Hành hương lên đỉnh thiêng Yên Tử

GN - Yên Tử là ngọn núi vô cùng linh thiêng trong tâm thức người Việt. Cách đây hơn 700 năm, vị vua anh minh Trần Nhân Tông ở độ tuổi 35 sung mãn đã từ bỏ ngai vàng điện ngọc, về đây xuất gia tu hành khai sinh Thiền phái Trúc Lâm và được hậu thế tôn xưng là Phật hoàng - vị Phật của người dân Việt Nam. Cứ mỗi độ xuân về, du khách mọi miền đất nước lại hành hương hòa mình vào không gian linh thiêng khiến dòng người trẩy hội lên đỉnh non thiêng cứ kéo dài ra mãi suốt 3 tháng mùa xuân, dân gian từ bao đời nay truyền tụng: “Trăm năm tích đức tu hành, chưa về Yên Tử chưa thành quả tu”.

IMG_3074.JPG

Dòng người nối nhau lên chùa Đồng - Ảnh C.MK

Chính pháp Trúc Lâm trụ đất trời

Tết Nguyên đán Nhâm Thìn mưa rét là vậy, thế mà đến ngày khai hội Yên Tử thì thời tiết bỗng trở nên tạnh ráo và ấm áp lạ thường. Chúng tôi đến TP.Uông Bí từ chiều trước ngày khai hội, trải nghiệm không khí tĩnh mịch đêm Yên Tử.

Khác với chùa Hương vốn rất nhộn nhịp du khách về đêm, thì đêm Yên Tử lại rất thưa vắng khách. Nhưng từ tờ mờ sáng, hàng đoàn xe ô tô khách, ô tô du lịch nườm nượp đổ về. Chỉ mới hơn bảy giờ sáng, bãi đỗ xe sức chứa 2 nghìn xe ô tô dưới chân núi đã đầy ắp xe. Dòng người trẩy hội mỗi lúc một thêm đông đúc.

Trong lễ khai hội Yên Tử năm nay, du khách được thưởng thức lễ rước rồng, kiệu, bát bửu… do hàng trăm người dân thực hiện và màn hát kịch “Hào khí non thiêng” của Đoàn Chèo Quảng Ninh.

“Hào khí non thiêng” tái hiện lại sự kiện lịch sử cách đây hơn 700 năm: Đức vua Trần Nhân Tông sau khi chiến thắng giặc ngoại xâm Nguyên Mông, đã nhường ngôi cho thái tử Anh Tông, lên núi Yên Tử tu hành lập nên thiền phái Trúc Lâm. Vở ca múa kịch đã soi  rọi hình ảnh “Sáng mãi ngàn năm đức vua hiền/ Xông pha trận mạc dáng uy nghiêm/ Yêu nước thương dân vì nghĩa lớn/ Mênh mông ân đức tựa biển trời”.

TT.Thích Thanh Quyết, Trưởng BTS Tỉnh hội Phật giáo Quảng Ninh chúc phúc đầu năm mới cho người đi trẩy hội, bày tỏ: “Cách đây hơn 700 năm, tại non thiêng Yên Tử đã xuất hiện sự kiện hy hữu trong lịch sử Việt Nam và thế giới - đó là các vị đế vương nhà Trần về đây xuất gia tu Phật. Phật hoàng Trần Nhân Tông ở độ tuổi 35 với đầy uy danh hiển hách và cả dân tộc đang sống trong hào khí Đông A, hào khí Thái Bình thịnh trị, thế nhưng Ngài nhận thấy đây chưa phải là mục đích rốt ráo, mục đích tối hậu mà con người ta cần đạt đến, nên Ngài đã từ chối tất cả ngai vàng điện ngọc, lầu son gác tía để về Yên Tử xuất gia tu hành khổ hạnh đầu đà.

Tại đây, Ngài đã giác ngộ đạo lý: sống ở đời phải biết vui với đạo, sống ở đạo phải biết chăm lo đến đời. Đạo và đời hòa quyện không tách rời nhau để thành một chỉnh thể thống nhất. Từ đó Ngài được cả xã hội tôn vinh là Đức Phật của Việt Nam, là biểu tượng cao nhất của truyền thống Đạo pháp gắn bó với Dân tộc. Ngài là nhà tư tưởng văn hóa tôn giáo vĩ đại, là thiền sư khai sáng thiền phái Trúc Lâm. Núi Yên Tử từ đó trở thành Phật địa, thánh địa của Phật giáo nước nhà bền vững mãi mãi muôn đời: Thanh danh Yên Tử truyền Nam Bắc, Chính pháp Trúc Lâm trụ đất trời”.

 Để phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa danh thắng Yên Tử, trong năm vừa qua, địa phương đã tích cực tôn tạo nâng cấp di tích với tổng kinh phí hàng trăm tỷ đồng. Các công trình mới được tôn tạo: Chùa Suối Tắm, lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng toàn bộ tuyến đường hành hương từ chùa Giải Oan qua các điểm chùa lên đến chùa Đồng, dựng tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông. Ngoài ra, hệ thống cáp treo của Công ty Cổ phần Phát triển Tùng Lâm cũng tiếp tục được nâng cao công suất và số lượng ca bin, đảm bảo vận chuyển khách an toàn, nhanh, thuận tiện. 

yentu.jpg

Núi rừng Yên Tử

Danh sơn Yên Tử truyền Nam Bắc

 Danh thắng Yên Tử hội tụ hàng trăm điểm di tích lịch sử, thắng cảnh đẹp để du khách chiêm bái, thưởng lãm. Tọa lạc dưới chân núi là thiền viện Trúc Lâm Yên Tử xây trên nền dấu tích của chùa Lân - nơi xưa kia Đức Điều ngự Giác hoàng Trần Nhân Tông từng hành đạo, đây là công trình thiền viện lớn nhất Việt Nam. Để lên được đỉnh núi Yên Tử - nơi tọa lạc chùa Đồng, du khách trẩy hội phải vượt qua chiều dài đường bộ khoảng 6.000m với 6 giờ đi bộ liên tục qua hàng ngàn bậc đá, đường rừng núi... 

Hành trình lên Yên Tử ngày nay đã có 2 hệ thống cáp treo, từ chùa Giải Oan lên chùa Hoa Yên và từ Hoa Yên lên Cổng Trời, tuy nhiên phần lớn du khách vẫn chọn cách đi bộ truyền thống.

Hành trình thăm viếng Yên Tử bắt đầu từ suối Giải Oan. Tương truyền xưa kia vua Trần Nhân Tông nhường ngôi lại cho con là Trần Anh Tông rồi tìm đến cõi Phật. Các cung tần, mỹ nữ đã khuyên vua trở về cung gấm nhưng không được nên đã gieo mình xuống suối tự vẫn. Vua Nhân Tông thương cảm cho họ nên lập một ngôi chùa siêu độ để giải oan, từ đó con suối mang tên Giải Oan.

Chúng tôi đi cáp treo vượt quãng đường trên 1,2 km lên tới độ cao 450m gần chùa Hoa Yên, rồi leo bộ lên đỉnh núi. Từ trên cáp treo, được ngắm nhìn toàn cảnh rừng núi Yên Tử với những cây tùng, đại hàng trăm năm tuổi xen lẫn trong những rừng cây xanh tươi.

Chùa Phù Vân nằm ở độ cao 543m, với hàng cây tùng cổ tương truyền được trồng từ khi vua Trần Nhân Tông lên tu hành trên Yên Tử. Phía trên, ở độ cao 700m là chùa Vân Tiêu lẩn khuất trong mây bên triền núi.

Ngự ở trên đỉnh núi Yên Tử là chùa Đồng, được khởi dựng vào thời nhà Hậu Lê với tên gọi Thiên Trúc tự. Vào năm 2007, chùa Đồng mới được đúc hoàn toàn bằng đồng nguyên chất khối lượng 60 tấn (cao 3m, rộng 12m²).

1151.jpg

Chùa Đồng trên đỉnh non Yên

Vẻ đẹp của Yên Tử là sự kỳ vĩ của núi non hòa với nét cổ kính trầm mặc của hệ thống am, tháp cùng với đường tùng, thông, đại, trúc, mai mọc ở hai bên đường tỏa bóng mát làm cho du khách thập phương quên nỗi mệt nhọc đường dốc cheo leo.

Du khách “tẩy chay” các hàng quán, dịch vụ

Cứ nghĩ phần lớn du khách sẽ đi cáp treo, nhưng thực tế nhà ga cáp treo rất thưa vắng khách. Trong khi trên đường leo bộ đoạn nào cũng đầy ắp người trẩy hội. Rời nhà ga cáp treo Hoa Yên, chúng tôi không đi cáp treo tuyến 2 mà hòa vào dòng người đi bộ. Đường đi dần dần dốc cao, vực thẳm, mồ hôi vã ra trên từng khuôn mặt. Đám người leo núi mỗi lúc lại nhạt dần đi tiếng nói, tiếng cười. Nhiều người đứng thở dốc, thậm chí có người khụy xuống ngồi bệt trên các bậc đá.

Cứ khoảng 20 mét, bên đường đi lại có hàng quán bán đồ ăn, thức uống phục vụ du khách. Thế nhưng, hàng quán nào cũng không có khách. Một cô gái sà xuống chiếc ghế trong một quán ven đường, liền bị những người cùng đoàn lôi ngay đi, với những lời căn dặn: đừng ngồi chỗ đó, bị thu tiền “cắt cổ đấy”.

Tìm hiểu được biết, du khách trẩy hội đều bảo nhau “tẩy chay” các hàng quán ở đây, vì giá bán “trên trời”: một tô phở giá 80 - 100 nghìn đồng, một chiếc bánh mì kẹp xúc xích 50 nghìn đồng, một đĩa đậu phụ với chỉ 2 thanh đậu mà lên tới 60 nghìn đồng, một chai nước lọc giá 40 nghìn đồng... Để đối phó với vấn đề hàng quán bán với giá “cắt cổ” thì mọi người trẩy hội đều đem theo đồ ăn từ dưới chân núi lên, hoặc chuẩn bị sẵn từ nhà. Bởi vậy, ai cũng đeo trên mình chiếc ba lô lỉnh kỉnh những đồ ăn thức uống.

Gặp mỗi chùa, am du khách đều đặt lễ bằng tiền lẻ, vì vậy ở đây có rất nhiều người làm dịch vụ đổi tiền lẻ. Càng lên cao, mức đổi càng chênh lệch: đầu tiên là 10 ăn 8, sau rồi 10 ăn 6, lên đến tượng đá An Kỳ Sinh thì 10 ăn 4. Tôi chứng kiến tình huống khá thú vị: tại một bàn thờ Phật, mấy thanh niên trẻ trẩy hội khấn: Xin cho con đổi tiền chẵn lấy tiền lẻ. Họ đưa tờ tiền 50 nghìn, 100 nghìn vào hòm công đức, rồi nhặt lấy những đồng tiền lẻ trên đĩa mà những người trước đã cúng, đếm cho đủ bằng số tiền mà họ vừa cho vào hòm. Tôi bắt chuyện hỏi, một thanh niên chia sẻ: để đối phó với tình trạng dịch vụ đổi tiền lẻ với mức ăn chặn “cắt cổ”, giới trẻ truyền cho nhau cách tự đổi tiền kiểu này.

IMG_3040.JPG

Trải nghiêm - Ảnh: C.MK

Trải nghiệm gian nan để hòa mình vào trời đất

Trò chuyện với nhiều người, tôi mới biết người ta từ chối cáp treo không phải vì sợ tốn tiền. Thật ra, leo bộ còn tốn tiền hơn đi cáp treo, vì để cung cấp đủ năng lượng cho cuộc hành hương, chi phí đồ ăn để nạp năng lượng còn lớn hơn nhiều.

Mọi người hành hương về Yên Tử vẫn tâm niệm một điều, dù mệt mỏi, gian khổ đến mấy cũng phải leo bộ lên đỉnh thiêng bằng mọi giá. Người ta tin rằng với một lòng hướng Phật thì Đức Phật sẽ gia hộ cho đôi chân cứng cáp đủ sức vượt mọi gian nan. Sau cái vái lạy thành tâm ở tượng đá An Kỳ Sinh, mọi người lại tiếp tục lê bước tiến lên chùa Đồng. Đến quá trưa ngày khai hội, dòng người hành hương lên đỉnh thiêng Yên Tử vẫn như dài bất tận.

Chùa Đồng đây rồi, kỳ quan ngự lãm giữa trời. Đứng ở độ cao 1.068m trên đỉnh núi, nơi chùa Đồng tọa lạc, ta căng mình hít thở khí trời và thỏa mắt ngắm nhìn bình yên trần thế dưới kia, bao quát cả vùng Đông bắc rộng lớn. Du khách lên đến đây, nhiều người cố chen lên để được xoa tay, xoa những đồng tiền lộc lên chùa Đồng linh thiêng, khiến cho tường đồng hiện ra một màu đỏ au lấp lánh. Bàn tiếp nhận công đức nườm nượp dòng người tiến vào. Biết bao người đã không đi cáp treo, mà gian nan vượt núi lên đây để đưa những đồng tiền công đức. Chưa bao giờ, tôi được nhìn thấy một lòng tín Phật tuyệt vời và diễn ra trong khung cảnh huyền ảo đến thế. Một đồng tiền công đức, một cái chắp tay lặng im trong mây gió để cầu khấn đã trở thành điều thiện.

Chặng đường leo núi gian nan với mỗi người không đơn thuần chỉ là một chuyến đi lễ bái, du lịch. Mà cao cả hơn, ý nghĩa trên hết đó là con người ta đã chiến thắng được bản thân, đã hòa mình được vào trời đất, vào Phật để lọc bỏ những ưu phiền, yếu đuối trong tâm hồn để rồi Yên Tử thực sự đẹp, thực sự linh thiêng với những ai biết đi để cảm nhận giá trị cuộc sống.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cử hành nghi thức niệm Phật cầu gia bị

Bình Định: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh họp thường kỳ triển khai Phật sự cuối năm 2024

GNO - Sáng 11-12, tại Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh (114 Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp thường kỳ nhằm triển khai các công tác cuối năm 2024, góp ý dự thảo tổng kết Phật sự năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.

Thông tin hàng ngày