nơi tiếp khách sử dụng một phần lề đường và cả một phần lòng đường. Người tham gia giao thông cũng dễ dàng thông cảm cho gia chủ, nghĩa tử là nghĩa tận mà.
Chứa thiện, được an lạc - Ảnh minh họa
Nhưng từ đó cũng có đôi điều để nói. Đó là những vòng hoa phúng điếu. Nhiều lắm. Nhiều nơi quá nhiều. Vòng hoa dày đặc từ trong nhà ra ngoài đường, treo quanh khu vực tiếp khách, treo trên các nhánh cây vệ đường... Càng lắm vòng hoa, chứng tỏ gia chủ quan hệ xã hội càng rộng. Sau khi quan tài người qua đời đã được đưa đi thì một số lớn vòng hoa ấy đã trở thành đống rác khổng lồ. Thật là phung phí không cần thiết. Giá mà số tiền để mua các vòng hoa đó được dùng để các mái ấm gia đình cải thiện bữa ăn, các trẻ mồ côi thêm chiếc áo ấm!
Thật ra cũng có nhiều đám ma rất văn minh. Hoặc gia chủ từ chối mọi sự phúng điếu. Hoặc gia chủ đặt một thùng nhỏ trước quan tài với hàng chữ đại ý sẽ dùng số tiền thu được vào việc thiện …
Một bản tin trên báo Tuổi Trẻ ngày 1-3-2014 có đoạn viết như sau: “Nhà nghèo, người mẹ bị ung thư, cả nhà chạy chữa tốn kém không biết bao nhiêu tiền. Thế nhưng khi đến viếng ai cũng xúc động trước dòng chữ hết sức chân tình: “Gia đình chúng con xin cám ơn cô bác đến viếng má con, theo di nguyện của má con xin miễn chấp điếu, mong bà con thắp cho má con một nén nhang và niệm A Di Đà Phật để má con siêu thoát… “Ai đọc những dòng chữ này cũng xúc động. Nhà nghèo, đám tang nghèo nhưng ấm áp, ai cũng muốn ở lại giúp cho bạn bè”.
Ngày hôm sau cũng trên báo Tuổi Trẻ, có một bản tin khác nhan đề: Những đôi vớ ấm áp: “Để giúp những người vô gia cư, ông giáo về hưu Tom Mc Namara chọn cách thiết thực là tặng vớ để giúp họ giữ ấm và lắng nghe câu chuyện của họ… Bạn tặng họ đôi vớ và họ nhảy cẫng lên vì sung sướng… Tôi bảo bạn bè và người thân thay vì tặng quà sinh nhật và giáng sinh, hãy tặng tôi vớ. Họ đáp lại rất nhiệt tình ngay cả những học sinh cũ và một số vận động viên cũng giúp quyên góp vớ giùm tôi…”.
Hai gia đình, ở hai phương trời, cùng dạy cho chúng ta bài học “cho và nhận”.
Bài học “nhận” ở câu chuyện thứ nhất. Người nhận xin không nhận tiền bạc, quà cáp, chỉ xin nhận một nén nhang với lời cầu nguyện giúp cho người quá vãng sớm siêu thoát.
Bài học “cho” ở câu chuyện thứ hai . Của cho chỉ là đôi vớ, nhưng rất thiết thực trong mùa đông rét buốt ở miền Đông bắc nước Mỹ và đặc biệt kèm theo là tấm lòng chia sẻ lắng nghe những tâm tình của người bất hạnh.
Đọc lại kinh Pháp cú, càng thấy thấm thía lời Phật dạy:
Nếu người làm điều thiện,
Nên tiếp tục làm thêm.
Hãy ước muốn điều thiện,
Chứa thiện, được an lạc.
(Kệ118, HT.Thích Minh Châu dịch)