GN - Chỉ còn vài ngày nữa Đại lễ Phật đản PL.2560 chính thức diễn ra trên khắp đất nước. Tại TP.HCM, không khí hân hoan Kính mừng Đức Phật đản sinh đã lan tỏa khắp các tự viện, các con đường, hẻm nhỏ. Vườn Lâm-tỳ-ni, lễ đài với cờ ngũ sắc, lồng đèn hoa sen được thiết trí, trang hoàng trang nghiêm tại trụ sở Phật giáo quận, huyện, các tự viện, tư gia và trên các con phố…
Phật đản năm nay, cùng với niềm hân hoan chung, chư tôn đức Tăng Ni, Phật tử TP.HCM còn có thêm một niềm vui khác: sau hơn một năm khởi công kiến thiết, công trình Việt Nam Quốc Tự đã xây dựng cơ bản tầng 1 vượt tiến độ; tại công trình này, lần thứ 3, BTS GHPGVN TP.HCM tổ chức lễ đài chính của Phật giáo thành phố… Ngoài lễ đài chính, Tuần Phật đản tại TP.HCM cũng được tổ chức nơi đây từ ngày 14 đến 21-5-2016 (nhằm ngày 8 đến 15-4-Bính Thân) với các hoạt động văn hóa, tâm linh phong phú: lễ Tắm Phật, thuyết pháp, tọa đàm, diễu hành xe hoa, văn nghệ, hoa đăng, phóng sinh, từ thiện xã hội…
Lễ cung thỉnh kiệu hoa Đức Phật đản sinh
Năm nay, cùng với các sự kiện Kính mừng Phật đản tại các tự viện, trước ngày diễn ra Đại lễ, BTS GHPGVN TP.HCM long trọng tổ chức lễ cung thỉnh kiệu hoa Đức Phật đản sinh từ Văn phòng BTS - tổ đình Ấn Quang đến lễ đài chính của Giáo hội Phật giáo thành phố - Việt Nam Quốc Tự. Theo đó, vào lúc 5 giờ, ngày mùng 9-4-Bính Thân (ngày 15-5-2016), lễ rước kiệu hoa thỉnh tôn tượng Đức Phật đản sinh theo lộ trình, bắt đầu từ tổ đình Ấn Quang, đường Sư Vạn Hạnh đến đường 3/2 vào cổng chào Việt Nam Quốc Tự (đường 3/2).
Chư Ni hân hoan thực hiện nghi thức Tắm Phật
Theo Ban Tổ chức, các nghi thức xuyên suốt trong lễ rước kiệu hoa thỉnh Đức Phật đản sinh sẽ do Ban Nghi lễ GHPGVN TP.HCM đảm nhiệm. Đặc biệt, theo sự hướng dẫn của chư tôn đức Ban Nghi lễ, lễ rước năm nay sẽ có khoảng 800 Tăng Ni trẻ là học viên của Khóa bồi dưỡng về Giới luật và Nghi lễ tại chùa Huê Nghiêm, quận 2 tham gia trực tiếp vào lễ cung rước.
Sau khi cung thỉnh kiệu hoa Đức Phật đản sinh đến an vị tại Việt Nam Quốc Tự, vào sáng ngày 9-4-Bính Thân, Ban Tổ chức sẽ chính thức cử hành lễ Tắm Phật trang nghiêm, thanh tịnh; Tăng Ni, Phật tử toàn thành phố sẽ trực tiếp cùng tham gia hoạt động tâm linh ý nghĩa này. Tại đây, Ban Tổ chức Khóa bồi dưỡng kiến thức về Giới luật và Nghi lễ cũng sẽ tổ chức bế giảng khóa học.
Đúng 4 giờ, ngày rằm tháng Tư, tất cả các tự viện, tịnh xá, tịnh thất, niệm Phật đường trên toàn thành phố đồng loạt trang nghiêm cử 3 hồi chuông trống Bát-nhã để rước lễ Đản sanh. Từ 5 giờ, ngày rằm tháng Tư, chư tôn đức Tăng Ni, Phật tử 24 quận, huyện vân tập đến lễ đài chính của Phật giáo thành phố để tham dự Đại lễ Phật đản PL.2560 được chính thức cử hành đúng 6 giờ sáng cùng ngày.
Bên cạnh đó, tại không gian lễ đài chính, Ban Hoằng pháp GHPGVN TP sẽ phân công chư tôn đức thuyết giảng suốt Tuần Phật đản. Ban Văn hóa GHPGVN TP.HCM cũng sẽ khai mạc hai cuộc triển lãm mỹ thuật Phật giáo Kính mừng Phật đản tại Việt Nam Quốc Tự và chùa Phổ Quang, quận Tân Bình.
Theo kế hoạch của Ban Tổ chức Đại lễ Phật đản thành phố, Đại lễ Phật đản và Tuần lễ Phật đản PL.2560 tại TP.Hồ Chí Minh năm nay sẽ được tổ chức quy mô, trọng thể, phát huy tính ưu việt của ngày lễ hội văn hóa tín ngưỡng dân tộc và lễ hội văn hóa tôn giáo thế giới. Đại lễ Phật đản năm nay đánh dấu thành tựu Phật sự trọng đại của GHPGVN thành phố trong năm 2016, hướng đến chào mừng Kỷ niệm 35 năm thành lập GHPGVN (1981-2016) và Đại hội đại biểu GHPGVN cấp quận huyện nhiệm kỳ 2016-2021.
Thắp sáng 7 đóa sen xanh “vì một thế giới sạch và xanh”
Bên cạnh các hoạt động của Phật giáo TP.HCM, Phật giáo quận huyện cũng thực hiện các hoạt động văn hóa, tâm linh đậm dấu ấn riêng. Tại khu vực dọc kênh Nhiêu Lộc, trụ sở Ban Trị sự GHPGVN quận 1 - chùa Vạn Thọ sẽ thiết trí lễ đài Phật đản, thiết trí không gian thiêng liêng với nhiều lồng đèn hoa sen bên kênh Nhiêu Lộc. Dọc dòng kênh, các chùa Pháp Hoa (Q.3), Quan Âm tu viện (Q.Phú Nhuận), chùa Viên Giác (Q.Tân Bình) sẽ thiết trí vườn Lâm-tỳ-ni, lễ đài, tổ chức hoa đăng, văn nghệ…
Lồng đèn hoa sen được thắp sáng Kính mừng Phật đản còn tạo nên sức sống, niềm hân hoan trong mùa Đức Phật đản sinh bên dòng kênh mới hồi sinh, giúp Tăng Ni, Phật tử và người dân quanh khu vực trực tiếp tham gia, hòa mình vào không gian tâm linh, đậm đà văn hóa Phật giáo.
7 đóa hoa sen được thắp sáng trên kênh Nhiêu Lộc
Đặc biệt, vào lúc 7 giờ, ngày 2-4-Bính Thân (ngày 8-5-2016), Ban Trị sự GHPGVN quận Phú Nhuận kết hợp với Quan Âm tu viện tổ chức hạ thủy 7 đóa sen xanh trên kênh Nhiêu Lộc (trước Quan Âm tu viện). Năm nay, 7 đóa sen trên kênh Nhiêu Lộc sẽ có màu xanh lá cây, nhằm truyền thông điệp giữ gìn môi trường dòng kênh xanh, bảo vệ môi trường mà chúng ta đang sống. Đây là ý tưởng của chư tôn đức BTS GHPGVN quận Phú Nhuận. Do đó, chủ đề của Tuần Phật đản của Ban Trị sự GHPGVN quận Phú Nhuận là “Sen xanh - vì một thế giới sạch và xanh”.
Vào lúc 18g, ngày 8-4-Bính Thân, tại lễ đài chính - Quan Âm tu viện, BTS GHPGVN quận Phú Nhuận sẽ thực hiện nghi thức khai kinh mở đầu Tuần lễ Phật đản. 18 giờ 30 cùng ngày, lễ thắp sáng 7 đóa sen xanh trên kênh Nhiêu Lộc - sự kiện tâm linh được mong đợi nhất của Tăng Ni, Phật tử - sẽ chính thức diễn ra. 19 giờ là chương trình văn nghệ Kính mừng Phật đản PL.2560.
Chư Ni tham dự lễ rước Phật đản sinh
Ngoài ra, tại Công viên Bồ-tát Thích Quảng Đức (ngã tư Cách Mạng Tháng Tám - Nguyễn Đình Chiểu, quận 3), BTS GHPGVN quận 3 sẽ thiết trí cổng chào và không gian Tuần Phật đản trang nghiêm để Phật tử đến chiêm bái. Tại đây, BTS GHPGVN quận cùng chư tôn đức Tăng Ni, Phật tử sẽ thực hiện nghi thức Kính mừng Phật đản đồng thời kỷ niệm ngày HT.Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân trước tôn tượng Bồ-tát Thích Quảng Đức vào sáng ngày 14-4-Bính Thân.
Với ý nghĩa của mùa Đức Phật đản sinh, thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, Ban Tổ chức Đại lễ Phật đản thành phố kết hợp các Ban Trị sự GHPGVN quận huyện, Tăng Ni, Phật tử tổ chức thăm viếng, cử hành lễ tưởng niệm vào sáng ngày 14-4-Bính Thân tại các địa điểm như sau: Tượng đài Bác Hồ (trước UBND TP.HCM), Tượng Quách Thị Trang (Công viên Bách Tùng Diệp, Q.1), Tượng đài Bồ-tát Thích Quảng Đức (Q.3), Nghĩa trang Liệt sĩ TP.Hồ Chí Minh (Q.9), Đài Tưởng niệm Chiến khu An Phú Đông (Q.12), Khu Di tích Lịch sử Ngã Ba Giồng (H.Hóc Môn), Đền Tưởng niệm Bến Dược (H.Củ Chi).