Hành trì & chánh nghiệp

GN - Hành trì là chỉ cho việc thực hành các phương pháp tu tập hàng ngày như ngồi thiền, tụng kinh, niệm Phật, trì chú v.v... Còn chánh nghiệp là những việc làm, hành vi chân chánh, đúng đắn phù hợp với đạo đức chung. Một người mà dù hành trì có giỏi thế nào mà hành vi không chân thật thì chẳng những việc hành trì không có kết quả mà còn gây phản cảm cho người khác.

aminhhoa.jpg
Hành trì Phật pháp phải gắn liền với đời sống thường nhật - Ảnh chỉ mang tính minh họa

Dân gian có câu, “Ăn mặn nói ngay còn hơn ăn chay nói dối”. Tôi đã từng không đồng ý với cách hiểu này. Vì ăn và nói là hai việc khác nhau. Người ăn đàng hoàng chưa chắc nói đàng hoàng, còn người nói đàng hoàng chưa chắc ăn đàng hoàng. Và việc nào đều có quả báo của việc đó.

Người ăn mặn thì mắc nghiệp sát sinh, còn nói ngay thì được mọi người tin tưởng, kính trọng. Người ăn chay mà nói dối thì không được người khác tin tưởng kính trọng nhưng tránh được nghiệp sát sinh. Trên phương diện nhân quả là như vậy, cái nào ra cái đó cho nên không thể nói cái nào hơn cái nào.

Tuy nhiên, qua thực tế cuộc sống với những hiện tượng diễn ra xung quanh mình, tôi dần thay đổi cách hiểu (không biết nên gọi cách hiểu hay là thái độ) đối với câu nói này. Tôi không còn thấy nó một cách khách quan, trung lập nữa, mà tôi rất đồng cảm với câu nói đó. Chắc người nói ra câu nói đó cũng đã thấy những hiện tượng gì đó, khiến bất mãn mà thốt ra như vậy.

Tôi biết có một người, anh ta thật sự rất tin tưởng Trời Phật. Anh ta thờ Phật và đủ các loại thần thánh cho tới thần Tài ông Địa cũng như thắp nhang và cúng kiếng rất chu đáo, thành tâm. Anh ta cũng tụng kinh, niệm Phật, trì chú rất nhiều. Tuy nhiên anh ta không phải là người tốt. Anh ta rất ích kỷ, chỉ nghĩ đến bản thân. Cái nào có lợi cho mình thì anh ta làm, còn làm việc đó có hại cho người khác, gây đau khổ cho người khác như thế nào cũng mặc. Nếu anh ta có giúp ai điều gì thì đều có mục đích nào đó.

Tôi có cảm tưởng rằng không có việc ác, đê tiện hay tiểu nhân nào mà anh không thể làm. Cái cách để anh ta khỏi bị cắn rứt lương tâm khi gây đau khổ cho người khác là: “Cái gì rồi cũng sẽ qua, không ai khổ hoài”. Chính vì thế mà anh ta đã vô tư bước qua nỗi đau của người khác. Anh ta gạt tình, gạt tiền hoặc cả hai và hưởng thụ cuộc sống một cách ung dung tự tại. Anh ta không cần nhớ là đã hại bao nhiêu người và hiện giờ họ ra sao. Chắc anh ta nghĩ họ không sao, bởi vì đơn giản là “cái gì rồi cũng sẽ qua”.

Tôi đã gặp một số nạn nhân của anh ta. Có người bị anh ta mượn một chỉ vàng mà không trả, nhưng vì là cấp dưới nên đành bỏ qua cho yên thân. Có cô nọ có chồng là người nước ngoài quen anh ta. Có bao nhiêu tiền nước ngoài gửi về đem lo cho anh ta hết. Đến khi chồng bỏ, gặp lúc bà mẹ bị bệnh hiểm nghèo, cô mới mượn tiền anh ta. Anh ta không cho mượn và tìm cách xa cô dần dần. Có người bị anh ta gạt tình lẫn tiền, đau khổ và bất mãn đến nỗi trở thành đồng tính… Anh ta vẫn tụng kinh, niệm Phật và trì chú mỗi ngày để cầu mong Phật phù hộ. Tôi không biết Phật có phù hộ anh ta hay không, nhưng mỗi lần nhìn anh ta lần chuỗi là tôi có cảm giác lợm giọng muốn ói, thấy nó giả tạo làm sao!

Đức Phật ra đời và thuyết pháp là để cứu khổ chúng sinh, chứ không phải tạo ra một cơ hội để có thể làm hại người khác mà không phải chịu quả báo theo luật nhân quả. Dù bạn rất mực tin tưởng Đức Phật nhưng sống ích kỷ và làm hại người khác thì sự tin tưởng đó, Đức Phật nói rằng, đó là phỉ báng Ngài, là không hiểu về Ngài một cách đúng đắn, không phải là đệ tử của Như Lai.

Những người hành trì theo nghi thức Phật giáo mà việc làm không phải là chánh nghiệp thì chẳng những không có Phật Trời nào chứng minh cho họ mà hơn nữa họ đang phỉ báng Chánh pháp, vì họ đã làm mất lòng tin về Chánh pháp ở nơi người khác. Cho nên, là một đệ tử chân chính của Đức Phật thì chúng ta nên có một đời sống phù hợp với Chánh pháp, từ ái, vị tha và đem an vui đến cho mọi người. Đó chính là câu niệm Phật nhiệm mầu nhất mà chúng ta hành trì mỗi ngày giữa cuộc đời vậy.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày