Ngày còn ngồi ghế nhà trường, cô đã từng ước mơ sau này trở thành giáo viên giống như các thầy, cô để có thể là ngọn đuốc thắp đường cho thế hệ đi sau... Và ước mơ ngày bé đã trở thành hiện thực. Hơn ba mươi năm gắn bó với "nghề đưa đò" là bấy nhiêu thời gian các cô đến với những mái trường vùng sâu, vùng xa. Như cái nghiệp và cũng là tâm huyết, niềm đam mê cho chữ không biết từ bao giờ đã ngấm sâu vào tâm thức. Để rồi khi về hưu với tuổi 54, cô vẫn tiếp tục cuộc hành trình gieo chữ, trồng người tại lớp học tình thương.
Bởi vì em muốn học
Đó chính là lý do tại sao các cô lại có niềm tin, không quản ngại khó khăn và bận rộn công việc để đến với các em hằng tuần. "Bởi vì em muốn học thì mình đến với nó là đúng rồi và đạo đức người đưa đò không cho phép mình từ bỏ các em", cô Bào khẳng định. Nhớ lại ngày đầu đến với lớp học tình thương, cô Láng chia sẻ: "Giờ nghĩ lại, không ngờ tôi lại có duyên với các em nơi đây. Mặc dù về hưu, nói thật chứ tôi rất lu bu với công việc gia đình. Nhưng trong một lần đến với mái ấm, nhìn thấy các em cầm tập học bài mà tôi thấy tội vô cùng. Tập thì nhàu nát, chữ viết nhòe nhoẹt, nét có nét không. Nhưng thương nhất là chép bài vào vở, đến lúc đọc thì các em phát âm không rành. Nghe em đánh vần chữ mà xót xa. Chịu không nổi tôi mới hỏi các em có muốn cô dạy cho học không? Các em trả lời là muốn. Như bản năng và máu yêu nghề tôi nhận lời dạy các em mà không cần đắn đo, suy nghĩ".
Nhưng do lớp học rải đều từ lớp một đến lớp năm nên mình cô Láng không thể nào lo xuể. May mắn là vài hôm sau, cô Bào đã đến chung tay cùng cô lo cho các em nên bài vở các em được quan tâm chu đáo hơn. Nhưng dạy vài tuần, cô Bào lại nghĩ: "Nếu chỉ với hai người mà kèm cho mười bốn em thì khó chỉ bài từng em một, sẽ khó lấy lại căn bản cho các em". Rồi nỗi lo lắng nhanh chóng qua đi khi cô gặp được cô Điệp. Qua lời gợi ý, cô Điệp đã vui vẻ nhận lời đến với lớp học tình thương. Hội ngộ với nhau như nghiệp nghề và lý tưởng cống hiến, ba cô giáo về hưu đã cùng nhau vun đắp cái chữ cho các em từ ngày đó.
Cho chữ, cho cả tình yêu thương
Tuần nào cũng vậy, cứ đến chiều các ngày thứ Hai, thứ Sáu là căn phòng học be bé của Mái ấm Kim Chi huyện Thủ Thừa lại vang lên tiếng đánh vần, tập đọc của các em và tiếng giảng bài văng vẳng của ba cô giáo về hưu. Lớp học rải đều từ lớp một đến lớp năm với mười bốn em học sinh do ba cô chia nhau đảm trách kèm bài, chỉ dạy. Mang tiếng là lớp học tình thương, nhưng lúc nào cũng vậy, các cô luôn truyền trao kiến thức cho các em rất bài bản, tỉ mỉ từng câu văn, sửa từng lỗi chính tả cho đến cả phép toán cộng, trừ.
Ngoài kèm bài cho các em vào buổi tối, các cô còn tự thân liên lạc với giáo viên chủ nhiệm của các em ở trường học. Như người đưa đò có trách nhiệm, cô luôn lắng nghe ý kiến nhận xét, góp ý kiến của trường học về tiến bộ hoặc tuột dốc của các em. Nhờ sợi dây liên kết, kết hợp chặt chẽ với nhà trường mà thành tích học tập các em thay đổi rõ rệt. Từ học lực yếu, trung bình các em lần lượt vượt bậc xếp lên hạng khá giỏi. Như em Triệu (học lớp năm), em Hưng, em Duy (lớp hai) từ học sinh trung bình- yếu giờ em là học sinh khá. Hay em An (lớp ba) từ học lực khá, giờ em là học sinh giỏi của Trường Tiểu học Nhà Dài huyện Thủ Thừa.
Chưa kể đến lúc đóng tiền trường, tiền sinh hoạt, bảo hiểm y tế... cô đều trực tiếp đến xin Ban giám hiệu xét giảm tiền xây dựng hoặc miễn giảm hoàn toàn cho các em. Vì lý do hết sức đơn giản, các em là trẻ mồ côi. Như niềm chia sẻ, không ít lần cô giảm tải bớt gánh nặng cho mái ấm những khoản tiền như thế.
Vậy mới hiểu nghề đưa đò thiêng liêng, cao cả biết dường nào. Bởi lẽ, "gắn với các cô những ngày đến với các em trong các buổi học là những ngày vô cùng có ý nghĩa. Cho các em cái chữ cũng là cho các em cơ hội tìm được nghề nghiệp sinh sống sau này. Nếu như niềm vui lớn nhất của các em là được cô đến dạy kèm thì niềm vui của chị em tôi lại là những kết quả học tập tiến bộ, biết vâng lời của các em. Dù dạy đau cổ hay mệt như thế nào, nhưng chỉ cần thấy các em rối rít khoe với nhau điểm mười hay vui khi được phê chữ giỏi là chúng tôi mừng rồi", cô Bào tâm sự.