Hành trình của chuyến xe quần áo 0 đồng

GN - Giữa mùa đại dịch SARS-CoV-2, đường phố vắng hơn hẳn ngày thường, nhưng ông cụ Nguyễn Văn Tư vẫn duy trì công việc yêu thích của mình là tặng quần áo cũ cho người nghèo.

Xe quần áo tự chọn giá 0 đồng

“Shop” quần áo cũ di động đã gắn với ông Tư (tên thường gọi Tư Ẩn, 81 tuổi) hơn 3 năm nay. Ngày nào ông cũng điều khiển chiếc xe điện hơn 50km, từ nhà (huyện Nhà Bè) đến điểm bán quần áo tự chọn, giá 0 đồng ở các quận trong nội thành thành phố.

Theo thường lệ, ông rời nhà từ lúc 6g sáng, lên quận 4 (điểm bán đối diện Công an phường 3); đến 9g, ông đi qua các quận 5, 7, 8, Bình Thạnh… rồi cho xe len vào các hẻm gần Bệnh viện Chợ Rẫy, chợ Thị Nghè. Khoảng 11g, ông trở về huyện Nhà Bè, xe quần áo phục vụ bà con xung quanh Khu công nghiệp Long Hậu và những khu vực gần nhà.

ANHAD (2).JPG

Công việc yêu thích của ông Tư là góp quần áo cũ bán giá 0 đồng đến người có nhu cầu

Chúng tôi tìm gặp ông Tư lần đầu khi ông đang đứng bán gần đường Tôn Thất Thuyết (quận 4). Cuộc trò chuyện đang diễn ra thì có một chị bán xôi từ chợ Hãng Dệt gần đó chạy ngang, thấy bảng giá quần áo tự chọn 0 đồng, chị ngạc nhiên và dừng lại hỏi. Ông Tư tận tình “tư vấn” và tìm giúp những bộ đồ phù hợp, cuối cùng chị cũng tìm được một cái áo ưng ý và rời đi với niềm vui rạng rỡ trên ánh mắt.

“Tôi mong cho bà con có một cái áo, cái quần mặc vào vừa vặn, để đỡ phần nào cho gia đình. Người nghèo mua gạo cũng tốn mất một khoản tiền, nếu có thể mua quần áo với giá 0 đồng thì cũng đỡ được một phần”, ông Tư tâm sự.

Xuất phát từ suy nghĩ đó, mỗi ngày, ông thường chọn lui tới những khu vực tập trung nhiều người nghèo, các khu vực có đông công nhân, người thu nhập thấp làm việc và cư trú… Đa số khách hàng của ông là người quen.

Ông Tư cho biết, mỗi khi đi bán, lúc nào ông cũng dự phòng quần áo nhiều gấp 5 lần nên không bao giờ sợ hết đồ để người ta lựa. Mặc dù công việc vất vả, ông Tư lúc nào cũng vui vẻ, nhiệt tình.

Ý tưởng tặng quần áo cũ có được sau khi ông Tư thực hiện chuyến đi đến nhiều ngôi chùa khắp các tỉnh thành, từ miền Tây sang miền Đông, miền Trung, thậm chí là đến tận miền Bắc. “Tôi thấy dân mình còn nhiều người rất nghèo nên bèn về nhà mua lại quần áo cũ rồi lấy xe tay ga chở đi tặng”, ông Tư nhớ lại những ngày bắt đầu với công việc tặng quần áo.

Kể về khoảng thời gian đó, ông cho biết, trước tiên ông chỉ tìm những người khó khăn xung quanh nhà, quanh khu công nghiệp, các khu công nhân ở nhiều để tặng quần áo cũ. Thấy ông vất vả, rồi phải tốn khá nhiều tiền xăng, có một mạnh thường quân đã mua chiếc xe điện mang đến tận nhà tặng cho ông để làm phương tiện di chuyển, chỉ với một điều kiện đó là “đừng nói tên họ cũng như xe bao nhiêu tiền”.

Khi được hỏi về những khó khăn gặp phải trong công việc, ông Tư cho biết điều cực nhất đối với ông đó là khi xe hết pin. Nếu trên đường có chỗ nào cho sạc pin nhờ thì ông có thể ghé vô, còn không thì phải nhờ xe thồ kéo về…

“Ông Tư là một người tốt”

“Con nên viết về ông ấy để giới thiệu đến mọi người nha. Ông ấy là một người tốt”, đó là chia sẻ của ông Cao Sơn, năm nay gần 80 tuổi (ngụ tại phường 3, quận 4) khi bắt gặp chúng tôi đang đứng chụp hình chiếc xe quần áo của ông Tư. “Tôi học từ ông Tư rất nhiều nên vào ngày rằm, tôi cũng mang quà đến cho những người khó khăn”, ông Cao Sơn cho biết.

Chị Dung - người thường hay uống cà-phê gần khu vực phường 3, đã gần như là người thân với ông Tư. Chị cùng với cô con gái và chồng đã thường đến phụ soạn quần áo lên xe cho ông Tư.

ANHAD (1).JPG

Xe quần áo lưu động giá 0 đồng phục vụ người nghèo

“Thấy ngoại Tư làm việc tốt thì tôi ra phụ thôi, ngoại có tấm lòng thương người nên tôi giúp soạn đồ. Có đồ cũ, tôi cũng soạn rồi mang ra đây. Cũng có khi thấy bộ đồ nào của ngoại hợp thì tôi cũng mua 0 đồng về mặc, chớ không có chê đồ cũ, mới gì hết”, chị Dung cho biết.

Mỗi sáng, chị Nguyễn Thị Ngọc Bích, con gái thứ 6 của ông Tư thường chạy xe ra nơi ông đứng bán để hỏi thăm ba trước khi đi làm. Chị chia sẻ: “Tôi cũng thích làm từ thiện mà đâu có nghĩ ra được như ba nên khi ba đưa ra ý tưởng tôi rất ủng hộ. Tôi chỉ lo là ba đã cao tuổi, nhưng mà nhờ đi như vầy, ba lại vui nên khỏe hơn”, chị Bích cho hay.

Một lần khác, khi đến nhà thăm ông Tư vừa gặp tai nạn, chấn thương nhẹ ở chân nên không thể đi bán quần áo được, chúng tôi vẫn thấy ông Tư tranh thủ thời gian ở nhà cùng vợ (bà Lê Thị Bé, 65 tuổi) sắp xếp lại quần áo.

“Làm nghề này không bao giờ nghỉ hết, mấy nay tôi nghỉ ở nhà do bị tai nạn, chân đau nên buồn lắm”, ông Tư nói. Quần áo cũ có khi được gửi bằng xe đò đến những ngôi chùa quê để tặng cho đồng bào nghèo ở miền Tây, hoặc các trạm y tế ở ngoài thành phố.

Trong căn nhà nhỏ của vợ chồng ông Tư, tiếng máy niệm Phật vang lên đều đều. Trước hiên nhà, một tôn tượng Bồ-tát Quán Thế Âm được tôn trí trang nghiêm. Ông Tư bảo: “Tôi mở niệm Phật để giúp cho mình luôn sáng suốt”. Ông Tư là Phật tử quy y tại chùa Hoằng Pháp (H.Hóc Môn) từ rất lâu, với pháp danh Thanh Toàn.

Nhờ biết đến đạo Phật mà ông Tư đã giúp nhiều người xung quanh biết “nhìn lại” và quay về. Ông vui vẻ kể rằng một người bạn của ông từng “làm nghề sát sanh nhiều quá” sau khi được ông khuyên nhủ đã “đi tu luôn”, người này hiện đang tịnh tu tại một ngôi chùa ở Đồng Nai.

Ông Tư bồi hồi nhớ lại thời quá khứ nghèo khổ, trải qua nhiều gian truân, từng đạp xích-lô, chạy xe ba bánh, mang thùng đồ ra ngoài đường sửa xe, làm xây dựng, làm tài xế… nhưng “Phật, trời thương” cho 6 đứa con của ông đều khỏe mạnh.

“Bây giờ, tôi niệm Phật bên trong mình, niệm thầm thôi cho bản thân mình được gia hộ năng lượng sáng suốt, từ bi của Bồ-tát để mình sống thiện, sống lành từng ngày”, ông Tư chia sẻ.

Hiện tại, các con của ông Tư đều đã có vợ, có chồng và có gia cảnh ổn định. Cuộc sống của vợ chồng ông Tư lúc xế chiều tuy không giàu có nhưng bình yên.

Và, với tâm niệm nếu còn khỏe thì phải làm việc để trả ơn đời, chiếc xe quần áo cũ giá 0 đồng của ông Tư Ẩn vẫn ngày ngày tiếp tục hành trình mang yêu thương đến những cảnh đời khốn khó.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cử hành nghi thức niệm Phật cầu gia bị

Bình Định: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh họp thường kỳ triển khai Phật sự cuối năm 2024

GNO - Sáng 11-12, tại Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh (114 Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp thường kỳ nhằm triển khai các công tác cuối năm 2024, góp ý dự thảo tổng kết Phật sự năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.

Thông tin hàng ngày